Về tôn tạo, phục dựng kiến trúc Vương Phủ trịnh ở Thanh Hóa
Được tham dự Hội thảo là một việc rất khó cho tôi, bởi không có sự am hiểu nhiều về dòng họ Trịnh, một dòng họ có công với Đất nước cũng như lịch sử kiến trúc của hệ thống Vương phủ Trịnh.
Nhưng, lại nhưng, từ chối cũng thật khó và bất nhã khi nghĩ rằng nỗ lực cùng bao nhiêu người cho mục đích phục hồi, trùng tu, tôn tạo khu Di tích Vương Phủ Trịnh là rất cần thiết và đáng trân trọng, qua đó tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, tăng thêm niềm tự hào của tất cả chúng ta về Tổ tiên, Dân tộc.
Với suy nghĩ như thế, tôi xin mạnh dạn có một số ý kiến về các phương án thiết kế có tính gợi ý của BTC về bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Vương phủ Trịnh tại làng Biện Thượng, xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Về phương pháp luận của đề án được thuyết minh là cơ bản đúng, cụ thể:
Về hình thức khiến trúc và bố cục tổng thể mặt bằng, cả 4 phương án đều thể hiện gợi ý, khai thác kiến trúc truyền thống, bố cục tổng thể mặt bằng chủ yếu dựa trên trục đối xứng và cảnh quan theo nguyên tắc phòng dựng hoàn toàn dựa trên đặc trưng kiến trúc thời Lê- Trịnh là hợp lý. Tuy nhiên khi đi vào thiết kế chi tiết, nhiều vấn đề cần được nghiên cứu chuyên và sâu.
Về qui mô tổng thể và từng hạng mục. Diện tích của dự án cần cân nhắc, bàn luận. Về chức năng hoạt động và sử dụng, các phương án tập trung vào phục dựng các chức năng của Vương phủ Trịnh, ít chú ý đến các hoạt động dịch vụ du lịch, tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Đây cũng là vấn đề cần được lưu tâm, trao đổi.
Trên cơ sở đó, xin được nêu ý kiến cá nhân để trao đổi, làm rõ thêm về quan niệm Bảo tồn đi đôi với phát triển phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Bởi quan niệm này sẽ chi phối các giải pháp kiến trúc.
Bảo tồn không gian kiến trúc Vương phủ Trịnh theo hướng phục dựng sao cho thể hiện rõ được tính đặc thù về nội dung hoạt động vừa là Hoàng cung vừa là Vương phủ với phong cách khiến trúc và trang trí mỹ thuật cung đình thời Lê- Trịnh là hợp lý và cần thiết. Ở đây, các kết quả nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật kiến trúc của các chuyên gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, so sánh với tương quan các Di sản lịch sử ở khu vực thì số lượng và qui mô các hạng mục công trình phục dựng tại Vương phủ Trịnh cần được cân nhắc kỹ lưỡng, thiết nghĩ chỉ cần phục dựng những công trình chính, quan trọng nhất như: Tổng thể Tòa đại đường- Chính điện và Cung miếu- Khu đền thờ nhà Chúa với qui mô không quá lớn, được hài hòa với cảnh quan, sân vườn. Như vậy sẽ có được diện tích lớn, bố cục theo lối xưa, có chú trọng không gian cho khảo cổ học cũng như các công trình còn lại mà không được phục dựng để gợi nhớ về tính toàn vẹn của tổng thể trong quá khứ, đồng thời sẽ có không gian cho các hoạt động công cộng, phục vụ đời sống hôm nay và dự trữ cho những ý tướng xây dựng hoàn chỉnh trong tương lai. Đây là khu vực trọng tâm với tính chất uy nghiêm và linh thiệng trong tổng thể Vương phủ Trịnh.
Về phát triển, Vương phủ Trịnh chắc chắn được xây dựng để trở thành không gian văn hóa nhà Trịnh, không chỉ đáp ứng các yêu cầu của các nghi thức, lễ hội truyền thống mà còn thu hút đông đảo người dân đến tham quan, tìm hiểu lịch sử và văn hóa Nhà Trịnh, do đó rất cần bổ sung các chức năng mới đáp ứng nhu cầu hiện đại như trưng bầy, bảo tàng, hội họp và dịch vụ văn hóa tâm linh… Những chức năng ấy là cần thiết để phát huy giá trị của Vương phủ Trịnh trong đời sống hiện đại, góp phần thúc đẩy khinh tế du lịch địa phương phát triển.
Bố cục tổng thể có thể theo hướng: Các chức năng mới nên tập trung thành khu vực riêng, có quan hệ trực tiếp với khu vực dân cư, mang tính chất động và gắn bó với khu vực mang tính chất tĩnh, linh thiêng trong tổng thể Vương phủ Trịnh.
Kiến trúc khu vực này nên mang phong cách hiện đại dựa tinh thần kiến trúc truyền thống. Tất nhiên số lượng và qui mô công trình phụ thuộc vào sự cân đối trong qui hoạch hệ thống dịch vụ văn hóa, lịch sử của khu vực địa linh như Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, nơi có mật độ cao các di tích đã xếp hạng.
Như vậy, có thể hình dung tổng thể Vương Phủ Trịnh có 2 phần: Linh thiêng và tĩnh với phần đời sống và động được thể hiện bằng ngôn ngữ kiến trúc khác nhau, truyền thống và hiện đại nhưng nhất thiết phải được bố cục hài hòa. Sự hài hòa có thể đạt được nhờ thành phần liên kết được tổ chức bằng cảnh quan hồ nước và cây xanh. Tỷ lệ các khối tích các công trình. Dù khác nhau về phong cách kiến trúc, nhưng đều không quá lớn, không lấn át cảnh quan thiên nhiên, vì thế sẽ trở thành phần liên kết tốt nhất.
Một số tổng thể công trình khiến trúc tôn giáo gần đây được tôn tạo với qui mô lớn, chế ngự cảnh quan thiên nhiên không phải là những ví dụ tốt. Phát triển mới, cần thêm diện tích là thêm khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng sẽ có nhiều thuận lợi trong tương lai. Mặt khác, phát triển kiến trúc mới theo thiển nghĩ, có thể có những ý kiến trái chiều, có người không chấp thuận, là phù hợp với thời đại và đặc biệt phù hợp với tư tưởng đổi mới mạnh bạo như các Chúa Trịnh trong lịch sử. Chỉ việc lựa chọn vị trí xây dựng Phủ Chúa ở phía Nam, ngoài Hoàng thành Thăng Long, gắn liền với khu vực dân cư với lối qui hoạch và kiến trúc mới theo hướng mở, khác hẳn với Hoàng thành khép kín đã nói lên tất cả. Đó là một quyết định táo bạo, chưa có tiền lệ. Vị thế của Phủ Chúa đã tạo thêm động lực mới rất cần thiết cho sự giao thương, phát triển thịnh vượng của kinh tế Thăng Long và của Đất nước lúc bấy giờ.
Chúc Dự án được thực hiện thành công.
PGS- KTS- Nguyễn Quốc Thông,
Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí XD
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet