Thăng Long thời Mạc và Lê -Trịnh



(Chinhphu.vn) - Với một quy mô rộng lớn nguy nga, có thể nói phủ Chúa Trịnh là quần thể kiến trúc đồ sộ và tiêu biểu nhất của Thăng Long các thế kỷ 17 – 18

Đăng Dung người làng Cổ Trai (nay là xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng).  Do công dẹp loạn trong triều, Đăng Dung đã vươn lên đến tước hiệu cao nhất, chi phối toàn bộ triều đình.Quốc gia Đại Việt thời Lê sơ, đặc biệt là dưới triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đã đạt được những thành tựu phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, sau khi vua Thánh Tông qua đời, nhà Lê suy thoái nhanh chóng. Nhiều thế lực phong kiến nổi lên tranh nhau nắm quyền, trong đó có thế lực của Mạc Đăng Dung.

Sử chép: Tháng 6/1527, “Đăng Dung từ Cổ Trai vào kinh, bắt vua phải nhường ngôi. Bấy giờ thần dân trong kinh đã chán vua trước, đều đón Đăng Dung vào”. Nhưng triều Mạc cũng không giữ được chính quyền bao lâu. Vua Mạc Phúc Nguyên năm Kỷ Dậu 1549 phải bỏ Thăng Long ra ngoại thành. Cuộc chiến giữa hậu duệ nhà Lê với Mạc Phúc Nguyên diễn ra gay gắt, được gọi là cuộc chiến Nam – Bắc triều.

Tháng 6/1585, Mạc Mậu Hợp muốn vào ở thành Thăng Long, nên tăng cường sửa sang, xây đắp. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các cung điện, đến 1587 nhà Mạc cho sửa sang gia cố vòng thành ngoài thành Thăng Long. Hệ thống thành lũy, cung điện, phố phường được khôi phục.

Thành Đại La thời Mạc Mậu Hợp chạy suốt từ Nhật Tân qua Bưởi, Láng, Ô Cầu Giấy, vòng qua đường La thành, Ô Chợ Dừa, Kim Liên, Ô Cầu Dền, qua Ông Đống Mác đến giáp đê sông Hồng, cao hơn cả Hoàng thành, tường thành rộng 25 trượng, có 3 lần hào, trồng tre làm lũy, dài mấy mươi dặm.

Đến năm 1592, Trịnh Tùng đem quân ra Thăng Long đánh Mạc, đã phá hủy hoàn toàn tòa thành này. Từ đó cho đến năm 1749, Thăng Long không còn vòng thành ngoài bao bọc nữa.

Tháng 4 năm Quý Tỵ (1593), vua Lê Thế Tông trở về Thăng Long, đánh dấu sự phục hưng của triều Lê nhưng chỉ là trên danh nghĩa, còn thực quyền đã nằm trong tay chúa Trịnh.

Năm Giáp Ngọ (1594), phủ Chúa Trịnh bắt đầu được xây dựng.

Ban đầu phủ chúa chỉ giới hạn ở một khu vực phía Nam hồ Hoàn Kiếm ngày nay. Phủ chúa hình vuông, có tường bao bọc, thông ra ngoài bằng hai cửa: Chính Môn (phía Nam) và Tuyên Vũ Môn (phía Đông). Xung quanh hồ xây dựng nhiều nguyệt đài, thủy tạ, như cung Bảo Khánh (nền Đền Ngọc Sơn ngày nay), Tả Vọng Đình (nền Tháp Rùa ngày nay), gần cửa ô Tây Long (Bảo tàng Lịch sử ngày nay) là Lầu Ngũ Long.

Với một quy mô rộng lớn nguy nga, có thể nói phủ Chúa Trịnh là quần thể kiến trúc đồ sộ và tiêu biểu nhất của Thăng Long các thế kỷ 17 – 18, những nhà du hành đầu tiên đến từ phương Tây cũng phải viết sách công nhận là nơi đô hội, đẹp đẽ, hoành tráng.

Trong lúc chế độ phong kiến Việt Nam đang trải qua những bước thăng trầm và cố gắng hồi phục, thì nhiều người nước ngoài đã lần tìm đến để buôn bán, truyền đạo.

Mở đầu, từ tháng 3 năm Quý Mùi (1523) niên hiệu Thống Nguyên năm thứ 2, đã có sứ giả của triều đình Bồ Đào Nha là Duarté Coelho sang thăm để xin truyền giáo. Đến 1626, Hội truyền giáo Ma Cao đã gửi vị thừa sai Baldinotti người Ý cùng một thầy trợ giảng người Nhật theo tàu buôn vào Thăng Long xin yết kiến Chúa Trịnh.

Năm 1637, Công ty Đông Ấn của Hà Lan đã dùng chiếc tàu Grol từ Hirado (Nhật) qua Đài Loan đến Đàng Ngoài, ngược sông Hồng, qua Phố Hiến (Hưng Yên) đến Kẻ Chợ (Thăng Long). Vua Lê Thần Tông đồng ý cho Hà Lan mở một thương điếm tại Phố Hiến, sau đó lại chuyển lên Kẻ Chợ. Trưởng đại diện Hà Lan Karal Hartsinck đã hứa với Chúa Trịnh, vua Lê là sẽ ủng hộ và giúp đỡ Đàng Ngoài trong cuộc phân tranh với chúa Nguyễn. Có thể coi đây là sự mở đầu cho một quan hệ mới trong các hoạt động đối ngoại của triều đình Đại Nam với nước ngoài vì nhu cầu kinh tế và chính trị.

Tại Thăng Long, vào năm 1645, người Hà Lan đã lập thương điếm, nay được coi là cơ sở thương mại phương Tây đầu tiên đặt ở Hà Nội.

Lúc đầu, trụ sở được dựng ở gần bờ sông Hồng, quãng phía đông hồ Hoàn Kiếm. Năm 1649, chúa Trịnh lấy đất làm trường tập bắn, thương điếm phải chuyển lên quãng gần đầu cầu Long Biên ngày nay (theo bản vẽ của S. Baron).

Đến giữa thế kỷ 17, với sự hiện diện của nhiều nước phương Tây khác, tháng 5/1650, Chúa Trịnh ra lệnh quy định rõ nơi tạm trú cho thuyền buôn nước ngoài đến Kinh thành.

Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của nhiều thương đoàn nước ngoài đến cạnh tranh nhau, việc quản lý trật tự kinh thành ngày càng khó khăn. Mặt khác, dưới vỏ bọc của các đoàn thương nhân, nhiều giáo sĩ phương Tây thường xuyên mở rộng việc truyền đạo tùy tiện. Chính vì vậy, tháng 8/1687, triều đình ra lệnh buộc người ngoại quốc không được ở lẫn trong kinh kỳ với người bản xứ.

Từ đầu thế kỷ 18, các hoạt động thương mại ở Thăng Long ngày càng suy giảm. Trong khi đó, các giáo sĩ thừa sai hay lợi dụng tình hình bất ổn của xã hội Đàng Ngoài để tổ chức các hoạt động truyền giáo và dò xét nội tình nước ta, nhằm mở đường cho các hoạt động thôn tính xâm lược của thực dân phương Tây.

Tháng 11/1746, Chúa Trịnh Doanh ra 7 điều lệnh cho quan Đề lĩnh thi hành: cấm trong nhà dung túng cho bọn gian tế trú ngụ, cấm lính tuần hành trong thành làm sự càn bậy nhốn nháo, gây mất trật tự trị an, khách buôn bán không được ngủ đêm trong thành, 8 cửa thành khi mở khi đóng phải đúng giờ giấc.

Để bảo vệ cho kinh đô Thăng Long, năm 1749 chúa Trịnh Doanh ra lệnh điều động dân phu đắp lại vòng thành ngoài, dựa theo thành Đại La cũ, gọi là thành Đại Đô. 16 cửa ô của thành mới là: ô Cầu Giấy, ô Bưởi, ô Thạch Khối, ô Đông Hà, ô Trường Thanh, ô Mỹ Lộc, ô Tây Long, ô Thanh Lãng (Đống Mác), ô Đông Hà (sau này gọi là ô Quan Chưởng) ở phía Đông và phía Bắc; ô Thanh Bảo (hay Vạn Bảo – nay ở cuối phố Kim Mã), ở phía Tây; ô Yên Thọ (Cầu Dền), ô Kim Hoa (Kim Liên, Đồng Lầm), ô Thịnh Quang (Chợ Dừa) ở phía Nam.

Trong các ô phía Đông và Đông Bắc, có một số đồng thời là các bến đò sông Hồng. Cửa ô Thanh Bảo ở phía Tây mở đường lên trấn Sơn Tây. Các cửa ô phía Nam mở đường xuống các trấn phía Nam. Ban đêm, các cửa ô được đóng chặt, có binh lính gác cẩn mật, sáng sớm mới được mở cho nhân dân đi lại ra vào.

Thăng Long trong thời Lê – Trịnh đã được mở rộng, khang trang hơn trước. Các làng nghề phát triển ở các tỉnh lân cận đã mang được nhiều hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo (tơ lụa, gốm sứ) đến bày bán trên đất đế đô.

Trần Thái Bình

(Nhà nghiên cứu lịch sử)

http://thanglong.chinhphu.vn/Home/Thang-Long-thoi-Mac-va-Le-Trinh/20101/4674.vgp

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 Download ProShow Producer 9.0 Full Crack Vĩnh Viễn