Chúa Trịnh Sâm và bút tích ở Tràng An



Trịnh Sâm là con trưởng của Nghị tổ ân vương Trịnh Doanh, quê ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, năm ất Sửu (1745) được lập làm thế tử, lên ngôi Chúa năm Đinh Hợi niên hiệu Cảnh Hưng, đời vua Lê Hiển Tông (1767) sau khi Chúa Trịnh Doanh băng hà. […]

Trịnh Sâm là con trưởng của Nghị tổ ân vương Trịnh Doanh, quê ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, năm ất Sửu (1745) được lập làm thế tử, lên ngôi Chúa năm Đinh Hợi niên hiệu Cảnh Hưng, đời vua Lê Hiển Tông (1767) sau khi Chúa Trịnh Doanh băng hà. Khi lên ngôi Chúa, Trịnh Sâm tự tấn phong là Nguyên soái Tổng quốc chính, Tĩnh Đô vương. Từ nhỏ Trịnh Sâm đã được học hành có hệ thống, ở cương vị ngôi Chúa được coi là một người văn võ song toàn, quyết đoán, ham xem kinh sử và thơ văn. Vì vậy từ kỷ cương triều nội đến chính sự quốc gia, Trịnh Sâm đều cho sửa đổi lại cho phù hợp với triều đại đương nhiệm.

Ở ngôi chúa 15 năm (1767 – 1782) Trịnh Sâm hầu như tuần du khắp đàng Ngoài và nhiều vùng đất đàng Trong, vi hành và thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh của đất nước. Những cảm nhận trong từng chuyến đi đã được nhà Chúa ghi chép, viết thơ và một số bài đã khắc trên vách đá. Tác phẩm của Trịnh Sâm gồm có: Thanh Tâm tồn duy thi tập, Tây tuần ký trình thi, Nam tuần ký trình thi, Bình hưng thực lục…

Đối với vùng đất Hoa Lư, chúa Trịnh Sâm đã chạm khắc và đề vịnh một số bài thơ. Trong đó, bài “Qua Tràng An” đã được khắc trên vách núi hang Luồn.

Mùa đông năm Canh Dần (1770) sau khi đi tuần thú bờ cõi miền Tây, lúc quay thuyền trở về, đi tắt tới đất Tràng An. Khi nhà Chúa ngự thuyền trên sông Sào Khê (một nhánh của sông Hoàng Long) vòng vèo với các hang động kỳ thú, nhất là khi luồn qua một trái núi lớn, hang rộng sông sâu, mà người dân địa phương gọi là hang Luồn hay Xuyên Thủy Động.

Trước phong cảnh núi sông hùng vĩ của kinh đô nhà Đinh, nhà tiền Lê và thời kỳ đầu nhà Lý, Trịnh Sâm bèn đặt tên hang là động “Xuyên Sơn” và cảm khái làm bài thơ “Quá Tràng An” (Qua Tràng An) để tả nỗi lòng và cho khắc trên vách núi động hang Luồn (Xuyên Thủy động), thuộc ngoại vi cố đô Hoa Lư (nay là vùng lõi quần thể Di sản Văn hóa – Thiên nhiên thế giới Tràng An). Đề cập đến việc này, sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã chép: “Động Hoa Lư ở trên sông Điềm (sông Sào Khê), thuộc huyện Yên Khang, có từng đợt núi cao chót vót, giữa có động đá, cứ theo sông đi qua động; bên động có một ngọn núi, giống như hình người, gọi là núi Trạng Nguyên; có một quả núi, đá xếp từng từng, gọi là Hòm Sách… Tĩnh vương Trịnh lên chơi có đề thơ” (Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú, Nxb. Giáo dục, T. 1, quyển 2, năm 2007, Tr. 65). Tấm bia khắc Bài ký động Liên Hoa của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị cũng khắc: “…

Phía ngoài có khe từ sông tiểu Hoàng Long (sông Sào Khê) ngoằn ngoèo chảy tới xuyên qua chân núi. Chúa Trịnh đặt tên là động “Xuyên Sơn” và có thơ khắc vào đá” (Bia đá khắc Bài ký động Liên Hoa của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, hiện đang dựng phía bên phải lối lên đền thờ hai vị tướng nhà Đinh. Trích từ bản dịch chép trong sách Danh nhân đất Ninh Bình – Phạm Đình Nhân chủ biên, Trung tâm UNESCO – Thông tin tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, năm 2000, Tr. 363).

Đồng thời, sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, đã tả phong cảnh hang Luồn: “Đá núi nằm ngang cao chót vót, phía dưới có hang, có dòng nước chảy chui qua, có thể cho thuyền bè đi thông được. Cảnh trí khá đẹp, tục gọi là hang Luồn. Nhà địa lý bảo đó là động Thạch Lương. Năm Cảnh Hưng triều Lê có thơ khắc vào vách đá” (Nguyễn Tử Mẫn, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2001, Tr. 108).

Hiện bia khắc bài thơ trên vách núi hang Luồn còn khá nguyên vẹn, bia chạm trên một triền núi bằng phẳng in bóng xuống sông Sào Khê. Vách đá cheo leo dựng đứng, bia cao so với mặt nước sông khoảng 4m, có kích thước chiều cao 155cm, chiều dài 241cm. Chữ Hán trên mặt bia tất cả khắc 13 dòng, được chia làm 3 phần: Lời tựa phía bên phải bia có 5 dòng, nói về hoàn cảnh ra đời của bài thơ; bên trái là lạc khoản có 2 dòng, dòng thứ nhất ghi biệt hiệu của chúa Trịnh Sâm là “Nhật Nam Nguyên chủ đề”, dòng thứ hai với cỡ chữ nhỏ chỉ bằng 1/3 so với cỡ chữ trong bài thơ “Thần Cao Đoàn phụng tả”; chính giữa là nội dung bài thơ.

Bài thơ Đường, thể “thất ngôn bát cú” nhưng khắc trên bia có sáu dòng. Theo đó, dòng 1, 3, 4, 5 mỗi dòng có 10 chữ; dòng thứ hai có 11 chữ (do chữ “nhất” trong câu “Thừa đề” tiết kiệm được chiều cao của con chữ) và dòng thứ sáu có 5 chữ “Lẫm lẫm giới duy gian”.

Căn cứ nguyên bia ma nhai đang hiện hữu trên vách núi hang Luồn, nay thuộc quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, sau khi chép chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, bài thơ được dịch như sau:

Qua Tràng An

Đi tuần quay lại đất Tràng An,

Thuyền ngự Hoa Lư

cũng thuận làn.

Như lụa trắng vòng

xuyên Thuỷ Động,

Tựa non vàng cao ngất Sơn Quan.

Cố Đô thuở ấy bao thay đổi,

Thiên Phủ còn đây vẫn vẹn toàn.

Hưng phế người xưa bao chuyện cũ,

Dân nơi đất hiểm, hiểu tâm can.

Trần Lâm Bình dịch 

(Thơ Ninh Bình ngàn năm trên vách đá – Nxb. Hội Nhà văn, năm 2010, Tr. 149).

Ngoài bài thơ khắc ở vách núi hang Luồn trên đây, những cảnh đẹp trên vùng đất cố đô Hoa Lư, hầu như đều có dấu vết xa giá của nhà Chúa ngự tới. Trong đó, những danh thắng còn để lại bút tích là hang Luồn, Bích Động và núi Hồi Hạc. Cuối năm Giáp Ngọ (1774), sau khi “Tự thống suất đại binh” từ Châu ái trở về, chúa Trịnh Sâm đã ghé thăm chùa động Bích Động và để lại bút tích là bức Đại tự với 2 chữ Hán “Bích Động” rất lớn (kích cỡ mỗi chữ cao 71cm, rộng 55cm) phía trên vòm cửa động chùa Trung, với dòng lạc khoản “Nhật Nam nguyên chủ đặc bút/ Nguyễn Nghiễm phụng đề” (Bút tích của người đứng đầu nước Nam (Trịnh Sâm)/ Nguyễn Nghiễm vâng mệnh viết chữ).

Đồng thời, nhà Chúa còn cho khắc bài thơ “Hồi Hạc sơn” (Núi Hồi Hạc) và bức Đại Tự “Thiên nhiên diệu xảo” trên vách núi Hồi Hạc (Sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú chép: “Núi Hồi Hạc ở bãi biển Yên Khang, gần núi Dục Thúy. Tĩnh Vương lên chơi xem, có viết bốn chữ “Thiên nhiên diệu xảo” khắc vào đá và có vịnh thơ” – Lịch triều hiến chương loại chí (Sđd, Tr. 69).

Ngoài những bút tích mà chúa Trịnh Sâm khắc trên vách núi Ninh Bình, nhà chúa còn để lại bút tích ở động Hương Tích, động Tiên Sơn, chùa Tuyết Sơn, núi Hinh Bồng (thuộc khu danh thắng chùa Hương, Hà Nội); động Từ Thức, động Bạch á, động Lục Vân, núi Vân Lỗi, núi Chích Trợ, động Hồ Công, động Diệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

Hiện tại, tấm bia “Qua Tràng An” đã bị đục xóa hai chữ “Tây tuần” trong nội dung bài thơ và năm chữ “Nhật Nam nguyên chủ đề” ở phần lạc khoản (Theo “12 điều ít biết về bảo vật thế giới” của Gia Vũ: “Toàn bộ những dòng mỹ hiệu, mỹ từ viết về chúa Trịnh trên các bia đá có hiện tượng bị đục xóa chữ. Đó là sản phẩm từ thời nhà Nguyễn. Năm 1840, vua Minh Mệnh yêu cầu đục bỏ những đoạn ca ngợi công đức họ Trịnh trên một số bia thời Lê trung hưng (Chuyên san Thư Họa ngày 5/ 8/2001). Vì vậy, cần có biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ những di tích quý hiếm hàng mấy trăm năm tuổi ở vùng lõi Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn; Tin bài: Trần Lâm Bình

There are no comments yet

Tin khác đã đăng