Lễ hội Giỗ Thế Tổ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm làm sao cho xứng tầm !
Những năm gần đây, Lễ hội Giỗ Thế Tổ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm được UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Hùng phối hợp với HĐHTVN, HĐHT tỉnh Thanh Hóa tổ chức trọng thể
Thể hiện sự quan tâm và trân trọng của Đảng và Nhà nước đối với công lao của Minh Khang Thái Vương nói riêng và của các chúa Trịnh nói chung đã phụng sự Tổ quốc suốt 249 năm trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, đáp ứng được tâm nguyện uống nước nhớ nguồn của thân tộc họ Trịnh cũng như của người dân trăm họ.
Có một số nhà nghiên cứu cũng như thân tộc Trịnh sau khi tham dự lễ hội, đã đề cập đến chương trình ( kịch bản ) Giỗ Minh Khang Thái Vương sao cho đúng tầm.
1. Tổng kết, đánh giá của UBND huyện Vĩnh Lộc Lễ hội năm 2018
Theo thông tin của HĐHTVN ( trinhtoc.com ), chiều ngày 7/5/2018, tại Trụ sở UBND xã Vĩnh Hùng, UBND huyện Vĩnh Lộc đã tổ chức buổi họp tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm việc tổ chức Lễ – Hội kỷ niệm 448 năm, Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm băng hà.
Thành phần tham dự, về phía chính quyền có : UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh Hùng. Họ Trịnh có các tổ chức : Ban liên lạc họ Trịnh xã Vĩnh Hùng, HĐHT huyện Vĩnh Lộc, HĐHT tỉnh Thanh Hóa và HĐHT Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Tâm, phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, Trưởng ban tổ chức Lễ hội, chủ trì cuộc họp.
Qui mô Lễ hội năm nay lớn hơn rất nhiều các năm trước nhưng vẫn bảo đảm được các yêu cầu tôn nghiêm thờ phụng, an toàn trong các hoạt động đã làm nức lòng bà con thân tộc Trịnh và nhân dân địa phương, nhất là với xã Vĩnh Hùng và tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên , hội nghị cho rằng về góc độ tố chức và quản lý, một số tồn tại, hạn chế cần được rút kinh nghiệm . Trong đó: “ Về kinh phí Tổ chức Lễ hội phủ Trịnh, ngân sách không cấp, nguyên tắc là “ lấy Lễ hội nuôi Lễ hội”. Trong điều kiện như hiện nay và cách tổ chức là chưa xứng tầm với Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và những mong mỏi, yêu cầu, nguyện vọng của bà con thân tộc Trịnh. BTC cũng nhận thấy, chưa phối hợp tốt với HĐHT VN trong quá trình xậy dựng kịch bản tổng thể kèm theo dự toán chi tiết của Lễ hội nên sau khi Lễ hội kết thúc đã gây khó khăn cho UBND xã Vĩnh Hùng và Ban liên lạc họ Trịnh xã Vĩnh Hùng”.
Với nhận xét và đánh giá như trên của Ban tổ chức lễ hội, cho thấy việc xây dựng một kịch bản Lễ hội Giỗ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm cho xứng tầm là một nhu cầu cấp thiết. Hơn nữa, Dự án Bảo tồn, Tu bổ, Tôn tạo di tích lịch sử Phủ Trịnh đang được Nhà nước và UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện, dự kiến trong 1-2 năm nữa hoàn thành, tạo điều kiện về không gian tâm linh, cơ sở hạ tầng cho việc tổ chức Lễ hội hàng năm được khang trang, thuận lợi hơn. Do đó, chương trình Lễ hội sao cho cho xứng tầm với Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm nói riêng và với các chúa Trịnh nói chung, cũng như xứng tầm với văn hóa tâm linh và tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam nói chung và tâm thức hướng về tổ tiên của thân tộc họ Trịnh nói riêng là yêu cầu thiết thực.
Xin tham khảo tài liệu lịch sử về việc tổ chức sự kiện Giỗ Thế Tổ Minh Khang Thái Vương thời Lê Trung hưng ( thời Lê -Trịnh) và chương trình chính thức Lễ Hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018 để bàn về việc này .
2. Lễ giỗ Thế tổ Minh Khang Thái Vương ở Thái miếu ( Nghi thức làm lễ của chúa Trịnh ) . Trích dẫn trong “ Lê triều hội điển thời Lê Trịnh”:
“ Trước đó một ngày làm lễ tế cáo. Đến ngày, từ lúc sáng sớm, quan chấp sự và văn võ bá quan đều mặc áo thụng lam, đội mũ ô sa vào đứng chầu trước ở hai bên sân. Chúa ngự đến, văn võ bá quan đều đứng theo thứ tự ban.Các quan chấp sự ai vào việc ấy ( Nghi thức chú kỹ ở bộ Lễ).
– Giỗ Thế tổ Minh Khang Thái Vương ngày 18 tháng hai ( âm lịch).
Ngày làm lễ dự cáo : 30 mâm cỗ chín( mỗi mâm 20 bát, chuẩn cho 1 quan 2 tiền quí).
Ngày chính kỵ: 30 mâm cỗ chín( mỗi mâm 30 bát, chuẩn cho 10 quan rưỡi), 8 mâm nem( mỗi mâm 300 gói chuẩn cho 10 quan rưỡi), 8 mâm bánh dày( mỗi mâm 300 chiếc, chuẩn cho 6 quan). Các thứ trên đều do Lễ phiên kê khai đưa đến Binh phiên chiếu bổ cho các viên quản binh ( Lễ phiên viết ra rồi phái người đưa đến để làm). Cỗ rồng 2 mâm ( mỗi mâm 80 bát, chuẩn cho 6 quan). Bánh ngon 9 mâm ( mỗi mâm 6 bát , chuẩn cho 6 quan). Bánh dày ngon 9 mâm( mỗi mâm 50 chiếc, chuẩn cho 6 mạch). Nem thịt lợn 9 mâm( mỗi mâm 50 gói, chuẩn cho 1 quan 8). Cỗ con 9 mâm ( mỗi mâm 6 bát, chuẩn cho 6 mạch). Các thứ trên do Lễ phiên đưa sang cho Lại phiên để truyền cho nội trù làm.Cỗ thêm cho hậu lễ gồm: xôi mâm lục lăng 2 mâm( mỗi mâm 200 bát gạo nếp), 1 con lợn lớn ( chuẩn cho 3 quan). Xôi mâm nhỏ 1 mâm ( 30 bát gạo nếp).1 mâm bánh chưng ( 50 đôi, chuẩn cho 3 quan 6). Các thứ trên đều đưa cho nội trù làm. 1 con trâu( chuẩn cho 7 quan 3) . 5 con bò ( chuẩn cho 4 quan 2)giao cho hai thôn trong Kinh biết cách làm là Triền Cầu và Yên Xá giết, thui…Còn cơm, trà, rượu, trầu cau, khăn lau, đèn hương, dầu, giao cho đội Thập phụng chiếu lệ lĩnh về làm. Theo lệ thì Nội điện phải dâng nem và bánh dầy mỗi thứ một mâm.”
Tài liệu “ Lê triều hội điển” là bộ luật thời Lê Trịnh, cho thấy sự kiện Giỗ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm được triều đình tổ chức 2 ngày : Lễ dự cáo vào ngày 17 tháng 2 và Lễ chính kỵ vào ngày 18 tháng 2. Chỉ có phần Lễ, không có phần Hội.
3. Tham khảo chương trình chính thức Lễ Hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018.
Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày quốc lễ của Việt Nam. Kịch bản ( chương trình) Lễ hội Giỗ tổ Hùng vương đã được xây dụng và chỉnh sửa qua các năm. Xin chú dẫn Chương trình chính thức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018 để tham khảo.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2018 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 21-25/4 (tức ngày 06-10/3 Âm lịch) trong phạm vi Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các xã, phường vùng ven Đền Hùng…
Lễ hội Đền Hùng 2018 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì với sự tham gia của 4 địa phương gồm: Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương và Kiên Giang.
Phần Lễ gồm lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng, lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ rước kiệu về Đền Hùng và lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018…
Phần hội gồm: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố, chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, hội thi bơi Chải Việt Trì, hội sách Đất Tổ và triển lãm ảnh nghệ thuật, tổ chức trình diễn Hát Xoan, biểu diễn múa rối nước…
Thời gian
Bộ Văn hóa hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng Trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009) ghi rõ Lễ phẩm gồm:
Bánh dày 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) – Bánh chưng 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) – Hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.
Bánh dày hình tròn, tượng trưng cho Trời, thường không có nhân. Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho Đất, bên trong có nhân mặn.
Bên cạnh hướng dẫn đó thì lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương hầu hết ở các địa phương gần như giống nhau đều bao gồm: xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà luộc (bắt buộc phải là gà trống thiến), thịt lợn (bắt buộc là lợn đen). Riêng làng Vy, Trẹo (thị trấn Hùng Sơn), Hùng Lô (Việt Trì) khi cúng lợn, thường đặt cả con đã mổ sạch, kèm theo số tiết lợn cắt được. Một số làng cúng cá chép như ở Đào Xá, Bến Đá (Cẩm Khê); một số làng ở Đoan Hùng, Yên Lập quy định đồ dâng lễ phải có thịt trâu đen.
Tại Đền Thượng còn lưu giữ tấm bia đá ghi về “Điển lệ miếu thờ Hùng Vương” có quy định : Lễ phẩm dùng cho ngày Giỗ Tổ của dân tộc gồm: bò, dê, lợn, xôi.
Từ hàng nghìn năm qua, nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước đã lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ, mong Ngài phù hộ cho quốc thái dân an, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Vào dịp Giỗ Tổ, nhân dân chuẩn bị lễ vật như bánh chưng, bánh giầy, bánh mật, tam sinh (thịt lợn, bò, dê) và hoa thơm, trái ngọt để dâng cúng.
4. Kiến nghị xây dựng chương trình chính thức
Lễ Hội Giỗ Thế Tổ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm
Trong vòng 1-2 năm tới, Khu di tích lịch sử Phủ Trịnh tại Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc , Thanh Hóa hoàn thành cơ bản, có đủ điều kiện không gian và cơ sở hạ tầng để tổ chức Lễ Hội Giỗ Thế Tổ Minh Khang Thái Vương xứng tầm với sự kiện ở tầm quốc gia.
Tôi xin mạn phép đề nghị : đây là một nhiệm vụ quan trọng trong chương trình hoạt động của HĐHTVN sắp tới cũng như Kế hoạch hoạt động của HĐHTVN nhiệm kỳ tới ( 2019-2024). HĐHTVN nên phối hợp với HĐHT tinh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Vĩnh Hùng và Bộ VHTTDL xây dựng một chương trình ( kịch bản) chính thức Giỗ Thế Tổ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm. Một số đề xuất như sau:
– Mục đích ý nghĩa : mọi người đã rõ, không phải nhắc lại.
– Thời gian Lễ Hội 2 ngày : ngày 17 tháng 2 làm lễ dự cáo; ngày 18 tháng 2 làm lễ chính kỵ.
– Địa điểm : tại Khu di tích lịch sử Phủ Trịnh ở Vĩnh Hùng và một số địa phương xung quanh ( huyện Vĩnh Hùng và huyện Yên Định ) có di tích của các chúa Trịnh.
– Nội dung có : Phần Lễ và phần Hội. Tùy điều kiện của địa phương và các nguồn lực có thể lập thời gian biểu cho các hoạt động phù hợp. Nên có sự bàn bạc giữa HDHTVN, HĐHT Thanh Hóa với các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL , Sở VHTTDL Thanh Hóa và tham khảo ý kiến chuyên gia văn hóa lịch sử truyền thống và khánh tiết.
– Quy mô : Năm chẵn do UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, năm lẻ do UBND huyện Vĩnh Hùng chủ trì. HĐHTVN và HĐHT tỉnh Thanh Hóa nên phối hợp chặt chẽ trong các khâu tổ chức và điều hành Lễ Hội. Mỗi năm, có thể vận động HĐHT một số tỉnh thành đăng cai cùng tham gia tổ chức hoạt động, tùy theo nguyện vọng và điều kiện của từng địa phương.
Trên đây là ý kiến của cá nhân, có tham khảo góp ý của một số thân tộc quan tâm lĩnh vực này.
Kính đề nghị quý vị góp ý, bổ sung . Xin cám ơn.
Bỳ Văn Tứ
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet