Tổng kết hội thảo – Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vùng đất Thủy Chú



Ban Tổ chức Hội thảo khoa học Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vùng đất Thủy Chú (thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã nhận được 17 bản tham luận của các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu

TỔNG KẾT HỘI THẢO

BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA VÙNG ĐẤT THỦY CHÚ (THỊ TRẤN SAO VÀNG, HUYỆN THỌ XUÂN, TỈNH THANH HÓA)

 PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

(Tổ chức ngày 12-4-2025 tại Thị trấn Sao Vàng)

 

Kính thưa quý vị đại biểu

Thưa các nhà khoa học!

Ban Tổ chức Hội thảo khoa học Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vùng đất Thủy Chú (thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đã nhận được 17 bản tham luận của các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu như Viện Sử học, (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội); trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Đại học Hoa Lư (Ninh Bình) Hội KHLS tỉnh Thanh Hóa và các hội Sử học huyện Thọ Xuân, Bá Thước, thành phố Thanh Hóa, các ban ngành thuộc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và đại diện BLL dòng họ Lê, họ Trịnh Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa.

Nội dung của các tham luận tập trung tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thủy Chú (nay thuộc thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân) và những đóng góp to lớn của dòng họ Trịnh trong tiến trình lịch sử từ hơn 700 năm trước. Từ nửa sau thế kỷ XIII, dòng họ Trịnh Thủy Chú đã phát triển thành dòng họ lớn, có tiềm lực kinh tế, uy thế chính trị trong vùng. Các vị thủy tổ của dòng họ này đã được triều Trần ban chức Đại toát thế tập, cai quản địa bàn. Đặc biệt, dòng họ Trịnh có mối quan hệ thông gia mật thiết với dòng họ Lê Lam Sơn – đất dấy nghĩa của người anh hùng Lê Lợi.

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) cũng như trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc từ thế kỷ XIV-XV, dòng họ Trịnh đã có hiến cống hiến to lớn, đặc biệt là trên các lĩnh vực chính trị, quân sự; nhiều nhân vật lịch sử dòng họ Trịnh trở thành công thần khai quốc, công thần trung hưng nhà Lê. Tại Hội thảo, quý vị đại biểu và các nhà khoa học đã nghe 7 tác giả tham luận trình bày tóm tắt bài viết của mình; nghe các ý kiến trao đổi thảo luận với một số nội dung chính trên các mảng vấn đề sau:

  1. Cảnh quan, vùng đất Thủy Chú và sự hình thành dòng họ Trịnh Thủy Chú

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu địa phương cho biết: Thủy Chú là địa danh xuất hiện từ thời Lê. Vùng đất này thuộc hương Chủ Sơn thời Trần. Về mặt địa lý, cảnh quan, Chủ Sơn nằm trong vùng trung du bán sơn địa với các vùng đồi núi thấp phía Bắc đồng bằng châu thổ Bắc Bộ có cảnh quan tự nhiên xinh xắn. Vào thế kỷ XIII-XIV, vùng đất này được Lê Quý Đôn mô tả: “rừng cây xanh tốt, ruộng đất màu mỡ” được bao quanh bởi dòng Chủ Giang (sông Chủ hay sông Chủa), và trở thành một vùng “linh địa” từ khi họ Trịnh từ miền đồng bằng Thanh Hóa lên nhập cư tại đây. Về cảnh quan địa lý, về núi Chủ, song Chủ và vai trò của hệ thống sơn văn, thủy văn này đã được các tác giả Phạm Văn Tuấn, Lê Quốc Ẩm mô tả khá chi tiết.

Chủ Sơn Thủy Chú là địa bàn cư trú của nhiều tộc người, trong đó người Kinh (Việt) là thành phần cư dân có vị thế kinh tế, chính trị đáng kể trong cộng đồng. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn thì dòng họ Trịnh ở Chủ Sơn (Thủy Chú), khởi đầu từ ông Trịnh Thậm từ sách Mộc Trưng, phủ Thanh Hóa đây lập cư khoảng nửa sau thế kỷ XIII. Trong Đại Việt thông sử có chép: “Cụ (Thậm) đi bắn chim qua đất Thủy Chú, mến cảnh nơi này rừng cây xanh tốt, ruộng đất màu mỡ, nên dời đến đây ở…”.

Ông Trịnh Thậm là tổ 4 đời (tằng tổ) của Tuyên Tổ Trịnh Hoàng hậu (tức bà Trịnh Thị Ngọc Thương, thân mẫu vua Lê Thái Tổ, được vinh phong Thánh Từ Ý văn Hoàng Thái hậu). Ông nội của Tuyên Tổ Trịnh Hoàng hậu là Trịnh Tám, làm quan thời Trần. Trong lần đi đánh Chiêm Thành, ông Trịnh Tám bắt được con voi trắng dâng lên vua Trần, được trao chức Đại toát nữu. Cha của Tuyên Tổ Trịnh Hoàng hậu là Trịnh Sai và anh trai là Trịnh Thốn đều được kế tập chức Đại toát nữu. Với ba đời kế tiếp nhau giữ chức quan dưới triều Trần cho thấy họ Trịnh Thủy Chú thực sự có thế mạnh về kinh tế, uy thế chính trị và là một dòng họ lớn ở miền đất này.

Tuyên tổ Trịnh Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Thương thuộc đời thứ 4 dòng họ Trịnh ở Thủy Chú. Căn cứ vào năm sinh của các ông Lê Học, Lê Trừ (1382), Lê Lợi (1385) thì bà Trịnh Thị Ngọc Thương sinh khoảng từ năm 1350-1360. Ông Trịnh Thậm là tổ 4 đời của bà Thương, lập cư ở Thủy Chú khoảng thập niên 70-80 thế kỷ XIII.

Dòng họ Trịnh Thủy Chú kết thông gia với dòng họ Lê ở hương Lam Sơn bắt đầu từ đời ông Trịnh Sai (đời thứ ba họ Trịnh) với ông Lê Đinh (đời thứ hai họ Lê) qua hôn nhân giữa ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Ngọc Thương. Ông Lê Khoáng và bà Trịnh THị Ngọc Thương sinh hạ 3 người con trai (Lê Học, Lê Trừ và Lê Lợi) cùng ba người con gái.

Ông Trịnh Thốn (anh bà Trịnh Thị Ngọc Thương) có người con trai là Trịnh Nhữ Lượng kết hôn với bà Lê Thị Ngọc Biền (tức quốc trưởng công chúa Ngọc Tiên), chị ruột Lê Lợi, sinh ra Trịnh Khắc Phục, như vậy Trịnh Khắc Phục gọi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) là cậu ruột. Với mối quan hệ thông gia nhiều chiều như vậy cùng mối quan hệ gắn bó từ các thế hệ trước (từ thế hệ các ông Trịnh Tám – Lê Hối; Trịnh Sai – Lê Đinh) đã tạo nên uy thế chính trị, tiềm lực kinh tế của hai dòng họ, là nền tảng quan trọng để Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở đất Lam Sơn, giành thắng lợi. Dòng họ Trịnh Thủy Chú (khởi đầu từ Trịnh Khắc Phục) trở thành dòng họ công thần khai quốc của triều Lê sau này. Những nội dung trên được trình bày trong tham luận của các tác giả PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, NNC Hoàng Hùng, NNC Phạm Tấn.

Về nguồn gốc tộc người của họ Trịnh Thủy Chú và dòng họ Lê (Lê Lợi), có ý kiến cho rằng là người dân tộc Mường (Lê Xuân Kỳ, Trần Quốc Vượng). Trong nghiên cứu của mình, NNC Phạm Tấn đã phủ nhận các quan điểm nêu trên và khẳng định họ Trịnh (Thủy Chú) và họ Lê (Lam Sơn) đều có nguồn gốc người Kinh.

Họ Trịnh ở làng Thuỷ Chú là một dòng họ lớn, đặc biệt có thế lực và ảnh hưởng sâu rộng từ cuối thời Trần cho đến đầu thời Lê và các thế kỷ sau đó, chính vì thế mà những dấu tích liên quan đến các công trình tôn giáo tín ngưỡng có giá trị phần lớn liên quan họ Trịnh ở đây. Đó là khu di tích mà cho đến nay còn để lại dấu tích khá đậm nét ở làng Thuỷ Chú trong ký ức lớp người già ở làng gắn với lớp địa danh như:

Gò Lăng trên đồi Thao Giang – nơi an táng con cháu dòng họ Trịnh, trong đó nhiều người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, các vị đại thần trong triều đình Lê Trịnh; Ở khu vực đồi Gò Lăng, người dân địa phương còn tương truyền đây còn là nơi an táng Hiển từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Thương …. Văn bia Thần đạo của Trịnh Duy Hiếu có nhắc đến Thao Giang lăng đã khẳng định lăng của bà Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Thương nằm trong khu vực Gò Lăng hiện nay.

– Phủ Bà: là nơi thờ phụng Hiển từ Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Thương. Toàn bộ khu điện thờ này hiện nay thuộc khu đồi Gốc Thị thuộc làng Chủa Ngoài, cách khu đồi Gò Lăng khoảng 600m về phía Bắc. Đền thờ đã bị đổ nát hoàn toàn, hiện chỉ còn 6 chân đá tảng và ít gạch vồ thời Lê đang được bảo tồn tại nhà thờ họ Trịnh.

Phủ Trịnh, còn gọi là Nhà thờ họ Trịnh nằm ở làng Chủa Ngoài. Trước đây, Phủ Trịnh là một công trình kiến trúc có quy mô lớn, hệ thống vì kèo được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, tường xây gạch vồ; hiện công trình này đã bị đổ nát hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp.

Có thể nói, các khu di tích đồi Gò Lăng, Phủ Bà, Phủ Trịnh ở vùng đất Chủ Sơn (Thuỷ Chú) có nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hoá; đồng thời nó cũng có một lịch sử hình thành và tồn tại đầy biến động trong hơn 5 thế kỷ qua.

  1. Chủ đề thứ hai trực tiếp trình bày về những đóng góp của một số danh nhân họ Trịnh tiêu biểu đối với lịch sử dân tộc trong các thế kỷ XV-XVI

Qua nghiên cứu thư tịch cổ, hệ thống gia phả, bi ký và tư liệu địa phương, một số tác giả tham luận đã khẳng định vai trò to lớn của dòng họ Trịnh Thủy Tú đối với lịch sử đất nước trong các thế kỷ XV – XVI. Trước hết, qua mối quan hệ thông gia giữa Họ Lê (Lam Sơn) và họ Trịnh Thủy Chú đã sinh ra người anh hùng Lê Lợi (lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng như thế hệ sau đó (các con cháu ông Lê Trừ, Lê Học…). Do loạn lạc nên ông Lê Khoáng và Bà Trịnh Thị Ngọc Thương không ở Lam Sơn mà về sinh sống Thủy Chú. Các người con của ông Lê Khoáng đều được sinh ra ở sách Thủy Chú.

Điều này cho thấy, ngay từ bé, Lê Lợi và các người anh của mình đã có mối quan hệ gắn bó với quê ngoại. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơ, dòng họ Trịnh Thủy Chú chắc chắn là chỗ dựa tin cậy của nghĩa quân, là nơi cung cấp lương thảo, khí giới và cả lực lượng cho cuộc khởi nghĩa. Theo các tài liệu ghi chép về năm mất của bà Thái hậu là ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Tý tức năm 1384, tuy nhiên, Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sinh năm Ất Sửu (1385) do đó có giả thiết cho rằng bà Thái hậu mất năm Bính Tý (1396).

Nhiều con cháu dòng họ Trịnh trực tiếp tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và trở thành công thần khai quốc nhà Lê. Trong số đó, tiêu biểu là Trịnh Khắc Phục (trưởng nam của ông Trịnh Nhữ Lượng và bà Lê Thị Biền). Trịnh Khắc Phục gọi Lê Lợi bằng cậu. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ sớm và lập được nhiều công trạng trong chiến trận. Tham luận của PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), của GS.TS Đinh Khắc Thuân và TS Nguyễn Văn Hải (Trung tâm NCLS & BTDS TH) đã điểm lại những cống hiến cơ bản của Trịnh Khắc Phục trong suốt tiến trình diễn ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng như những đóng góp của ông trong hơn 20 năm đầu triều Lê. Về cái chết oan khiên của ông và con trai Trịnh Bá Nhai cũng được các tác giả luận giải một cách khoa học, thỏa đáng.

Kế tiếp sự nghiệp của Trịnh Khắc Phục, các con, cháu, chắt của ông cũng đã có nhiều đóng góp to lớn đối với triều Lê. Trong một số tham luận đã đã thể hiện rõ điều này. Một trong những hậu duệ tiêu biểu của Trịnh Khắc Phục là Trịnh Duy Hiếu, với những đóng góp to lớn dưới triều Lê Thánh Tông. TS Lê Thùy Linh (Viện Sử học) đã cung cấp nhiều thông tin quý giá về nhân vật lịch sử này.

Đầu thế kỷ XVI, triều Lê sơ khủng hoảng, suy vong. Dưới triều Uy Mục đế và Tương Dực đế, triều đình hỗn loạn, phe phái tranh giành quyền lực diễn ra xung đột bạo lực. Nhiều công thần họ Trịnh Thủy Chú đã đứng ra phò vua, giúp nước, mong lập lại kỷ cương triều chính (như trường hợp Trịnh Duy Sản) nhưng việc bất thành. Đặc biệt, khi nhà Mạc thay thế nhà Lê (1527), nhiều cựu thần nhà Lê đã khởi nghiệp trung hưng chống Mạc. Dòng họ Trịnh được đánh giá là dòng họ có công lớn buổi đầu trung hưng, trong đó tiêu biểu là các nhân vật Trịnh Duy Liêu, Trịnh Duy Thuân.

Tuy nhiên, một số nhân vật lịch sử dòng họ Thủy Chú như đã điểm ở trên, trước kia chưa được sử gia phong kiến đánh giá cao. Nhiều người cho đến nay vẫn chưa được giới sử học ghi nhận công lao. Đây là vấn đề cần tiếp tục triển khai nghiên cứu trong thời gian tới để có những kết luận thảo đáng, công minh về những đóng góp của dòng họ Trịnh Thủy Chú đối với lịch sử dân tộc một cách toàn diện và hệ thống.

  1. Di sản dòng họ Trịnh Thủy là một chủ đề quan trọng được đề cập trong một số tham luận. Di sản đó được nhận diện, đánh giá qua hai loại hình: di sản vật thể và di sản phi vật thể.

Xưa kia, trên địa bàn thị trấn Sao Vàng (vùng Chủ Sơn, Thủy Chú) hiện diện một hệ thống di sản vật thể vô cùng phong phú đa dạng liên quan đến dòng họ Trịnh, đó là các di tích Gò Lăng, Phủ Bà, Phủ Trịnh… nhưng hầu hết các di tích ấy hiện nay chỉ còn là phế tích. Nghiên cứu cho thấy, Thủy Chú là một không gian lịch sử văn hóa đặc sắc, gắn liền với nhiều cộng đồng cư dân, nhiều tộc người, nhiều dòng họ, trong đó dòng họ Trịnh được đánh giá là dòng họ lớn, có nhiều đóng góp với lịch sử dân tộc.

Đây là vùng đất có nhiều lợi thế, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, do đó các cấp chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế du lịch địa phương trên quy hoạch cảnh quan thiên nhiên, môi trường văn hóa, trong đó lấy yếu tố lịch sử – văn hóa truyền thống làm nền tảng. Tuy nhiên, tiềm năng như hiện nay trên mảnh đất Thủy Chú chưa thể hiện dấu ấn sâu sắc. Các dịch vụ du lịch còn thiếu.

Di sản phi vật thể mà dòng họ Trịnh Thủy Chú lưu giữ, trao truyền cho các thế hệ sau đó chính là truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đó là truyền thống trọng nghĩa khí, truyền thống đoàn kết, gắn bó trong dòng họ, trong cộng đồng và cao cả thiêng liêng hơn là truyền thống yêu nước, sẵn sàng hy sinh cống hiến vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì sự bình yên của quê hương. Truyền thống đó không ngừng được duy trì và vun đắp qua thời gian và trở thành niềm tự hào của các thế hệ con cháu dòng họ Trịnh Thủy Chú.

Một số kiến nghị được nêu ra trong Hội thảo:

  1. Tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu tổ chức các cuộc Hội thảo nhằm đánh giá công lao to lớn của các nhân vật lịch sử dòng họ Trịnh Thủy Chú.
  2. Trước mắt cần xây dựng đề án, lập kế hoạch triển khai sớm việc khôi phục đền thờ bà Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Thương với sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, BLL các dòng họ Trịnh, họ Lê và sự đồng thuận ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân.

Về đặt tên cho đền thờ bà Thái hậu: nếu xác định được tư liệu gốc về tên gọi Hoằng Kính điện thì sử dụng danh xưng này, bằng không thì sử dụng cụm từ Lê triều Quốc mẫu để đặt tên cho đền thờ

  1. Quy hoạch khu di tích lăng mộ của dòng họ Trịnh tại Gò Lăng. Có phương án cụ thể về công tác gìn giữ, bảo tồn các di tích hiện có.
  2. Có kế hoạch khảo sát, điều tr miếu thờ ở chân núi Chủ Sơn: là miếu thờ Lê Thái Tổ hay miếu thờ Thần Núi hay Thành hoàng làng, có liên quan gì đến vùng đất Thủy Chú và dòng họ Trịnh không?
  3. Một vấn đề mang tầm vĩ mô và chiến lược lâu dài cũng được kiến nghị tại Hội thảo: các cơ quan có trách nhiệm từ TW xuống đến cấp tỉnh, huyện cần quan tâm hơn nữa về mảnh đất Thủy Chú, quê ngoại của vua Lê Thái Tổ. Cần đầu tư xứng tầm, quy mô các hạng mục công trình văn hóa lịch sử trên địa bàn này, thể hiện sự đăng đối với quê nội Lê Thái Tổ ở Lam Sơn (Lam Kinh).
  4. Hội thảo thống nhất cao về việc chọn ngày giỗ bà Thái hậu là ngày 20 tháng 6 (âm lịch).
  5. Đề nghị BTC Hội thảo biên tập, xuất bản Kỷ yếu Hội thảo để làm cơ sở khoa học xây dựng các bộ Hồ sơ liên quan đến di tích, di sản ở Thủy Chú.

Trên đây là một số ý kiến tổng kết Hội thảo. Xin trân trọng cám ơn và kinh chúc sức khỏe, thành đạt tới các quý vị đại biểu, các nhà khoa học.

TM BTC Hội thảo

 

 

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ

 

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 Download ProShow Producer 9.0 Full Crack Vĩnh Viễn