Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Nhân Vương Trịnh Cương



Ngày 10 tháng 1 năm 2010, tại Hội trường lớn Thư viện Quốc gia đã tiến hành hội thảo khoa học về Chúa Trịnh Cương nhân lễ kỷ niệm 281 năm ngày Nhà Chúa băng hà (1729 - 2010).

Cuộc hội thảo đã được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các vị đại biểu và quý khách, đặc biệt là các nhà khoa học ở trung ương và địa phương thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn học, quân sự, kinh tế, nghệ thuật…

LỜI GIỚI THIỆU

Ngày 10 tháng 1 năm 2010, tại Hội trường lớn Thư viện Quốc gia (Số 31, phố Trường Thi, thủ đô Hà Nội) đã tiến hành hội thảo khoa học về Chúa Trịnh Cương nhân lễ kỷ niệm 281 năm ngày Nhà Chúa băng hà (1729 – 2010).

Cuộc hội thảo đã được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các vị đại biểu và quý khách, đặc biệt là các nhà khoa học ở trung ương và địa phương thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn học, quân sự, kinh tế, nghệ thuật… Hơn 30 báo cáo khoa học đề cập tới cuộc đời và sự nghiệp của Chúa Trịnh Cương đã được gửi tới ban nội dung hội thảo, đi sâu giới thiệu, phân tích, đánh giá tài năng và sự nghiệp của Chúa Trịnh Cương trong lịch sử Việt Nam hồi thế kỷ XVIII.

Có thể khẳng định tiếp theo hội thảo khoa học về Chúa Trịnh Sâm (1739 – 1782) tổ chức trước đây tại Thanh Hóa – quê hương họ Trịnh, hội thảo khoa học lần này về Chúa Trịnh Cương (1686 – 1729) tại thủ đô Hà Nội đã góp thêm tư liệu và chứng cứ giúp cho việc đánh giá và định vị họ Trịnh một cách chính xác, có cơ sở khoa học, trọng lịch sử dân tộc.

Hội thảo về Chúa Trịnh Cương tổ chức tại Hà Nội vào dịp toàn thể nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước đang hân hoan bước vào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội càng tăng thêm ý nghĩa vì lịch sử dòng họ Trịnh cũng có nhiều gắn bó với Kinh thành Thăng Long trước kia (Thủ đô Hà Nội ngày nay).

Hội thảo khoa học về Chúa Trịnh Cương đã đi tới một số đề nghị cụ thể như: lấy tên một số vị Chúa Trịnh tiêu biểu để đặt tên đường phố ở Hà Nội; công nhận di tích Hành cung Cổ Bi (Gia Lâm – Hà Nội) là di tích quốc gia; biên soạn một số công trình nghiên cứu trên cơ sở khai thác những tư liệu mới và với những nhận định, đánh giá mới đảm bảo tính khách quan khoa học về họ Trịnh trong lịch sử dân tộc. Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Nhân Vương Trịnh Cương lần này ra mắt bạn đọc chính là để đáp ứng kịp thời yêu cầu đó.

Từng được tham gia một số cuộc hội thảo khoa học về họ Trịnh trong lịch sử dân tộc, và với tư cách là một người nghiên cứu lịch sử dân tộc, chúng tôi vô cùng cảm kích và vinh dự được viết mấy dòng giới thiệu Kỷ yếu này với lòng tin tưởng vững chắc rằng công trình không chỉ được riêng con cháu họ Trịnh nồng nhiệt chào đón, mà còn được đông đảo bạn đọc trong cả nước và ở nước ngoài (bao gồm cả những nhà sử học nước ngoài nghiên cứu Lịch sử Việt Nam) tìm đọc trên tinh thần thực sự cầu thị.

GS. NGND. Đinh Xuân Lâm
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sư Việt Nam

BÁO CÁO ĐỀ DẪN

Kính thưa Quý vị đại biểu,
Thưa các Nhà khoa học

Hy tổ Nhân Vương Trịnh Cương sinh năm Bính Dần (1686). Ông là tằng tôn của Chiêu tổ Khang Vương Trịnh Căn. Năm Quý Mùi (1703), theo chế độ ngành trưởng thế tập, với sự hỗ trợ đắc lực của các trọng thần là Nguyễn Quý Đức, Đặng Đình Tướng…, Trịnh Cương được chọn lập làm người kế vị ngôi Chúa. Năm Kỷ Sửu (1709), Chiêu tổ Khang Vương Trịnh Căn mất, Trịnh Cương được tiến phong làm Tổng Quốc chính An Đô Vương, chính thức nối ngôi Chúa, trực tiếp điều hành chính sự đất nước.

Trịnh Cương là người đầy tâm huyết, có trách nhiệm cao đối với sự hưng vong của quốc gia. Ông rất quan tâm đến chính sự: “sớm đã thay áo, khuya mới ăn cơm, canh cánh lo lắng, siêng năng càng hơn. Một ngày muôn việc, thế nào cũng cẩn thận giữ gìn….

Với tư cách là người trực tiếp điều hành và quản lý đất nước, Trịnh Cương là người có ý chí, bản lĩnh, năng động và thực sự lo toan đến sự hưng vong của đất nước. Được sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ trí thức quan lại đầy tâm huyết như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn…, Trịnh Cương đã tiến hành công cuộc cải cách hành chính khá toàn diện.

Thời kỳ vua Lê Dụ Tông trị vì (1705 – 1729), Nhân Vương Trịnh Cương phò tá (1709 – 1729) được coi là thịnh trị nhất thời Lê Trung hưng. Sử cũ từng ghi nhận: “Bấy giờ Vua thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy binh đao, trong nước vô sự, triều đình làm được nhiều việc, pháp độ rất đầy đủ, kỷ cương thi hành tốt, các nước phương xa đến nạp cống, thượng quốc trả lại đất, đáng gọi là đời cực thịnh…”.

Nhân Vương Trịnh Cương mất ngày 28 tháng 11 năm Kỷ Dậu (tức ngày 16 tháng 1 năm 1730), hưởng thọ 44 tuổi. Nhân dịp kỷ niệm 281 năm ngày mất của Nhân Vương Trịnh Cương, Hội đồng họ Trịnh Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Hội Sử học Hà Nội tổ chức cuộc Hội thảo khoa học Chúa Trịnh Cương – cuộc đời và sự nghiệp với mục đích ghi nhận và khẳng định những cống hiến to lớn của Ông đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Thăng Long – Hà Nội nói riêng trong ba thập niên đầu thế kỷ XVIII. Trên cơ sở những kết luận khoa học, Hội thảo sẽ đề xuất các kiến nghị tới chính quyền Thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu quan để có hình thức tôn vinh xứng đáng.

Sau một thời gian chuẩn bị, đến nay Ban tổ chức đã nhận được 37 bài tham luận của các nhà nghiên cứu ở Viện Sử học Việt Nam, Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Sở VH – TT& Du lịch Hà Nội và các con cháu họ Trịnh ở Hà Nội. Một số tác giả là nhà văn, nhà báo, nhà giáo hoạt động trên lĩnh vực Bảo tàng ở Hà Nội, ở Thanh Hóa… vì mến mộ danh tiếng của Nhân Vương Trịnh Cương cũng đã gửi tham luận tới Hội thảo. Nội dung các tham luận tập trung vào những chủ đề chính sau đây:

1. Nhân Vương Trịnh Cương – Nhà cải cách tiêu biểu thế kỷ XVIII

Cuộc cải cách của Trịnh Cương tập trung chủ yếu trên hai lĩnh vực: cải cách bộ máy hành chính (tổ chức nhân sự) và cải cách kinh tế – tài chính. Quá trình cải cách diễn ra theo một trình tự hợp lý: xuất phát từ mục tiêu tạo bước chuyển biến mạnh của nền kinh tế đất nước, Trịnh Cương đặt trọng tâm của cuộc cải cách trên lĩnh vực kinh tế – tài chính với việc cải tiến chế độ tô thuế là cốt lõi. Tuy nhiên để cho cuộc cải cách kinh tế-tài chính có hiệu quả, vấn đề nhân sự được Trịnh Cương đặc biệt coi trọng, đặt lên hàng đầu. Do vậy, cải cách bộ máy hành chính, kiện toàn tổ chức nhân sự phải được đi trước một bước. Chính vì lẽ đó mà nhu cầu hoàn thiện và cải tạo định chế cung vua – phủ Chúa với mục đích tập trung quyền lực vào một mối, vào phủ chúa, đã được đặt ra.

Trong tham luận Nền tảng chính trị – xã hội Đàng Ngoài đầu thế kỷ XVIII với cải cách của Trịnh Cương, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã đi sâu nghiên cứu bối cảnh chính trị – xã hội ở Đàng Ngoài, tìm hiểu những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến cuộc cải cách của Trịnh Cương. Trên bình diện nghiên cứu tổng thể cuộc cải cách (nội dung, diễn biến, kết quả), GS. Văn Tạo (Viện Sử học) trong bài viết Cải cách tài chính của Trịnh Cương (1716 – 1729) đánh giá đây là một trong 10 cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam. Nội dung cải cách kinh tế – tài chính của Trịnh Cương được cụ thể hóa trong hai tham luận Chính sách khuyến nông của Chúa Trịnh Cương của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học) và Tìm hiểu một số chính sách thuế thời Trịnh Cương (1709 – 1729) của TS. Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học). Một số vấn đề liên quan đến cải cách của Trịnh Cương cũng đã được thể hiện trong các tham luận Chúa Trịnh Cương với việc chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội của tác giả Trịnh Dương; Nhân Vương Trịnh Cương lấy nhân đức và công bằng tiến hành cải cách xã hội của tác giả Trịnh Xuân Tiến; Nhân Vương Trịnh Cương – Cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Hồng Phi (Thanh Hóa); Ngôi sao sáng của chính trường Việt Nam đầu thế kỷ XVIII mà ta chưa biết biểu dương của PGS. Vũ Ngọc Khánh (Viện Nghiên cứu Văn hóa) v.v…

2. Sự nghiệp chính trị của Nhân Vương Trịnh Cương

Kế thừa những thành quả có được từ thời Chiêu tổ Khang Vương Trịnh Căn, từ sau khi lên cầm quyền, Trịnh Cương tiếp tục thi hành những chính sách tích cực nhằm ổn định nền chính trị xã hội ở Đàng Ngoài, kiện toàn và hoàn thiện bộ máy quản lý hành chính các cấp, ban hành và thực thi nhiều chính sách tuyển dụng quan lại (qua thi cử, qua tiến cử và bảo cử) nhằm tạo ra một đội ngũ liêm quan, có năng lực. Chính sách đối ngoại thời Trịnh Cương vừa cứng rắn kiên quyết, vừa mềm dẻo đã tạo nên vị thế của Đại Việt đối với các quốc gia trong khu vực và đặc biệt đối với Trung Hoa. Thành quả lớn nhất có được dưới thời Trịnh Cương được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận là việc đấu tranh với nhà Thanh (Trung Quốc) thắng lợi, bảo vệ, gìn giữ và giành lại chủ quyền đối với một phần lãnh thổ miền biên giới Tuyên Quang, Quảng Ninh từng bị người Thanh chiếm giữ.

Nội dung này được tập trung trong các tham luận: Chính sách sử dụng nhân tài thời Trịnh Cương của Ngô Vũ Hải Hằng (Viện Sử học); Binh lính tham gia khoa cử Nho học – nét cởi mở trong chính sách tuyển chọn nhân tài thời Trịnh Cương (1709 – 1729) của Hà Duy Biển (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam); Triều đình Lê – Trịnh với chính sách biên cương phía Bắc thế kỷ XVII của TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học); Trịnh Cương với việc quản lý vùng đất biên viễn của GS.VS. Nguyễn Duy Quý (Viện KHXH Việt Nam); Vị Chúa văn trị với công trạng giành lại đất bằng đấu tranh hòa bình của Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi; Ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chính quyền Lê – Trịnh dưới thời Trịnh Cương của PGS.TS. Trần Thị Vinh (Viện Sử học)…

Bằng nhiều nguồn tài liệu qua thư tịch cổ Việt Nam và Trung Quốc, TS. Nguyễn Hữu Tâm đã khẳng định: “Chính quyền Lê – Trịnh trong hai thế kỷ trị vì, đặc biệt vào thế kỷ XVIII đã nỗ lực ban hành các chính sách biên giới và thực thi nhiều biện pháp nhằm giữ vững biên cương và toàn vẹn lãnh thổ;… vào nửa đầu thế kỷ XVIII triều Lê – Trịnh đã giành được thế “thượng phong” trong việc giành và giữ biên cương phía Bắc”. Đây là thành quả to lớn của thời kỳ Lê – Trịnh cần được ghi nhận.

3. Trên lĩnh vực quân sự

Trên thực tế, lực lượng quân sự thời Trịnh Cương khá hùng hậu, đó là do chính quyền Lê – Trịnh có những chủ trương và biện pháp tích cực trong việc tăng cường sức mạnh của quân đội. Trong tham luận Chúa Trịnh với đường lối quốc phòng, xây dựng quân đội để bảo vệ vương quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Đại tá Trịnh Xuân Tốn (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) đã nêu rõ đường lối quốc phòng, xây dựng quân đội thời Trịnh Cương được nhất quán với ba chủ trương lớn là: chú trọng xây dựng quân sự vững mạnh; Quan tâm đến chế độ tuyển chọn, huấn luyện và đãi ngộ; bên cạnh đấu tranh ngoại giao, sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ lãnh thổ và thu hồi những vùng đất bị nhà Thanh xâm lấn…

Đặc điểm nổi bật nhất trong chính sách đối với quân đội thời Trịnh Cương cầm quyền là coi trọng võ học. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quy chế về thi Sở cử và Bác cử được ban hành. Năm 1723, khoa thi Sở cử được tổ chức lấy đỗ 13 người. Khoa thi Bác cử (Tiến sĩ võ) được tổ chức vào năm 1724 lấy đỗ 11 Tạo sĩ. Những người đỗ Bác cử được hưởng ân tứ như những người đỗ Tiến sĩ bên ngạch văn. Nội dung này được thể hiện trong hai tham luận: Các cuộc thi võ ở thời Chúa Trịnh Cương của TS. Trương Thị Yến (Viện Sử học) và Trịnh Cương vị chúa sáng – người hoàn thiện nền võ học Việt Nam của tác giả Trịnh Quang Dũng (Thành phố Hồ Chí Minh). Khẳng định những thành tựu của nền Võ học Việt Nam (thế kỷ XVIII), tác giả Trịnh Quang Dũng cho rằng: Trong thời gian trị vì, Nhân Vương Trịnh Cương đã dày công quyết đoán xây dựng một nền võ học hoàn thiện, góp phần tạo nên sức mạnh quân sự Đại Việt, đủ sức răn đe (phương Bắc), bảo vệ cương thổ của tổ tiên.

4. Trên lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật

Đây là mảng đề tài khá phong phú và đa dạng được nhiều tác giả để tâm nghiên cứu. Nội dung này được tập trung trong các tham luận: Lê triều ngự chế quốc âm thi – tác phẩm thơ Nôm của Trịnh Cương của PGS.TS. Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); Tư tưởng khuyến nông của Trịnh Cương qua hai bài thơ “Phong niên thi” và bài “Phong niên vịnh” của PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học); Chúa Trịnh Cương trong dòng văn Trịnh phủ của PGS.TS Trần Thị Băng Thanh (Viện Văn học); Họ Trịnh với văn học Nôm của PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và Một vị chúa chuộng nhân nghĩa sáng suốt của Nhà thơ Ngô Văn Phú (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) v.v…

Trước đây, chúng ta mới biết đến các dòng văn Ngô Thì (Tả Thanh Oai, Hà Nội), Phan Huy (Can Lộc – Hà Tĩnh) hay văn phái Trường Lưu của dòng họ Nguyễn Huy (Can Lộc)… Qua cuộc Hội thảo này, chúng ta biết thêm về dòng văn Trịnh phủ – mà tác giả là các Chúa Trịnh và tôn thất họ Trịnh. Ở nội dung này, các tác giả đã trực tiếp đi sâu phân tích các tác phẩm văn học chữ Hán, chữ Nôm của các Chúa Trịnh, trong đó Nhân Vương Trịnh Cương được nhắc đến qua tác phẩm thơ Nôm: Lê triều ngự chế quốc âm thi và hai bài thơ chữ Hán Phong niên vịnh và Phong niên thi. Khi phân tích hai bài thơ chữ Hán của Nhân Vương Trịnh Cương, ngoài ý nghĩa văn chương, PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) đặc biệt nhấn mạnh đến tư tưởng khuyến nông của Trịnh Cương, và coi đây là một trong những tư tưởng tiến bộ nhất của ông được nhân dân ủng hộ, góp phần tạo dựng nên một xã hội ổn định.

Dưới góc độ nghệ thuật kiến trúc, tác giả Trịnh Quang Vũ qua bài viết Chúa Trịnh Cương với những cải cách ở Phủ Đình, văn hóa nghệ thuật trong lịch sử đã khẳng định: Trong 20 năm trị vì đất nước Chúa Trịnh Cương đã để lại nhiều dấu ấn về văn hóa, mỹ thuật tạo hình, tạo ra một phong cách truyền thống tạo đà phát triển mỹ thuật sau này. Mỹ thuật thời Trịnh Cương là biểu hiện một đất nước thái bình, cường thịnh và phát triển mạnh về văn hóa nước ta.

5. Liên quan đến mối quan hệ giữa Trịnh Cương với quê ngoại cũng như những di tích lịch sử liên quan đến ông, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được các tham luận Chúa Trịnh Cương và dòng họ ngoại của nhà thơ, nhà báo Trương Thị Kim Dung; Tìm lại hành cung Cổ Bi xưa của TS. Nguyễn Văn Đoàn (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam); Nhân dân phố Bình Minh tôn thờ Chúa Trịnh Cương là Thành hoàng của tác giả Đỗ Hoài Dinh (Trưởng ban QLDT); Giới thiệu văn bia “Trịnh công bi ký” lưu tại chùa Khánh Vân do Lê Quý Đôn soạn của tác giả Đỗ Danh Huấn (Viện Sử học) và Tìm và xây lăng mộ Hy Tổ Nhân Vương Trịnh Cương của tác giả Trịnh Hải (Lê Hợp Hải) là hậu duệ đời thứ 10 của Nhân Vương Trịnh Cương. Trong bài viết của mình, tác giả Trương Thị Kim Dung đã đánh giá rất cao vai trò của quê ngoại đối với sự nghiệp của Trịnh Cương và cũng ghi nhận sự tri ân tình nghĩa của ông đối với quê hương Như Kinh.

6. Ngoài các tham luận đã nêu trên trực tiếp nghiên cứu từng lĩnh vực cụ thể liên quan đến thời kỳ Nhân Vương Trịnh Cương chấp chính, còn một số tham luận tập trung nghiên cứu tìm hiểu một số vấn đề lịch sử chung trong thời gian hơn hai thế kỷ (tức thời Lê Trung hưng). Đó là tham luận Ngoại thương Việt Nam thời Lê – Trịnh qua một số nguồn sử liệu phương Tây của PGS.TS. Nguyễn Văn Kim (Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN); Ngoại thương Đàng Ngoài cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII: từ vụ áp phe thương mại của thương điếm Anh đến chủ trương “Cấm biển” của chính quyền Lê – Trịnh năm 1693 của TS. Hoàng Anh Tuấn (Trường ĐH KHXH & NV, HN). Nội dung các tham luận này cho thấy chính sách cởi mở của chính quyền Lê – Trịnh đối với các nước Phương Tây thông qua hoạt động ngoại thương, một trong những biện pháp phát triển nền kinh tế đất nước thời bấy giờ.

7. Đối với Nhân Vương Trịnh Cương, từ xưa đến nay các sử gia và các nhà nghiên cứu đều giành cho ông nhiều trang viết với những quan điểm đánh giá chân xác, thỏa đáng. Thông qua các bộ chính sử, các tác giả Lê Quang Chắn (Viện Sử học) với tham luận Nhân Vương Trịnh Cương qua ghi chép của sử gia phong kiến và ThS. Đinh Thị Thùy Hiên (Trường ĐH KHXH & NV, HN) với tham luận Bước đầu tìm hiểu chân dung Trịnh Cương qua nhận xét của người đương thời và hậu thế đã tổng hợp lại toàn bộ những nhận xét đánh giá của các sử gia phong kiến các triều đại về Nhân Vương Trịnh Cương.

Do điều kiện thời gian hạn hẹp, tại cuộc hội thảo này chúng ta sẽ nghe nội dung một số tham luận đại diện trên từng lĩnh vực cụ thể. Sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ tiến hành biên tập, chỉnh sửa và in thành Kỷ yếu Hội thảo gửi đến tay quý vị.

Xin chân thành cảm ơn quý vị đại biểu và kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

TS. Nguyễn Đức Nhuệ
(Viện Sử học)

TỔNG KẾT HỘI THẢO

Nhân lễ kỷ niệm 281 năm (1729 – 2010) Nhân Vương Trịnh Cương (vị chúa đời thứ 5 họ Trịnh) băng hà, Hội đồng họ Trịnh Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Hội khoa học lịch sử thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “Chúa Trịnh Cương – Cuộc đời và sự nghiệp”.

1/ Rõ ràng việc nghiên cứu, tìm hiểu họ Trịnh với những đóng góp to lớn về các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế… vào lịch sử dân tộc đến nay đã trở nên một yêu cầu vô cùng cấp thiết. Với nhiều nguồn tư liệu mới, thành văn kết hợp chặt chẽ với điền dã, lại có tư duy sử học đổi mới, việc đánh giá khách quan khoa học tiến tới định vị một cách chính xác, thực sự cầu thị, vai trò họ Trịnh trong lịch sử dân tộc, trong thực tế đã có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt. Hơn thế nữa, trong bối cảnh đồng bào cả nước, trong đó có đồng bào thủ đô Hà Nội đang hân hoan bước vào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thì việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử họ Trịnh từng có nhiều gắn bó với Kinh thành Thăng Long trước kia (Thủ đô Hà Nội ngày nay) là một việc làm vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa truyền thống.

Chính vì ý nghĩa quan trọng của vấn đề nghiên cứu – cũng như của thời điểm tổ chức mà hội thảo khoa học về Chúa Trịnh Cương đã được sự hưởng ứng nhiệt liệt của đông đảo các nhà khoa học, các ngành có liên quan tới đề tài như Lịch sử, Chính trị, Quân sự, Ngoại giao, Kinh tế…, ở Trung ương cũng như nhiều địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn ban phụ trách Nội dung cuộc hội thảo đã nhận được 37 báo cáo khoa học đề cập tới nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ trên tinh thần công minh lịch sử. Tiếc rằng, do thời gian hạn chế, hội thảo chỉ tiến hành trong buổi sáng ngày 20 tháng 1 năm 2010 nên chỉ có 13 báo cáo được trình bày trực tiếp tại hội trường, những báo cáo còn lại sẽ được công bố trong “Kỷ yếu hội thảo” biên tập và xuất bản sau hội thảo.

Để mở đầu cuộc hội thảo khoa học nhân ngày băng hà của Chúa Trịnh Cương, chúng tôi đã tham dự lễ dâng hương vô cùng trang nghiêm và đầy xúc động. Tiếp theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học Việt Nam) trình bày Báo cáo đề dẫn nêu tóm tắt thân thế và sự nghiệp của Chúa Trịnh Cương đối với đất nước Đại Việt trong thế kỷ XVIII về mặt cải cách kinh tế, xã hội… về mặt chính trị và về lĩnh vực quân sự cũng như về lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật…, thông qua gần 40 bản tham luận của các nhà khoa học – các nhà nghiên cứu đã gửi đến ban tổ chức hội thảo.
Ông Trịnh Đình Hưng, Chủ tịch Hội đồng họ Trịnh Việt Nam phát biểu cảm ơn đến các vị Đại biểu, các nhà khoa học, các dòng họ khác và các thân tộc Trịnh đã tham dự hội thảo “Chúa Trịnh Cương cuộc đời và sự nghiệp”. Trong bài phát biểu đã nêu lên những đóng góp to lớn vào lịch sử dân tộc Việt Nam của dòng họ Trịnh nói chung và các chúa Trịnh nói riêng, và đề đạt mong muốn hội thảo đánh giá đúng những công lao đóng góp đó để đảm bảo việc công minh trong lịch sử và công bằng xã hội.

2/ Sau đây là tóm tắt trên những điểm lớn nội dung các báo cáo khoa học lần lượt được trình bày tại hội trường trước toàn thể các đại biểu tham dự.

– Mở đầu là báo cáo: “Tảng nền chính trị – xã hội Đàng Ngoài đầu thế kỷ XVIII” của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế (Trường Đại học KHXH & NV, Hà Nội).
Nội dung báo cáo không đi vào các quyết định và việc làm cụ thể của Chúa Trịnh Cương, mà chỉ giới thiệu trên những nét lớn tình hình chính trị và xã hội của Đàng Ngoài hồi đầu thế kỷ XVIII, trên cơ sở đó chứng minh chính bối cảnh lịch sử đó đã dẫn tới các chính sách cải cách của Chúa Trịnh Cương, qua đó làm rõ tính nhạy bén, nhận thức sắc sảo, bản lĩnh vững vàng và quyết đoán của một nhà chính trị trước thời cuộc.

– Báo cáo thứ 2 của GS. Văn Tạo (nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) có chủ đề: “Cải cách tài chính của Trịnh Cương (1716 – 1729)” khẳng định Chúa Trịnh Cương là một nhà cải cách lớn trên nhiều phương diện, đặc biệt là cải cách tài chính có nhiều mặt tích cực; mặc dù trong hoàn cảnh thế kỷ XVIII không tránh khỏi một số hạn chế, nhưng đã đem lại một số thành quả rõ rệt, cải thiện được đời sống nhân dân lúc bấy giờ.

– Báo cáo thứ 3 của TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học) có chủ đề: “Triều đình Lê – Trịnh với biên cương phía Bắc thế kỷ XVIII”. Thông qua các tư liệu cụ thể đã làm rõ chính sách ngoại giao của chính quyền Lê – Trịnh đối với phía Bắc, khi cương lúc nhu ổn định tình hình biên giới đường bộ phía Bắc, cũng như trên vùng biển; Cương, Nhu trong các chính sách đối với nhân dân vùng biển, đối với các quan lại phụ trách các công viẹc đó; trong số các công tác quan trọng và khó khăn đó có việc thu hồi được mỏ đồng Tụ Long (Tuyên Quang) từng bị nhà Thanh chiếm đoạt.

– Báo cáo thứ 4 của Đại tá Trịnh Xuân Tốn (Viện Lịch sử quân sự) có đề tài: “Chúa Trịnh với đường lối quốc phòng, xây dựng quân đội để bảo vệ vương quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Nội dung báo cáo đã lần lượt giới thiệu, có sự phân tích và đánh giá chặt chẽ các biện pháp đã được áp dụng có kết quả. Đó là: xây dựng lực lượng hùng mạnh; đào tạo chỉ huy với việc mở các trường quân sự, rồi tổ chức các kỳ thi, tuyển chọn những người chỉ huy các cấp; đặc biệt là đã có chính sách ngoại giao đúng đắn, kết hợp cương nhu, để bảo toàn lãnh thổ, chống lại mọi âm mưu dòm ngó, bành trướng của bên ngoài.

– Báo cáo thứ 5 của NNC. Trịnh Quang Vũ với đề tài “Chúa Trịnh Cương với những cải cách ở Phủ Đình (Văn hóa nghệ thuật) trong lịch sử (đi cụ thể vào y phục các quan chức văn võ, nghi lễ với cung đình), nghệ thuật tạc tượng”. Người đọc qua các thông tin cụ thể giới thiệu đã có điều kiện thấy rõ sự phát triển mạnh mẽ và có bản sắc của văn hóa – nghệ thuật dưới thời Lê – Trịnh (thế kỷ XVIII).

– Báo cáo thứ 6 của NNC Trịnh Xuân Tiến với tựa đề: “Nhân Vương Trịnh Cương lấy Nhân đức và Công bằng tiến hành cải cách xã hội” đã đi cụ thể vào việc giới thiệu, phân tích, đánh giá các biện pháp cải cách bộ máy quyền lực về văn trị và võ công của chúa Trịnh Cương được đặt trên nền tảng Nhân đức và Công bằng.

– Báo cáo thứ 7 của PGS. TS. Hoàng Thị Ngọ: “Họ Trịnh với văn học Nôm” đã rút ra các đặc điểm của thơ Nôm thời Lê – Trịnh, chủ yếu là của các chúa Trịnh.

– Báo cáo thứ 8. Nhà thơ Ngô Văn Phú trong báo cáo: “Một vị Chúa chuộng nhân nghĩa sáng suốt (Trịnh Cương)” đã nhấn mạnh vào chính sách “khoan dân” của Nhân Vương Trịnh Cương, xem đó như là một chủ trương của Nhà Chúa, được thể hiện qua thơ ca có nội dung thấm đượm tư tưởng nhân nghĩa, yêu dân sâu sắc.

– Đến báo các số 9 của Nhà thơ, Nhà báo Trương Thị Kim Dung: “Chúa Trịnh Cương với dòng họ ngoại (tình cảm gắn bó với dòng họ ngoại của Chúa Trịnh Cương)” đề cập tới mảng di tích đặc sắc Thăng Long – Hà Nội là Chùa Hàm Long.

– Báo cáo số 10 của Bác sĩ Đỗ Hoài Dinh (Trưởng ban quản lý di tích) đã giới thiệu “Di tích Hành Cung Cổ Bi (Gia Lâm – Hà Nội)”, một di tích thuộc thời kỳ Lê – Trịnh, qua đó nói lên tình cảm đượm màu sắc tôn giáo không chỉ của các hậu duệ họ Trịnh mà cả của nhân dân địa phương đối với Chúa Trịnh Cương.

– Cuối cùng, báo cáo thứ 11, hậu duệ trực hệ thứ 10 của Chúa Trịnh Cương là nhà giáo Trịnh Hải, người đã dốc nhiều công sức trong nhiều năm qua đi tìm lăng mộ và trùng tu các di tích lịch sử dòng họ Trịnh trên nhiều miền đất nước, đã thuật lại tường tận câu chuyện tìm và xây dựng mộ Chúa Trịnh Cương.

3/ Những báo cáo chưa trình bày tại hội trường

Như trên nói vì thời gian hạn chế nên chỉ có một số báo cáo và tham luận được trình bày trực tiếp tại hội trường. Sau đây xin giới thiệu tên số báo cáo còn lại (sẽ được công bố trong Kỷ yếu hội thảo) để những vị muốn tham khảo dễ tìm đọc:

1. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học): Chính sách khuyến nông của Chúa Trịnh Cương.
2. TS. Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học): Tìm hiểu một số chính sách thuế thời Trịnh Cương (1709 – 1729).
3. TS. Trịnh Dương (Viện KHXH): Chúa Trịnh Cương với việc chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
4. Hồng Phi (Nhà Nghiên cứu Hán Nôm – Thanh Hóa): “Nhân Vương Trịnh Cương cuộc đời và sự nghiệp”.
5. PGS. Vũ Ngọc Khánh: Ngôi sao sáng của chính trường Việt Nam đầu thế kỷ XVIII
6. NCS. Ngô Vũ Hải Hằng (Viện Sử học): Chính sách sử dụng nhân tài thời Trịnh Cương.
7. Hà Duy Biền (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam): Binh lính tham gia khoa cử Nho học – nét cởi mở trong chính sách chọn nhân tài thời Trịnh Cương (1709 – 1729).
8. GS.VS Nguyễn Duy Quý (Viện KHXH Việt Nam): Trịnh Cương với việc quản lý vùng đất biên viễn.
9. Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi: Vị Chúa văn trị với công trạng giành lại đất nước bằng đấu tranh hòa bình.
10. PGS.TS. Trần Thị Vinh (Viện Sử học): Ý thức bảo vệ lãnh thổ của chính quyền Lê – Trịnh dưới thời Trịnh Cương.
11. TS. Trương Thị Yến (Viện Sử học): Các cuộc thi võ ở thời Trịnh Cương.
12. Trịnh Quang Dũng (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh): Trịnh Cương vị Chúa sáng – Người hoàn thiện nền văn học Việt Nam.
13. PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh (Viện Văn học): Chúa Trịnh Cương trong dòng văn Trịnh phủ.
14. PGS. TS. Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm): Lê triều ngự chế quốc âm thi – Tác phẩm thơ Nôm của Chúa Trịnh Cương.
15. PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học): Tư tưởng khuyến nông của Trịnh Cương qua hai bài thơ “Phong niên thi” và “Phong niên vịnh”.
16. TS. Nguyễn Văn Đoàn (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam): Tìm lại Hành cung Cổ Bi xưa.
17. Đỗ Danh Huấn (Viện Sử học): “Giới thiệu văn bia Trịnh Công Ký lưu tại chùa Khánh Vân do Lê Quý Đôn soạn”.
18. PGS.TS. Nguyễn Văn Kim (Đại học KHXH & NV, HN): Ngoại thương Việt Nam thời Lê – Trịnh qua một số nguồn sử liệu phương Tây.
19. TS. Hoàng Anh Tuấn (Đại học KHXH & NV, HN): Ngoại thương Đàng Ngoài cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII: từ vụ áp phe thương mại của thương điếm Anh đến chủ trương “Cấm biển” của chính quyền Lê – Trịnh năm 1693.
20. NCS Lê Quang Chắn (Viện Sử học): Nhân Vương Trịnh Cương qua ghi chép của cả sử gia phong kiến.
21. ThS. Đinh Thị Thúy Hiền (Đại học KHXH & NV, HN): Bước đầu tìm hiểu chân dung Trịnh Cương qua nhận xét của người đương thời và hậu thế.
22. TS. Nguyễn Ngọc Nhuận (Viện Nghiên cứu Hán Nôm): An Đô Vương Trịnh Cương và những vấn đề nội trị dưới thời Lê Trung hưng.
23. Xuân Huyên (Nhà nghiên cứu văn hóa): Chúa Trịnh Cương chăm lo nâng cao đời sống văn hóa xã hội nước Đại Việt thế kỷ XVIII.
24. Nhà báo Nhà thơ Hồng Thanh Quang: An Đô Vương Trịnh Cương những vần thơ “Phát chính thi nhân.

4/ Đánh giá chung

– Qua các báo cáo đã trình bày tại hội nghị, mọi người tham dự đều nhận thấy chúng ta đã có đầy đủ điều kiện – cả về lý luận và thực tiễn, để khẳng định Nhân Vương Trịnh Cương là một nhà chính trị tài năng, một nhà quân sự lão luyện, một nhà văn hóa tài ba đã có nhiều đóng góp cụ thể và to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sự nghiệp chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế của nhà chúa đều có những điểm xuất sắc, nổi trội mà trước đây do tư duy sử học của chúng ta còn bị hạn chế, tư liệu lại còn chưa đầy đủ, nên việc nhìn nhận, đánh giá của chúng ta còn có phần thiếu sót, nếu không nói là có trường hợp thiếu chính xác, thậm chí xuyên tạc.

Trên cơ sở những thu hoạch mới và nhận thức, có thể khẳng định hội thảo hôm nay đã thành công trong sự vui mừng chính đáng của chúng ta.

– Trên cơ sở những đánh giá mới về Nhân Vương Trịnh Cương, hội thảo đã nhất trí đi tới một số đề nghi tôn vinh cụ thể như sau:
+ Điều chỉnh, sửa chữa một số điểm sai (về tư liệu, cũng như trong cách đánh giá) về họ Trịnh trong sách giáo khoa các cấp.
+ Đặt tên đường phố cho một số Chúa Trịnh có công lao dựng nước và giữ nước, ở Thăng Long – Hà Nội là nơi các Chúa Trịnh có nhiều đóng góp và có lưu lại một số di tích, trước tiên là Trịnh Tùng, Trịnh Cương, Trịnh Sâm. Sau Thăng Long – Hà Nội, địa phương cần có hình thức tôn vinh xứng đáng là tỉnh Thanh Hóa, quê hương các chúa Trịnh.
+ Trùng tu hành cung Cổ Bi (Gia Lâm – Hà Nội), công nhận là di tích Quốc gia để xứng đáng với giá trị và ý nghĩa to lớn của một di tích hiếm hoi còn sót lại ngay tại Thủ đô Hà Nội đang ngày càng đổi thay và phát triển trong vận hội mới.

GS.NGND. Đinh Xuân Lâm
(Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam)

Trinh-Cuong

Ghi chú : Đây là cuốn sách quí tập hợp các tư liệu, báo cáo tại hội thảo gần 600 trang, mới được biên soạn và xuất bản vào quí IV-2010

Bạn đọc có nhu cầu mua sách xin liên hệ với bác Trịnh Hải

+ Số điện thoại : 04.3 7723 240 , 098.200.5934

+ Giá bìa : 95.000đ/cuốn

There are no comments yet

Tin khác đã đăng