Một vị thượng tướng bị quên lãng



Hầu như, khi đề cập đến người mở đầu cuộc trung hưng nhà Lê sau khi bị nhà Mạc tiếm quyền, người ta nghĩ ngay đến Nguyễn Kim. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Một cựu thần nhà Lê, ông Trịnh Duy Thận có những đóng góp rất to lớn, quan trọng ngay trong buổi đầu nhưng do tính chất công việc mà cụ đảm nhiệm nên ít được biết đến

1.1. Trịnh Duy Thận thuộc họ ngoại của Lê Lợi. Dòng họ Trịnh này tham gia chống quân Minh xâm lược ngay từ khi Lê Lợi còn ẩn mình để mưu việc lớn. Trong suốt các vương triều Lê Sơ, từ vua Thái Tổ cho đến vua Chiêu Tông- vị vua chính danh cuối cùng của nhà Lê Sơ- họ ngoại của Lê Lợi luôn có nhiều người tham gia triều chính, giữ nhiều trọng trách trong triều đình, từng được Lê Quý Đôn đánh giá “là họ công thần hạng nhất, danh vọng trên đời” [2, tr 257] .Trịnh Duy Thận là một trong số đó và là thế hệ thứ 3 của dòng họ này, tính từ cụ Công thần Bình Ngô Khai Quốc Trịnh Khắc Phục.

1.2. Ông Trịnh Duy Thận có nhiều tên gọi khác nhau. Gia phả họ Trịnh gọi là Thận [5]. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí gọi là Thuân, Thoan, Thuyên [1, tr 269]. Lê Quý Đôn gọi là Thuân [2, tr 270]. Đại Nam nhất thống chí ghi là Thuân [4, tr 310]. Dù tên gọi như thế nào nhưng cũng có một điểm thống nhất, tất cả các tài liệu đều ghi cụ là cháu của công thần Bình Ngô Khai Quốc Trịnh Khắc Phục. Tức tên gọi khác nhau nhưng chỉ là một con người, ông Trịnh Duy Thận.

2. Ông Trịnh Duy Thận tham gia triều chính từ bao giờ, chưa thấy tài liệu nào cho biết. Theo Gia phả họ Trịnh, đến đời vua Lê Tương Dực (1509-1516), ông đã được phong “Dực vận công thần Phụ quốc Đông quân Đô đốc phủ kiêm chức Tôn nhân Chưởng phủ Thái bảo Dực quận công Phù hưng hầu” [5]. Và đến “Cuối niên hiệu Quang Thiệu (1522), ông được phong Lỵ Quốc công, trấn thủ Thanh Hoa” [1, tr 269]. Đại Nam nhất thống chí [4, tr 310] cũng ghi như thế. Từ đây, có thể khẳng định, cụ Thận làm quan cho nhà Lê Sơ vào giai đoạn cuối, chủ yếu thuộc thời kỳ nhà Lê bắt đầu suy vi, suy tàn dẫn đến sự kiện Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê.

3. Mạc Đăng Dung là quan to trong triều lúc bấy giờ. Nhân triều đình lục đục chia năm bè bảy bối, nhiều cuộc nổi loạn diễn ra, Mạc Đăng Dung nuôi ý đồ tiếm quyền. Với vị vua đang trị vì là Lê Chiêu Tông, Mạc Đăng Dung phế truất và đưa người em của vua là Lê Xuân (Lê Cung Hoàng) mới 15 tuổi lên ngôi vào năm 1522. Tháng 12 năm 1526, Đăng Dung cho người bí mật giết Lê Chiêu Tông. Lê Chiêu Tông bị giết để lại hoàng tử Ninh đang còn ấu thơ. Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung ép vua nhường ngôi, lập nên nhà Mạc. Lê Cung Hoàng bị phế làm cung vương, sau đó bị giết chết.

3.1. Nhà Mạc thay nhà Lê bằng việc giết vua Lê. Như vậy, Mạc Đăng Dung lên ngôi là không chính danh. Triều Mạc bị gọi là ngụy triều, Mạc Đăng Dung bị xếp vào hàng nghịch thần (theo quan niệm của thời bấy giờ). “Họ Mạc là bề tôi phản nghịch của nhà vua” [3, tr 183]. “Đăng Dung phong cho người tông thất mình là Mạc (không rõ tên) làm Tĩnh quốc vương, trung quan Nguyễn Thế Ân làm Lỵ quốc công (người xã Mộ Trạch, huyện Đường An) để giúp dập ở bên cạnh mình. Thần dân đều thất vọng, cả nước hoang mang” [3, tr 174]. Chính Mạc Đăng Dung cũng ý thức được việc này, vì vậy, “Tháng 12 năm 1529, Đăng Dung thấy nhân tâm trong nước chưa yên, bèn truyền ngôi cho con là Đăng Doanh, rồi tự xưng là Thái thượng hoàng, ra ở điện Tiền Quang” [2, tr 270].

3.2. Mạc Đăng Dung dùng vũ lực để lên ngôi vua nên không được lòng quần thần nhà Lê bấy giờ. “Đăng Dung sợ lòng người nhớ vua cũ, để lâu lại sinh biến, nên phải tuân giữ pháp độ của triều Lê, không dám thay đổi, phủ dụ thần dân, trấn áp lòng người, che bịt tai mắt họ. Lại lập mưu vờ tìm con cháu các nhà thế gia công thần. Bấy giờ, những người ấy phần nhiều ẩn náu chạy trốn vào núi rừng, người thì ẩn giấu họ tên không chịu ra, kẻ thì tụ họp nhau thành đảng cướp, có người đi làm quan với nước ngoài để tạm sống, không còn biết là theo ai nữa” [3, tr 174].
Trong số phần nhiều công thần ẩn náu chạy trốn vào núi rừng có Trịnh Duy Thận, Nguyễn Kim …

4. Nguyễn Kim là cựu thần nhà Lê, đã được ban tới tước hầu. Sinh ra trong một dòng họ nhiều đời làm quan cho nhà Lê, Nguyễn Kim một lòng một dạ trung thành. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Kim không theo nhà Mạc, bỏ chạy sang Ai Lao (Lào) để tính kế khôi phục nhà Lê.
“Bấy giờ (1529), bọn Thanh Hoa hữu vệ điện tiền tướng quân An Thanh hầu Nguyễn Kim (người Bái Trang, huyện Tống Sơn) dẫn con em chạy sang Ai Lao. Chúa nước ấy là Sạ Đẩu cho rằng ta là nước có quan hệ như môi răng với họ, mới đem nhân dân và đất Sầm Châu cấp cho Kim. Từ đó, Nguyễn Kim nuôi dưỡng sĩ tốt, chiêu nạp những kẻ chạy trốn, làm phản, ngầm tìm con cháu nhà Lê để mưu khôi phục” [3, tr 177].
Để thu phục nhân tâm, Nguyễn Kim phải giương cao ngọn cờ Phù Lê diệt Mạc. Một trong những công việc khẩn thiết là phải “hỏi tìm con cháu nhà Lê” [1, tr 269] để tôn lên làm vua.

5. Năm 1526, Lê Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung phế truất. Ông có người con út là Lê Duy Ninh đang còn ấu thơ. Về sự kiện hoàng tử Ninh thoát chết, Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Chiêu Tông bại trận và bị ép đưa về Thăng Long, Thuân bèn ẵm hoàng tử Ninh chạy sang Ai Lao” [4, tr 310]. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi chép tỉ mỷ hơn: “Bấy giờ Chiêu tông để hoàng tử Ninh ở lại Tây đô, sai ông (Trịnh Duy Thận) bảo hộ. Khi vua ra Lạc Thổ đánh Đăng Dung, bị thua, rồi bị hiếp đưa về kinh, ông lánh mình ở sách Thuỷ Chú và sai Lê Quan ẵm hoàng tử trốn sang nước Ai Lao giấu kín. Khi vua Mạc đã cướp ngôi, tìm tòi tôn thần nhà Lê để giết, ông che chở vất vả, giữ kín tin tức ; trải nhiều gian lao” [1, tr 269].
Khi chuẩn bị công cuộc trung hưng, Nguyễn Kim dò tìm con cháu nhà Lê, ông Thận cùng em là Duy Liêu tụ tập những dân trung thành với nhà Lê còn lại rước hoàng tử tôn lên ngôi vua, dọn dẹp bọn bất tài, bất trung, lập triều đình. Về sự kiện này, Phan Huy Chú chép rằng: “Đến lúc Chiêu Huân công [Nguyễn Kim] hỏi tìm con cháu nhà Lê, ông cùng em là Duy Liêu tụ tập những dân [trung thành với Lê] còn lại rước hoàng tử tôn lên ngôi vua, dọn dẹp cỏ rậm lập triều đình” [1, tr 269] và “Nguyễn Kim, Trịnh Duy Thuân cùng suy tôn người con Quang Thiệu [Lê Chiêu tông] lên quyền giữ việc nước” [1, tr 270].
Sử nhà Nguyễn cũng xác nhận như trên: “…lúc Triệu Tổ bản triều dò tìm con cháu nhà Lê, Thuân bèn cùng em là Liêu rước hoàng tử Ninh lập làm vua” [4, tr 310].
Như vậy, công đầu tiên của Trịnh Duy Thận là giấu kín hoàng tử Lê Duy Ninh (công việc không hề đơn giản chút nào trước sự truy lùng gắt gao của nhà Mạc!) và sau đó đăng quang ngôi vua để cùng Nguyễn Kim dựng ngọn cờ Phù Lê diệt Mạc, trung hưng nhà Lê.

5.1. Sau khi tái lập nhà Lê với ngọn cờ Lê Trang Tông (hoàng tử Lê Duy Ninh), Nguyễn Kim tụ tập được nhiều công thần trung thành với nhà Lê, chiêu binh mãi mã đánh nhà Mạc. Nguyễn Kim cùng Trịnh Duy Thận sai Trịnh Duy Duy Liêu, Trịnh Duy Liệu (em con chú ruột của ông Thận) “vượt biển sang nhà Minh xin quân” [1, tr 270]. Trịnh Duy Thận ở miền thượng du luyện tập binh mã, binh lương cấp cho đội quân của Nguyễn Kim. Về công trạng của ông, Phan Huy Chú chép rằng: “Bấy giờ Chiêu Huân công đem quân đi đánh dẹp, ông ở lại giữ thượng du sửa soạn và tụ tập binh mã, cùng các tướng cũ phủ dụ người Man, người Lạo, luyện sĩ tốt. Việc dựng nước và giữ vững căn bản có công giúp đỡ của ông rất nhiều.” [1, tr 269].
“Phàm xuất quân đánh giặc thì Thuân ở lại thượng du, điều tập binh mã, vỗ về người Di Lạo, huấn luyện binh mã, nhiều công giúp giập.” [4, tr 310].
Đưa Trang Tông lên làm vua, Trịnh Duy Thận còn để cho bà Trịnh Thị Ngọc Cửu (mẹ vua Trung Tông sau này) vào làm hoàng hậu của vua Trang Tông, vị vua đầu tiên của nhà Lê Trung hưng. Cha đẻ bà Ngọc Cửu là con của người em ruột ông Thận [5]. Mối quan hệ giữa hoàng hậu và nhà vua càng thắt chặt thêm mối quan hệ giữa ông với vua và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông cùng Nguyễn Kim trong công cuộc trung hưng nhà Lê.

5.2. Có thể nói, đi đầu công cuộc trung hưng nhà Lê trong buổi đầu là hai ông Nguyễn Kim và Trịnh Duy Thận. Có những trang sử, sau tên Nguyễn Kim là tên ông Trịnh Duy Thận: “Nguyễn Kim, Trịnh Duy Thuân cùng suy tôn người con Quang Thiệu [Lê Chiêu tông] lên quyền giữ việc nước” [1, tr 270]. Lại có trang sau tên Trịnh Duy Thận là tên Nguyễn Kim: “Ông cùng Chiêu Huân công hợp lực giúp việc” [1, tr 269].

Tiếc rằng, ông mất quá sớm, vào năm 1542, khi cuộc trung hưng nhà Lê đang gặp nhiều thuận lợi! Mất trước Nguyễn Kim 3 năm.
Đánh giá công trạng và tài năng của ông, nhà sử học Phan Huy Chú xếp ông vào hàng tướng có tiếng và tài giỏi thời Lê Trung hưng [1, tr 269]. Con cháu nhà Nguyễn sau khi nắm quyền bính năm vào 1802 cũng không quên ơn người có công lớn trong cuộc trung hưng nhà Lê của tổ phụ mình, đã truy phong cho Trịnh Duy Thận là Thượng tướng quân và đúc tượng ông phối thờ trong miếu Lịch đại đế vương ở kinh thành Huế: “… bản triều Minh Mệnh thứ 4 cho thờ phụ ở miếu Lịch đại đế vương” [4, tr 310].
Miếu Lịch đại đế vương ở địa phận xã Phú Xuân, phía ngoài kinh thành, hướng về phía nam, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 4. Thể chế: Nhà chính 5 gian thờ các đời vua Trung Quốc và Việt Nam. Phía đông và phía tây dựng Đông vu và Tây vu, mỗi vu đặt 5 án, phối thờ danh thần các triều. Phía tây thờ Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Đinh Liệt, Lê Khôi, Trịnh Duy Thuân, Phùng Khắc Khoan.

* *
Các tài liệu lịch sử đều khẳng định rằng: sau khi cùng Nguyễn Kim đưa hoàng tử Ninh lên làm vua (1533), ông Trịnh Duy Thận làm nhiệm vụ chiêu mộ, tụ tập binh mã, huấn luyện sĩ tốt để đưa ra chiến trường, cho đến khi ông mất (1542).
Công việc ấy quan trọng không khác gì việc chinh chiến. Nhưng các nhà viết sử hầu như chỉ chú ý đến việc ghi chép các nhân vật trên chiến trường. Thời gian 9 năm ông ở vùng thượng du chiêu tập và huấn luyện quân binh không được các nhà sử học lưu lại bút tích.
Không ít nhân vật lịch sử trong quá khứ bị nhìn nhận sai lệch, bị đánh giá thiếu công bằng hoặc bị lãng quên… Cụ Trịnh Duy Thận là một công thần đi đầu trong công cuộc trung hưng nhà Lê ít nhiều bị quên lãng.
Đầu mùa đông năm 2016

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, NXB Sử học, tháng 1 năm 1960.
[2] Lê Quý Đôn toàn tập, tập 3, Đại Việt thông sử, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1978.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư tập 3, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, năm 2000.
[4] Đại Nam nhất thống chí, tập II, NXB Thuận Hóa 1997.
[5] Gia phả họ Trịnh, dòng Trịnh Khắc Phục (bản Hán văn và Việt văn) ở thôn Vân Đô, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

There are no comments yet

Tin khác đã đăng