Tiếng lòng để lại…



Lễ tưởng niệm Thịnh Vương Trịnh Sâm hôm nay là một sinh hoạt văn hoá đầy ý nghĩa vì chúng ta không chỉ ôn lại bài học lịch sử mà còn rút ra những kinh nghiệm đầy tính thời sự về chính sách quản lý đất nước của một thời thinh trị: biết trọng dụng nhân tài, sử dụng pháp trị để chống tham nhũng với mục đích an dân, dựng nước…

Dẫu qua bao thăng trầm của những khúc quanh lịch sử, qua bao định kiến hoặc ngộ nhận của những triều đại và chế độ khác nhau, những cuộc phế hưng cùng với bao lớp bụi thời gian…cuối cùng như một quy luật khách quan – những chân giá trị vẫn tồn tại, vàng thau sẽ được rạch ròi, kiểm định theo bước phát triễn của nhận thức. Tính khoa học của các công trình nghiên cứu lịch sử sẽ tạo điều kiện để sự đánh giá của hậu thế được công minh và công bằng với các nhân vật và sự kiện xuất hiện hàng trăm năm trước.

Nhà văn hoá Trịnh Sâm [1739 – 1782] vốn được coi là một người “văn hay, chữ tốt”, một thi nhân, một nhà thư pháp của thế kỷ XVIII, đã góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến nước nhà.

Là con của chúa Trịnh Doanh vốn là một con người giàu nhân ái, khiêm nhường, một tài năng chính trị và văn chương. Trịnh Sâm lại được Vương phụ giao phó cho 2 người thầy lỗi lạc bậc nhất trong làng khoa cử rèn cặp. Với lòng ham học và trí thông minh trác tuyệt, trang thiếu nhi con nhà chúa sớm tiếp thu được truyền thống văn học của phụ thân nên nổi tiếng giỏi thơ, hay chữ, mới lên 6 mà chữ viết đã đẹp, nét phóng khoáng mạnh mẽ… báo hiệu một cây bút tài năng tương lai.

Nhưng điều mới mẻ mà Trịnh Sâm đem đến cho thi đàn đương thời – ngoài một di sản văn chương và thi pháp khá lớn – là một quan niệm mạnh bạo và chính xác về thi ca: Thơ là một thứ tâm học. Trước đấy người ta qúa lưu tâm đến câu chữ, thanh âm, niêm luật, mà chưa thấy bản chất của văn chương, chưa tìm ra cái gốc của thi ca là cảm xúc, là tấm lòng của người viết trước cuộc sống xã hội và thiên nhiên.

Vượt lên thứ văn chương thù tạc, ngâm vịnh, chỉ lướt qua bề mặt kiểu cưỡi ngựa xem hoa… Trịnh Sâm đã “hết lòng suy nghĩ hàng ngày đem những lời dạy về Tâm của thánh hiền đời trước , suy đi xét lại kỹ càng, rồi tự xét vào thân mình để vun trồng lấy cỗi gốc…”

Như vậy nhà thơ Trịnh Sâm đã có những suy nghĩ sâu sắc về bản chất cùng với tác dụng của thi ca trong cuộc sống con người. Trịnh Sâm có ý thức vun trồng cái gốc của thơ là chữ Tâm – “không chỉ chú ý vào việc đối câu, nắn nót từng lời”… mà bao giờ “cũng hỏi lại lòng mình” để tự đánh gía mức độ trung thực và tính khiêm nhường vốn rất dễ để mất một khi đã ở vào vị trí cao sang, quyền quí bậc nhất xã hội. Với một quan niêm sâu sắc về vai trò của văn chương, bằng một ý thức mạnh mẽ và chính xác của bản chất thi ca… Trịnh Sâm là nhà thơ đầu tiên của nền thơ dân tộc đặt tên cho tác phẩm của mình là Tâm thanh – Tiếng cõi lòng.

Một cõi lòng nặng trỉu muốn gìn giữ và rèn luyện để mãi mãi sau còn có ích cho đời. “ Tiếng lòng để lại ấy đến ngày nay cũng đã xấp xỉ Tam bách dư niên hậu vượt qua chặng đường khá dài về thời gian, vượt lên bao giông tố thác ghềnh về định kiến và ngộ nhận… để tấm lòng ấy vẫn giữ được vẻ trong sáng có một âm sắc rung động chúng ta hôm nay.
Một trái tim biết đạp vì cõi nhân sinh, biết thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, quê hương đất nước mình…, không câu nệ những luật lệ gò bó về hình thức, một tiếng lòng để lại như thế, chắc chắn tìm được tri âm, tri kỷ trong nhiều thế hệ mai sau. Những gì xuất phát từ một tấm lòng sẽ có thể làm rung động vô số tấm lòng. Cái quy luật văn chương ấy đã được chứng minh qua trường hợp của Trịnh Sâm, một vị chuá tiếp nối được truyền thống các Tiên Vương, giữ được nền thịnh trị an dân, ích quốc, giữ được cả tình yêu đối với ngôn ngữ dân tộc, đưa chữ Nôm lên vị trí xứng đáng để giúp dân chúng am hiểu luật lệ và tiếp nhận được cả thành tựu của thi ca bằng tiếng mẹ Đại Việt. Lễ tưởng niệm hôm nay một lần nữa nhắc nhở hậu duệ biết gạn đục khơi trong, tìm ra những tinh hoa của người xưa để phát huy trong cuộc sống vốn luôn luôn đa chiều và chuyên rđộng phức tạp của thế giới hôm nay.

Riêng trong lĩnh vực văn học bài học Tiếng lòng để lại của nhà thơ Trịnh Sâm vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn: Đó là vị trí của chữ Tâm luôn luôn là cái gốc để phát huy năng lực sáng tạo văn chương.

Ngày nay bạn đọc rộng rãi hình như đang rất thờ ơ với nền thơ đương đại. Chúng tôi thiển nghĩ: nhiều tác giả có lẽ quá chú ý đánh bóng mạ kền câu chữ, làm xiếc bằng ngôn từ để che giấu sự nghèo nàn trong cảm xúc. Trái tim của các tác giả ấy hình như xơ cứng trước nỗi niềm có thực của quần chúng hoặc cố tình né tránh những gì công chúng đang quan tâm. Những trang thơ ý tứ lạc lỏng, chữ nghĩa cầu kỳ, dĩ nhiên không được đông đảo bạn đọc chia sẻ, cảm thông và tiếp nhận. Tiếng lòng để lại của Trịnh Sâm cùng với nét chữ phóng khoáng mãi còn in trên thơ đá và trong tâm khảm lớp cháu con. Bắt nguồn từ tấm lòng riêng của mình, lại trung thực trong thể hiện nên thơ Trịnh Sâm không mòn sáo, vừa sinh động vừa chân thành, ý tứ và hình tượng mới mà không giống ai.

Hình như tiếng gió vi vút cành thông và dáng mây bay ngang vách đá … không những có mặt trong trang thơ, nét chữ của chúa mà còn và còn vang vọng mãi trong lòng người mai sau.

Tháng 9 – 2008

Nguyễn Bao

There are no comments yet

Tin khác đã đăng