Tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc



Trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Việt Nam, tượng chân dung hậu Phật là nguồn tư liệu không nhỏ trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật…. Thờ hậu Phật là một tín ngưỡng truyền thống trong Phật giáo đồng bằng Bắc Bộ, ghi lại những phong tục tập quán, phản ánh sâu sắc sinh hoạt trong xã hội đương thời. Tượng chân dung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là một trong những pho tượng chân dung hậu Phật được các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung người Việt thế kỷ 17. Pho tượng được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.

Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 – 1660) là con gái Thanh đô vương Trịnh Tráng. Năm 1630, Vua Lê Thần Tông bị ép lấy con gái của Trịnh Tráng là Trịnh Thị Ngọc Trúc làm Hoàng hậu1, bà là một trong sáu bà vợ của Vua Lê Thần Tông được tạc tượng thờ ở chùa Mật. Theo sách Đại Nam nhất thống chí – Thanh Hóa thì chùa Mật được dựng vào thời Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497)2, sách Đại Nam nhất thống chí do Viện Sử học phiên dịch và chú giải lại cho biết Vua Lê Thần Tông (1619-1643, 1649-1662) mới là người cho dựng chùa và tô tượng3. Căn cứ tư liệu thác bản văn bia Mật Sơn Đại Bi tự ( AB. 633 Viện Nghiên cứu Hán Nôm), chùa Mật do Vua Lê Huyền Tông (1663-1671) cho dựng để thờ vua cha cùng Thánh mẫu và các phi tần của cha.

Qua các tư liệu trên chúng ta có thể xác định chùa Mật Sơn (thường gọi chùa Mật) tên chữ là Đại Bi tự nay thuộc phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa. Về thời gian dựng chùa, thác bản văn bia Mật Sơ Đại Bi tự cho biết: “Chùa do Vua Lê Huyền Tông (1663-1671) dựng ra để thờ vua cha cùng Thánh mẫu và các phi tần….”. Một trong các pho tượng đó là Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được chuyển về Viện Viễn Đông Bắc Cổ, nay được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Pho tượng có kích thước: cao 111cm, khuôn mặt 19cm, ngang vai 43cm, ngang hai đầu gối 67cm, dày thân tượng 45 cm, tượng được tạc bằng gỗ mít phủ sơn son thếp vàng, hoa văn trang trí cầu kỳ, tinh xảo và rõ nét.

Tượng được tạc ở tư thế ngồi thiền trên bệ vạt bốn góc. Tay phải giơ ngang ngực kết ấn vô úy, bàn tay biểu tượng trí tuệ của Phật pháp, một lòng kiên trì khai sáng, rộng lòng từ bi. Thế tay này tượng trưng cho sự phổ độ chúng sinh, đồng thời thể hiện tâm Phật của nhân vật được tạc. Tay trái đặt trong lòng đùi kết ấn cam lồ, biểu tượng sự kiên định của Phật pháp, cầu mong ban phát cho chúng sinh cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cùng tận hưởng niềm giải thoát.

Đầu tượng đội vương miện, có dải tóc kẹp thả sau lưng, vương miện được chạm khắc tỷ mỷ với nhiều lớp khác nhau: Vành dưới ôm sát đầu chạm vân xoắn. Vành thứ hai chạm các cụm sen nổi cao. Vành trên cùng chạm thủng hình hoa sen và vân lửa rất đặc trưng cho trang trí điêu khắc thế kỷ 17. Phía trước, đỉnh của vành mũ được chạm hình vòng cung, trong có tượng Adida ngồi tọa thiền trên đài sen. Đây cũng là biểu tượng thường thấy trên các pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm và là dấu hiệu đặc trưng cho việc bà là người qui y Phật pháp. Phía trên các vành mũ chạm kiểu tóc vấn cao trên đỉnh đầu và một tấm che tóc cũng được nghệ nhân chạm thủng rất cầu kì. Từ vành dưới mũ là hai dải mũ được chạm vắt mềm mại ra phía trước vai.

Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc hiện được lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).  

Trang phục của pho tượng cũng rất cầu kỳ và tinh xảo so với hầu hết các tác phẩm điêu khắc tượng chân dung thế kỷ 17 mà tác giả đã gặp. Trang phục quý tộc, ba lớp áo trong và một áo vân kiên khoác ngoài. Riêng tấm áo choàng vân kiên này được đánh giá là một trong những tấm áo được chạm đẹp nhất với mô típ lưỡng long chầu phượng trước ngực. Áo phía dưới có ba lớp đính ngọc châu tỷ mỷ, tinh tế. Cổ đeo chuỗi hạt rủ mềm xuống lòng đùi. Điểm nhấn đặc sắc nhất của pho tượng chính là gương mặt tươi sáng rạng rỡ, phúc hậu, chân thực với dái tai dài, cổ cao ba ngấn. Về sắc đẹp và sự thông minh, tài hoa của bà, linh mục Alexandre de Rodes khi ở Việt Nam cũng từng viết như sau: Bà rất thông chữ Hán, giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Ca-tê-ri-na vì bà giống Thánh nữ về nhiệt tâm cũng như đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ4. Nhìn tổng thể, pho tượng mang vẻ đẹp quý phái, thông tuệ, nét mặt hiền đôn hậu, trang phục lộng lẫy lộ vẻ cao sang, quyền quý. Dáng thanh thoát, nét chạm kênh bong cẩn trọng. Ngôn ngữ điêu khắc gợi ý tưởng tôn sùng hài hòa triết lý Phật pháp và nội lực tự tâm của bà.

Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc còn là tác giả của bộ từ điển “Chỉ Nam ngọc Âm giải nghĩa” bằng chữ Hán Nôm (đã được NXB KHXH ấn hành năm 1985), với dung lượng 40 chương, dài trên 3.000 câu, tổng số cả Hán lẫn Nôm là 24.000 chữ, đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, chứa đựng nhiều tri thức về xã hội, thiên nhiên như: Nông canh, hôn nhân, nhân luân, thiên văn, nhạc khí….Bộ từ điển của bà là một kho báu về tư liệu ngôn ngữ để các thế hệ sau có điều kiện nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là người đàn bà có tâm, có đức lại thông minh tài giỏi, những công việc bà đã làm được đã làm vẻ vang truyền thống phụ nữ Việt Nam.

Tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là tác phẩm được rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá là tác phẩm là điêu khắc nguyên gốc, độc bản có niên đại thế kỷ 17, là tượng chân dung tả thực hiếm có về một nhân vật lừng lẫy cả nhân đức và học thức uyên thâm trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Pho tượng là đại diện xuất sắc cho phong cách nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung hậu Phật Việt Nam

Nguyễn Văn Nghi

http://thegioidisan.vn/vi/tuong-hoang-thai-hau-trinh-thi-ngoc-truc.html

There are no comments yet

Tin khác đã đăng