Di tích Đền Lê ở Lại Thượng- Thạch Thất, Hà Nội
Năm 1527, sau khi An hưng Vương Mạc Đăng Dung được chiếu nhường ngôi của cung Hoàng Xuân, lên ngôi vua, chiếm kinh thành Thăng Long, đặt niên hiệu, lập triều đại Mạc.
Các quan lại nhà Lê có người ở lại triều chính theo nhà Mạc, có người bỏ quan chức về quê sinh sống, có người như Trịnh Ngưng, vượt biên sang Quảng Tây tố cáo với nhà Minh về tội thoán nghịch của mạc Đăng Dung. Trong số con cháu công thần chịu nhiều ân sủng của các vua nhà Lê có Nguyễn Kim, tước An Thanh Hầu, giữ chức ở Thanh Hoa.
Hữu vệ Điện tiền tướng quân, quê làng Bái Trang, huyện Tống Sơn, trấn Thanh Hoa ( nay là huyện Hà Trung), đem gia nhân và quân bản bộ chạy lên miền núi rừng phía tây Thanh Hoa, lánh nạn sang đất Ai Lao.
Nguyễn Kim được Quốc vương Ai Lao là Sạ Đẩu giúp đỡ, chiêu nạp kẻ sĩ và những kẻ chống nhà Mạc, ngầm tìm con cháu vua Lê để mưu việc lớn.
Nguyễn Kim tìm người con út của vua Lê Chiêu Tông tên là Lê Ninh đang trốn tránh ở vùng rừng núi Lang Chánh, Thanh Hoa. Đưa về Sầm Châu, vùng đất giáp biên giới Việt Lào , lập làm Minh chủ, dựng cờ “ Phù Lê, diệt Mạc”. Hào kiệt và các người còn tưởng nhớ nhà Lê lần lượt tìm đến dưới cờ của Nguyễn Kim để mưu việc lớn.
Mùa xuân năm Năm Quí Tỵ ( 1533), Lê Ninh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, Nguyễn Kim được tôn phong Đại tướng quân, Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công, giúp vua coi sóc mọi việc. Thế lực mới còn nhỏ yếu phải nương náu nơi rừng sâu giáp biên giới Ai Lao phía cực Tây Thanh Hoa. Nhờ sự giúp đỡ của vua Ai Lao là Sạ Đẩu.
Trong những người đến Sầm Châu theo Nguyễn Kim và vua Lê là Lê Trang Tông, có một người nghèo khổ, xuất thân trong đám lê dân, sau này trở thành một người có công lớn nhất của sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Tên tuổi được lưu truyền và sử sách và được bàn luận nhiều , đó là Trịnh Kiểm.
Tổ tiên ông quê làng Xáo Sơn ( còn gọi là làng Sóc Sơn ), huyện Vĩnh Ninh, trấn Thanh Hoa ( đến đời vua Lê Trang Tông đổi thành huyện Vĩnh Phúc ), đời Tây Sơn đổi thành huyện Vĩnh Lộc cho đến ngày nay. Cao tổ ông là Trịnh Kỷ, tằng tổ ông là Trịnh Liễu, nhà nghèo, ham học, tích đức, chăm làm việc nghĩa. Họ hàng khen Hiếu, xóm làng khen Đễ, rồi sau chuyển đến làng Biện Thượng ( Nay là làng Bồng Thượng ), xã Vĩnh Hùng, làm việc thiện không mỏi, nhân hậu có thừa, lấy vợ họ Hoàng ở Biện Thượng.
Trịnh Lan sinh ra Trịnh Lâu, cũng chăm làm việc phúc, lấy vợ ở Hổ Thôn, xã Vệ Quốc, huyện Yên Định, cách Biện Thượng bởi sông Mã, vợ là người họ Hoàng, sinh ra Trịnh Kiểm.
Trịnh Kiểm sinh ngày 24-8- năm Quí Hợi,(1503) niên hiệu Cảnh Thống thứ 6 đời vua Lê Hiển Tông, ông có tên húy là Phiến, sau gọi là Kiểm, được sinh ra ở Hổ Thôn, quê mẹ.
Cũng như tiếng đồn trong dân gian thường có với các danh nhân kiệt xuất trong lịch sử, còn lưu truyền trong dòng họ và ghi vào gia phả họ Trịnh là : “ Khi sinh ra Trịnh Kiểm, có hào quang rực sáng đầy nhà”. Năm ông lên 6 tuổi thì bố chết, ông theo mẹ là bà Hoàng Thị Dốc về quê nội, làng Sóc Sơn. Nhà nghèo, mẹ con cày cuốc, rau cháo nuôi nhau. Ông thường vào núi cùng trẻ chăn trâu nô đùa, kết thành đội, luyện tập như thể binh lính. Thường cùng nhau bắt trộm gà, vịt ở đồng ruộng để nấu nướng, khao quân.
Năm 16 tuổi, ông lưu lạc làm thuê kiếm sống nuôi mẹ, đương thời người làng khen ông có hiếu với mẹ.
Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập triều Mạc, ông đã 25 tuổi, sống khốn khó trong cảnh đất nước quê hương luôn diễn ra cảnh chiến tranh nội chiến giữa các tập đoàn tướng lĩnh quân phiệt
Sau ông đến nhà Ninh Bang Hầu Lê Văn Tư ở làng Biện Thượng (quê ông ) là một võ quan của triều Mạc, xin đi ở , cày ruộng và chăn trâu , bò ngựa.
Vốn khỏe mạnh, chăm chỉ làm ăn, theo việc nuôi dạy ngựa nên ông được Ninh Bang Hầu tin dùng.
Năm ông 30 tuổi ( 1533) được tin Thái Tể Hưng Quốc công Nguyễn Kim dựng cờ “ Phù Lê diệt Mạc” ở miền núi rừng Tây Thanh Hoa do có người anh họ là Trịnh Hoàng đã đầu quân ở đây, cho biết. Để thoát khỏi cảnh tôi đòi, đi ở nhà kẻ quyền quí, ông đã lấy một con ngựa tốt của chủ và luồn rừng , lên sách Cổ Lũng, theo Nguyễn Kim. Thấy ông có sức khỏe hơn người, lại giỏi việc dạy luyện ngựa, Hưng Quốc Công rất tin yêu, giao cho chức Tri mã cơ, chuyên lo việc luyện tập đội kỵ binh. Ông có cơ mưu quyết đoán nên việc gì cũng thành công. Được Nguyễn Kim rất tin yêu, mọi việc quân cơ quan trọng lúc bấy giờ đều giao cho ông và ông đều hoàn thành tốt.
Ông được giao việc lên biên giới Việt – Lào đón vua Lê Trang Tông về nơi hành tại ở sách Thúy Thuần, Cẩm Thủy. Về Vạn Lại xây dựng kinh đô tạm thời cho triều đình. về vận động liên kết với các Lang Đạo Mường với các dân tộc người miền núi Thanh Hoa, Nghệ An để tăng cường lực lượng, ảnh hưởng nâng cao thanh thế cho nghĩa quân( Phù Lê ). Đem quân đi đánh Nghệ An, đuổi Mạc ra khỏi các vùng ở Thanh Hoa, đánh chiếm vùng Tây Đô.
Ông đem quân đi dánh Mạc thì không trận nào là không thắng. Tiếng ông nổi dậy bốn phương, xa gần hưởng ứng, hào kiệt qui tụ.
Năm Kỷ Hợi ( 1539 ) lúc ông 37 tuổi, được vua phong Dực Quận công, Đại tướng quân.
Xuất thân từ tầng lớp dân nghèo, cùng khổ, nhờ tài thao lược, trí dũng hơn người. Ông đã trở thành một tướng lĩnh có uy quyền, được tướng sỹ mến mộ. Đứng vị trí thứ 2 sau bố vợ là Hưng Quốc công Nguyễn Kim.
Năm 1543, ông cùng các tướng dưới quyền đánh chiếm thành Tây Đô, đón vua về để hiệp lực ba quân. Sau theo lệnh vua, cho người đón đô tướng Thái Sư Nguyễn Kim ở Sầm Châu về.
Năm 1545. Đô tướng Thái sư Nguyễn Kim đem đại binh đánh trấn Sơn Nam của triều Mạc. Đến Yên Mô ( Ninh Bình), ông bị hàng tướng nhà Mạc là Trung hậu hầu Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc, chết trong một bữa ăn. Tình hình diễn ra rất nguy cấp vì mất chủ tướng cầm đầu ba quân và là người chủ trì công việc triều đình.
Vua Trang Tông phong ông làm: “ Đô tướng Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh, kiêm nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Thái Lạng quốc công ”. Phàm binh quyền ở ngoài khổn, công việc nhà nước, mưu lược trù tính, phong tước bổ quan xa gần được tùy tiện xử quyết rồi sau mới tâu vua.
Trịnh Kiếm càng dốc lòng trung trinh, phàm công việc gì đều quyết đoán rõ ràng , mọi việc đều đâu ra đấy.
Năm Bính Ngọ (1546) vua về hành điện tại Yên Trường, sách Vạn Lại, Trịnh Kiểm thống lĩnh quân binh, chỉnh đốn việc triều đình giữ vững châu Ái, châu Hoan. Nhiều quan văn ,võ tướng và kẻ thức giả từ phía Đông Việt bỏ nhà Mạc về Tây Đô theo nhà Lê Trung Hưng như Phụng Quốc Công Lê Bá Ly, Trạng nguyên Nguyễn Thiến, danh sĩ Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan ( Trạng Bùng, quê Phùng Xá, Thạch Thất)…
Hào kiệt trong nước theo về càng đông, thế lực Nam triều càng vững mạnh.
Năm 1548, vua Lê Trang Tông mất thọ 34 tuổi. Con lớn của Trang Tông là Duy Huyên nối ngôi lấy hiệu là Lê Trung Tông.
Công việc triều đình đều giao cho ông quyết định cả.. Ông mở nhiều cuộc hành quân đánh sâu vào hậu phương quân Mạc, uy hiếp thành Thăng Long của Mạc triều.
Tháng 9 năm Ất Mão(1555) ông chỉ huy tướng lĩnh, đập tan cuộc tiến công của quân Mạc do danh tướng Mạc Kính Điển chỉ huy trên sông Mã. Quân Mạc bị thiệt hại nặng nề “ quân của giặc hơn vài vạn , chết gần hết, thây giặc lấp kín sông… lấy được khí giới không xiết kể”.
Năm 1556, vua Lê Trung Tông băng hà khi mới 22 tuổi, không có con nối ngôi, ông cùng với các đại thần bàn rằng : “ Nước không thể một ngày không có vua” Bèn sai người đi tìm con cháu đích hệ vua Lê để đưa lên ngôi tìm mãi không còn ai, sau tìm được cháu sáu đời Lam Quốc công Lê Trừ là Lê Duy Bang về lập làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Hựu, tức là vua Lê Anh Tông, khi đó vua 25 tuổi.
Cuộc giao tranh giữa Nam và Bắc triều vào những năm giữa thế kỷ 16 diễn ra gay go và quyết liệt.
Thấy thế lực nhà Lê Trung Hưng ngày càng lớn mạnh. Triều đình Mạc tập trung lực lượng binh lính có lúc tới 12 vạn quân, liên tiếp mở các cuộc hành quân vào Thanh Hóa và Nghệ An để cướp đất, gom dân, phá vỡ căn cứ của Nam triều.
Người chỉ huy tiến công là đại danh tướng của triều Mạc được các vua Mạc rất kính trọng là Khiêm vương Mạc Kính Điển, chức tổng Đô Nguyên súy, sau được tôn phong là Thái Khiêm vương.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn có ghi uy danh của vị đại danh tướng này: “ danh uy Kính Điến trùm thiên hạ, là tướng có tài bậc nhất triều Mạc, binh pháp tinh thông, quân kỷ nghiêm minh, là người làm tướng nhân hậu, dũng lược, thông minh, trí tuệ thấu suốt việc quân, tướng sĩ dưới quyền đều qui phục, xả thân vì chủ tướng. Dưới trướng của Kính Điến có hàng trăm đại tướng có tài…”
Còn Thái sư Trịnh Kiểm có mưu lược, quyết đoán, biết dùng người có tài năng, hội tụ được hào kiệt bốn phương. Cùng tướng sỹ xông pha nơi chiến trường, cùng chia sẻ gian nguy với mọi người. Do đó không những đánh lui được ít nhất 5 cuộc tiến công của quân Mạc, bảo vệ vững chắc Thanh Hoa, Nghệ Ần mà còn tổ chức nhiều cuộc tiến sâu vào đất Mạc, làm yếu lực lượng địch.
Nổi bật nhất là cuộc tấn công năm Kỷ Mùi 1559-1560. ông huy đông 6 van quân, nói phao lên là 12 vạn để hư trương thanh thế, từ Tây Đô ( Thanh Hoa ) tiến ra Thiên Quan ( Nho Quan ngày nay ) theo đường Hưng Hóa- Tuyên uang đánh về vùng Kinh Bắc ( Bắc Ninh, Bắc Giang ) rồi tiến về vùng Khoái Châu, Nam Sách…lại tiến đánh Đông Triều, Chí Linh. Cuộc tấn công của Trịnh Kiểm đã làm rung chuyển đất Bắc Hà, làm cho triều Mạc bối rối…
Trong cuộc hành quân này, vùng Lại Thượng, Thạch Thất, nơi quân của ông đi qua, và đã đóng quân ở đây như một Biện Dinh.
Ở đây, truyền ngôn còn lưu lại : Quân nhà Lê một đêm đã đào xong mương quan từ Lương Sơn( Hòa Bình ) qua Mỏ Chén, chùa Bồ ( khu sân bay Hòa Lạc ) đén Linh Khiêu, đồng Trạng, trại Cũ ( Cổ Đông ) tiếp Hói Lối, từ đồng Sét đén cửa Lối ( Sông Tích ) địa đạo giao thông hào từ phía núi Hòa Bình đi ra khu vực Đồng Quan, liên khu Thất Trại.
Các địa danh : Gò Thày ( Nơi tướng ở ) ; Nhà Chỗ ( doanh trại lính ) ; đồng Viện ( Viện binh )
vườn Mỏ ( nơi để kho tàng ) ; nhà Rang ( khu hậu cần , nhà bếp ) ; Áng Ngựa ( nơi để voi, ngựa ) ; Mả Trầu ( nơi hội họp ) ; Mó Rơ ( khu vệ sinh ) Lỗ Kể, xóm Kể ( nơi kiểm điẻm quân số ) ; Bến Cả ( bến đò từ Lỗ Kể sang xóm Kể ) ; Vọng ( vọng gác cạnh sông Tích ) ; Gò Chỏm, Gò Cương, Gò Vuột ( là các chốt gác ) ; Rộc Chợ ; Chầu Lươn ; Cửa Đền ( nơi tập trung quân ) ; vườn Thương ( nghĩa trang ) ; khu đồng sau, đồng Lai ( nơi nghỉ nghơi, an dưỡng ; Đồng Quan ( nơi các sĩ quan ở ) ; Lai Ngọc : ( nơi các tướng ở ) ; Đồng Gội ( nơi tắm, rửa ) ; đồng Sổ ( nhà kỷ luật ) ; Gò tai voi ( nơi chôn voi chết )…..
Quần thể các địa danh của Biện Dinh, quanh vùng Lại Thượng, Thạch Thất ước có bán kính chừng 10 km.
Voi Phục ( Phụng Thượng ), Động Cay ( Đại Đồng ) nơi cầm cự giữa Nam triều và Bắc triều đã diễn ra trong nhiều năm.
Vừa lo việc quân,Thái sư lại chăm lo việc triều chính. Sai đo đạc ruộng đất, lập chế độ thuế khóa, khuyến khích việc nông trang, lập tòa Đông Các, mở các khóa thi, kén chọn người tài ra giúp nước.
Năm Kỷ Tỵ ( 1569 ), vua Lê Anh Tông gia phong Thái sư Trịnh Kiểm chức Thượng tướngquân Thái quốc công tôn phong Thượng phụ.
Tháng 2 năm Canh Ngọ ( 1570 ), ông ốm nặng do quá lao lực về việc quân và triều đình, ông tạ thế ngày 18 tháng 2 Canh Ngọ 1570, ở tuổi 68.
Vua Lê và triều đình, tướng sĩ thương tiếc Thái Sư đã gần 40 nam dốc sức, xả thân cho sự nghiệp Trung Hưng nhà Lê, đã cùng ba quân văn võ gánh vác, chịu đựng gian khổ từ thủa ban đầu, hàn vi ở núi rừng miền Tây Thanh Hoa, đến các cuộc chiến đấu một sống một còn với quân Mạc.
Sau khi ông mất, vua Lê Anh Tông truy phong là Minh khang Thái Vương, ban hiệu là Trung Huân. Ban vàng bạc, lụa vóc làm lễ an táng theo nghi lễ bậc Vương. Vua thân đến phủ lập đàn rồi dưới đó các tể tướng, quan chức thay nhau mặc áo xô trắng đến lạy trước linh cữu.
Vua đọc bài văn tế như sau : Tiểu tử là Lê Anh Tông kính cẩn dâng chén rượu trong, vài thứ hoa quả lên trước linh cữu tôn nghiêm của Thái sư Thượng phụ tặng tước Minh Khang Thái vương khóc mà thưa rằng :
Than ôi, bậc nghiêm quân! Xót thay cho Vương phủ!
Ngoài là thác nghĩa làm vua tôi, trong là ơn sâu như phụ tử. Xưa tiểu tử hàn vi, nhờ công lao Thượng phụ, kính được tôn thờ tiên đế qui mô, lại khai sáng thêm cõi bờ triều cũ. Hiểm nguy trăm trận, trịnh trọng một niềm, trung nghĩa tỏ với thần minh, công nghiệp sánh tày vũ trụ. Quách Phần Dương ( Quách Tử Nghi danh tướng đời Đường ) phụ giúp Đường đế giữ vẹn thanh danh. Gia Cát Lượng khôi phục Hán đô, thêm dài quốc tộ, Mãng nghe tin, xiết bao kinh sợ. Đang dở cuộc kinh dinh bốn bể, một mình biết nhờ cậy vào ai. Mà ơn tư nuôi dưỡng một nhà, vì đại nghĩa lòng sâu cảm mộ.
Nay rót chén dàng, biệt người thiên cổ. Như tinh anh có thiêng, xin giúp quốc tộ. Ô hô ! Đau thay! Cúi xin thượng hưởng.
Vua đọc xong văn tế, phục xuống khóc lớn, các quan văn võ đều thương xót khóc to. Vua trở về cung, ngày đêm suy nghĩ, công lao của ông thật là to lớn khó bù đắp, đền đáp.
Ở Nam, Chúa tiên Nguyễn Hoàng biết tin Thái Vương mất, bèn sai người đem lễ vật ra phúng tang Quốc công và dâng bài tán để tỏ tình nghĩa anh em. Trong màn hương khói nghi ngút :
Minh Khang Thái Vương có tài Y Doãn, Chu công, hùng dũng đảm lược, mưu trí, giữ chắc đánh thắng, ứng biến vô cùng. Vạch gai góc lập qui mô, phía Nam mở biên thùy, phía Bắc chăm đất ruộng. Khôi phục triều Lê, lập kỷ cương chế độ. Danh như Quách Phần Dương, nghiệp lớn tựa Tề vương Tín ( Hàn Tín ). Từ Hán, Đường, Triệu, Tống đến Đinh, Lý, Trần, Lê đời không sánh kịp. Than ôi! Ngàn quân dễ kiếm. một tướng khó tìm! Khi vua mới lên ngôi tôn làm thượng phụ. Nay lại tặng Minh Khang Thái vương. Vua thân đến làm lễ quả là hết đạo quân thần. Tiếc thay nửa đường đứt gánh, chưa thỏa ý xưa. Nhưng có Nguyên công ( Trịnh Tùng ) tiếp bước, tài năng khá, nối chí cha. Rạng tiếng tổ tông. Thế là tốt đẹp.
Ông mở đầu sự nghiệp có công lập 3 đời vua : Lê Trung Tông; Lê Trang Tông; Lê Anh Tông. Làm chức Thái Sư, Đô tướng hết lòng chăm lo sự nghiệp Trung Hưng nhà Lê. Trong 25 năm nắm binh quyền chỉ làm mhiệm vụ một bề tôi trung thành, cần mẫn vì nước, vì vua.
Lúc còn sống, tước vị cao nhất là Thái Công thượng tướng Thái Sư, con nối nghiệp là Trịnh Tùng, do công lao to lớn với sự nghiệp Trung Hưng được phong Bình An Vương, được lập Vương phủ, cùng vua Lê lo việc nước trở thành Chúa. Về sau, con chúa được lập ngôi Chúa. Ông được coi như vị Chúa mở Vương nghiệp Trịnh.
Năm Mậu Thìn (1623 ) Thanh Đô vương Trịnh Tráng nghĩ đến Thái tổ Cao Hoàng đế, cùng Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm và tiên Triết vương Trịnh Tùng là các vị có công lớn trong việc diệt Mạc, sai quân đi cất dựng Đế miếu ở Thanh Hóa, Nghệ An và các nơi khác, rước các bài vị hoàng đế và các tiên vương về phụng thờ bốn mùa để tưởng nhớ công lao.
Vì thế, nơi đây được lập Đền thờ ông. Hàng năm cứ đến ngày 18 tháng 2 Âm lịch, nhà vua lại cử các quan về tổ chức Quốc lễ. Các điểm bia Hạ mã ( xuống ngựa ), nhà Quan cư ( nhà các quan ở ), ao Quan 3 thửa ( nơi các quan tắm rửa trước khi vào làm lễ ), Văn chỉ….
Hiện di tích Đền Lê vẫn còn dấu vết trên…Trịnh Kiểm thực sự là một danh tướng thời Lê Trung Hưng. Ông đã để lại cho con cháu một vương nghiệp truyền nối kéo dài 188 năm tính từ đời chúa Trịnh Tùng, được lập Phủ Liêu, cùng vua Lê trị vì đất nước cho đến năm 1787.
Vào thời ông, hành dinh khu vực Lại Thượng được gọi là Biện Dinh để chỉ đạo cuộc chiến với quân Mạc ở những năm giữa thế kỷ 16./
Việt Tuấn
Tin khác đã đăng
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
- Đại hội đại biểu Hội đồng họ Trịnh huyện Thiệu Hóa 18/06/2024
One comment