Trịnh Khắc Phục, từ vị khai quốc công thần đến cái chết oan trái



Sinh ra và lớn lên trong thời loạn lạc, Trịnh Khắc Phục từ trẻ đã phải chịu đựng và chứng kiến nỗi nhục mất nước của một người dân trong kiếp nô lệ lầm than; khi có tuổi thì lại chứng kiến sự lũng đoạn của bọn quan lại gian hiểm. Song dù hoàn cảnh nào, ông vẫn sống đúng với ý nghĩa người anh hùng của nhà Hậu Lê

Theo tiếng gọi của hào trưởng đất Lam Kinh, các anh hùng nghĩa sĩ từ khắp mọi miền đã hưởng ứng và tập hợp theo tiếng gọi cứu nước, trong đó có Trịnh Khắc Phục người làng Vân Đô (nay là thôn 2, xã Đông Minh) huyện Đông Sơn.

Trịnh Khắc Phục là cháu ngoại của Trinh Từ Ý Văn Hoàng thái hậu, tức bà Trịnh Thị Ngọc Thương, thân sinh Lê Thái tổ. Sinh ra và lớn lên trong thời loạn lạc, từ rất sớm ông đã có chí hướng diệt thù cứu nước và là một trong số 51 vị công thần khai quốc đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu. Là một võ tướng tài giỏi của nghĩa quân Lam Sơn, ông đã có mặt ở hầu khắp các trận đánh quan trọng và có nhiều công lao trong suốt 10 năm kháng chiến chống quân Minh.

Trong những ngày tháng đầu tiên của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân gặp muôn vàn khó khăn thử thách. Tháng 1/1418, nhà Minh điều quân từ Tây Đô lên đàn áp cuộc khởi nghĩa, quân ta rút lên Lạc Thủy (vùng thượng lưu sông Chu) và tổ chức mai phục quân địch ở đây diệt hàng ngàn tên xâm lược. Tiếp đó trong các trận chiến đấu ở miền Tây Thanh Hóa trong các năm từ 1418 đến 1423, Trịnh Khắc Phục đều tham gia và có những đóng góp đáng kể. Ông cùng với nghĩa quân Lam Sơn đã trải qua những thời kỳ gian khổ nhất, lực lượng bị hao hụt do hy sinh quá nhiều, lương thực thiếu thốn hàng mấy tháng liền phải tìm măng tre và các loài cây cỏ để sống.

Sau khi lên ngôi, tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429), vua Lê Thái tổ nghĩ ngay tới việc chiêu hiền đãi sĩ, vì thế, ông đã ban biển ngạch công thần cho 93 người có công lớn trong kháng chiến. Rồi nhà vua đã ra lệnh chỉ rằng “những văn võ hào kiệt nào còn bị bỏ sót, hoặc bị chìm đắm chưa có chức tước gì, hoặc không được ai tiến cử, hoặc vì thù hằn mà bị đè nén, vùi dập, thì đến ngay chỗ Thiếu phó Lê Văn Linh mà tự tiến, nếu xét thực có tài đức thì tâu trình để cất nhắc sử dụng, không cứ là ngụy quân hay sĩ thứ, cốt lấy tài đức là hơn” (Đại Việt sử ký toàn thư). Trịnh Khắc Phục đã được ban Quốc tính và cùng với 3 người khác được xếp vào bậc Thượng tứ tự tước phục hầu.

Suốt hơn 20 năm sau đó, ông tiếp tục tham gia triều chính, góp phần xây dựng và củng cố vương triều Lê dưới triều vua Lê Thái tổ, Lê Thái tông, Lê Nhân tông và giữ nhiều chức vụ, cao nhất là chức Đồng Bình chương quân quốc trọng sự (tương đương chức vụ Thủ tướng Chính phủ hiện nay).

Năm 1434, dưới triều vua Lê Thái tông, thời điểm đó Lê Sát “chuyên quyền, ghen ghét người tài, hãm hại trung lương, khiến triều cương chao đảo”. Vì thế, Trịnh Khắc Phục bị bãi chức Nam đạo hành khiển và chuyển sang giữ chức Phán đại thông chính. Mãi sau này, khi triều đình bãi chức của Lê Sát, thì Trịnh Khắc Phục được giữ chức Bắc đạo quân dân 3 tỉnh, rồi sau đó thăng đến chức Nhập nội, Thiếu phó tham dự triều chính (chức vụ dành riêng cho những người thân cận với nhà vua).

Dưới triều vua Lê Nhân tông, Trịnh Khắc Phục tiếp tục được trọng dụng và ông đã được giao nhiều công việc quan trọng góp phần củng cố vương triều Lê ngày càng vững mạnh. Năm Thái Hòa thứ nhất (1443), con trai đầu của ông là Lê Bá Nhai kết duyên cùng con gái Lê Thái tông (tức em gái Lê Nhân tông) và được phong phò mã đô úy.

Đây cũng là giai đoạn mà nhà Lê kịp thời và kiên quyết với mọi hành động quấy rối ở biên giới. Trịnh Khắc Phục nhiều lần được triều đình cử đi tham gia công việc bang giao giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Ngoài ra, đây cũng là thời kỳ mà thi cử không còn tôn nghiêm, quan giám khảo ăn đút lót ở hầu hết các kỳ thi hội, thi đình. Trước tình hình đó, chính ông đã đề xuất việc bắt buộc các khảo quan phải uống máu ăn thề. Việc này đã góp phần hạn chế những tiêu cực.

Tháng 2/1449, Trịnh khắc Phục lại chỉ huy các cục Bách Tác, quân vệ Thiên quan, Tứ sương và quân dân trấn Thái Nguyên đào lại sông Bình Lỗ. Con sông được đào dài 2.500 trượng từ vùng Đáp Cầu đến Sóc Sơn, được thông với bến Bình Than đã góp phần mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy trong trấn Thái Nguyên.

Suốt cả cuộc đời, Trịnh Khắc Phục luôn là một võ quan có nhiều đóng góp cho lịch sử đất nước và là hình ảnh mẫu mực về đạo đức cao cả, thanh liêm.

Tuy vậy, sinh sống trong một giai đoạn bộc lộ những tư tưởng đối nghịch gay gắt, bọn cơ hội, gian hiểm thao túng triều đình, những người có công như Trịnh Khắc Phục và một số quan thanh liêm, chính trực khác luôn bị ghen ghét, xúc xiểm. Ngày 26/7/1451 (âm lịch) ông đã bị giết cùng với con trai là Trịnh Bá Nhai. Ngoài ông, Thái úy Trịnh Khả và con là Lê Quát cũng đã bị giết.

Hai năm sau (1453), vua Lê Nhân tông thấy được cái chết oan trái của Trịnh Khắc Phục nên trong dịp ban lệnh đại xá đã cấp 100 mẫu quan điền cho con cháu của ông và một số công thần khác như Trịnh Khả, Lê Ngân. Ông đã được triều đình truy tặng Thái úy An Quốc công. Đến năm Hồng Đức thứ 15 (1484), ông được vua Lê Thánh tông truy phong tước hầu (Ngọc sơn hầu). Noi gương ông, con cháu đều dốc lòng phụng sự các vương triều, trong đó tiêu biểu như Trịnh Duy Thuân, Trịnh Duy Đại… triều Lê sơ; Trịnh Phúc Hải, Trịnh Duy Hiếu triều Lê Trịnh; Trịnh Duy Bộ triều Nguyễn… đã được ghi vào trong trang sử.

Về làng Vân Đô, xã Đông Minh (Đông Sơn) đến thăm đền thờ Trịnh Khắc Phục, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chúng tôi được ông Trịnh Duy Long, hậu duệ đời thứ 16 và là trưởng ban điều hành hội đồng họ giới thiệu bản gia phả bằng chữ Hán được soạn dưới thời Tự Đức ghi chép ca ngợi công đức sự nghiệp của những tiền tổ họ Trịnh, trong đó có Trịnh Khắc Phục.

“Từ ngôi đền làm bằng tranh tre, đến cuối thế kỷ XIX đã được xây lại bằng gạch ngói, và hiện nay khang trang thế này là nhờ sự quan tâm của chính quyền và sự ủng hộ của cháu con họ. Đặc biệt vào giỗ cụ, ngày 26 tháng 7 âm lịch hằng năm con cháu tề tựu đông đủ. Trải qua thời gian, ngôi đền đã nhiều lần tu bổ nên không còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Song, giá trị lịch sử và chính cuộc đời của cụ Trịnh Khắc Phục là cái quý hơn cả và không có gì thay đổi được”, ông Trịnh Duy Long cho biết.

“Viễn xứ bạch vân lai/ Tắc linh long đô hội” (Từ xa mây trắng về đây, Rồng thiêng ắt hẳn nơi này nương thân), câu thơ ấy từ thuở lập làng, trải qua cả những giai đoạn hưng thịnh và khốn khó, cùng với các dòng họ khác, họ Trịnh mà tiêu biểu là cụ Trịnh Khắc Phục đã góp phần giữ gìn và làm rạng danh đất và người Vân Đô”, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đông Minh khẳng định.

(Bài viết sử dụng tư liệu Lý lịch di tích lịch sử văn hóa đền thờ Trịnh Khắc Phục và Lịch sử Đảng bộ xã Đông Minh).

Đền thờ Trịnh Khắc Phục ở làng Vân Đô (thôn 2, xã Đông Minh, Đông Sơn).

 

Nguồn : https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/trinh-khac-phuc-tu-vi-khai-quoc-cong-than-den-cai-chet-oan-trai/29315.htm

Xem thêm:

35 vị khai quốc công thần trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Thân thế sự nghiệp Trịnh Khắc Phục khai quốc công thần nhà Hậu Lê

Di tích lịch sử văn hóa Trịnh Khắc Phục làng Vân Đô – xã Đông Minh

Khánh thành công trình tôn tạo nhà thờ Lê Khắc Phục ở Vũ Quang

 

 

 

There are no comments yet

Tin khác đã đăng