Đôi điều về Trịnh Điện – tiền thân của Vương Phủ Trịnh



Các phương án bảo tồn, tôn tạo “ Vương phủ Trịnh” tại Bồng Thượng nên tôn trọng những hạng mục đã từng có, không nên “ sáng tác” những hạng mục khác

1. Biện Dinh – Tổng hành dinh của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và Tiết chế Trịnh Tùng suốt giai đoạn đầu của cuộc Trung hưng

– Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì năm Bính Ngọ ( 1546 ) , vua Lê Trang Tông lập hành điện ở sách Vạn Lại ( thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay ). “ Mỗi khi đánh dẹp đều giao cả cho Thái sư Lượng quốc công thống lĩnh, đánh đâu được đấy.”
– Năm Quý Sửu ( 1553 ) vua Lê Trung tông dời hành tại đến Yên Trường.
“ Năm Giáp Dần ( 1554 ) , Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm dời hành dinh đến Biện Thượng. Thế quân thêm mạnh, hiền sĩ bốn phương nhiều người quy phụ. Mở chế khoa, chọn kẻ sĩ.”
– Suốt giai đoạn từ năm 1554 đến năm 1570, Biện Thượng ( Biện Dinh ) luôn là Tổng hành dinh của Thái vương Trịnh Kiểm , để điều binh khiển tướng đánh nhà Mạc, giành nhiều thắng lợi, và tổ chức kỳ thi Hương, thi Hội vào các năm 1558, 1559, 1562, 1565.
– Từ năm 1570 đến năm 1592 , Biện Dinh là Tổng hành dinh của Tiết chế Trịnh Tùng chỉ huy cuộc chiến tiêu diệt nhà Mạc, phục hưng nhà Lê , giành thắng lợi giải phóng Thăng Long năm 1592 , đồng thời tổ chức thi Hương, thi Hội vào các năm 1580, 1583, 1589, 1592.
– Như vậy trong giai đoạn đầu của cuộc Trung Hưng ( tính từ năm 1533 đến năm 1592 ) thì Hành điện của vua Lê đóng tại 3 nơi là : Tây đô, Vạn Lại, và Yên Trường; còn Hành dinh của Thái sư Trịnh Kiểm và Tiết chế Trịnh Tùng đóng ở Biện Thượng ( Biện Dinh ).

2. Biện Dinh : Trịnh Điện ( Yên Định ) và Bồng Thượng ( Vĩnh Hùng ).

Theo khảo cứu của ông Trịnh Xuân Tiến ( trong tài liệu “ Tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa làng Trịnh Điện” – xuất bản năm 1998 và “ Làng Trịnh Điện trong lịch sử nước Đại Việt” – xuất bản năm 2000 ) thì vùng Biện Thượng nửa cuối thế kỷ 16 là địa danh hai bên bờ đoạn sông Mã, bao gồm các làng Trịnh Điện, Yên Hoành , Vệ Quốc, Duyên Hy bên bờ Nam thuộc địa phận Yên Định ngày nay và các lành Bồng Thượng, Sóc Sơn, Giang Đông ở bên bờ Bắc thuộc huyện Vĩnh Lộc ngày nay. Trong đó Trịnh Điện là trung tâm của Biện Thượng. Hồi đó làng Trịnh Điện còn gọi là làng Chiềng, có nghĩa là thủ phủ, theo tiếng Việt cổ.

Nhiều khả năng, Đại bản doanh Biện Thượng ( hay Biện Dinh) giai đoạn dưới thời Thái sư Trịnh Kiểm đóng tại làng Trịnh Điện ( hay làng Chiềng ) thuộc huyện Yên Định. Về mặt địa lý, từ Trịnh Điện đến Hành điện của vua Lê ở Yên Trường, Vạn Lại hay Tây Đô gần hơn so với từ Bồng Thượng. Nhất là trong giai đoạn đầu của cuộc Trung hưng, lực lượng của nhà Lê – Trịnh còn yếu hơn nhà Mạc, và các căn cứ địa chủ yếu nằm trong vùng phía Nam sông Mã .

Sau này, dưới thời Tiết chế Trịnh Tùng , nhiều khả năng Đại bản doanh của họ Trịnh chuyển sang phía Bắc sông Mã, đóng tại Bồng Thượng , trên địa bàn xã Vĩnh Hùng của huyện Vĩnh Lộc. Điều đó phù hợp với tiến trình phát triển lực lượng và thế tấn công của nhà Lê – Trịnh đánh đuổi nhà Mạc và tiến tới giải phóng Thăng Long năm 1592.

3. Làng Chiềng ( Trịnh Điện ) – Tiền thân của Vương phủ Trịnh

Những di tích lịch sử, văn hóa của làng Trịnh Điện cho thấy dấu ấn của một Đại bản doanh, Vương phủ Trịnh thời kỳ đầu của sự nghiệp Trung hưng .

Trịnh Điện được phân ô như bàn cờ, có 4 ngõ cổng chính: phía Bắc ra sông Mã là bến thuyền, pháo đài của Thủy quân, cửa phía Nam gọi là “ Duyên Hy”, phía Đông là “ Duyên Lộc”, và phía Tây là “ Duyên Thượng”. Phía ngoài ao đình có cánh ruộn xưa từng là nơi tổ chức các kỳ thi Hương, thi Đình. Trong làng còn các ngõ mang tên ngõ sĩ, ngõ Hội. Trên núi Tiên có Văn chỉ ( Văn miếu ) thờ Khổng tử và bia tiến sĩ. Các di tích như đền Độc cước, chùa Nga My, ngõ Cấm Chỉ … tương tự như các địa danh ở Thăng Long sau này. Đình làng Trịnh Điện thờ Thần hoàng là Bà Hoàng Thị Ngọc Giốc – mẹ của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm.

Cho đến nay, chưa tìm được các tài liệu mô tả đầy đủ các hạng mục công trình của một Đại bản doanh, tiền thân của Vương phủ Trịnh thời kỳ đầu của sự nghiệp Trung hưng như thế nào. Nhưng , với những dấu tích còn lại, nếu được nghiên cứu, phát hiện thêm, có thể cũng hình dung ra quy mô của một di tích lịch sử, văn hóa mang tầm cỡ quốc gia.

4. Vương phủ Trịnh ở Bồng Thượng – và ý tưởng bảo tồn, tôn tạo.

– Đại bản doanh và Vương phủ của các Chúa Trịnh ở Bồng Thượng đã phát triển theo dòng lịch sử của Triều đại Lê Trịnh chắc cũng trên 200 năm. Nhưng chưa có một tài liệu nào mô tả sự tiến triển của “ Phủ Trịnh” ở đây qua 12 đời chúa Trịnh như thế nào.
– Di tích “ Phủ Trịnh” ( Vương phủ Trịnh ) tại thôn Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc , tỉnh Thanh Hóa còn lại ngày nay, chỉ là mấy gian nhà cấp 4 đã xuống cấp từ lâu, cửa gỗ đã hỏng, cột gỗ đã bị mối , mọt phá hoại. Vị trí và quy mô của nó không phù hợp với bất kỳ hạng mục nào trong “ Vương phủ Trịnh” ngày xưa.

– Theo sơ đồ Phủ Trịnh vẽ năm 1803, thì Vương phủ Trịnh ngày xưa gồm các hạnh mục công trình bên trong là :

1) Khu làm việc và sinh hoạt của nội các
2) Khu nhà làm việc của các Chúa Trịnh
3) Cổng ra vào thời trước
4) Cổng ra vào khi suy vong
5) Nhà thờ tiên tổ nhà Trịnh
6) Miếu thờ Tống Thiên Thần vương
7) Cung thất Phủ Trịnh
8) Hồ sen cung đình
9) Vườn Hoa
10) Khu hồ sen phía trước Phủ Chúa

 

( xem bản sơ đồ kèm theo )

bando1

bando2

 

– Các phương án bảo tồn, tôn tạo “ Vương phủ Trịnh” tại Bồng Thượng nên tôn trọng những hạng mục đã từng có, không nên “ sáng tác” những hạng mục khác . Việc “ sáng tác” là bóp méo lịch sử và phản tác dụng về văn hóa. Vì vậy, có thể nghĩ đến 2 phương án:

a) Phương án khôi phục Vương phủ Trịnh theo như sơ đồ Phủ Chúa Trịnh vẽ năm 1803 và thực hiện từng bước , tùy theo khả năng về tài liệu phục dựng, thiết kế và ngân sách. Ví dụ : Lập bản vẽ quy hoạch hoàn toàn theo sơ đồ năm 1803; chọn hạng mục nào làm trước, hạng mục nào làm sau, theo phương châm đầu tư hoàn thành từng giai đoạn kết hợp đưa vào khai thác, sử dụng từng hạng mục, tiến tới toàn bộ khu di tích.

b) Phương án khôi phục, tôn tạo một số hạng mục có lựa chọn trong quần thể “ Phủ Chúa Trịnh” xưa. Trên cơ sở nghiên cứu, thiết kế quần thể “ Phủ chúa Trịnh xưa” lập mô hình tổng thể để bảo tồn mang tính triển lãm. Chọn một số hạng mục tiêu biểu, phục dựng lại : ví dụ : Nhà làm việc của các chúa Trịnh, nhà làm việc của nội các, nhà thờ tiên tổ nhà Trịnh, hồ sen cung đình, cổng phủ chúa.

Bỳ Văn Tứ

 

One comment

  • Riêng về việc tôn tạo lại khu di tích này. Trước đây khi về thăm quê tôi có đến thăm và cho rằng nếu làm thì nên chọn phương án (a). Làm cái nào ra cái đó. Từng bước làm tới hoàn thiện toàn bộ thì khi hoàn thành sẽ đáp ứng được đầy đủ giá trị và hiệu quả khai thác vì bản thân nó đã là một qui hoạch hoàn chỉnh.

Tin khác đã đăng