Bà Chúa Chè Kinh Bắc và tâm đức của hậu duệ họ Trịnh tỉnh Thanh
Bà Chúa Chè là danh xưng được người đời tôn vinh Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Xuất thân là cô gái con một nhà Nho nghèo ở làng Phù Đổng tỉnh Bắc Ninh, cô Huệ vốn dĩ thông minh, lại được cha cho theo đòi nghiên bút nên người đẹp làng Phù Đổng đã sớm […]
Bà Chúa Chè là danh xưng được người đời tôn vinh Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Xuất thân là cô gái con một nhà Nho nghèo ở làng Phù Đổng tỉnh Bắc Ninh, cô Huệ vốn dĩ thông minh, lại được cha cho theo đòi nghiên bút nên người đẹp làng Phù Đổng đã sớm bộc lộ bản lĩnh sắc sảo. Đặng Thị Huệ ra đi từ đất Kinh Bắc gặp thiên tình sử định mệnh, rồi kết thúc ở xứ Thanh, để lại trong sử sách Đại Việt nhiều hoài niệm.
Từ cô gái hái chè trở thành Ái Phi của Thịnh vương Trịnh Sâm
Thay đổi đầu tiên trong cuộc đời của cô thôn nữ quê chè Đặng Thị Huệ chính là việc trở thành nữ tỳ của Tiệp dư Trần Thị Vịnh – một Phi tử của Thịnh vương Trịnh Sâm. Chỉ một lần duy nhất, Đặng Thị Huệ được lệnh bưng khay hoa đến dâng cho chúa tại thư phòng làm việc, nàng đã lọt mắt xanh và làm xiêu lòng quân tử. Điều này đúng như nhận xét của người xưa: Đặng Thị Huệ thực sự là một giai nhân tuyệt sắc, sắc sảo khác thường, khiến chúa Trịnh Sâm gặp và hỏi chuyện là mê ngay. Hoàng Lê Nhất thống chí kể: “Một hôm Tiệp dư Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Ả họ Đặng này quê ở làng Phủ Đổng, mắt phượng mày ngài vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với ả.”.
Về sau khi sinh được con trai, nàng được phong lên hàng phi với tước hiệu Tuyên Phi. Vị trí của Tuyên Phi ngày càng lớn trong lòng chúa cũng như trong vương phủ. Nàng không chỉ bỏ xa các Phi tử còn lại mà còn trở thành người tri kỷ bên chúa và luôn được cùng Thịnh vương Trịnh Sâm cận kề nơi màn trướng cũng như việc quân cơ.
Tuyên Phi Đặng Thị Huệ ngoài khả năng quyến rũ bởi sự hấp dẫn của nhan sắc, nàng cũng là người phụ nữ thông minh và có tài tư vấn đối với việc quân cơ trọng sự. Chắc chắn ban đầu có thể do chúa yêu quý mà cho tham dự, nhưng khi tham dự Tuyên Phi đã bộc lộ rõ tài năng và trí tuệ sắc xảo của mình trong tham vấn triều chính. Những lần tư vấn của nàng không chỉ đúng ý chúa mà còn thể hiện rõ khả năng nắm bắt tình thế và xoay chuyển tình hình vì sự nghiệp của triều đình.
Thịnh vương Trịnh Sâm được sử sách đánh giá là một nhà chính trị, quân sự và văn hóa tài ba, đầy bản lĩnh. Nhà sử học Phan Huy Chú, trong “ Lịch triều hiến chương loại chú” đã nhận xét : “Chúa cho phép tắc các triều trước là nhỏ hẹp, nên việc chính thường tự quyết đoán, phần nhiều không theo lệ cũ; cầm giữ chính quyền , cất nhắc nhân tài, văn trị sửa sang ở trong, võ công chống chọi ở ngoài. Bình được giặc Hưng Hóa, diệt được giặc Trấn Ninh; thu lại Nam Hà, chính giáo lừng lẫy khắp nơi, bốn cõi yên ổn, công lao rực rỡ hơn các đời trước”.
Điều đó cho thấy rõ ràng chúa Trịnh Sâm là một anh hùng, có chí khí và bản lĩnh, có chính kiến và không dễ bề thao túng. Một người đàn ông như vậy mà khi đem mọi việc bàn bạc với một người phụ nữ và luôn cho can dự vào việc quản trị đất nước chứng tỏ người phụ nữ đó ắt không phải tầm thường. Nhiều giai thoại trong sử sách cho thấy Tuyên Phi Đặng Thị Huệ được Thịnh vương Trịnh Sâm hết sức yêu quý và tôn trọng.
Tuyên phi Đặng Thị Huệ trở thành Ái phi của Thịnh vương Trịnh Sâm có nhiều giai thoại. Hoàng Lê Nhất thống chí kể: “Từ đó Thị Huệ ngày càng được nhà chúa yêu quý, ả nói gì chúa cũng nghe và hễ có việc gì là chúa cũng bàn với ả. Rồi ả được ở chung một nơi với chúa, y như cặp vợ chồng nhà thường dân. Xe kiệu, quần áo của ả cũng đều được sắm sửa hệt như đồ dùng của chúa”.
Tuyên Phi trở thành cái gai trong mắt của không ít các cựu thần nhà Lê với tư duy gia trưởng và nhất là những người thuộc về phe phái của Phi tần Dương Thị Ngọc Hoan . Dương Thị Ngọc Hoan vốn là em gái của Dương Thị Ngọc Thịnh – Ái phi của chúa Trịnh Doanh nên được tiến cử làm cung tần của Thế tử Trịnh Sâm. Tuy Ngọc Hoan sinh hạ cho chúa Trịnh Sâm con trai lớn là công tử Trịnh Tông ( còn có tên là Trịnh Khải) nhưng không được chúa sủng ái cả hai mẹ con, vì chúa không ưa Ngọc Hoan về nhan sắc và tính tình, và không thích Trịnh Tông vì sinh ra với điềm không lành, mặc dù cũng là chàng trai khôi ngô tuấn tú. Khi Trịnh Tông lớn lên, tuy Thịnh vương xây dựng cho hai mẹ con một biệt phủ ở Yên Nghĩa ( Hà Đông) có đủ sảnh đường, phòng thất, nội tẩm cho phi tần, nhà học văn, luyện võ, nhà hát, nơi ở của thầy dạy học, hồ sen, thủy đình, khuôn viên v.v… công trình như một phủ Chúa thu nhỏ, nhưng vẫn không có ý cho nối ngôi vương.
Trái lại, chúa Thịnh vương Trịnh Sâm lại rất yêu quý Tuyên Phi Đặng Thị Huệ và con trai nhỏ là Trịnh Cán. Chúa hết lòng kỳ vọng về đứa con nhỏ Trịnh Cán. Khi Trịnh Cán chào đời năm 1777, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 38, chúa Trịnh Sâm đã tự lấy tên mình hồi nhỏ để đặt cho con, chúa lấy hai câu “sơn xuyên anh dục, hà hải tú chung” (khí thiêng sông núi tụ lại, sự tốt đẹp của hồ biển đúc nên) vừa để chúc phúc cho con vừa làm đề thi hương năm ấy, chính là thể hiện ước mong, kì vọng đối với Trịnh Cán. Phải là một người chồng vô cùng hạnh phúc, người cha có tình yêu và kỳ vọng rất lớn về con mới có thể làm những việc như vậy. Không phụ lòng cha, vương tử Cán dưới sự dạy dỗ của các A bảo và sự chăm sóc và tình yêu của Tuyên Phi đã tỏ ra rất thông minh đĩnh ngộ và có cốt cách của bậc đế vương. Sách cũ chép: “lúc vương tử Cán đầy tuổi, tướng mạo khôi ngô, đẫy đà khác hẳn người thường. Đến khi biết nói, vương tử Cán đối đáp gãy gọn, cử chỉ không khác gì người lớn. Mỗi khi các quan văn võ vào thăm, vương tử tiếp đón với dáng bộ nghiêm chỉnh. Có người cách hàng năm mới gặp vương tử vẫn nhớ rõ họ tên kể lai chuyện cũ vanh vách. Chúa sai quan từ Hàn lâm viện làm bài tụng mười sáu chữ để viên A bảo dạy truyền miệng cho vương tử. Vương tử chỉ nghe qua một lượt là đọc thuộc. Thấy vậy chúa càng quý vương tử bội phần”.
Bà Chúa Chè Kinh Bắc
Lâu nay, trong dân gian và trong sử sách , người ta thường gọi Tuyên phi Đặng Thị Huệ là Bà Chúa Chè.
Vì sao có tên gọi này? Đã có rất nhiều giả thuyết khác nhau, đi kèm với các giai thoại được người đời viết thành sách. Trong số đó, có hai tác giả cùng thời với Tuyên phi Đặng Thị Huệ cho ta câu trả lời đáng tin cậy. Đó là Ngô Thì Nhậm ( 1746-1803) và Bùi Dương Lịch ( 1757 – 1828).
Ngô Thì Nhậm (1746-1803), trong một bài phú chữ Hán là “Thưởng liên đình phú”, có tả cảnh lò luyện thuốc tiên và hái sen ướp trà trong phủ của Quốc sư Hoàn Quận công (Nguyễn Hoàn, người Nông Cống, Thanh Hóa, từng làm Thái phó dạy Trịnh Sâm, sau giữ chức Tham tụng), dâng lên Trịnh Sâm. Chúa khen việc làm đó, đã ban cho 30 lạng bạc, để thưởng cho việc ướp trà sen. Mỗi lần thưởng thức trà đều cho mời Tuyên phi Đặng Thị Huệ tham dự. Đoạn dịch nghĩa bài phú như sau: “Hái nhụy bạc và tơ vàng chừ, rồi chạy về nhanh tựa biến/ Đem về bếp trà nơi phủ Chúa chừ, mời bà Lệ Hoa sangThái điện/ Khen Tướng sư giỏi trồng sen chừ, ngợi tiên nga tài hái chọn/…”. Dưới đoạn này, tác giả Ngô Thì Nhậm còn chú rõ: “Mỗi lần hái được nhị sen, Quận công liền cho chạy ngựa dâng tiến phủ Chúa. Chúa Trịnh vương mỗi khi pha trà đó, thế nào cũng mời Tuyên phi (Đặng Thị Huệ) cùng thưởng thức. Tuyên phi rất thích trà sen,…” (Tuyển thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển II, Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 1978, tr 91- 92). Với cứ liệu này, tin ở sự chứng kiến của người cùng triều đình, thậm chí là thân thiết với Tuyên phi, là Ngô Thì Nhậm, ta có thể biết rằng: Tuyên phi Đặng Thị Huệ còn có tên Lệ Hoa (lệ: mỹ lệ; hoa: tinh hoa, văn sức – đây chắc là tên hiệu của bà), thường cùng thưởng trà với Chúa Trịnh Sâm. Chúa Trịnh Sâm nổi tiếng là người sành uống chè và đã đưa nghệ thuật thưởng thức trà ở Đại Việt thành Trà Đạo. Như vậy có thể nói rằng, Tuyên phi Đặng Thị Huệ không chỉ là người gốc xứ chè mà bà còn là người rất sành thưởng thức trà nên được gọi là Bà Chúa Chè.
Bùi Dương Lịch (1757-1828) trong cuốn “Lê quý dật sử” cho biết : Bà Đặng Thị Huệ người làng Trà Hương, Phù Đổng, trấn Kinh Bắc. Tên làng “Trà” đọc Nôm thành “Chè”. Bà Chúa Chè là người làng Chè Hương!
Sau này, Ngô Gia Văn Phái trong tiểu thuyết lịch sử “ Hoàng Lê nhất thống chí ” đã bắt đầu ngay Hồi thứ nhất bằng câu chuyện của Bà Chúa Chè : “ Đặng Tuyên phi được yêu dấu, đứng đầu hậu cung…”. Tác phẩm diễn tả những tình tiết thể hiện tài năng sắc sảo của người đẹp xứ chè, rồi phải chịu hành hạ và những điều tiếng không hay trong hoàn cảnh rắc rối của một vương triều đang suy tàn sau cái chết của Thịnh vương Trịnh Sâm… và Bà Chúa Chè đã tự quyên sinh bằng thuốc độc để đi theo chồng.
Nhà văn Nguyễn Triệu Luật, trong tác phẩm Bà Chúa Chè kể rằng: Bà Chúa Chè là một tên của Đặng Thị Huệ- cung phi chúa Tĩnh đô vương Trịnh Sâm. Con một nhà nho nghèo, Đặng Thị Huệ đã khéo lợi dụng cái mưu trí phú bẩm để thoát ly cảnh ngộ, bước một bước từ cô gái hái chè vùng Lim đến cái địa vị một bà vương phi quyền nghiêng thiên hạ. Sau khi Chúa Trịnh Sâm qua đời, bà đã trải qua những thử thách nghiệt ngã bằng bản lĩnh phi thường và cuối cùng tự kết liễu đời mình trong lễ Đại tường ngay tại Lăng của Thịnh vương Trịnh Sâm bằng lưỡi dao oan nghiệt theo đúng phong cách cứng cỏi của bà, không kém gì các võ sĩ Samurai ở xứ mặt trời mọc.
Các nhà sử học và các văn sĩ, dù có những góc nhìn khác nhau, nhưng đều thừa nhận Bà Chúa Chè – Tuyên phi Đặng Thị Huệ là một nhân vật lịch sử, một bậc kỳ nữ tài sắc ở Đại Việt trong thế kỉ 18.
Số trời không chiều lòng người
Sống trong phủ chúa xa hoa nhưng Tuyên Phi và con nhỏ cũng phải đối mặt với rất nhiều âm mưu và thủ đoạn muốn hãm hại. Ngay cả khi chúa Trịnh Sâm còn sống, nàng cũng gặp không ít khó khăn cũng như sự gièm pha bôi nhọ, thậm chí còn là cái đích cần phải loại bỏ của phe phái Phi tần Ngọc Hoan và công tử Trịnh Tông.
Tháng 8 năm Canh Tý (1780), chúa Trịnh Sâm bị bệnh rất nặng. Trịnh Tông bèn bàn mưu với gia thần bí mật sắm sửa vũ khí, chiêu tập dũng sĩ, để chờ thời cơ. Ngoài ra, còn ngầm liên kết với một số cận thần triều đình để sẵn sàng hỗ trợ. Âm mưu bị lộ, Thịnh vương Trịnh Sâm nổi giận toan chém Trịnh Khải. Triều thần hết sức can ngăn, chúa bèn giáng xuống làm con út, còn những người đồng mưu đều bị mất mạng. Cùng năm đó, Trịnh Cán, được phong làm Thế tử. Sau sự biến Trịnh Tông mưu phản, Trịnh Cán trở thành ứng cử viên số một được thừa kế ngai vương.
Biết được ý định của chúa Trịnh Sâm lập Vương Tử Cán làm thế tử, Thánh Mẫu thái tôn (mẹ Trịnh Sâm) can ngăn và có ý muốn phục hồi ngôi vị cho Trịnh Tông. Thịnh vương Trịnh Sâm đã rất minh bạch trả lời mẹ: “tên Tông với tên Cán đối với mẹ là cháu, nhưng đối với tôi là con, người xưa đã nói biết con chẳng ai bằng cha. Tôi cũng chưa đến nỗi mê lẫn, vả chăng triều đình bàn bạc chung như thế chứ cũng chẳng phải vì tôi yêu đứa con nhỏ mà bày đặt ra việc này. Mẹ há chẳng biết rõ rồi sao. Nay nếu không sớm định rõ người nối ngôi, bọn tiểu nhân đâm ra dòm nom mong chờ, tôi e tai họa sẽ xảy ra đến lúc nào không biết. Huống hồ ngôi báu của thiên hạ cốt phải giao phó vào tay người xứng đáng. Đã coi tôn xã làm trọng, thì dẫu con đẻ ra cũng không được tư túi; lẽ nào tôi lại dám tư túi với đứa con nhỏ? Nếu như cuối cùng bệnh của Cán không khỏi, thì thà lập Côn quận Công (tức Trịnh Bồng, anh em con chú con bác với Trịnh Sâm), trả lại dòng chính cho nhà bác, chứ không thể nào giao cho cái thằng Tông bất hiếu, để nó làm hỏng cơ nghiệp của tổ tiên”.
Điều đó cho thấy, Thịnh vương Trịnh Sâm có chủ ý, định lập con thứ là Trịnh Cán, bỏ con trưởng là Trịnh Tông hoàn toàn dựa trên quyết định của bản thân, muốn trao quyền cho người thực tài, xứng đáng, vì lợi ích của xã tắc đúng như bản lĩnh của mình; không phải vì quyền lợi riêng tư, càng không phải vì si mê Tuyên Phi như một số nhà nho hay người đời thêu dệt.
Điều không may đã đến, tháng 9 năm Nhâm Dần (1782), chúa Trịnh Sâm qua đời vì bệnh nặng, hưởng dương 44 tuổi. Trước khi qua đời, ông đã ủy thác cố mệnh cho Huy quận công Hoàng Đình Bảo, cùng với Vương thúc Khanh quốc công Trịnh Kiều, Quốc sư Nguyễn Hoàn phụ chính, cùng Châu quận công Bùi Đình Châu, Tứ Xuyên hầu Phan Lê Phiên, Diệm quận công Nguyễn Diệm, Thùy Trung hầu Tạ Danh Thùy phụ chính chúa nhỏ. Thế tử Trịnh Cán được nối ngôi chúa, hiệu là Điện Đô Vương. Mặc dù đã đăng cơ làm chúa nhưng Điện đô Vương mới 6 tuổi. Tuyên Phi Đặng Thị Huệ trở thành Vương Thái phi nắm quyền nhiếp chính. Mọi chuyện sắp đặt trong triều đều do Tuyên Phi và A phó Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo cùng các cựu thần được ủy thác lo liệu. Công việc triều chính đầy những mối lo từ trong phủ chúa lẫn ngoài cung vua. Dù được sự giúp rập của Huy quận Công, và có trí tuệ sắc xảo, nhưng khi Thịnh vương Trịnh Sâm đã mất thì thực sự Vương Thái phi Đặng Thị Huệ mất hẳn chỗ dựa. Trong phủ chúa thì các phe phái vẫn chưa dứt, ngoài triều đình thì quần thần chia rẽ, ở Đàng Trong quân Tây Sơn đang nổi lên, quân Cấm vệ gốc xứ Thanh thì từ chỗ là ưu binh đang thoái hóa thành kiêu binh tác oai tác quái, lòng dân không yên.
Kết cục loạn kiêu binh năm 1783 (chỉ sau khi chúa Trịnh Sâm mất một tháng), Quận Huy bị giết, Trịnh Tông được đám kiêu binh ô hợp rước lên ngôi chúa, Trịnh Cán bị phế truất xuống làm Vương đệ và giáng làm Cung Quốc Công, một thời gian sau thì qua đời. Tuyên Phi Đặng Thị Huệ bị truất ngôi và bị chúa Trịnh Tông và Dương Thái phi Ngọc Hoan trả thù hành hạ hết sức dã man. Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” kể rằng, sau khi Trịnh Cán chết, Thái phi Dương Thị Ngọc Hoan liền sai người bắt Tuyên phi đến trước mặt mình, kể tội, rồi buộc Tuyên phi phải lạy tạ.Tuyên phi không chịu lạy. Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất. Nhưng Tuyên phi vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa lời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ tăng ở vườn sau.
“Sau một thời gian giam giữ ngặt, Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Ở đây, bà ngày đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuộc độc mà chết, được táng cách Vọng lăng (lăng Trịnh Sâm) một dặm”.
Nguyễn Hữu Chỉnh – một nho sĩ, một đại thần triều đình nhà Lê, đã phản bội, theo hàng nhà Tây Sơn, khi được nghe nhân chứng kể lại câu chuyện của Tuyên phi Đặng Thị Huệ cũng phải thốt lên: “ Chết được đấy. Ta tưởng Tuyên phi chỉ có nhan sắc, không ngờ có tiết liệt như vậy!”.
Số trời đúng là không chiều lòng Bà Chúa Chè – một giai nhân tài sắc đầy bản lĩnh. Sau khi Thịnh vương Trịnh Sâm qua đời, triều đình Lê Trịnh ngày một suy tàn và đi tới sụp đổ. Âu cũng là số trời đã định!
Dấu ấn của Bà Chúa Chè ở chùa Thầy ( Sơn Tây) và chùa Bách Môn ( Bắc Ninh)
Tương truyền, Tuyên phi Đặng Thị Huệ là người sùng đạo Phật. Chùa Thầy ( Hà Nội) và chùa Bách Môn ( Bắc Ninh) hiện còn lưu giữ những di tích mang dấu ấn của bà.
Chùa Thầy có tên chữ là Thiên Phúc Tự nằm dưới chân núi Phật Tích, thuộc xã Sài Sơn – huyện Quốc Oai – Thành phố Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Sở dĩ gọi là chùa Thầy bởi vì đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh – thuộc đời thứ 12 dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Do công đức vô lượng của Thiền sư đối với dân chúng trong vùng, nên hết thảy nhân dân đều gọi ngôi chùa Ngài tu là chùa Thầy và ngọn núi gắn liền với cuộc đời tu hành của Thiền sư được gọi là núi Phật Tích, hay núi Thầy. Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Trên núi có chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn Tự, là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh tu luyện. Tương truyền rằng động Phật Tích ở sau chùa là nơi Ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông, nên còn gọi là hang Thánh Hóa.
Sau này, vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao, tên chữ là Đỉnh Sơn Tự trên núi và chùa Dưới, tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự. Thời Lê Trung hưng, Dĩnh Quận Công ( một danh tướng nhà Lê Trịnh thế kỷ 18) cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông.
Tuyên phi Đặng Thị Huệ đi lễ chùa, xin chúa Trịnh Sâm cho góp tiền của để trùng tu và tôn tạo thêm một số hạng mục trong chùa. Nhớ công đức ấy, dân làng và nhà chùa đã tạc tượng bà thờ ở hang Thánh Hóa, nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh tu luyện và thoát xác.
Tượng Bà Chúa Chè và tượng Bà Chúa Mường đứng hai bên ban thờ trong hang Thánh Hóa, thể hiện lòng tri ân của Phật tử và dân địa phương đối với các vị tiền nhân góp công đức tôn tạo chùa Thầy.
Chùa Bách Môn có tên chữ là Linh Cảm Tự nằm trên núi Khám Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Chùa Bách Môn. được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông, khoảng năm 1136. Về sau ngôi chùa được nhiều lần trùng tu tôn tạo với sự đóng góp của những bậc vương thân quý tộc các triều đại Đại Việt.
Thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782), Bà Chúa Chè – Tuyên phi Đặng Thị Huệ chọn Linh Cảm tự làm nơi ăn chay cầu nguyện, tìm sự yên tĩnh nơi cửa thiền mỗi khi về quê. Bà cho sửa sang, kiến thiết lại chùa đủ bốn phương tám hướng với 100 cửa, có bốn mặt tiền giống nhau quay về bốn hướng để tu tâm tích đức. Trung tâm chùa là Vọng cung cao nhất thông 2 tầng, bốn góc có 4 gác cao 2 tầng là gác chuông, gác trống, gác khánh và gác mõ. Chuông, trống, khánh, mõ là những khí cụ được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ của Phật giáo. Ở nước ta, chỉ thấy ở đây có đủ 4 gác khí cụ của nhà Phật. Tên gọi “Bách môn” cũng bắt đầu từ thời kỳ này và dần phổ biến trong dân gian. Sự lựa chọn kiến trúc độc đáo xây chùa Bách Môn làm nơi ăn chay niệm Phật thể hiện bản lĩnh không tầm thường của Tuyên phi.
Năm 1930, chùa Bách Môn được Viện Viễn đông Bác cổ đánh giá là ngôi chùa độc nhất vô nhị tại Đông Dương.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1949 để thực hiện việc tiêu thổ kháng chiến, nhân dân Tiên Du – Bắc Ninh đã dỡ bỏ hoàn toàn ngôi chùa. Năm 1992 nhân dân hưng công lại Tam bảo để làm nơi thờ Phật cầu an cho dân thôn. Năm 1998 chùa Bách Môn được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2005 chùa xây nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu trên nền đất cũ.
Ngày 3-11-2018 Chính quyền, nân dân tỉnh Bắc Ninh và Hội Phật giáo Việt Nam đã khởi công trùng tu, phục hồi di tích lịch sử văn hóa này. Kế hoạch trùng tu, phục hồi toàn bộ quần thể di tích từ năm 2018 đến năm 2022, hiện vẫn đang tiếp tục hoàn tất.
Di tích của Tuyên phi Đặng Thị Huệ và tâm đức của hậu duệ họ Trịnh tỉnh Thanh
Báo Tiền phong ngày 17/3/2018 đưa tin: “Một quách nghi là của Tuyên phi Đặng Thị Huệ vừa được phát hiện tại thôn 4, xã Yên Phú, huyện Yên Định (Thanh Hóa). Vị trí ngôi mộ được phát hiện trong vườn nhà của một người dân. Qua quan sát bên ngoài, vị trí quách nằm cách mặt đất chừng 30 cm, có chiều rộng 1,2 mét, chiều dài 2 mét, phía trên đổ lớp bê tông kiểu xưa. Vị trí phát hiện mộ trên cách quần thể voi, ngựa, tượng đá, lăng thờ Trịnh Sâm (thuộc thôn 6,7, xã Yên Phú) khoảng hơn 1 km. Tại vị trí quách này, người dân địa phương đã lập một bát hương. Vào các ngày lễ, ngày đầu tháng và ngày rằm, người dân đến thắp hương. Các hộ dân sống xung quanh cho biết, ngôi mộ có nhiều hiện tượng tâm linh rất thiêng, không có ai dám xây dựng trên các lô đất xung quanh ngôi mộ, lâu nay phải bỏ hoang.”
Đối chiếu với sử sách và ý kiến chuyên môn cho thấy, đúng là mộ phần của Tuyên phi Đặng Thị Huệ.
Năm 2022, bốn thân tộc họ Trịnh quê Thanh Hóa, đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm các ông Trịnh Mạnh Hùng , Trịnh Tiến Dũng, Trịnh Hữu Viên, Trịnh Xuân Đạo đề xuất với chính quyền địa phương, xin phép được góp tiền cá nhân tôn tạo di tích Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Đây sẽ là một di tích văn hóa lịch sử ở huyện Yên Định, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của của các dòng họ và dân cư địa phương, vừa thực hiện chủ trương của tỉnh Thanh Hóa về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử , phục vụ chương trình phát triển kinh tế và du lịch trên địa bàn.
Các cơ quan của địa phương đã tạo điều kiện thủ tục về mặt bằng để thực hiện theo nguyện vọng chính đáng của các nhà hảo tâm. Tháng 12 năm 2023 công trình di tích Tuyên phi Đặng Thị Huệ hoàn thành giai đoạn 1 ( phần lăng mộ). Cùng với bốn hậu duệ họ Trịnh xứ Thanh, bà con xã Yên Phú cùng tham đóng góp. Tấm lòng của các thân tộc họ Trịnh ở Thanh Hóa và bà con xã Yên Phú đối với Tuyên phi thật đáng trân trọng.
Vị trí mộ nghi là của Tuyên phi Đặng Thị Huệ.Nguồn: Hoàng Lam. Báo Tiền phong 17/3/2018
Mặt trên quách ( ảnh: Trịnh Hữu Viên )
Lăng mộ Tuyên phi Đặng Thị Huệ ( Tôn tạo giai đoạn1. Ảnh : Trịnh Hữu Viên)
Việc làm của nhân dân tỉnh Thanh là đại diện cho công chúng, tôn vinh Tuyên phi Đặng Thị Huệ – Bà Chúa Chè Kinh Bắc. Những hàm oan bấy nay của một giai nhân Đại Việt tài sắc vang bóng một thời sẽ được gỡ bỏ bằng sự nhìn nhận lịch sử khách quan và tinh thần nhân văn.
Bỳ Văn Tứ, tháng 5 năm 2025
Tin khác đã đăng
- Vùng Thủy Chú với di sản của bên ngoại Lê Thái Tổ 07/06/2025
- Đồn trang Quý Lộc – Căn cứ hậu cần của Tiết chế Trịnh Tùng 06/05/2025
- Công đức của Thái vương tần Lê Chiêu Dung 04/05/2025
- Tổng kết hội thảo – Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vùng đất Thủy Chú 24/04/2025
- Hội thảo khoa học Bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Thủy Chú 14/04/2025
There are no comments yet