Chúa Trịnh Cương – cuộc đời và sự nghiệp



Hội thảo khoa học do Hội Sử học Hà Nội phối hợp với Hội đồng họ Trịnh Thăng Long, Hà Nội tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 281 năm (1729 - 2010) Nhân Vương Trịnh Cương băng hà

Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà làm văn hóa, các nhà sử học, khoa học và đông đảo con cháu dòng họ Trịnh trên khắp cả nước.

trinhcuong6

Con cháu dòng họ Trịnh nghiêm trang tỏ lòng thành kính

33 tham luận được trình bày tại hội thảo đã tập trung, đánh giá vai trò, công lao của dòng họ Trịnh đối với sự nghiệp gìn giữ và phát triển của dân tộc trong lịch sử. Theo tài liệu khoa học, Nhân vương Trịnh Cương (1686 – 1729) người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, là con trưởng của Tấn Quang vương Trịnh Bính, chắt của chúa Trịnh Căn. Ông sinh năm 1686 đời Lê Huy Tông. Năm 1708, ông được phong Tiết Chế các xứ Thủy Bộ chi dinh, kim Tổng Binh quyền chức Thái Úy, tước An Quốc Công, được mở phủ Lý Quốc. Năm 1709, Chúa Trịnh Căn qua đời, ông nội Trịnh Cương là Trịnh Vĩnh và cha là Trịnh Bính đều mất trước cụ nội Trịnh Căn nên theo quy định trực hệ, ông được chọn làm người kế vị. Ông có công lao trong việc xây dựng quốc gia đương thời, ban hành nhiều chính sách cải cách thuế khóa nhằm hạn chế bất công; đồng thời củng cố lại quân ngũ, bổ dụng và làm trong sạch đội ngũ quan lại. Ngoài ra, ông còn cho chỉnh đốn lại văn bài trong các kỳ thi hương, ban bố 10 giáo điều về giáo dục, đạo đức, nhân cách con người…

Ngày 28 tháng 11 năm Kỷ Dậu Chúa Trịnh Cương qua đời, hưởng linh 44 tuổi và được tôn phong là Nhân Vương. Cuộc đời ông tuy ngắn ngủi, chỉ có 44 tuổi đời, mà ngài đã làm nên bao kỳ công vĩ tích.

Những giá trị về tư tưởng, những đường lối, những chủ trương chính sách, những cải cách tiến bộ đa dạng phong phú toàn diện của Nhân Vương Trịnh Cương không những chỉ để lại cho con cháu sau này như Ân Vương Trịnh Doanh, Thịnh Vương Trịnh Sâm kế thừa và phát triển mà còn để lại cho những nhà cầm quyền ở nhiều chế độ muôn đời sau đáng noi theo.

trinhcuong3

trinhcuong1

Có thể khẳng định, Nhân Vương Trịnh Cương được xem là nhà cải cách tài chính đầu tiên trong lịch sử cổ – trung đại Việt Nam đầu thế kỷ XVIII. Để ghi nhớ công lao của ông, tại hội thảo, con cháu dòng họ Trịnh đã nêu ra đề nghị nên lấy tên Trịnh Tùng và Trịnh Cương đặt tên đường ở Hà Nội. Tuy nhiên, kết thúc Hội thảo các nhà sử học vẫn chưa thể khẳng định hai đường mang tên hai vị chúa này sẽ ở Hà Nội hay một địa phương nào khác vì việc đặt tên đường phải tuân thủ một quy trình hết sức chặt chẽ.

Vân Du (Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

http://dddn.com.vn/2010011308488335cat118/chua-trinh-cuong-cuoc-doi-va-su-nghiep.htm

There are no comments yet

Tin khác đã đăng