Nghiên cứu phục dựng hai lễ hội đặc biệt ở Thanh Hóa
Ngày 22-10, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cùng với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tổ chức đồng thời hai hội thảo khoa học: “Nghiên cứu phục dựng Lễ hội Gia Miếu - Triệu Tường tại xã Hà Long, huyện Hà Trung” và “Phục dựng, xây dựng mới Lễ hội Phủ Trịnh ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa”
Hội thảo khoa học nghiên cứu phục dựng Lễ hội Phủ Trịnh.
Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý di sản văn hóa lễ hội tham gia hội thảo đã cùng xác định những căn cứ khoa học trong việc nghiên cứu phục dựng, xây dựng mới hai lễ hội này, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị các di tích miếu tổ họ Nguyễn ở Gia Miêu và họ Trịnh ở Phủ Trịnh, chắt lọc phát huy các những tập quán xã hội tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào của cộng đồng nhân dân đồng thời giúp địa phương xây dựng những sản phẩm dịch vụ văn hóa – du lịch độc đáo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững.
Những lễ hội mang nhiều giá trị
Lễ hội ở Gia Miêu – Triệu Tường (huyện Hà Trung) và Lễ hội Phủ Trịnh (huyện Vĩnh Lộc) đều có nét chung ở tính chất dân gian truyền thống. Việc tưởng nhớ, tôn vinh các danh nhân khởi nguồn cho hai dòng họ lớn có những đóng góp lớn cho đất nước trong lịch sử Việt Nam – gia tộc Trịnh góp phần giữ ổn định chính trị, củng cố chủ quyền và bảo vệ cương thổ ở phía bắc, gia tộc Nguyễn có nhiều công lao trong việc khai phá, mở mang bờ cõi ở phía nam.
Cả hai lễ hội này vừa mang đậm những đường nét của lễ hội dân gian truyền thống dưới hình thức giỗ tổ mà còn có nét nghi lễ vương phủ (trong thời Lê – Trịnh) và cung đình (dưới triều Nguyễn). Điều này làm nổi bật giá trị độc đáo của hai lễ hội này, với các lễ hội dân gian hoặc lễ giỗ tổ của các dòng họ khác ở tính liên thông giữa hình thức văn hóa tín ngưỡng thờ tổ tiên truyền thống, gắn với văn hóa nghi lễ ở “cấp quốc gia” – thể hiện trong việc chọn lọc nhạc lễ, nghi thức hành lễ, trò diễn đặc trưng của xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18. Vì tính chất độc đáo đó, việc nghiên cứu phục dựng hai lễ hội được đánh giá là mang lại lợi ích nhiều mặt và hướng đến mục tiêu giáo dục truyền thống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Cần có những giải pháp đa chiều
Khi đề cập đến phục dựng lễ hội Gia Miêu – Triệu Tường và Phủ Trịnh cần nghiên cứu sâu và dựa vào những ghi chép trong điển lễ về lễ hội vương phủ và cung đình giai đoạn thế kỷ 17-19. Lễ hội cần được phục dựng gần gũi nhất so nguyên gốc về địa điểm, không gian tổ chức. Phương án phục dựng và xây dựng lễ hội phải có cả phần lễ và phần hội. Phần lễ phải được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính. Phần hội phải bảo tồn có chọn lọc những hoạt động văn hóa dân gian, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, chứ không vì mục tiêu thương mại hóa, cũng không mượn “sân khấu hóa” để biến lễ hội cung đình thành lễ hội hiện đại.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc tổ chức lễ hội như thế nào phải dựa trên sự lựa chọn, đồng thuận của các cộng đồng tham gia lễ hội chứ không phải là sự áp đặt chủ quan của nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các cấp chính quyền. Trong việc thực hành lễ hội cần nhấn mạnh vai trò tự quản của cộng đồng – chủ thể sáng tạo trong việc phục dựng và tổ chức lễ hội. Phía chính quyền chỉ làm công tác quản lý về mặt hành chính, pháp luật, còn việc quản lý nhân lực, vật lực, tài lực thì nên để cộng đồng tự quản trên cơ sở tư vấn của các nhà chuyên môn, nghiên cứu văn hóa. Mặt khác, việc phục dựng và xây dựng mới cũng/phải đem lại lợi ích cho cộng đồng người dân. Lễ hội phải được diễn ra trong không gian văn hóa của nó và gắn kết mật thiết với các di sản văn hóa vật thể. Việc đầu tư cho tu bổ di tích cần phải đúng đối tượng, không lãng phí nguồn ngân sách của Nhà nước và các tổ chức xã hội.
Các nhà nghiên cứu cũng gợi ý một số điểm nhấn khi phục dựng hai lễ hội vừa xứng tầm trong quá khứ và phù hợp cuộc sống đương đại như: Thay đổi lễ vật, thời gian tổ chức lễ hội, cải biên nghi thức tế lễ, chọn nhạc tế, phục dựng những trò chơi, trò diễn như thi bơi chải, hát múa chèo – chải, hát cách sông, hát hò dâng mẫu trên sông Mã, biểu diễn võ thuật, trình diễn nghề cổ truyền… trong lễ hội.
PGS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho biết: Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, những ý tưởng chia sẻ của các đại biểu tại hội thảo sẽ được Viện và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham khảo, đúc rút, chắt lọc để ứng dụng trong thực tiễn nhằm thực hiện tốt việc nghiên cứu phục dựng hai lễ hội quan trọng này của tỉnh Thanh Hóa.
NGỮ THIÊN
https://nhandan.vn/nghien-cuu-phuc-dung-hai-le-hoi-dac-biet-o-thanh-hoa-post621571.html
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet