Nghĩ về nguồn gốc họ Trịnh
Tìm về nguồn gốc gia đình, dòng họ là một nhu cầu thiết yếu, mang tính nhân văn sâu sắc. Gia đình mình vốn ở đâu? Dòng họ mình ở đâu về đây? Tự bao giờ? v.v.. Tuy nhiên, khát vọng này của con người không phải bao giờ cũng đạt được. Do rất nhiều nguyên nhân. Chủ yếu vẫn là thời gian và nguồn tư liệu
Có những dòng họ đã xuất hiện ở Việt Nam non ba ngàn năm nay với những địa danh đã được nhiều người chấp nhận. Vậy mà không ít người vẫn còn mù mờ, thậm chí ngộ nhận. Họ Trịnh mình là một ví dụ.
Nhiều lần tôi về phủ Trịnh ở xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa dâng hương ngày giỗ Cụ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm. Đọc dòng chữ treo hai bên cổng phủ, trong tôi trỗi dậy bao nỗi niềm.
CHÀO MỪNG CON CHÁU VỀ DỰ GIỖ TỔ TRỊNH TỘC
À, vậy ra họ Trịnh mình có mặt tại Việt Nam mới khoảng 600 năm trở về đây ?! Mảnh đất xã Vĩnh Hùng là nơi phát tích của dòng họ Trịnh Việt Nam ư ?!
Có thể vì dòng chữ này nên trong họ ta, nhiều người nhầm tưởng. Ai đó có dịp về Cổ Định (xã Tân Ninh), huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, hãy ghé qua nghè Giáp. Nghè Giáp (nghè tọa lạc ở làng Giáp) được xây dựng từ đầu công nguyên để thờ phụng những người có công khai phá mảnh đất này. Cổ Định là vùng đất tối cổ ở Thanh Hóa, là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống lại quân Đông Ngô (Trung Quốc) thế kỉ thứ 3 sau công nguyên.
Cổ Định (tên cổ: chạ Kẻ Nưa) nằm dưới chân ngàn Nưa, cách núi Đọ (nơi người nguyên thủy, người Việt cổ sinh sống cách đây từ 30 đến 40 vạn năm) khoảng 20 km đường chim bay. Có thể, những người có gốc tích ở núi Đọ đã đến Cổ Định khai sơn phá thạch lập ấp để sinh tồn. Về thời gian, theo giáo sư Đinh Xuân Lâm thì “Chạ Kẻ Nưa có từ khi các vua Hùng dựng nước” (Cội nguồn. Xuất bản năm 1997). Bài cúng thành hoàng nghè Giáp có đoạn:
Sơ canh khai phá
Thập vị tiên công
Lê, Hứa, Nguyễn, Hoàng,
Doãn, Phan, Ngô, Trịnh
….
Nghĩa là, những người đến đây khai phá đầu tiên gồm 10 ông thuộc 8 họ: Lê, Hứa, Nguyễn, Hoàng, Doãn, Phan, Ngô, Trịnh … Trong chánh tẩm đang còn bài vị của người họ Trịnh.
Gần đây, tôi được biết, ở Hải Phòng có nơi thờ phụng 3 cụ họ Trịnh là tướng của Hùng Vương thứ 18. Từ nguồn tư liệu này, chúng ta có quyền khẳng định: họ Trịnh là một họ bản địa Việt Nam, có mặt từ thời Hùng Vương dựng nước.
Trở lại dòng chữ: CHÀO MỪNG CON CHÁU VỀ DỰ GIỖ TỔ TRỊNH TỘC.
Dòng chữ này đã vô tình phủ nhận sự tồn tại gần ba nghìn năm cũng như nơi phát tích của họ Trịnh Việt Nam. Cụ Trịnh Huân (thời An Dương Vương), cụ Trịnh Ra (thời Bà Trưng), cụ Trịnh Tú (thời nhà Đinh), cụ Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục, Trịnh Đồ, Trịnh Vô… (danh tướng trong khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo) không phải là người họ Trịnh sao (!?).
Các nhà nghiên cứu dòng họ Trịnh Việt Nam cho biết, họ ta có 6 dòng. Trong 6 dòng này, dòng Chúa Trịnh là dòng khai sáng sự nghiệp của họ Trịnh trong lịch sử Việt Nam. Dòng Chúa, trên thực tế đã điều hành chính sự đất nước 249 năm, thời gian dài nhất so với các triều đại phong kiến Việt Nam. Dòng Chúa có rất nhiều đóng góp tích cực đã được thừa nhận và nhất định sẽ được thừa nhận.
Trong chúng ta, có người đang quá tự hào về sự nghiệp các Chúa Trịnh (điều này là tất yếu, không có gì đáng trách) mà quên đi bao thế hệ tiền nhân họ Trịnh trong lịch sử dân tộc.
Mong những người họ Trịnh trong Ban tổ chức ngày giỗ cụ Trịnh Kiểm hãy thay câu CHÀO MỪNG CON CHÁU VỀ DỰ GIỖ TỔ TRỊNH TỘC bằng một câu khác cho chuẩn mực hơn.
Thanh Hóa, ngày 30 tháng 4 năm 2018
Trịnh Duy Tuân
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
One comment