Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng



Nếu như Thái vương Trịnh Kiểm là người mở đầu sự nghiệp Nhà Trịnh (Chúa Trịnh) thì Bình An vương Trịnh Tùng – con trai ông lại được biết đến với vai trò quan trọng trong việc đánh bại nhà Mạc, chấm dứt cuộc chiến Nam – Bắc triều, làm nên thắng lợi sự nghiệp […]

Nếu như Thái vương Trịnh Kiểm là người mở đầu sự nghiệp Nhà Trịnh (Chúa Trịnh) thì Bình An vương Trịnh Tùng – con trai ông lại được biết đến với vai trò quan trọng trong việc đánh bại nhà Mạc, chấm dứt cuộc chiến Nam – Bắc triều, làm nên thắng lợi sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về ông: “Tài đức hơn người, anh hùng nhất đời có thể nối được chí cha giúp nên nghiệp đế. Công Trung hưng Nhà Lê thực dựng nền từ đấy”.

Sau khi mất, Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng được đưa về an táng ở quê nhà Sóc Sơn nay là xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc).

Theo sử liệu, khi Thái vương Trịnh Kiểm qua đời, quyền lực đã được trao cho người con trưởng Trịnh Cối nắm giữ. Tuy nhiên, Trịnh Cối đam mê tửu sắc, tính cách ngạo mạn, không chăm chú việc binh khiến tướng sĩ dưới trướng bất bình. Đặc biệt, khi 10 vạn quân Mạc kéo quân từ phía Bắc vào Thanh Hóa (năm 1570) thì Trịnh Cối lại hèn nhát đầu hàng.

Trước tình thế ấy, vua Lê Anh tông đã phong cho Trịnh Tùng – con trai thứ của Trịnh Kiểm (các tài liệu sử viết mẹ ông là Nguyễn Thị Ngọc Bảo – con gái Nguyễn Kim) làm Trưởng Quận công Tiết chế các dinh thủy bộ cầm quân đánh nhà Mạc. Trịnh Tùng mở tiệc ăn thề với các tướng rồi chia quân đi các nơi đào hào đắp lũy, đặt phục binh để giữ những nơi hiểm yếu. Một số tướng dưới trướng Trịnh Tùng có sáng kiến dựng lũy bằng những tấm phên trát bùn dài đến 10 dặm, trên cắm chông tre, khiến quân Mạc từ xa tưởng thành đất thật không dám tiến công. Sau bốn tháng giằng co, quân Mạc bị cạn lương thực, Mạc Kính Điển phải rút quân về Bắc. Sau khi xét công trạng, vua Lê đã phong cho Trịnh Tùng chức Thái úy Trưởng Quốc công.

Năm đầu tiên vua Lê Thế tông lên ngôi (1573) lợi dụng vua còn nhỏ, quân Mạc lại kéo vào bao vây. Lúc này, Thái úy Trưởng Quốc công Trịnh Tùng lại chứng tỏ tài năng của mình. Sách Văn tài võ lược xứ Thanh viết: “Quân Mạc biết vua Lê còn ít tuổi, quyền bính thuộc Trịnh Tùng mà các tướng chưa chịu phục nên liên tục dẫn quân vào Thanh Hoa, Nghệ An làm cho tướng sĩ nhà Lê phải chống chọi rất vất vả. Năm Quang Hưng thứ nhất (1578), Trịnh Tùng cho mở rộng hành điện Vạn Lại trước kia, cho xây đàn Nam Giao ở ngoài lũy phía Nam và đón vua Lê Thế tông từ Yên Trường về ngự, còn ở Yên Trường thì cho xây các kho chứa lương thực dự trữ (quốc khố) và cung thất cho gia tộc mình”.

Khi lực lượng chưa đủ mạnh, Thái úy Trưởng Quốc công Trịnh Tùng lựa chọn giữ chặt đất Thanh Hóa, Nghệ An khiến cho quân Mạc dù nhiều lần đánh vào đều thất bại, hao binh tổn tướng. Từ năm 1583, nhận thấy thế và lực đã đủ mạnh, quân Lê – Trịnh thay đổi chiến lược, liên tục mở các đợt tấn công ra phía Bắc, các trận đánh đều giành thắng lợi, thu về nhiều khí giới, lương thực buộc quân Mạc từ thế “công” chủ động sang thế “thủ” bị động. Đây có thể xem là một “bước tiến” trong cuộc nội chiến Nam – Bắc triều ở nước ta thời bấy giờ.

Năm Tân Mão (1591), Trịnh Tùng nắm chắc vận nước đã có lợi nên huy động lực lượng lớn tới 5 vạn quân, chia thành 5 đạo, giao cho các tướng chỉ huy; riêng ông thân chinh làm tướng một đạo quân thẳng cửa Thiên Quan (Ninh Bình) tiến đánh nhà Mạc.

Sách Kinh đô Vạn Lại – Yên Trường viết: “Quân nhà Lê thế trận như chẻ tre, hừng hực xung trận, hai bên đánh nhau bên sông… quân Mạc chống cự không nổi, thua chạy tranh nhau xuống thuyền qua sông. Mạc Mậu Hợp thu tàn quân bỏ chạy. Quân Lê – Trịnh thừa thắng, truy đuổi quân Mạc đến gần Thăng Long thì dừng lại, đóng quân bên sông Nhuệ (Ninh Giang). Vừa gặp Tết Nguyên đán nên Trịnh Tùng đình chiến với nhà Mạc, cho quân sĩ nghỉ ngơi ăn tết”.

Ngoài khu di tích Phủ Trịnh, Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng nói riêng và các đời chúa Trịnh nói chung còn được người dân địa phương thờ phụng tại di tích nghè Vẹt.

Cũng theo sách Kinh đô Vạn Lại – Yên Trường: “Ra Giêng năm Nhâm Thìn (1592) Trịnh Tùng lập đàn tế trời đất và các tiên đế nhà Lê, đặt ra ba điều để nghiêm cấm quân sĩ. Điều thứ nhất không được tự tiện vào nhà dân lấy củi hái rau; điều thứ hai không được cướp bóc tài vật, chặt phá hoa màu; điều thứ ba không được hiếp dâm đàn bà, con gái, vì thù riêng mà giết người. Ai vi phạm ba điều ấy sẽ lấy quân pháp nghiêm trị… trăm họ vui theo, đều nói rằng từ đời tam đại về sau, nay lại được thấy quân nhân nghĩa như thế. Người ta theo về như đi chợ”.

Sau khi củng cố lực lượng, với quyết tâm đánh dẹp nhà Mạc, Trịnh Tùng lại cho quân giao chiến với quân Mạc. Không còn đủ sức chống đỡ, Mạc Mậu Hợp phải bỏ kinh thành Thăng Long chạy trốn về miền Kim Thành (nay thuộc Hải Dương). Sau khi đưa quân vào thành Thăng Long, thu giữ vàng bạc của cải, giao quân giữ Thành, Trịnh Tùng tiếp tục chia quân đuổi theo họ Mạc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về cuộc truy đuổi, đại ý: Bấy giờ Mạc Mậu Hợp bỏ thuyền lên bộ, đến chùa ở huyện Phượng Nhỡn (hay Phượng Nhãn, ngày nay thuộc Bắc Giang) ẩn tại đấy 11 ngày. Quan quân huyện Phượng Nhỡn có người thôn dân dẫn đường, đưa quân vào trong chùa bắt được Mạc Mậu Hợp đem đến dinh quân. Mạc Mậu Hợp bị bêu sống ba ngày, rồi chém ở bến Bồ Đề, gửi đầu về Vạn Lại Thanh Hoa.

Cuối năm Nhâm Thìn, quân Lê – Trịnh chính thức lấy lại được Thăng Long và cả phía Bắc. Sau đó, Trịnh Tùng sai thợ làm lại cung điện để đón vua Lê trở ra (năm 1593). Sử gia Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí nhận xét về công lao của Trịnh Tùng với sự nghiệp Trung hưng nhà Lê đã ngợi ca: “Ông khéo vỗ về tướng sĩ, đoán tình thế không sai, dùng binh như thần, trong 20 năm kinh dinh đất nước, cuối cùng diệt được kẻ tiếm nghịch, khôi phục nhân tâm, công trùm thiên hạ, oai lừng khắp nơi, công lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy”.

Khi sự nghiệp Trung hưng của nhà Lê thành công, Trịnh Tùng được vua Lê phong Đô thống nguyên soái tổng quốc chính Thượng phụ, tước Bình An vương. Cũng từ đây, ông bắt đầu thâu tóm quyền lực, quyết đoán việc triều chính. Bình An vương Trịnh Tùng lập phủ riêng (Trịnh Vương phủ) gồm đủ cả “lục phiên” tương đương “lục bộ” của triều Lê. Vua Lê và triều Lê dần trở nên “hư danh”.

Ở góc độ những đóng góp cho sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, Bình An vương Trịnh Tùng vẫn được sử sách nhắc đến với tài năng xuất chúng và vai trò đặc biệt. Ông không chỉ là dũng tướng tài ba nơi chiến trận mà còn là nhà chính trị xuất sắc. Ông cũng là người chính thức “mở” ra thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh đặc biệt trong lịch sử dân tộc.

Bình An vương Trịnh Tùng qua đời (năm 1623) được tôn phong Triết vương, miếu hiệu Thành Tổ và đưa về an táng ở quê nhà Sóc Sơn nay thuộc xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) xứ Thanh. Bà Lê Thị Tú – công chức Văn hóa xã hội xã Vĩnh Hùng cho biết: “Năm 2012, khu lăng mộ Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng được tôn tạo khang trang, xứng tầm công lao trong lịch sử của ông. Hiện nay, cùng với Phủ Trịnh, nghè Vẹt, chùa Báo Ân thì khu di tích lăng mộ Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng đã tạo nên những điểm đến tham quan hấp dẫn cho du khách khi về với quê hương chúa Trịnh”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/thanh-to-triet-vuong-trinh-tung/26209.htm

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 Download ProShow Producer 9.0 Full Crack Vĩnh Viễn