Tự hào thân tộc họ Trịnh tỉnh Bến Tre
7 năm cùng theo chân ông Trịnh Văn Y đến những công trình cầu đường nông thôn, tôi đặc biệt chú tâm tìm hiểu “cách làm” của Hội KHKTCĐ-BT.
Nơi hội tụ những tấm lòng vàng
Một thời chưa xa, người dân vùng sâu Bến Tre vẫn ngân nga câu hát ru não nuột: “Ầu ơi…Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…Khó đi mượn chén ăn cơm, mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi…”. Câu hát ru chất chứa niềm khát khao này cứ làm ông Trịnh Văn Y (Hai Y) nặng lòng khi thấy quê mình đi đâu cũng gặp sông rạch nhưng lại thiếu cầu đường cho dân đi.
Năm nay đã 68 tuổi nhưng ông vẫn xăng xái đi nhiều nơi, trong và ngoài tỉnh Bến Tre, vận động xây dựng cầu, đường nông thôn. Ông nói, 10 năm ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (1991-2000), phụ tách khối nông – lâm – thủy sản, nên ông rất gắn bó với nông thôn BếnTre và hiểu được những trăn trở ở đây. Một trong những bức xúc ở nông thôn Bến Tre trước đây và ngay cả hiện nay là vấn đề giao thông đi lại. Giao thông trắc trở đâu chỉ là hàng rào vô hình ngăn bước con cháu chúng ta đến trường; khó khăn, thấp thỏm khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu…; mà bức xúc hơn cả là vấn đề giao lưu hàng hóa của nông dân sản xuất tại vùng sâu. Làm ra sản phẩm đã khó, rồi lại không bán được sản phẩm chỉ vì đường sá trắc trở. Điều này đau lắm!
Năm 2002, Hội KHKTCĐ-BT được thành lập với trên 200 hội viên, ông Trịnh Văn Y được bầu làm chủ tịch hội. 7 năm qua, để có tiền xây cầu cho dân nghèo, ông Hai Y lập đề án rồi đi vận động, xin tiền từ nhiều nguồn trong ngoài tỉnh, các cá nhân, tổ chức từ thiện ở nước ngoài. Đáng kể nhất là ông Hai Y đã mời ông Tây người Thụy Sĩ Toni Ruttimann đến Bến Tre và ông Tây này đã giúp Bến Tre xây 48 cầu cáp treo trị giá 15 tỷ đồng, trong đó riêng ông Toni tài trợ khoảng 10 tỷ đồng. Bên cạnh tấm lòng của ông Toni Ruttimann, hội đã tranh thủ với Quỹ Schmitz (Đức) hỗ trợ Bến Tre xây cầu nông thôn. Năm 2005-2006, qua tài trợ của Quỹ Schmitz, hội đã thiết kế kỹ thuật và phối hợp với các địa phương xây dựng 20 cầu bê tông cốt thép; bình quân mỗi cầu 25 triệu đồng. Từ kết quả trên, hội lập dự án gởi Bộ Hợp tác kinh tế liên bang và phát triển Đức và Quỹ Schimtz, xin được tiếp tục hỗ trợ xây cầu nông thôn. Đầu năm 2007, Dự án VIE 115/5/12 được ký; theo đó, trong hai năm 2007-2008, Đức đã giúp Bến Tre xây 137 cầu bê tông cốt thép với tiền hỗ trợ 348.390 euro. Nhận thấy Bến Tre thực hiện các dự án xây cầu nông thôn mang lại hiệu quả thiết thực nên năm 2009, Đức tiếp tục tài trợ cho Bến Tre xây thêm 30 cầu nông thôn với trị giá 95.480 euro. Hiện nay, 190 cầu do Đức hỗ trợ xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng an toàn, tốt đẹp. Tại lễ khánh thành hoàn thành 137 cầu do Đức giúp, đại diện Quỹ Schimtz đã vui mừng phát biểu trước lãnh đạo tỉnh Bến Tre: “Xây cầu nông thôn là việc của nhà nước sở tại. Ban đầu, chúng tôi chỉ tính “làm hữu nghị” với chừng vài chục cầu, nhưng nhận thấy Hội KHKTCĐ-BT đã sử dụng đúng tiền, đúng mục đích, hiệu quả, nên chúng tôi xúc tác với Bộ HTKTLB và PT (Đức) đầu tư cho Bến Tre lớn hơn, rộng khắp hơn…”.
Ngoài ra, các tổ chức Lysgard (Đan Mạch), Rotary (Úc), Berjaya (Malaysia), Từ thiện Phổ Hiền Nam California (Hoa Kỳ)…; các tổ chức kinh tế, xã hội ở Bến Tre; những người con quê hương Bến Tre sinh sống, công tác ngoài tỉnh; các tổ chức kinh tế, xã hội, đoàn thể chính trị ngoài tỉnh; các tổ chức từ thiện của Phật giáo, kiều bào…; cũng đã hỗ trợ tiền, vật chất giúp Bến Tre xây dựng trên 500 cầu và hàng chục km đường nông thôn. Đặc biệt là tấm lòng của các tăng ni phật tử chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận, TPHCM), chùa này đã vận động các nhà hảo tâm giúp Bến Tre xây trên 60 cầu nông thôn với trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Hòa thương Thích Như Niệm, Trụ trì chùa Pháp Hoa, tâm đắc: “Không có tích đức nào cho bằng “tu kiều, bồi lộ”. Ông Hai Y là người tập hợp được những tấm lòng nhân ái”. Riêng Ngân hàng Công thương Việt Nam giúp xây cầu Cồn Lợi (ven biển Thạnh Phú – nơi xa xôi nhất của Bến Tre) và đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà trẻ tại Cồn Lợi, Trường Tiểu học Nhuận Phú Tân 1 và 5 cầu khắc phục bão Durian (2006) với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng.
Còn nhớ, tại chương trình “Vinh quang Việt Nam 2009”, qua truyền hình trực tiếp, phát biểu về mô hình Hội KHKTCĐ-BT, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: “Hội KHKTCĐ-BT là nhịp cầu nối, hội đã đưa công nhân về với nông dân, trí thức về với nông dân, đạo về với đời, Việt kiều về với quê hương và tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước…”.
Minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả
Gặp ông Hai Y, tôi gợi chuyện: “ Với địa bàn sông nước chằng chịt như Bến Tre, làm cầu rồi lại làm cầu, làm cầu cho đến bạc đầu chưa xong, phải không anh Hai?”. Không ngờ, ông lộ rõ niềm vui: “Đến nay, Hội KHKTCĐ-BT và các Chi hội của các huyện đã vận đông được số tiền là 70,5 tỷ đồng, trong đó các mạnh thường quân hỗ trợ 55,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 15 tỷ đồng. Với số cầu, đường đã xây dựng, hội đã góp phần xóa 813 cầu khỉ, cầu tạm và 42 bến đò ngang không an toàn đã tồn tại trên trăm năm qua. Hiện có trên 200.000 hộ dân với khoảng 850.000 người dân nông thôn được hưởng lợi từ các dự án, là điều kiện để kích thích phát triển kinh tế – xã hội tại nông thôn”.
Để tạo uy tín với nhà tài trợ, ông Hai Y cho biết “cách làm” của hội như sau: Trên cơ sở đề nghị của từng địa phương có nhu cầu xây dựng cầu, đường nông thôn, hội xem xét, giao nhiệm vụ cho Trung tâm Tư vấn cầu đường của hội phối hợp với địa phương khảo sát và tiến hành lập hồ sơ thiết kế – dự toán cho từng công trình cầu, đường cụ thể.
Sau khi lập xong hồ sơ thiết kế – dự toán, hội kết hợp với địa phương đến gặp gỡ từng tổ chức, cá nhân để vận động và gởi hồ sơ thiết kế – dự toán để nhờ hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình. Số tiền hội đề nghị tối đa bao giờ cũng khoảng ¾ so dự toán công trình, phần còn lại do địa phương vận động nhân dân đóng góp để nâng cao tính cộng đồng trách nhiệm.
Khi nhà tài trợ đồng ý hỗ trợ kinh phí, hội và nơi sắp xây dựng công trình tổ chức giao – nhận số tiền được hỗ trợ, làm biên bản cụ thể. Với cách thức trên, nhà tài trợ là bên giao, địa phương là bên nhận, hội chỉ tham gia với vai trò chứng kiến của người vận động, xúc tác. Trường hợp các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền từ thiện xây dựng cầu, đường nông thôn bằng chuyển tiền vào tài khoản của hội, thì sau khi tiếp nhận, hội sẽ rút tiền và trực tiếp bàn giao toàn bộ số tiền trên cho địa phương. Sau đó gởi biên bản giao – nhận tiền cho nhà tài trợ…
Hội KHKTCĐ-BT không lập quỹ trong thực hiện chương trình vận động các tổ chức, cá nhân trong ngoài nước hỗ trợ tiền xây dựng cầu, đường nông thôn cho Bến Tre. Hội không thành lập đội công trình vì theo ông Hai Y giải thích, người ta có thể nói là hội vận động tiền để đội công trình có công ăn việc làm, kiếm lợi nhuận từ các dự án. Cơ quan hội cũng không sắm ô tô riêng. Có việc, cán bộ của hội đi… xe nhờ của Đoạn Quản lý đường bộ hoặc thuê xe hợp đồng. Các chi phí cho vận động đều sử dụng từ tiền thu của hội qua Trung tâm Tư vấn cầu đường trực thuộc hội. Trung tâm Tư vấn này hoạt động theo mô hình sự nghiệp có thu, rất thiết thực trong làm tư vấn để đầu tư xây dựng phát triển giao thông, đảm bảo cân đối thu chi và giúp kinh phí cho hội hoạt động. Với các công trình, dự án do hội vận động xây dựng, Trung tâm Tư vấn và các Chi hội “làm từ thiện”, không thu phí tư vấn (nếu thu phí tư vấn mỗi năm trên tỷ đồng)…Khi tiến hành xây dựng, dù ở địa bàn trắc trở, heo hút, cán bộ hội luôn bám sát để theo dõi, đôn đốc. Mỗi chiếc cầu, đoạn đường thực hiện xong, đều công khai tài chính trước dân trong ngày lễ khánh thành, đều có bảng lưu niệm ghi tên nhà tài trợ được đặt ở một vị trí trân trọng ngay sát công trình. Với cách làm rạch ròi, minh bạch, thiết thực như trên, hội đã được các tổ chức, cá nhân làm từ thiện tín nhiệm và hỗ trợ ngày càng nhiều.
Từ thành công trong tập hợp nhân tài, làm tư vấn xây dựng cầu, đường và vận động nguồn vốn thiện nguyện để xây dựng, tại Hội thảo khoa học xây dựng cầu đường ĐBSCL do Trung ương Hội KHKTCĐ Việt Nam tổ chức tại Bến Tre vào tháng 9-2006, Hội KHKTCĐ-BT được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả xã hội cao trong cả nước. Tại chương trình “Vinh quang Việt Nam 2009” do Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo QĐND, Báo Lao Động tổ chức vào cuối tháng 4-2009, ông là một trong những tấm gương tiêu biểu của cả nước được tôn vinh. Mới đây, ngày 20-8-2009, Hội KHKTCĐ Việt Nam tổ chức hội nghị tại TPHCM, ông Hai Y đã báo cáo về “cách làm” của hội Bến Tre để nhiều tỉnh, thành khác có kinh nghiệm làm theo. Được biết, Ban thi đua khen thưởng tỉnh Bến Tre cũng đã đề nghị và được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho “Ông Hai cầu đường “- Trịnh Văn Y vào ngày 10-10-2009.
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet