Bí ẩn ngôi mộ người đàn bà quyền lực nhất phủ chúa Trịnh
Trong quá trình nghiên cứu, những tư liệu lịch sử liên quan đến thân thế nhân vật lịch sử yên nghỉ trong ngôi cổ mộ được tìm thấy sau đó thực sự khiến các nhà khảo cổ phải ngỡ ngàng.
Người đàn bà nằm dưới huyệt mộ không những là nữ quý tộc mà còn là nhân vật gắn liền với giai đoạn lịch sử đầy sóng gió của nước Việt thời vua Lê – chúa Trịnh. Đó chính là người sinh ra chúa Trịnh Sâm, đồng thời trực tiếp ra tay bức tử Tuyên phi Đặng Thị Huệ.
Hiện vật tùy táng làm sáng tỏ nghi vấn
Vẫn theo ghi chép của gia phả, cả bà Thoi lẫn bà Dĩnh đều được gia tặng là công chúa, mà công chúa là con vua, cho dù có ở trong phủ chúa đi chăng nữa cũng chưa hẳn đã là vợ chúa. Song kể cả với thân phận của một công chúa thì chắc chắn, hai bà cũng không thể được mặc áo hoàng bào của nhà vua xuống mộ, như đã phát hiện trong cuộc khai quật.
Một chi tiết đáng lưu ý, cả hai bà được nói tới trong gia phả đều sống ở nửa cuối thế kỉ XVII. Trong khi đó, các hiện vật tùy táng được khai quật từ mộ đá lại xác nhận dấu vết của thế kỉ XVIII. Vào thời điểm bấy giờ, từ những hiện vật ấy, nhà khảo cổ đã có thêm cơ sở để đi đến kết luận rằng, bà Dĩnh không phải là chủ nhân của ngôi mộ cổ.
Sau cuộc khai quật lịch sử, không những hóa giải được những lời đồn đoán về “kho báu khổng lồ” đang ẩn mình ở trong ngôi mộ cổ mà nó còn giúp cho các nhà sử học chấm dứt nghi vấn về việc vua Quang Trung có thể đã được an táng trong ngôi cổ mộ này.
Chứng kiến cuộc khai quật độc nhất vô nhị đó, khi được biết hài cốt là một người phụ nữ, thì người dân làng Linh Đường và mọi người ai cũng thắc mắc, đoán già đoán non rằng đó có thể là hài cốt của một bà chúa nào đó thời xa xưa.
Mang theo thắc mắc ấy, các nhà khảo cổ cũng gấp rút đi tìm lời giải thông qua các tài liệu lịch sử. Bởi với những đồ tùy táng phong phú, được bày biện theo nghi thức hoàng tộc bên trong lăng đá, thì người phụ nữ vừa bị những kẻ trộm mộ “đánh thức” khỏi giấc ngủ thiên thu kia hẳn phải là nhân vật hết sức quyền uy.
Ngồi nhớ lại thời điểm bấy giờ, T.S ngành Khảo cổ học Nguyễn Mạnh Cường kể lại: “Trong quá trình nghiên cứu, nhiều lúc tôi cảm thấy bối rối, không biết sẽ theo hướng nào để xác định được thân phận của người nằm dưới ngôi mộ cổ.
Đúng vào thời điểm đó, một hướng nghiên cứu đã hé mở. Cách khu khai quật khoảng 500m về phía Bắc, chúng tôi phát hiện một tấm bia được khắc vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Nội dung trên bia đề cập đến một người đàn bà họ Trần là cung phi trong phủ chúa Trịnh đã cúng tiền của, đất đai.
Điều trùng hợp là khi vừa phát hiện ra tấm bia đó, một người thuộc dòng họ Trần đã tìm đến, cho chúng tôi xem cuốn gia phả, trong đó nói tới một người đàn bà quyền thế trong phủ Chúa, khi chết được an táng tại lăng đá xứ thuộc cánh đồng Mô.
Thời điểm ấy, một vài người quá vội tin vào cuốn gia phả họ Trần mà quên rằng nó chỉ là tư liệu tham khảo nên đã cho công bố kết quả nghiên cứu bước đầu trên công luận.
Theo công bố nói trên, người nằm dưới mộ là bà Dĩnh hay còn gọi là Đức bà Dĩnh, người làng Linh Đường, được phong là Chiêu Dung Công chúa, gia tặng Hạnh Hoa Công chúa, hiệu là Từ Trân, thụy là Đoan Trang, mất ngày 3 tháng 8, táng tại Linh Đường, địa phận Lăng Đá xứ (đồng Mô trong xứ), có lăng đá để thờ còn ở sau đình và nhà thờ có ghi bia sự tích”.
Nghe kể đến đây, tôi cứ ngỡ như rằng các nhà khảo cổ lúc đó đã tìm được đáp án về thân thế người nằm trong ngôi cổ mộ. Thế nhưng, khi tôi vẫn còn ngỡ ngàng thì T.S Cường giọng trầm xuống và nói tiếp: “Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ cuốn gia phả họ Trần, chúng tôi nhận thấy bà Dĩnh thực ra là em vợ chúa Trịnh Tạc.
Trong gia phả có ghi rõ, đến đời thứ ba, cụ Phúc Độ công có năm người con gái là các bà: Thoi, Dĩnh, Các, Tĩnh và Viên. Trong năm bà, gia phả chỉ còn ghi lại bà Thoi là người vợ của chúa Trịnh. Lúc này, để nghiên cứu sâu hơn, chúng tôi đã tìm hiểu thêm về bà Thoi, trong cuốn gia phả của họ Trần có ghi rõ: “Đức bà Thoi hay Bột lấy chúa Trịnh Hoàng Tổ Dương vương, gia tặng Minh Châu công chúa, hiệu là Riệu Ngọc, thụy Đoan Trang, mất ngày 28 tháng 2, táng tại huyện An Sơn, xã Thụy Khuê (gần chùa Thầy) trên núi đầu đình còn bia sự tích”.
Bên lề cuốn gia phả có dòng chữ đỏ viết thêm chữ Trịnh Tạc (1657-1682). Đây là niên đại có nhiều liên quan và phù hợp với tấm bia đá nói ở trên. Song chủ nhân nằm trong lăng đá kia có phải là một trong hai bà không (?). Lúc ấy, chúng tôi lại phải xem xét kĩ tư liệu trong cuốn gia phả có liên quan đến hai bà được ghi lại”.
Sau khi tham khảo tư liệu về người có thể là chủ nhân của ngôi cổ mộ, các nhà khảo cổ học đã ngày đêm nghiên cứu để tìm ra lời giải cho mọi nghi vấn trước đó.
Vẫn theo lời kể của T.S Nguyễn Mạnh Cường, khi cầm cuốn gia phả họ Trần, những nhà nghiên cứu đều xem xét một cách nghiêm túc, mọi giả thiết được đặt ra và phân tích kỹ lưỡng. Dần dần, các nhà khảo cổ đã đưa ra được những kết luận xung quanh việc liệu bà Thoi và bà Dĩnh có phải là chủ nhân của ngôi cổ mộ hay không.
Căn cứ theo gia phả, thì bà Thoi mới là vợ của chúa Trịnh, còn bà Dĩnh chưa bao giờ là vợ chúa. Như vậy, chúng ta sẽ phải hiểu bà Dĩnh là em vợ chúa Trịnh Tạc. Đặc biệt, theo quy định tang lễ nghiêm ngặt của chế độ phong kiến thì em vợ chúa lúc chết không được mặc áo hoàng bào xuống mộ.
Vậy người trong lăng đá chỉ có thể là bà Thoi, song bà Thoi lại không an táng tại đây.
Chân dung người đàn bà quyền lực
TS Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm: “Trong quá trình tìm lai lịch chủ nhân ngôi mộ cổ thì qua các tư liệu được lưu trữ tại Viện thông tin, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (cũ) khi đó đã mở ra một hướng nghiên cứu mới. Có một tài liệu có đề cập tới một nhân vật là Mỹ Vương, người làng Linh Đường, chủ sự việc kiểm binh sau khi Trịnh Sâm mất.
Theo hồ sơ này thì Mỹ Vương tên thật là Nguyễn Mỹ, con trai Nguyễn Trọng Viêm. Nguyễn Trọng Viêm lại là anh trai Trịnh Thái Phi. Như vậy là ở làng Linh Đường, có người con gái họ Nguyễn lấy chúa Trịnh và là bà cô của Nguyễn Mỹ. Như vậy, theo tài liệu này thì làng Linh Đường xuất hiện thêm một người phụ nữ nữa có mối quan hệ mật thiết với phủ Chúa Trịnh”.
Nói đến đây, T.S Nguyễn Mạnh Cường trầm ngâm một hồi lâu rồi mới đưa ra lời giải chi tiết cho giả thiết quan trọng này: “Sau khi khai quật ngôi mộ cổ được một thời gian, chúng tôi đọc được gia phả của dòng họ Nguyễn ở Linh Đường. Thật bất ngờ, cuốn gia phả có nói đến bà Nguyễn Thị Hoa Dung với những thông tin đúng như giả thiết mà chúng tôi có được trước đó”.
Theo những gì sử cũ ghi lại, bà Hoa Dung, mẹ của chúa Trịnh Sâm là người đoan trang, chính trực, giàu lòng nhân từ, biết lo toan đến việc dân việc nước, thể hiện trí tuệ và tài năng chính trị. Còn con trai bà, sử sách đánh giá chính sự thời Trịnh Sâm có nhiều tiến bộ tích cực nhưng về sau, vì ông quá say mê sắc đẹp của Tuyên phi Đặng Thị Huệ mà bỏ bê việc nước rồi cho phế con trưởng lập con thứ, lấy Trịnh Cán (con của Đặng Thị Huệ) làm Thế tử.
Nhận thấy nguy cơ của sự bất ổn, bà Thái phi Hoa Dung đã nhiều lần can ngăn nhưng không được Trịnh Sâm nghe theo. Vì thế, bà chán nản rời vương phủ về sống ở quê Linh Đường, giúp làng sửa đình, chùa, cày cấy, dệt lụa, làm nhiều việc thiện cho dân.
Lúc chúa Trịnh Sâm ốm nặng sắp mất, bà về thăm nom, chăm sóc con với lòng thương cảm xót xa rồi khuyên không nên vì tình cảm cá nhân mà làm hỏng việc lớn, ngôi chúa với trách nhiệm nặng nề không thể trao cho một đứa trẻ thể trạng yếu ớt, ốm đau quặt quẹo được.
Thế nhưng phe cánh của Đặng Thị Huệ quá lớn, Trịnh Sâm mất đi, quyền lực nằm cả trong tay Huy quận công Hoàng Đình Bảo nên Trịnh Cán vẫn được lập làm Chúa.
Đúng như nhận định của bà Thái phi, kể từ đó, các phe phái bắt đầu hình thành chống đối nhau, chính biến xảy ra khi kiêu binh nổi loạn giết Hoàng Đình Bảo thuộc phe Đặng Thị Huệ, phế Trịnh Cán rồi tôn Trịnh Tông lên làm chúa. Lên ngôi chúa, Trịnh Tông đã tôn phong bà là Thánh từ Thái tôn. Khi đó, bà đã bức tử Đặng Thị Huệ. Nhưng không may một thời gian sau đó, bà lâm bệnh rồi mất.
Từ những dẫn chứng đã đưa ra, T.S Nguyễn Mạnh Cường khẳng định một lần nữa: “Vào thời điểm ấy, qua toàn bộ tư liệu thu thập, nghiên cứu được, chúng tôi đã kết luận, bà Nguyễn Thị Hoa Dung là chủ nhân đích thực của ngôi mộ, chính là bà chúa nằm trong ngôi cổ mộ”.
Bí mật cuối cùng về lăng đá nằm giữa vùng đất thiêng Linh Đường kéo dài suốt mấy trăm năm đã được giải đáp.
Theo GiadinhNet
Tin khác đã đăng
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
- Đại hội đại biểu Hội đồng họ Trịnh huyện Thiệu Hóa 18/06/2024
There are no comments yet