Công đức của Thái vương tần Lê Chiêu Dung



Thái vương tần Lê Chiêu Dung là phi tần của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm. Bà đã góp công xứng đáng giúp chồng trong sự nghiệp Trung Hưng nhà Lê.

Khi con trai của Thái vương Trịnh Kiểm là Bình An vương Trịnh Tùng hoàn thành sứ mệnh “ phò Lê diệt Mạc”  khôi phục vương triều nhà Hậu Lê, thì Thái vương tần Lê Chiêu Dung lại chú tâm làm việc thiện, góp phần chấn hưng đạo Phật và giúp đỡ dân sinh.

Công đức của Thái vương tần Lê Chiêu Dung được ghi nhận trong “ Phàm công đức bi” ( bia công đức) tại chùa An Lạc và “Đại vương tần miếu ký” ( bia ký Đại vương tần )  tại  miếu thờ Hiển tỷ cùng ở làng Yên Lược, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Thác bản của hai bia đá nói trên được lưu giữ tại Viện Hán Nôm, mang ký hiệu số 13484 và số 1894.

“Phàm công đức bi”do Thượng thư Bộ Hộ kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Mai lĩnh hầu, Thượng trụ quốc, Tiến sỹ  Phùng Khắc Khoan soạn và Quang lộc tự thừa Hoa Đô nam Nguyễn Phúc Chỉ viết và khắc chữ  năm 1608. “ Đại vương tần miếu ký” được lập năm 1616, do người khác soạn vì Tiến sỹ Phùng Khắc Khoan đã mất năm 1613.

Phàm công đức bi ca ngợi công đức của bà Lê Thị Chiêu Dung là cung tần của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm, còn Đại vương tần miếu ký  nói về dòng dõi của bà Lê Thị Chiêu Dung. Hai văn bia này được cho rằng có nguồn gốc ở hai di tích trong làng Yên Lược: Phàm công đức bi ở chùa Cảnh Tiên ( tức chùa An lạc), còn Đại vương tần miếu ký ở miếu thờ Hiển tỉ ( thờ cung tần của đại vương Minh khang Thái vương Trịnh Kiểm), nhưng nội dung cùng ca ngợi một người là Thái vương tần hay Đại vương tần Lê Thị Chiêu Dung.

Nội dung hai văn bia nói trên cho biết, Thái vương tần Lê Chiêu Dung là hậu duệ của Khai quốc công thần Thái úy Phúc quốc công Lê Lai.  Bà sinh ra ở xã An Lạc, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, đầu thời Lê trung hưng ( nay là làng Yên Lược, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân , tỉnh Thanh Hóa).

Thái vương tần Lê Chiêu Dung là dòng dõi “ tông phái rực rỡ”, “được giáo dục ở chốn khuê phòng, được dạy bảo về lễ giáo tốt đẹp’’. Khi được làm phi tần của Thái vương Trịnh Kiểm thì “chuyên tâm tu dưỡng đạo đức thuần hậu trinh bạch, thận trọng sớm hôm phụng thờ chồng theo đúng phép tắc”. Bà sinh được 2 người con trai và một người con gái: Trưởng nam là Thái úy Ngạn quận công,  thứ nam là Thái phó Khả quận công đều là những người nhân hậu; ái nữ là Thượng quận chúa xinh đẹp  Trịnh Thị Ngọc Dao. Con cháu chắt của bà đông đúc.

Khi Đô Nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương Trịnh Tùng dẹp yên thiên hạ ( năm 1593), bà xuất tiền của xây dựng chùa, tạc tượng, đúc chuông, làm cầu  đường cho dân. “ Ở Thanh Hoa, bà xây chùa  Cảnh Tiên  ở  làng Nghiêm, xã An Lạc, huyện Thụy Nguyên; ban cho chùa 2 mẫu 4 sào đất, tạc tượng, đúc chuông lớn, lại cho xã 3 mẫu 6 sào đất để phụng thờ. Bà công đức cho người trong tông phái 5 mẫu 2 sào ruộng để xây cầu Lê, cầu Lâu, chùa Huyền Thiên ở làng Lam Sơn, chùa Linh Sơn ở sách Vạn Lại, cầu Thủy ở xã Nguyễn Xá, chùa Thiên Nhật ở sách Bất Lân huyện Lôi Dương, chùa Long Khám ở xã Hoằng Nhân, huyện Sơn Dương. Bà cấp cho bản chùa một mẫu ruộng để đúc chuông lớn, tạo gác, xây cầu ở xã Phú Vinh, sửa chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở thôn Thuần Hựu xã Duy Tinh. Cấp cho bản chùa 1 mẫu  ruộng để đúc chuông lớn, cùng tạo gác chuông, làm cầu Phượng Hoàng ở hai huyện Hoằng Hóa; sau lại xây cầu Lễ ở xã Uy Hổ, Cầu Ải  ở hai xã Nông Cống và Hòa An , tất cả đều lộng lẫy, to lớn”.

“ Ở đất phúc của nhà vua ở Kinh đô thì bà tu tạo chùa Phúc Hưu, chùa Quang Minh, quán Huyền Thiên, chùa Đại Bi. Ở phường Nghi Tàm thì xây dựng cầu Trường Lạc 43 gian, cầu Đông, cầu Đa đều nguy nga tráng lệ.

Ở thắng địa quốc đô của vua ở làng Từ, bà xây dựng chùa Tường Quang, đúc chuông lớn cùng gác chuông ở hai xã Bác Lãm, Động Lãm huyện Thanh Oai. Ở thôn Mạo thì cấp cho bản chùa 4 mẫu ruộng, đặt 1 mẫu làm ruộng hương hỏa. Bà cho tu sửa chùa Sùng Phúc ở thôn Quan, thôn Binh, cấp cho bản chùa 4 mẫu ruộng, giao cho xã 10 mẫu để phụng thờ.

Ở các xã Phượng Nhẫn, Chi Ngại tu sửa chùa Côn Sơn và chùa Tư Phúc. Bà lại cho bản chùa 20 mẫu ruộng , chùa Sùng Phúc, ở  xã Nhân Mục Thượng, huyện Thanh Trì.

Tính tổng cộng bà tu tạo 13 ngôi chùa, 10 chiếc cầu, 4 chiếc chuông lớn, 50 chuông nhỏ và ban cho tổng cộng 52 mẫu ruộng” …

“ Tấm lòng của Thái vương tần thật nhân hậu, kính tín, trời sẽ ban cho phúc dầy, Phật Thánh sẽ độ người có duyên. Do đó điều tốt lành nhiều như cát trên sông, đem khắc vào bia đá để muôn đời khuyến khích nhau làm việc thiện. Công đức của bà thật lớn lao nên được khắc vào văn bia để lưu truyền mãi mãi”…

“ Minh rằng:

Cung tần phủ Trịnh

Hiền thục thận trọng

Ở chỗ phú quý

Riêng lại nhân từ

 

Hòa hợp lễ bái

Phụng mệnh thánh nhân

Không tiếc của cải

Ngày sửa thiện lành

 

Dựng chùa đắp tượng

Làm cầu qua sông

Đúc chuông giúp đời

Ban ruộng cứu người

 

Công ấy đức ấy

Tới thần tới dân

Trời ban tuổi thọ

Phúc tới như mây

 

Tốt lành như thế

Khắc đá ghi công

Sáng cùng nhật nguyệt

Mãi mãi thiên thu

 Ngày tốt, tháng 8 giữa mùa thu năm Hoằng Định thứ 9 ( 1608)”.

Tiến sỹ xuất thân, khoa Canh Thìn, Kiệt tiết Tuyên lực công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thượng thư Bộ Hộ kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Mai Lĩnh hầu, Thượng trụ quốc, Thiên Phúc lão là Phùng Khắc Khoan soạn bia.

Đôn Hậu công thần, Quang tiến Thận lộc Đại phu, Quang lộc tự thừa, tước Hoa Đô nam là Nguyễn Phúc Chỉ vâng mệnh viết chữ và khắc bia”.

Bài minh trên bia  Đại vương tần miếu ký có một số dòng bị mờ, không thác bản rõ nên không chép ra đây. Nội dung và bài minh trên bia ca ngợi dòng dõi xuất thân của bà cung tần Lê Thị Chiêu Dung là hậu duệ của cụ Lê Lai là  Khai quốc công thần nhà Lê sơ, bà tạ thế ngày 12 tháng 12, thụy là Từ Huệ.

Các bản gia phả dòng chúa Trịnh như Trịnh gia chính phả, Kim tỏa thực lục không thấy có tên Thái vương tần Lê Thị Chiêu Dung. Gia phả chúa Trịnh chỉ ghi nhận Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm có Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Chính phi Lại Thị Ngọc Trân và Hiền phi Trương Thị Ngọc Lãnh. Có thể các bà cung tần ( hay phi tần) không được ghi vào gia phả, cũng không được phối thờ cùng chồng trong miếu thờ nhà vương. Nhưng, có điều cần tìm hiểu thêm là, hai người con trai Thái vương tần Lê Thị Chiêu Dung ( cũng là con trai của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm)  là Thái úy Ngạn quận công và Thái phó Khả quận công cũng không được ghi vào gia phả chúa Trịnh?

Nội dung các văn bia cho thấy, sau khi Thái sư Trịnh Kiểm từ trần năm 1569 cho tới khi Tiết chế Trịnh Tùng dẹp  được nhà Mạc đưa triều đình nhà Lê về Thăng Long năm 1593, hoặc được phong là Bình An vương năm 1599 và cho tới khi bà tạ thế ( trước năm 1608), thì Thái vương tần Lê Thị Chiêu Dung luôn được chúa Trịnh Tùng kính trọng và bà có nhiều tiền của để làm việc thiện ở  quê Thanh Hoa và cả ở Kinh đô Thăng Long.

Thái vương tần Lê Thị Chiêu Dung, người con gái làng An Lạc ( nay là Yên Lược), dòng dõi cụ Lê Lai quên mình cứu chúa, đã phát huy truyền thống gia đình hai bên, để lại tấm gương sáng cho nhân dân Đại Việt noi theo.

*******************

Chiều ngày 11 tháng 4 năm 2025 , tôi tới làng Yên Lược  tìm chùa Cảnh Tiên. Trên bản đồ Google maps, không thấy vị trí chùa Cảnh Tiên. Mấy lần hỏi đường, không ai biết chùa Cảnh Tiên ở đâu. May gặp được một chị là người làng Yên Lược. Chị tận tình chỉ cho chúng tôi đường vào chùa An Lạc. Chị nói, tên chùa Cảnh Tiên thì chắc là trong sử sách, còn dân làng chỉ biết có chùa An Lạc thôi.

Mấy bà phật tử trong chùa kể rằng: Qua mấy cuộc chiến tranh, chùa An Lạc xưa đã bị phá hết. Các tượng Phật trong chùa cũng bị vùi xuống ao, xuống giếng để khỏi bị đốt phá. Sau này, dân làng Yên Lược tự quyên góp, xây lại ngôi chùa An Lạc trên đất chùa xưa. Các cụ dân làng vớt lên được hơn chục pho tượng Phật, rước vào chùa. Thật là lạ, sau bao nhiêu năm bị vùi trong bùn nước mà các tượng Phật vẫn giữ được màu sơn gốc như còn mới. Các nhà nghiên cứu lịch sử ở Thanh Hóa cho rằng, những pho tượng Phật ở chùa An Lạc hiện nay là từ thời Lê trung hưng.

Ngôi chùa nhỏ, lợp tôn, khiêm tốn tọa lạc dưới vòm cây cổ thụ, chờ được  tu sửa, nâng cấp khang trang hơn.

Một di tích lịch sử văn hóa có chiều dày niên đại hơn 400 năm xứng đáng được chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa, Hội Phật giáo và nhân dân địa phương cùng thập phương quan tâm giữ gìn và tôn tạo.

Bài và ảnh : Bỳ Văn Tứ (11/4/2025)

Sân chùa đồng thời là tiền đường chùa An Lạc

Tòa Tam bảo trong hậu điện chùa An Lạc

 

Ban thờ Đức Ông và Đức Thánh Hiền ở Tiền đường

 

Tài liệu tham khảo: Văn bia thanh Hóa và bài viết “TỔNG QUAN VỀ LÀNG YÊN LƯỢC” của NNC  Lê Xuân Kỳ, Đại tá Phan Văn Thanh Chi hội Khoa học lịch sử Thọ Xuân

Các mảnh bia đá ở cổng Đình Yên Lược

Cổng đình Yên Lược

Bằng xếp hạng Đình Yên Lược

Tiền đường Đình Yên Lược

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 Download ProShow Producer 9.0 Full Crack Vĩnh Viễn