Người nước ngoài nói về Thăng Long- Kẻ Chợ, thời Lê- Trịnh



Chiều dài 1000 năm của Thăng Long- Hà Nội đã để lại dấu ấn trong sử sách Việt Nam. Bên cạnh nguồn tư liệu chính thống ( hiện đang dùng trong các giáo trình phổ thông), những cuốn sách, ghi chép phản ánh muôn mặt đời sống của vùng đất Kinh kỳ từ những người nước ngoài cũng đã mang lại cái nhìn đa diện, phong phú về lịch sử Thăng Long.

Những tài liệu có giá trị nhất của các tác giả phương Tây phần lớnđều tập trung vào thế kỷ XVI- XVII, giai đoạn đầy thử thách của xã hội Đại Việt khi mở rộng tiếp xúc với sự xâm nhập kinh tế, văn hóa của người châu Âu. Những người ngoại quốc đã cung cấp nhiều chi tiết độc đáo và sinh động về cuộc sống đương đại mà không có trong những bộ chính sử, ký sự của các tác giả người Việt. Cũng từ giai đoạn này, thành Đông Kinh ( tức Thăng Long triều Lê- Trịnh ) gắn liền với tên Kẻ Chợ như để nói tới sự nhộn nhịp giao thương của nền kinh tế hàng hóa đang hình thành ở đất Kinh đô.

Cho dù chỉ là một tên gọi dân gian, không chính thức như những chính danh trong lịch sử 1000 năm, nhưng lại cho ta thấy nhiều nét đặc sắc về cả văn hóa, phong tục của Thăng Long xưa. Không nhiều người biết rằng, cố đạo người Bồ Đào Nha Barotxo có lẽ là người đầu tiên nhắc đến tên dân gian đó của Đông Kinh trong cuốn “ Nói về châu Á” xuất bản năm 1550. Trong cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên viết bằng tiếng quốc ngữ, còn gọi là : Từ điển Việt- Bồ- La của Alexandre de Rhoes xuất bản tại Roma năm 1651 cũng đã có từ Kẻ Chợ độc đáo này và được giải nghĩa : “ Kẻ Chợ; những người ở trong Chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh”. Với nghĩa ban đầu chỉ để phân biệt hai khu vực trong kinh thành giữa một nơi của người dân buôn bán và một nơi là hoàng thành của Vua, Chúa; “ kẻ” tiếp tục phát sinh nghĩa, chỉ nơi chốn của một cộng đồng người. Vì thế, chúng ta có kẻ Sặt, kẻ Mơ, Kẻ Láng…Khi nghĩa chỉ người và nghĩa chỉ một vùng địa danh có sự hòa kết tạo nên một nghĩa tổng quát.

Từ ghi chép của những người nước ngoài, hình ảnh thú vị về cuộc sống của Thăng Long- Kẻ Chợ đã được tái hiện sinh động. Với William Dampier, một trong những nhà thám hiểm vĩ đại nhất của thời đại đã đi vòng quanh thế giới 3 lần, trong một chuyến du ngoạn đến Đàng Ngoài năm 1688 đã kể lại : “ Kẻ Chợ có chừng 20.000 nóc nhà, những ngôi nhà này thường thấp, vách trát vữa và lợp tranh. Tuy nhiên cũng có một số xây gạch và lợp ngói. Phần lớn nhà đều có một cái sân hoặc khu sau nhà…”. G.Caneri năm 1695 ghi nhận : Kinh đô vua, chúa đàng ngoài ở gọi là Kẻ Chợ. Nhà cửa ở thành phố thường thấp, chủ yếu dựng bằng tre, thứ cây mọc đầy ở nông thôn. Có 3 đường phố dài 3 dặm và có nhiều chợ đẹp. Trang phục của người ta mặc ở xứ này là một chiếc áo dài khoác bên ngoài. Chiếc khăn chít trên đầu màu đen, cao và tròn, nhưng khăn của binh lính và nông dân thì rủ một chút xuống bên vai. Đàn bà cũng mặc áo dài kiểu ấy nhưng buông rủ xuống tận chân. Tóc để xõa tự nhiên. Họ khá đẹp tuy nước da hơi rám nắng…”

Trong khi đó, với “ Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài” xuất bản tại Paris lần đầu tiên năm 1681, Jean Baptiste Tavernier đã phác họa những nét chấm phá về xã hội Đàng Ngoài, mà phần lớn liên quan đến toàn bộ đời sống Thăng Long, địa bàn buôn bán và cư trú quan trọng của người phương Tây khi đến vùng đất của vua Lê- Chúa Trịnh. Qua đó chúng ta biết thêm những chi tiết về đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thăng Long xưa rất gần gũi với ngày nay như tục ăn yến sào, cách muối trứng bằng tro và ăn trứng muối, cách phân biệt các loại trà tốt, xấu qua màu nước, cách chữa bệnh dân gian bằng cách đánh gió, xông nước lá, dùng màn để tránh muỗi… Bên cạnh đó là những bộ môn nghệ thuật giải trí như chèo, tuồng, ca trù, sự hiện diện của các dòng phái tư tưởng tôn giáo của Nho, Phật, hay tín ngưỡng thờ thần linh và tục bói chân gà…

Ngoài ra, nhièu sự kiện xảy ra ở thành Đông Kinh giai đoạn lịch sử này được những người nước ngoài, đặc biệt là thương nhân của các công ty Đong Ấn Anh và Hà Lan vốn có quan hệ ngoại thương rất tốt tai Kẻ Chợ ghi chép khá kỹ và các chi tiết đó chưa hề xuất hiện trong các bộ chính sử của Việt Nam. Đơn cử như cuộc nổi loạn của các con Chúa tại Kinh thành năm 1644, nhiều diễn biến chính trị trong triều đình và sự kiện hoạn quan Hoàng Nhân Dũng bị xử tử năm 1653 trong Đại Việt sử ký toàn thư ( trg :808, tập 2 ) chỉ ghi vắn tắt vài dòng…

Với những trang viết, cách nhìn của người phương Tây đến VN từ một nền văn hóa hoàn toàn khác đã đem đến cho chúng ta nhiều điều mới và thú vị, để từ đó thêm tự hào với lịch sử Thăng Long – Kẻ Chợ và Thăng Long- Hà Nội 1000 năm.

Tuấn Anh thực hiện.

There are no comments yet

Tin khác đã đăng