Bí mật những ngôi nhà không một bóng người trong khuôn viên ngôi đền 400 năm tuổi
Vài chục năm trước, ngôi đền là một nơi bí ẩn với ngay chính cả người dân sống trong xã. Mọi người cũng chỉ biết đó là đền Lê, chứ không mấy ai biết rõ về người được thờ tự trong đền. Sau này, các chi tiết về ngôi đền bắt đầu được hé mở và người được thờ trong hậu cung chính của ngôi đền lại không phải người họ Lê như nhiều người nghĩ mà là một người họ Trịnh, đó là Thái vương Trịnh Kiểm
Đền nhà Lê, thờ họ Trịnh
Ngôi đền nhà Lê nằm ở tả ngạn sông Tích, tại thôn Lại Thượng, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội cách trung tâm Hà Nội hơn 40km. Ngôi đền được vua Lê xây dựng cách đây khoảng 400 năm để làm nơi thờ cúng Thái vương Trịnh Kiểm, sau khi ông qua đời được hơn 50 năm. Thái vương Trịnh Kiểm (1503 – 1570), tương truyền “Khi sinh ra Trịnh Kiểm, có hào quang rực sáng đầy nhà”. Năm ông được 6 tuổi thì bố chết. Ông và mẹ cày cuốc, rau cháo nuôi nhau. Ông là người có công lớn, là một công thần của nhà Lê Trung Hưng. Theo lời kể của ông Vương Văn Được, thủ từ ngôi đền: “Vài chục năm trước, ngôi đền là một nơi bí ẩn với ngay chính cả người dân sống trong xã. Mọi người dân cũng chỉ biết đó là đền Lê, chứ không mấy ai biết rõ về người được thờ tự trong đền. Sau này, các chi tiết về ngôi đền mới bắt đầu được hé mở và người được thờ trong hậu cung chính của ngôi đền lại không phải người họ Lê như nhiều người nghĩ mà là một người họ Trịnh, đó là Thái vương Trịnh Kiểm. Nhưng có điều đặc biệt là trước kia, ở thôn Lại Thượng không có ai mang họ Trịnh. Sau này, qua nhiều nguồn khảo cứu cho biết, cả xã cũng chỉ có vài gia đình mang họ Trịnh, nhưng ngôi đền vẫn được người dân trong vùng trông nom, chăm sóc, bảo vệ đặc biệt trong 400 năm qua”.
Hiện nay, phần chính của đền gần như vẫn còn khá nguyên vẹn. Những bậc đá dẫn lên thượng cung, bức tượng Thái vương Trịnh Kiểm bằng đất nện, từng phiến đá ong hằn sâu dấu tích thời gian của 400 năm lịch sử vẫn sừng sững trường tồn. Qua bao thăng trầm lịch sử , ngôi đền vẫn ở đó như muốn truyền lại cho đời sau câu chuyện về một nhân vật từng có vai trò rất lớn với nhà Lê.
Còn theo các tài liệu ghi chép vẫn đang được lưu giữ, thời kỳ chiến tranh Lê- Mạc, quân đội của nhà Lê do Trịnh Kiểm chỉ huy từng đồn trú ở đây. Nơi đây từng là vị trí tích lũy lương thảo, tuyển mộ quân sĩ… của nhà Lê, do Thái vương Trịnh Kiểm chỉ huy. Đến thời kỳ chúa Trịnh Tùng, đất nước thái bình. Để tưởng nhớ công lao của Thái vương Trịnh Kiểm, vua Lê đã cho xây dựng đền Lê tại thôn Lại Thượng. Từ đó hàng năm, các quan trọng thần của triều đình từ Thăng Long về đây tổ chức cúng lễ. Tương truyền, các vua quan nhà Lê khi về làm lễ phải xuống ngựa từ nơi đặt bia đá ong có chữ “hạ mã”. Sau đó, các quan đều phải gột rửa sạch thân thể trước tại cái ao trong khuôn viên đền, thường gọi là “ao quan” trước khi vào làm lễ. Tuy nhiên hiện nay, bia đá ghi chữ “hạ mã” vẫn còn nhưng “ao quan” thì đã bị lấp.
Hiện nay, người dân Lại Thượng vẫn còn lưu truyền từ đời này qua đời khác câu chuyện “không tưởng” về việc quân nhà Lê chỉ sau một đêm đã đào xong mương quan từ Lương Sơn, Hòa Bình qua mỏ Chén, chùa Bồ đến Linh Khiêu, Đồng Trạng, Cổ Đông đến Hói Lối, từ Đồng Sét đến cửa lối sông Tích địa đạo giao thông hào từ phía núi Hòa Bình ra khu vực Đồng Quan, liên khu Thất Trại. Hiện nay, ở xã Lại Thượng vẫn còn nhiều địa danh gắn liền với nhà Lê, ghi đậm dấu ấn của Thái vương Trịnh Kiểm như nơi tướng ở Gò Thày, khu hậu cần nhà Rang, vọng gác cạnh sông Tích khuVọng, nơi chôn voi chết Gò tai voi…
Thời gian trôi qua, ngôi đền đã có nhiều thay đổi, một số khu nhà đã bị hư hỏng và biến mất, diện tích còn lại khá khiêm tốn. Duy chỉ có các di tích quan trọng như phần hậu cung, bức tượng chúa Trịnh Kiểm bằng đất nện, bia đá… vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
Ngôi đền thiêng được nhà Lê xây dựng cách đây 400 năm để thờ Thái vương Trịnh Kiểm. Ảnh: Khánh Phong
Những điều bí ẩn không có lời giải
Ngày trước, khuôn viên ngôi đền rộng lắm, cây cối rậm rạp và có nhiều gian nhà cổ, giờ thì không còn giữ được nguyên diện tích như xưa. Nhưng có điều lạ là xung quanh phần đất trước đây từng là đất của ngôi đền, nhiều ngôi nhà được người dân xây lên đều bị bỏ hoang một cách khó hiểu. Những mảng tường đá ong, phần mái bị dỡ bỏ còn trơ lại phần nền được các hộ gia đình tận dụng trồng rau và để vật liệu xây dựng. Chúng tôi cũng như không ít du khách thăm đền đều đặt câu hỏi cho sự im ắng đến ghê sợ của những ngôi nhà hoang ngay sau đền này nhưng đều nhận được sự im lặng, ánh mặt ngại ngần của hầu hết những người dân. Họ tránh nói đến chủ nhân của chúng, không ai rõ chính xác nguyên nhân rời đi của chủ nhân những ngôi nhà này. Chỉ biết, mỗi gia đình đều gặp những biến cố bi thương khiến gia đình mất đi người thân và không thể ngóc đầu lên được nên không một ai muốn nhắc đến nỗi đau đó. Tất cả chỉ chung một câu trả lời: Ngôi đền thiêng lắm, phạm vào những gì thuộc về ngôi đình sẽ nhận phải những điều chẳng lành.
“Ngày tôi chưa đầy 10 tuổi, ngôi đền được bao phủ bởi một đồi lim cổ thụ, rậm rạp. Các bức tường quanh những gian nhà cổ, ngôi đền rêu phong phủ kín. Trẻ con trong làng không dám bén mảng tới quanh ngôi đền. Lúc đó, trong tâm trí non nớt của tôi chỉ thấy có gì đó vừa huyền bí, vừa khơi gợi sự tò mò và đầy bí ẩn về lễ xin thơ diễn ra trong hậu cung ngôi đền. Người ngoài dù có giỏi đến đâu cũng không ai có thể dịch được những dòng thơ mà chỉ người đi xin mới có thể chép lại được bài thơ ngài ban. Trước khi xin thơ, người xin thơ làm lễ dâng lên Thái vương. Sau đó, họ treo một chiếc bút rồi khấn vái. Kỳ lạ là ngày đó những người đến xin thơ thấy chiếc bút di chuyển và họ dịch được những câu thơ từ các nét di chuyển của ngòi bút trước bàn thờ tự của Ngài. Người xin thơ sau đó dịch nghĩa những câu thơ đó để đoán định tương lai và các câu chuyện liên quan đến cuộc sống của họ”, một người dân kể lại.
Không ai rõ sự ứng nghiệm của những câu thơ từ việc “xin thơ” của dân chúng tới đâu nhưng xung quanh ngôi đền tồn tại không ít giai thoại. Một số người dân ở đây kể rằng, trước đây, từng có người sống cạnh ngôi đền. Trước khi người con trai nhập ngũ, mỗi đêm ngủ, người cha đều nằm mơ thấy một ông cụ râu tóc bạc phơ dựng đầu dậy. Ít lâu sau, người cha nhận được tin, người con trai hy sinh ngoài mặt trận. Rồi chuyện một người dân “vô tình” đứng cạnh góc tường của ngôi đền tiểu tiện, đêm hôm đó, người này đang ngủ tự nhiên vùng dậy kêu gào thảm thiết rồi từ đó phát điên, cúng lễ nhiều nơi không khỏi.
Hiện nay, hàng năm, nhân dân Lại Thượng vẫn tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày mất của Thái vương với nghi thức long trọng, thành kính. Con cháu dòng họ Trịnh và người dân vẫn thường tụ họp tại ngôi đền lễ vào mùng một, ngày rằm, thắp hương cầu khấn với sự tôn kính tuyệt đối.
Khánh Phong – Báo Điện tử Pháp luật & Xã hội
http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/bi-mat-nhung-ngoi-nha-khong-mot-bong-nguoi-trong-khuon-vien-ngoi-den-400-nam-tuoi-79755
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet