Họ Trịnh Thăng Long



Một là những người họ Trịnh có quan hệ gần trong cùng một chi, phái, cành, nhánh, chi nhánh sống quần tụ thành cụm, làng, xã, phường và có sinh hoạt họ thường xuyên, nề nếp.

Đất Thăng Long – Hà Nội là địa danh tập hợp đông đảo con cháu họ Trịnh dưới hai dạng:

Một là những người họ Trịnh có quan hệ gần trong cùng một chi, phái, cành, nhánh, chi nhánh sống quần tụ thành cụm, làng, xã, phường và có sinh hoạt họ thường xuyên, nề nếp.

Hai là một số người cùng cư trú, nhưng nguyên quán và quan hệ gia tộc không giống nhau từ nhiều địa phương, nhiều chi họ khác nhau đến Hà Nội do nhu cầu công tác hoặc kiếm kế sinh sống rồi định cư ở Hà Nội. Vì vậy, rất phân tán, lẻ tẻ trên khắp địa bàn thành phố.

Đây cũng chính là lý do tại sao Hà Nội – Thăng Long là địa danh có nhiều nhân tài từ các địa phương của các chi họ Trịnh trong phạm vi cả nước trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng… Vì vậy “Đại Trịnh tộc phả lục” chỉ có thể nêu một số địa danh gắn với họ Trịnh có con cháu sống tập trung, có sinh hoạt họ và ít biến động.

Chi họ Trịnh làng Cói – Thái Đường thuộc xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh – Hà Nội. Thủy tổ chi họ là cụ Trịnh Phúc Tâm có nguồn gốc từ Thanh Hóa đến định cư lập nghiệp ở Mai Lâm từ thế kỷ 15.

Cụ Tổ chi họ Trịnh Phúc Tâm sinh năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận (1496), cụ bà hiệu Từ Duyên. Hai cụ hợp táng tại xứ Bồ Đề.

Chi họ có nhà thờ xây dựng từ năm 1696 và đã được xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa. Trong nhà thờ còn lưu giữ tấm bia lớn “Đông Hoa Trịnh Tiến sỹ”. Bia có niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696), ghi rõ thân thế sự nghiệp của Tiến sỹ Trịnh Đức Nhuận là cháu 7 đời của cụ Tổ Trịnh Phúc Tâm.

Hậu duệ Trịnh Đức Nhuận có nhiều người đỗ đạt cao như Trịnh Xuân Thụ đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748), đi sứ Trung Quốc. Trịnh Xuân Thưởng đỗ Hoàng giáp, được bổ nhiệm án sát Sơn Tây. Đời thứ 15 – 16 của Chị họ đã có tới 30 Tiến sỹ, hương cống được bổ nhiệm làm quan, tham gia vào việc quản lý điều hành đất nước thuộc các triều đại phong kiến như Trịnh Xuân Trạm, Trịnh Xuân Nham…

Trong thời đại mới con cháu Chi họ Trịnh, Cói Thái Đường tiếp tục truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, tích cực tham gia việc nước. Ông Trịnh Xuân Bản là cơ sở cách mạng tin cậy vùng ven đô, Trịnh Xuân Cảnh là lớp đảng viên trước cách mạng tháng 8-1945, Trịnh Xuân Kỷ hăng hái tham gia lực lượng vũ trang cách mạng, Trịnh Xuân Lãng là Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc, Tiến sỹ Trịnh Xuân Giới là Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Giáo sư Y học Trịnh Bỉnh Di, Trịnh Xuân Khuê. Giáo sư Tiến sỹ Trịnh Xuân Thuận, Trịnh Xuân Hồng đều là những chuyên gia nghiên cứu khoa học, đặc biệt là ngành khoa học thiên văn vũ trụ quốc tế…

Chi họ Trịnh Cói Thái Đường có nề nếp sinh hoạt họ thường xuyên, rất quan tâm đến việc khuyến học. Hàng năm vào ngày 15 tháng 2 con cháu trong chi họ tổ chức làm giỗ tổ tại nhà thờ nghiêm trang.

Nhánh họ Trịnh làng Sở Thượng, huyện Thanh Trì – Hà Nội, do gia phả gốc bị thất lạc nên nay soạn lại, cụ Tổ nhánh họ là cụ Cai, có nguồn gốc Thanh Hóa, đến nay đã có đến đời thứ 9.

Cụ Cai đến định cư ở Sở Thượng khoảng trên 100 năm. Đến đời thứ 4, một bộ phận tách ra chuyển đến định cư ở Hải Phòng và lấy tên đệm là Cao (nguồn tư liệu từ chi nhánh họ Trịnh Cao – Hải Phòng).

Đời 1 : Cụ Cai quê gốc Thanh Hóa
Đời 2 : Trịnh Đô (Đời 1 và đời 2 ở làng Quỳnh)
Đời 3 : Trịnh Nghĩa, Trịnh Tỉnh (chuyển về định cư ở Sở Thượng)
Đời 4 : Trịnh Cao Ân (chuyển về Hải Phòng)
Đời 5 : Trịnh Cao Quốc
Đời 6 : Trịnh Cao Chắc
Đời 7 : Trịnh Cao Khương
Đời 8 : Trịnh Cao Thượng
Đời 9 : Trịnh Dương (thuộc chi nhánh Hải Phòng).

Con cháu nhánh họ Trịnh Sở Thượng có nhiều người giỏi nghề thuốc, hiện tại phát triển đông đúc, làm ăn thịnh vượng.

Nhánh họ Trịnh thôn Giáp Nhị, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì – Hà Nội. theo Kim giám thực lục, niên hiệu Gia Long thứ nhất (1802) và Kim giám tục biên, niên hiệu Tự đức 20 (1869) thì Cụ tổ nhánh họ Trịnh thôn Giáp Nhị, xã Thịnh Liệt là Trịnh Tuệ. Trong 3 người con trai của Trịnh Tuệ thì con trưởng lập cư ở Thịnh Liệt và phát triển đến ngày nay, trở thành nhánh họ lớn, con cháu đông đúc. Người con thứ lập cư ở làng Giáp Ngũ cùng xã và người con út chuyển đến lập cư ở Văn Lâm – Văn Giang – Hưng Yên.

Nhánh họ Trịnh làng Định Công thuộc quận Hoàng Mai – Hà Nội là hậu duệ Lộc quận công Trịnh Trà. Cụ tổ nhánh họ ở Định Công là Trịnh Tam Lang, húy Ngãu, tự Thuần Mỹ là con trưởng Trịnh Trà. Hiện nhánh họ phát triển mạnh và chia ra 5 chi nhánh. Theo gia phả thì nhánh họ Trịnh ở Định Công có quan hệ gần với nhánh họ Trịnh ở Thịnh Liệt và Vĩnh Hùng – Thanh Hóa. Nhánh họ có nhà thờ họ khang trang, được tôn tạo hàng năm, việc họ rất có nề nếp. Đây là nhánh họ có nhiều thầy thuốc giỏi nổi tiếng từ xa xưa, đến nay con cháu vẫn phát huy được truyền thống nghề thuốc. Nhánh họ có Ban khánh tiết điềuhành công việc trong họ do ông Trịnh Đình Tài làm Trưởng ban. Trịnh Đình Cửu là người thuộc nhánh họ Trịnh ở Định Công – Hà Nội.

Nhánh họ Trịnh xã Xuân La quận Tây Hồ – Hà Nội có nguồn gốc từ Thanh Hóa thuộc hậu duệ Trịnh Tùng. Hiện con cháu đông đúc, tập trung nhất ở làng Giáp Tứ. Đây là nhánh họ lớn đã sinh sống lâu đời, sinh hoạt họ nề nếp. Hiện có ông Trịnh Xuân Thuận, Trịnh Xuân Thắng…

Nhánh họ Trịnh ở Cầu Gỗ quận Hoàn Kiếm. Hiện nay con cháu đã ở phân tán nhiều nơi trong thành phố, nhưng vẫn có nhà thờ họ ở 74-76 Cầu Gỗ, ở 45-
47 Hàng Đào và 51 Phan Bội Châu. Đây là nhánh họ thuộc hậu duệ Trịnh Liên, cháu nội chúa Trịnh Căn.

Nhánh họ Trịnh ở Cầu Tiên huyện Thanh Trì, có quan hệ gần với nhánh họ Trịnh thôn Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đều có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Hiện có ông Trịnh Văn An, Trịnh Ngọc Bích…

Nhánh họ Trịnh thôn Tu Hoàng, xã Liên Phương, huyện Từ Liêm hiện có ông Trịnh Xuân Dũng, Trịnh Xuân Hạo…

Nhánh họ Trịnh làng Phù Lỗ. Đây là nhánh họ con cháu đông đúc. cụ tổ nhánh họ là Trịnh Phúc Khang đến định cư lập nghiệp ở Phù Lỗ đã trên 300 năm, tập trung chủ yếu ở Phù Lỗ đông, sau đó một bộ phận chuyển sang định cư ở Đa Phúc. Đây là nhánh họ rất cương trực, thẳng thắn. Trong nhánh họ có 4 tạo sỹ võ là Trịnh Tự Dĩnh, Trịnh Tự Hiếu, Trịnh Tự Thuận (Hiền) và Trịnh Tự Thức đều đã tham gia chính quyền phong kiến nên được vua Lê phong nhánh họ Phù Lỗ là “Gia thế đỉnh chung”. Hiện nay nhánh họ chia ra 4 chi nhánh cùng phát triển. Thành lập Hội đồng gia tộc gồm 16 người để lo việc họ. Năm 2007, nhánh họ đã xây dựng lại chùa giữa và hệ thống nhà thờ họ rất khang trang, sinh hoạt họ rất nề nếp.

Nhánh họ Trịnh thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm. Tổ nhánh họ là cụ Trịnh Văn Lạt, đến nay nhánh họ đã có đến đời thứ 8. Trong từ đường của nhánh họ có câu đối:

“Điện ấp nhân thân kính tổ trọng tôn thu tộc
Mão kim mỹ thủy thận trung trung viễn khắc thành”.
Hà Nội – Thăng Long cũng như các địa danh khác, còn nhiều cành nhánh, chi nhánh họ Trịnh trên khắp địa bàn thành phố đã một thời họ Trịnh gắn với Thăng Long, con cháu quần tụ thành từng vùng nhỏ như: Nhánh họ Trịnh làng Thịnh Quang quận Đống Đa

+Nhánh họ Trịnh ở Trâu Quì – Gia Lâm.
+Nhánh họ Trịnh làng Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng
+Nhánh họ Trịnh thôn Đông, thôn Đoài huyện Đông Anh
+Nhánh họ Trịnh ở Thổ Quan quận đống Đa
+Nhánh họ Trịnh ở Thịnh Hào quận Đống Đa
+Nhánh họ Trịnh ở Đại Mạch huyện Đông Anh
+Nhánh họ Trịnh ở Lạc Trung quận Hai Bà Trưng
+Nhánh họ Trịnh ở Mọc Nhân Chính, quận Cầu Giấy
+Nhánh họ Trịnh ở Liễu Giai quận Ba Đình
+Nhánh họ Trịnh làng Quỳnh quận Hai Bà Trưng
+Nhánh họ Trịnh làng Thọ Lão quận Hai Bà Trưng
+Nhánh họ Trịnh ở Trại Láng quận Đống Đa
+Nhánh họ Trịnh thôn Triều Khúc quận Thanh Xuân
+Nhánh họ Trịnh thôn Vạn Phúc, quận Cầu Giấy
+Nhánh họ Trịnh làng Mai Động quận Hoàng Mai
+Nhánh họ Trịnh làng Ngọc Hà quận Ba Đình
+Nhánh họ Trịnh làng Xuân Phổ huyện Gia Lâm
+Nhánh họ Trịnh làng Tiên Hội huyện Đông Anh…

Hiện nay các nhánh họ Trịnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội có sự di chuyển cục bộ, một số tên làng đã đổi thành tên phố và còn rất nhiều con cháu họ Trịnh cư trú phân tán lẻ tẻ khắp các phố phường. Thăng Long – Hà Nội là địa danh có con cháu họ Trịnh sinh sống lâu đời, có những đóng góp, tác động đáng kể vào sự hình thành và phát triển của Thăng Long xưa và nay. Là dòng họ đã gắn bó với Thăng Long – Hà Nội suốt cả quá trình hình thành và phát triển đưa Hà Nội trở thành đô thị phát triển vào bậc nhất của châu á thế kỷ 17-18 với tên gọi là “Kẻ Chợ” của nước Đại Việt thời Lê – Trịnh. Cũng chính vì vậy, khi nói đén Thăng Long – Hà Nội, không thể không nhắc đến những cơ sở vật chất của người họ Trịnh tạo ra, duy trì và phát triển trên đất Đông Đô do triều Lý lập ra, nhưng con cháu họ Trịnh chính là người có công xây dựng tôn tạo nên vóc dáng hôm nay.
Dựa trên cơ sở bản đồ Hà Nội xây dựng thời Hồng Đức và các bản đồ xây dựng sau này vào năm 1831-1873, kết hợp với các công trình nghiên cứu về Hà Nội của Trần Huy Bá (1906-1966), của Nguyễn Triệu Luật (1929), của Nguyễn Vĩnh Phúc, Nguyễn Khắc Đạm, Vũ Tuấn Sán và sách Đại Việt sử ký toàn thư (trang 190). Đặc biệt là công trình nghiên cứu hết sức công phu và nghiêm túc của Trịnh Quang Vũ về kiến trúc Thăng Long Hà Nội, thì những công trình văn hóa nghệ thuật, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật mang đậm nét dấu ấn của người họ Trịnh. Đó là một thời vàng son không thể phai mờ, mặc dầu hiện nay chỉ còn lại một phần rất nhỏ của những dấu tích đó. Hoặc đã bị thời gian san lấp, hoặc đã bị các triều đại đối lập và chiến tranh phá hủy, thay vào đó là một diện mạo mới. Chỉ phác hoạ một vài nét đơn giản qua những dấu tích Thăng Long xưa còn sót lại có liên quan đến họ Trịnh, để phần nào hiểu được họ Trịnh với Thăng Long thế kỷ 16-18.

Trước hết là quần thể kiến trúc vương phủ:

Năm 1592, Trịnh Tùng giải phóng Thăng Long, thì ngay năm sau (1593) Chúa đã cho tái thiết Thăng Long. Ngoài việc củng cố, ổn định Hoàng Thành là hành tại của triều đình nhà Lê. Trịnh Tùng đã tiến hành qui hoạch xây dựng vương phủ Trịnh với qui mô lớn ở phía Nam Hoàng Thành. Năm 1630 xây dựng tòa cung điện, lập phủ Thái vương ở phường Trúc lâm và 16 gian hành lang, xây lầu Ngũ Long bên bờ sông Nhĩ Hà làm nơi luyện tập binh lính và duyệt thủy quân.

Riêng Vương phủ Trịnh được xây dựng qui mô, là một quần thể kiến trúc qui mô đồ sộ ngoài Hoàng Thành, liền sát với khu dân cư thợ thuyền. Thời gian xây dựng kéo dài 157 năm, từ 1593 đến 1749 mới hoàn thành. Lúc đầu Vương phủ chúa Trịnh hầu như không có ranh giới rõ rệt, nằm về phía Đông Nam Hoàng Thành lẫn với khu dân cư buôn bán, thợ thuyền đã tạo ra khung cảnh yên ổn thanh bình và thịnh vượng của Thăng Long Kẻ Chợ nói riêng và đất nước Đại Việt nói chung. Đến năm 1700 Vương phủ mới được xây tường bao quanh theo thiết kế hình vuông gần trùng với khu vực giữa phố Lý Thường Kiệt – Quang Trung – Nguyễn Gia Thiều và phố Quán Sứ ngày nay. Đây là khu đất nằm về phía Tây Nam hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm).

Cùng với việc xây dựng phủ Chúa, các chúa Trịnh còn để lại nhiều di tích lịch sử văn hóa, các cơ sở hạ tầng phản ánh một thời phát triển huy hoàng của đất Thăng Long Hà Nội trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh đất nước.
Đền phủ Thái Kiều cũng là một công trình kiến trúc đặc trưng và là nơi thờ cúng đức Thế tổ Minh Khang vương Trịnh Kiểm ở Thăng Long, còn gọi là Phủ Từ hay Đền Phủ vốn là Đại bản doanh của nhà Trịnh khi thu phục Thăng Long.

Theo bản đồ triều Nguyễn năm 1866 và 1873, bản đồ vẽ lại của Trần Huy Bá 1956 theo họa pháp của Thư viện Trung ương (số 2-3-24), thì khu vực phủ Trịnh làng Thái Kiều phần bên ngoài có hào sâu hình thước thợ, nằm ở gần cống Thổ Quan. Đường vào phủ phải qua một cây cầu đá lớn gọi là cầu Bạch. Phủ từ trước kia là nơi đóng quân khi giải phóng Thăng Long của Triết vương Trịnh Tùng và Dương Lễ công Trịnh Đỗ thuộc Tiền quân và Trung quân của triều đình Lê – Trịnh. Vì vậy ở đây còn có hồ Voi để huyện Tượng binh. Vương Phủ Thái Kiều có hình chữ công, có khu thờ Thái miếu, khu vực phủ từ thờ Thái vương Trịnh Kiểm và Tống Thiên vương do cành trưởng Trịnh Quang trông nom. Hiện nay đền phủ chỉ còn lại một gian phủ từ, được dân làng Thái Kiều hương khói chu đáo vào ngày 18 tháng 2 hàng năm ở ngách 10 ngõ chợ Khâm Thiên thuộc quận Đống Đa – Hà Nội.

Bên cạnh Phủ Thái Kiều còn có khu trường học Trịnh Kiểm đã được hình thành và phát triển rất tốt cho đến nửa đầu thế kỷ 20 mới bị phá hủy, đến nay chỉ còn lại dấu vết bên cạnh phố Khâm Thiên.

Cùng với việc xây dựng Phủ chúa, các cơ sở hạ tầng mang tính hành chính. Thăng Long Kẻ Chợ đã được các chúa Trịnh quy hoạch và xây dựng qui mô của một đô thị sản xuất và trao đổi hàng hóa với các tuyến đường rộng lát đá, thuận tiện cho người và xe đi lại, bao gồm các phường thợ thủ công, buôn bán, chợ búa. Đây là bước phát triển có tính đột biến về tốc độ đô thị hóa, về giao thương với trình độ sản xuất hàng hóa cao. Biến Thăng Long trở thành cơ sở sản xuất hàng hóa và là đầu mối giao lưu trao đổi hàng hóa giữa các vùng trong nước, thông thương tới nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển.

Thăng Long Hà Nội còn xuất hiện nhiều công trình kiến trúc văn hóa đặc trưng mang dấu tích người họ Trịnh trong thời kỳ này. ở phía đông Vương phủ, giữa hồ Tả Vọng có cung Thụy Khánh, đảo Ngọc (nay là đền Ngọc Sơn) và Tháp Bút. Bên cạnh có đền Chân Tiên (Đền Bà Chúa hay còn gọi là đền Bà Kiệu). ở giữa hồ Tả Vọng có ngôi đình cao hai tầng, lầu vuông, mái cong, là nơi chúa ngự duyệt tập trận, hiện nay còn lại dấu tích là Tháp Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm. ở phía ngoài hồ Tả vọng giáp sông Nhĩ Hà còn có lầu Ngũ Long cao 120 thước 60 mét), xây dựng kiên cố bằng những phiến đá lớn, là nơi chúa ngự duyệt thủy quân và làm lễ Kỳ đạo, diễn võ thuật, thi bắn, thi đánh vật. Đây là công trình mang tính quân sự phòng thủ vững chắc và luyện tập quân lính, thi cử chọn nhân tài võ; cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa thể thao, biểu hiện cuộc sống vươn lên mạnh mẽ của đất nước.

Năm 1749, để tăng cường bảo vệ kinh đô, chúa Trịnh Doanh đã cho xây thành Đại Đô. Thành bắt đầu từ phố Giảng Võ chạy sang gặp đê La Thành, kéo đến Ô Chợ Dừa – Đại Cồ Việt – Ô Đống Mác ra sông Hồng, chạy dọc theo đê đến Yên Phụ, rẽ xuống đường Thanh Niên, chạy qua Ngọc Hà và trở lại đầu đường Giảng Võ. Hình thành một vành đai khép kín bao bọc Hoàng Thành, Phủ chúa và các tuyến phố thuộc nội thành. Đây là công trình tiêu biểu của nhà nước phong kiến Đại Việt, độc lập, tự cường thời Lê – Trịnh. So với thành Đại La do Cao Biền xây dựng năm 867 và thành Đại La thuộc triều Lý, Trần, Mạc trước đó, thành Đại Đô dài rộng và qui mô, hoàn chỉnh hơn về mặt phòng thủ và có ý nghĩa văn hóa xã hội đương thời.

Thăng Long Hà Nội, bao gồm cả vùng phụ cận thuộc các tỉnh liền kề còn có những nét nổi bật với hệ thống đền chùa, đình làng dày đặc mang đậm nét đặc trưng văn hóa thời Lê – Trịnh.

Chùa Kim Liên có từ đời Lý, dựng lại ở đời Trần, đến đời chúa Trịnh Sâm (1760-1782) được trùng tu, mở rộng và chính thức đặt tên chùa Kim Liên. Đây không chỉ là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật mà còn là thắng cảnh tô thêm vẻ đẹp cổ kính cho Hà Nội.

Đền Quán Thánh thời chúa Trịnh Tạc năm 1677

Chùa Hàm Long do Trịnh Thập xây dựng

Chùa Nga Mỹ do Trịnh Đỗ xây dựng…

Vùng phụ cận Thăng Long còn có các đền chùa nổi tiếng gắn với họ Trịnh như:
Chùa Bút Tháp ở Thuận Thành – Bắc Ninh do bà Trịnh Thị Ngọc Trúc xây dựng dưới sự bảo trợ của chúa Trịnh Tráng. Đây là di tích Lịch sử Văn hóa còn nguyên vẹn đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc phật giáo cổ điển Việt Nam.

Nhà thờ chi họ Trịnh làng Cói Thái Đường xây dựng từ năm 1696, được tôn tạo giữ gìn được dáng vẻ kiến trúc xưa.

Chùa Trầm – Hà Tây đã từng là hành cung của nhà Trịnh mang đậm nét văn hóa thời Lê – Trịnh, nay vẫn là ngôi chùa tôn nghiêm.

Chùa Tây Phương ở huyện Thạch Thất – Hà Tây có từ đời Cao Biền thế kỷ thứ 9, được chúa Trịnh Tạc trùng tu tôn tạo có nhiều tượng phật quí và là công trình kiến trúc nổi tiếng.
Chùa Hương là thắng cảnh nổi tiếng gắn với kiến trúc phật giáo.Có động Hương Tích được coi là động đẹp nhất trời Nam do chúa Trịnh Sâm tự tay đề chữ “Nam thiên đệ nhất động”.

Khu di tích Đền Hùng có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam, được xây dựng từ trước. Năm 1407 bị giặc Minh triệt phá. Nhìn thấy tầm quan trọng của Đền Hùng, triều Lê sơ đã bắt đầu khôi phục lại đền Thượng. Đến thời Lê – Trịnh tiếp tục xây lại đền Trung, đền Hạ và xây thêm đền Giếng. Lập thêm làng mạc tạo nên sự sầm uất uy nghiêm của khu di tích lịch sử.

Có thể nói, Hà Nội Thăng Long cùng với vùng châu thổ sông Hồng Bắc Bộ đã gắn bó với triều đại Lê – Trịnh bằng những cơ sở vật chất và nền văn hóa phát triển in đậm dấu ấn nhà Trịnh thế kỷ 16-18. Đến nay tuy không còn dấu tích nguyên vẹn của một thời vàng son phát triển; Nhưng đâu đó vẫn còn lại dấu vết của nền kinh tế xã hội mà thời lịch sử đáng nhớ Lê – Trịnh đã tạo ra gắn liền với nguồn gốc lịch sử họ Trịnh. Đặc biệt là những công trình mang tính xã hội, những cơ sở vật chất hạ tầng, đánh dấu bước ngoặt lớn về tốc độ phát triển và qui mô trên các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, thương mại, ngoại giao, quân sự… Đây là những bằng chứng về một cuộc sống hưng thịnh, thanh bình của dân chúng. Đặt nền móng cho sự phát triển tiếp theo của thế kỷ 19-20 và sau này của Thăng Long Hà Nội

One comment

  • Chi họ trịnh đình ở xã quảng bị huyện chương mỹ hà tây nay thuộc hà nội bị mất gia phả. xin hỏi em Muỗn khôi phục lại thì có tài liệu nào liên quan để em tham khảo ah. Em cám ơn

Tin khác đã đăng