Giải thích một số từ ngữ thường dùng trong gia phả, bia mộ …
Không ít lần tôi được nghe nhiều người kể về dòng họ của mình, khoe với tôi rằng: “Cụ tổ nhà tôi ngày xưa làm quan to lắm, là Nguyễn quý công cơ đấy” (người họ Lê thì khoe là Lê quý công v.v..). Và khi nói, thường nhấn mạnh hai từ quý công như một minh chứng cho cái gọi là làm quan to (!) Có người còn nói một cách đầy hãnh diện: “Các cụ nhà tôi đều làm to cả, cụ nào cũng quý công”.
Trong lần họ Trịnh cùng UBND huyện Vĩnh Lộc tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 447 ngày mất của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm và cuộc gặp mặt anh em họ Trịnh tại FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa vào ngày 16/3/2017, tôi thấy một số anh em họ ta, nhất là các cháu tuổi trẻ cũng còn hiểu biết mơ hồ về một số từ ngữ Hán trong gia phả, bia mộ, bài vị …
Do mối quan hệ đặc thù giữa Việt Nam và Trung Quốc nên trong một thời gian khá dài, hàng thiên niên kỷ, người Việt Nam dùng chữ Hán làm công cụ giao tiếp, nhất là trong các loại văn bản hành chính, khoa học… Từ đầu thế kỷ XX, cha ông ta đã thấy được sự tiện lợi của chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ phương Tây truyền bá nên đã phát động phong trào sử dụng chữ Quốc ngữ sâu rộng trên toàn quốc. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, chữ Quốc ngữ đã trở thành con chữ chính thức trong hoạt động giao tiếp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó trở đi, nhất là cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, chữ Hán không còn thông dụng nữa. Vì vậy mới xảy ra những trường hợp như tôi kể ở trên.
Hiện nay, còn không ít các tài liệu như gia phả, bản ghi chép ngày giỗ, bia mộ … của nhiều gia đình, dòng họ được các cụ ngày xưa ghi bằng chữ Hán. Các gia đình, dòng họ đã phiên âm sang tiếng Việt và dịch nghĩa. Nhưng vẫn tồn tại những cách hiểu nhầm như tên húy, tự, hiệu, quý công …
Thể theo đề nghị của một số bà con, nhất là các cháu trong họ, để những ai trong họ và độc giả chưa hiểu một cách rõ ràng một số từ ngữ ấy, tôi xin bước đầu nêu những hiểu biết của riêng mình để bà con trong họ, ngoài làng tham khảo. Có gì sai sót, mong bà con và các bậc túc nho chỉ giáo. Ai có điều gì cần trao đổi, xin email qua địa chỉ sau:
tuantd.thptdongson1@thanhhoa.edu.vn
I- Về bản ghi ngày giỗ (kị)
Ở quê tôi (Thanh Hóa) đang còn không ít văn bản ghi ngày giỗ bằng chữ Hán viết trên gỗ được sơn son thếp vàng hoặc trên tấm đồng (xem hình 1 và hình 2)
.
Hình 1. Bản ghi ngày giỗ của một gia đình họ Trịnh.
Hình 2. Bản ghi ngày giỗ của họ Doãn Trọng
Xem ví dụ sau (từ hàng dọc, xin chuyển sang hàng ngang cho dễ trình bày):
高曾祖考鄭貴公諱維岳字福丙瑞明光 | 墓在拜同處 |
二月初一日忌 | |
Cao tằng tổ khảo Trịnh quý công húy Nhạc tự Phúc Bính, thụy Minh Quang | Mộ tại Bái đồng xứ |
Nhị nguyệt sơ nhất nhật kị |
Cứ như vậy, hết cụ ông đến cụ bà xa đời nhất thì đến cụ ông, cụ bà đời kế tiếp cho đến đời gần nhất (thường là cha mẹ). Nếu trong một đời nào đó mà 1 trong 2 cụ còn sống thì người ta bỏ trống 1 hàng để sau này bổ sung.
Về cụ bà, có thể cụ ông có trên một bà. Thường xảy ra hai trường hợp sau:
+ Một cụ ông có vợ cả, vợ lẽ. Vợ cả gọi là chính thất (政室), các bà vợ lẽ gọi là á thất (亞室) hoặc trắc thất (側室)…
+ Một cụ ông có 2 đời vợ, đời vợ trước mất, lấy bà sau làm vợ kế. Người vợ trước của cụ, người ta có thể viết là tỉ (妣) hoặc chính tỉ (政妣). Người vợ sau, người ta thường viết là kế thất (繼室)…
Trong trường hợp gia đình ông H có người anh trai, em trai, em gái mất khi còn nhỏ hoặc khi chưa có con v.v.. người ta cũng ghi vào đây để nhớ ngày giỗ.
Nam giới, nếu là anh thì ghi thêm chữ đường bá và được viết ở hàng trước ông H, nếu là em, ghi thêm chữ đường thúc và được viết ở hàng sau ông H. Nữ giới, chữ tỉ thay bằng chữ cô và được viết ở hàng sau ông H.
Xin tóm lại cách gọi các đời như sau:
Đời | Cụ ông | Cụ bà |
Cụ trên 5 đời | Cao cao tằng tổ khảo | Cao cao tằng tổ tỉ |
Cụ 5 đời (kị) | Cao tằng tổ khảo | Cao tằng tổ tỉ |
Cụ 4 đời (cụ hoặc cố) | Tằng tổ khảo | Tằng tổ tỉ |
Cụ 3 đời (ông) | Tổ khảo | Tổ tỉ |
Cha, mẹ | khảo | Tỉ |
II- BIA MỘ
Hình 3 Hình 4
Hai tấm bia mộ Download trên mạng internet
Có nhiều cách ghi trên bia mộ. Ở dạng đầy đủ nhất, trong bia có các nội dung sau:
Theo hàng dọc, ở giữa bia là tên người mất, hưởng thọ. Hai bên trái, phải dùng để ghi ngày tháng năm sinh, mất và tên người được giao việc thờ cúng người dưới mộ hoặc người bảo quản ngôi mộ.
Hầu hết các bia chỉ ghi họ tên người mất và ngày mất. Một số gia đình do kiêng nên không ghi tên húy. Xin trình bày một cách ghi bia mộ như sau:
III- Bài vị
Bài vị, còn gọi là linh vị, thần chủ… là một bản ghi tên người được thờ cúng, thường đặt sau bát hương hoặc đặt trong ngai thờ. Hãy xem các hình 5, 6, 7 dưới đây:
Nhìn chung, một bài vị đầy đủ ghi gần giống như bia mộ, chỉ khác là chữ mộ được thay bằng chữ vị, hay linh vị, thần vị, thần chủ…
Xin đọc và dịch các chữ trong từng hình để chúng ta cùng tham khảo:
Hình 5: Sung Tích thôn hiển khảo Trần tộc thần vị.
Nghĩa là: Thần vị của cha, họ Trần, thôn Sung Tích.
Hình 6: Thành hoàng bản cảnh Chử Đồng Tử Thánh quân cập nhị vị phu nhân.
Nghĩa: Thành hoàng làng, Thánh quân Chử Đồng tử cùng hai bà vợ.
Hình 7:
* Hai chữ hàng ngang trên cùng là Phụng vị: Tương đương với nghĩa phụng thờ.
* Tám chữ thuộc hàng dọc ở giữa:
+ Năm chữ đầu tiên: Hiển khảo Nguyễn Văn Ninh (hoặc Trữ. Chữ này có 2 âm đọc). Nghĩa: Cha là Nguyễn Văn Ninh (hoặc Trữ).
+ Ba chữ cuối: chi linh vị : nghĩa là Linh vị.
* Năm chữ thuộc hàng dọc bên phải: Chính tỉ Thân Thị Gian. Nghĩa: mẹ là Thân Thị Gian.
* Năm chữ thuộc hàng dọc bên trái: Kế thất Nguyễn Thị Chất (hoặc Chí. Chữ này có 2 âm đọc). Nghĩa: Mẹ kế là Nguyễn Thị Chất
III- Tên húy, tự, hiệu, thụy
1- Tên húy:
Tên húy là tên cha mẹ đặt cho từ lúc còn nhỏ, ta còn gọi là tên tục. Ngày nay là tên khai sinh, tên thường gọi.
Tuy nhiên, trong thực tế, có không ít người nhầm lẫn, cho rằng tên húy là tên cúng cơm. Đó là điều nhầm lẫn thật đáng tiếc!
2- Tên tự:
Để giải thích tường tận, ngọn ngành tên tự thì phải mất nhiều trang giấy. Xin chỉ nói một cách ngắn gọn.
Tự (chữ Hán) dịch sang Việt là chữ. Người xưa đặt tên tự để kiêng gọi tên húy, tên tục. Thường đến lúc con trai 20 tuổi người ta bắt đầu đặt tên tự. Tên tự và tên húy có liên quan với nhau. Đặt tên tự phải bắt nguồn từ tên húy, liên quan đến tên húy.
Ví dụ:
– Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) có tên tự là Doãn Hậu. Đôn và Hậu đều có nghĩa là thành thực.
– Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) tự là Hạnh Phủ. Hạnh là đức hạnh, liên hệ đến Khiêm là nhún nhường. Còn từ Phủ thêm vào để tỏ vẻ tôn kính.
Có nhiều cách đặt tên tự. Các cụ xưa quan niệm rằng tên tự càng bí hiểm bao nhiêu, càng tỏ ra mình trí thức bấy nhiêu. Vì vậy để hiểu được mối quan hệ giữa tên tự và tên húy không hề dễ dàng chút nào.
3- Tên hiệu:
Tên hiệu là tên được đặt cho mình để gọi cho đẹp. Thường thì những người thành danh (thành đạt, có tiếng tăm) thì mới đặt tên hiệu.
Ví dụ: Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên hiệu là Bạch Vân Am Cư Sĩ . Phùng Khắc Khoan (1528-1613), tục gọi là Trạng Bùng, là nhà thơ Việt Nam, làm quan cho nhà Lê trung hưng, có tên hiệu là Nghị Trai và Mai Nham Tử. Nguyễn Du (1766– 1820) có tên hiệu là Thanh Hiên..
4- Tên thụy:
Thụy, thuỵ hiệu hay hiệu bụt hoặc tên hèm, tên cúng cơm là tên được đặt cho những người quá cố, thường là vua chúa, quan to trong triều.
Phan Kế Bính viết trong Việt Nam phong tục: “Nhà nào có ông già bà cả gần mất, con cái vực đến chỗ chính tẩm hỏi han xem người có trăng trối những gì rồi đặt tên hiệu cho người biết.” (Sách đã dẫn. NXB Hà Nội- 1999. Trang 31)
Hiệu ở đây là thụy hiệu, hiệu bụt mà dân gian ta thường gọi là tên hèm, tên cúng cơm. Sau khi đặt tên thụy, khi đến ngày giỗ, người ta thường chỉ xướng tên thụy để mời về thụ hưởng đồ lễ con cháu cúng tế.
Nhìn chung, trong dân dã thường chỉ có tên húy (tên tục, tên thường gọi). Còn tên tự, hiệu, thụy là tên mà các nhà quyền quý, quan lại, trí thức mới đặt. Và trong số này, không phải ai cũng có đầy đủ tên tự, hiệu, thụy.
Nhưng, khi các ông bà, cha mẹ thường dân mất, họ cũng có thể đặt tên tự (cho nam giới), đặt tên hiệu (cho nữ giới) và tên thụy để ghi vào bản các ngày giỗ hay ghi vào gia phả như ở phần trên tôi đã giới thiệu.
Trên đây là một số hiểu biết xin mạnh dạn ghi lại cho bà con thân tộc và bạn bè đọc. Đó là những điều thuộc về ngày xưa, văn hóa của người xưa. Nay đã đổi khác rất nhiều. Song muốn hiểu biết quá khứ thì nhất quyết phải hiểu biết văn hóa của người xưa. Rất mong bà con thân tộc và bạn đọc cung cấp thêm những kiến thức có liên quan đến bài viết này để trao đổi và bổ sung kiến thức cho nhau.
Quí đọc giả có thể tải bản tài liệu tại đây >>
Trịnh Duy Tuân
Thanh Hóa, ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (2017)
sau ngày giỗ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
13 comments