Về thăm Phủ Trịnh
Vùng đất cổ Biện Thượng (xã vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc ngày nay), nằm ở tả ngạn sông Mã. Đây là đất quý hương của dòng dõi 12 đời chúa Trịnh. Vùng đất này, trước mặt là sông, sau lưng là núi, gọi là thế “sơn quần thủy tụ”. Giai thoại kể rằng, xưa kia […]
Vùng đất cổ Biện Thượng (xã vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc ngày nay), nằm ở tả ngạn sông Mã. Đây là đất quý hương của dòng dõi 12 đời chúa Trịnh. Vùng đất này, trước mặt là sông, sau lưng là núi, gọi là thế “sơn quần thủy tụ”. Giai thoại kể rằng, xưa kia một thầy địa lý đến vùng này, thấy thế đất đẹp đã tiên tri “Vạn thủy thiên sơn giai triều phục”, ý là địa thế núi sông cho thấy nơi đây sẽ phát tích vương hầu, khanh tướng, nên làng Biện Thượng có câu: “Mạch tòng Hùng Lĩnh trung linh khí – Thế xuất công hầu tráng đế vương”. Điều đó đã ứng nghiệm trong thế kỷ 15-16, khi xuất hiện dòng dõi Nhà Trịnh trải 12 đời, phò tá triều đình Nhà Lê, gìn giữ giang sơn xã tắc.
Sau khi đánh đuổi Nhà Mạc, giải phóng Thăng Long năm 1592, Nhà Trịnh cho tái thiết cung điện của vua Lê và làm Vương Phủ Trịnh để cùng điều hành chính sự. Ngoài ra, Nhà Trịnh còn cho xây dựng một vương phủ ở quê hương làng Biện Thượng với quy mô nhỏ hơn. Đây là nơi thờ cúng tổ tiên, cũng là hành dinh của Nhà Trịnh trên đất Thanh Hóa trong công cuộc “phò Lê, diệt Mạc”. Trước đây, Phủ Trịnh được xây dựng trên vùng đất rộng hàng chục mẫu, với nhiều dinh thự uy nghi. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Phủ Trịnh chỉ còn lại một ngôi nhà ngói cổ 7 gian là nơi thờ các vị chúa, nằm khiêm tốn trong khu dân cư đông đúc, gọi là Phủ Từ, đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nhận thấy việc bảo tồn, tôn tạo và phục hồi Di tích Phủ Trịnh là việc làm cần thiết, góp phần tôn vinh công lao của các Chúa Trịnh đối với đất nước trong suốt 249 năm tại vị, năm 2015, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu Phủ Từ. Toàn bộ Khu Di tích Lịch sử Văn hóa có 29 hạng mục công trình, được xây dựng tuân thủ nguyên tắc truyền thống, giá trị lịch sử và đúng mô hình cung điện vua chúa.
Chúng tôi về thăm vùng đất quý hương Nhà Trịnh ngay trước khi công trình Phủ Từ cổ được hạ giải để trùng tu tôn tạo, bởi biết rằng nay mai ngôi nhà cổ bảy gian chỉ còn trong ký ức, nhường chỗ cho những công trình kiến trúc mới nguy nga đồ sộ hơn. Vương Phủ Trịnh không còn cảnh lộng lẫy lầu son gác tía, mà thời gian đã phủ bóng rêu phong. Nét cổ kính vẫn còn được lưu giữ trong những khối kiến trúc tồn tại hàng trăm năm. Chúng tôi biết, rồi Phủ Từ sẽ được phục dựng bằng những vật liệu của thời hiện đại, sẽ vẫn lưu giữ phong cách kiến trúc và mỹ thuật thời Lê-Trịnh, nhưng sao vẫn thấy lưu luyến từng viên gạch, hàng ngói có tuổi đời mấy trăm năm…
Rất may mắn, chúng tôi đã được gặp những người là hậu duệ của các đời chúa qua hàng chục thế hệ, nay đã là những bậc cao niên của làng xã, nghe các cụ kể lại chuyện xưa. Hàng ngày, các cụ trong dòng họ thường đến Phủ chăm lo hương khói cho tổ tiên, rồi quây quần trò chuyện, bàn việc họ việc làng. Công việc mà các cụ và lớp con cháu đang cùng bàn soạn là góp phần cùng Nhà nước thực hiện Dự án xây dựng Phủ Từ và các di tích phụ cận ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn, xứng tầm với những công lao đóng góp của Nhà Chúa trong lịch sử dân tộc. Cụ Trịnh Tiện ở xóm Hát, cụ Trịnh Phiêu ở xóm Nam kể cho chúng tôi nghe thời giặc Pháp ném bom vào Phủ Từ, may không trúng nhà thờ mà trật ra vườn, nên di tích không bị phá hủy.
Di tích Phủ Trịnh gắn với lễ hội thờ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, người có công sáng lập ra Vương nghiệp Nhà Trịnh, lập nên một thể chế chính trị đặc biệt: Vua – chúa cùng điều hành đất nước, “vua trị vì, chúa chấp chính”. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ chúa Trịnh Kiểm (18-2 âm lịch) con cháu dòng họ Trịnh cùng nhân dân, du khách thập phương lại tụ hội về, dâng hương chiêm bái.
Chúng tôi gặp ông Trịnh Đình Hưng, Chủ tịch Hội đồng họ Trịnh Việt Nam thời điểm đang xây công trình lăng miếu thờ chúa Trịnh Tùng. Ông chia sẻ: “Con cháu họ Trịnh chúng tôi mong muốn hậu duệ kế tiếp ông cha, chung tay góp sức xây dựng quê hương Thanh Hóa giàu đẹp; tham gia đóng góp trùng tu di tích để nhớ về nguồn cội”. Bởi vậy, suốt hàng chục năm qua, ông Hưng cùng các thành viên trong hội đồng dòng họ nỗ lực kêu gọi con em khắp mọi miền đất nước và nước ngoài tích cực công đức, trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, để từng bước xây dựng các công trình thờ tự, lăng mộ trong Quần thể Di tích Phủ Trịnh ngày càng khang trang hơn.
Cách Phủ Chúa Trịnh không xa là Nghè Vẹt, thờ thành hoàng Đô Bác Đại vương Trịnh Ra – một vị tổ của dòng họ Trịnh, phối thờ thân mẫu chúa Trịnh Kiểm và các chúa, ngoài ra còn thờ Thần Chim Vẹt. Về tên gọi Nghè Vẹt và nguyên nhân đưa tượng Thần Chim Vẹt vào thờ, tích xưa kể lại rằng: Lúc bấy giờ Nhà Mạc nổi lên giành ngôi của Nhà Lê, Trịnh Kiểm không phục hành động phi nghĩa, đã bỏ Nhà Mạc, phò Lê. Để trả thù, Nhà Mạc bắt thân mẫu Trịnh Kiểm giết hại, ném trôi sông. Lạ thay, thi hài trôi đến đâu có đàn chim vẹt bay giống như đám mây lớn che phía trên. Dân làng nhìn thấy, vội về tìm dụng cụ để vớt thi hài đem đi chôn cất. Nhưng khi ra đến nơi thì đã thấy mối đùn lên thành ngôi mộ ở giữa sông. Mọi người cho đó là thiên táng. Chỗ mộ ấy, đàn vẹt vẫn bay xung quanh rất lâu rồi mới bay đi. Từ ấy, vẹt trở thành linh vật được Nhà Trịnh tôn thờ. Nghè Vẹt là một trong những ngôi nghè độc đáo của Việt Nam. Năm 1994, Nghè Vẹt được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Cụ Trịnh Hạ vốn là một hậu duệ trực hệ của chúa Trịnh Tùng đã dẫn chúng tôi đến thăm Khu lăng mộ Thủy tổ Nhà Trịnh. Theo truyền thuyết kể lại, ông tổ 4 đời của Trịnh Kiểm là Trịnh Liễu dù tư gia nghèo nhưng ham kinh sách và sống đức độ, nên có duyên gặp được thần tiên chỉ cho huyệt đạo quý để táng hài cốt cha mẹ, tiên đoán 4 đời sau sẽ phát vương. Trịnh Liễu nghe theo, bèn mang di cốt cha húy là Trịnh Kỷ cùng phu nhân họ Lê húy An Nhan táng vào đất đó. Quả đúng vậy, đến đời thứ 4 là Trịnh Kiểm đã dựng nên vương nghiệp.
Dưới chân núi Hùng Lĩnh thuộc làng Đa Bút, xã Vĩnh Tân vẫn còn những dấu tích xưa của Nhà Trịnh, đó là một ngôi đền nhỏ, thờ Tiên Thiên Quốc Thánh Mẫu (tên húy là Nguyễn Thị Ngọc Diệm – thứ phi của chúa Trịnh Doanh). Trước đền có 12 tượng đá hình quan văn, quan võ đứng canh giữ. Những tượng đá này mang phong cách điêu khắc dân tộc Chăm, cho thấy dấu tích sự giao thoa, tiếp biến văn hóa trong giai đoạn Nhà Chúa đấu tranh giữ gìn bờ cõi phía Nam. Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Văn Cành và một số người dân địa phương, nghe kể về sự kiện năm 1986, mộ Bà Chúa bị kẻ gian khai quật để tìm vật quý. Cụ Cành là một trong số những người tham gia an táng lại phần mộ Bà Chúa sau đó. Chiếc quách gỗ còn lại vẫn được lưu giữ ngay tại khu vực đền thờ. Ông Tống Hùng Nam, một người dân làng Đa Bút dẫn chúng tôi lên thăm phần mộ Bà Quốc Mẫu được nhân dân an táng tại vị trí cũ, trên đỉnh đồi. Những năm qua con cháu hậu duệ của bà ở làng Linh Đường, Thanh Trì, Hà Nội (nơi có đền thờ Bà) cũng tìm về góp công đức, cùng chính quyền địa phương tôn tạo phần mộ, đền thờ. Cách khu vực đền thờ Bà Chúa không xa có 6 con rồng đá nằm ở vị trí dẫn lên bậc thềm và sân chầu. Dấu tích này cho thấy xưa kia từng có một ngôi đền lớn tọa lạc nơi đây, có thể là đền thờ Bà Quốc Mẫu đã bị phá hủy.
Tại Vĩnh Hùng còn một Di tích cấp quốc gia là Khu lăng mộ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng. Ông là con trai của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm với phu nhân Ngọc Bảo – con gái Thái sư Nguyễn Kim là người đầu tiên dựng cờ phò Lê diệt Mạc. Với tài năng thao lược, Trịnh Tùng đã đưa nghiệp phò Lê của ông ngoại và cha đến đỉnh cao, giải phóng Thăng Long, đưa vua Lê trở về kinh đô, mở lại nền thái bình cho trăm họ. Di tích lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng cũng từng bị kẻ gian khai quật năm 1990, tại cánh đồng làng Sóc Sơn, Vĩnh Hùng. Ngay trước mộ chúa Trịnh Tùng, chúng tôi nghe cụ Trịnh Đình Úc, Chủ tịch Hội đồng Trịnh Tộc xã Vĩnh Hùng kể lại câu chuyện ông chứng kiến thời điểm ngôi mộ chúa Trịnh Tùng bị khai quật. Kích thước của di cốt cho thấy đây là một người đàn ông khá cao to, trên ngực ngài còn để một cuốn sách cổ. Lần theo gia phả dòng họ và nhiều tài liệu ghi chép lại, các hậu duệ khẳng định đây chính là phần mộ chúa Trịnh Tùng, nên an táng lại ngay vị trí cũ. Giờ đây, phần mộ của chúa Trịnh Tùng đã được xây dựng thành một công trình khang trang, mộ được ốp đá hoa cương, phía trước có hồ bán nguyệt, cổng tứ trụ, nhà bia, chung quanh là khuôn viên rộng rãi trồng cây xanh.
Gần bên Phủ Trịnh là đền thờ Thái Tể Vinh Quốc Công Hoàng Đình Ái. Ông là con cậu của chúa Trịnh Kiểm, là danh tướng tài ba có công giúp nhà Lê Trung Hưng chống Mạc. Khi ông mất, nhân dân để quốc tang 5 ngày, đền thờ ông được xây tại quê nhà, cũng là nhà thờ họ Hoàng Đình. Hàng năm nhớ tới ngày mất của ông, con cháu khắp nơi đều tìm về dâng hương, giỗ tổ. Vào các dịp lễ hội Phủ Trịnh, nhân dân thập phương và con cháu Trịnh Tộc cũng đến vái tạ ơn đức.
Trong suốt 249 năm, cùng với công huân bảo tồn, xây dựng quốc gia dân tộc cùng Nhà Lê, các chúa Trịnh đã để lại một di sản vô giá trên quê hương Thanh Hóa, đó là Quần thể Di tích Phủ Trịnh. Trong tương lai không xa, Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Trịnh được xây dựng hoàn chỉnh, sẽ trở thành điểm hẹn của du khách muôn phương, là niềm tự hào của quê Thanh. Khi được kết nối cùng với các di tích trên địa bàn Vĩnh Lộc như Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Thắng tích Kim Sơn, động Hồ Công…, sẽ tạo nên một tour du lịch lý tưởng, thu hút đông đảo du khách đến với miền đất “cung vua phủ chúa” này.
Mai Anh
https://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/ve-tham-phu-trinh/115541.htm
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet