Trùng tu Đền thờ Võ Tướng Trịnh Công Tá



Hiện nay, xã Thiệu Công, Thiệu Hoá, Thanh Hoá còn lưu giữ đầy đủ gia phả chi tộc Họ Trịnh làng Oanh Kiều, xã Thiệu Công, Thiệu Hoá và tài liệu “Võ Tướng Thanh Hoá trong lịch sử dân tộc”, nhà Xuất bản Quân đội Nhân Dân xuất bản năm 1997. Gia phả chi tộc Họ Trịnh đã được Viện Hán Nôm dịch và hiệu đính.

Gia phả và tài liệu trên đây đều khẳng định: Trịnh Khả là Võ Tướng Thanh Hoá được phong Hiển Khánh Vương trong triều Vua Lê Thánh Tông. Trịnh Công Tá là người con trai thứ tư của Hiển Khánh Vương Trịnh Khả đều làm công hầu Nhà Lê và được phong chức Đô chỉ huy Xứ. Chức thiếu bảo, tước văn nhan hầu, tên thuỵ thuần mỹ đại vương.

Vua Lê Thánh Tông đã lệnh cho làng lập đền thờ Hiển Khánh Vương Trịnh Khả, Trịnh Công Tá gia tặng thờ cúng theo lệ nước, gia phong thượng đẳng Phúc Thần. Vua hết lòng yêu mến cháu con Họ Trịnh làng Oanh Kiều xã Thiệu Công, Thiệu Hoá.

Đền thờ Trịnh Công Tá được xây dựng vào thế kỷ XV, gồm 3 gian, kiểu kiến trúc thời hậu Lê. Gian chính Giữa đặt ngai thờ cụ tổ Hiển Khánh Vương Trịnh Khả (Kỵ nhật ngày 26 tháng 7 âm lịch), gian phía tay phải đặt ngai thờ Ông Trịnh Quý Hựu, Hộ Bộ Thượng Thư, trưởng bộ Sư thương trụ quốc, quốc thương Hầu, Thái phó Thọ quốc công. Gian phía tay trái đặt ngai thờ Ông Trịnh Công Tá, đô chỉ huy xứ. Chức thiếu bảo, tước văn nhan hầu, tên thuỵ thuần mỹ đại vương (Kỵ nhật ngày 4 tháng 11 Âm lịch). Vị trí địa điểm đền thờ thuộc khu bản Dọc làng Oanh Kiều trong bản đồ UTM, số hiệu mảnh 6148IV- ĐB, tỷ lệ bản đồ 1/25000.

Đến năm 1965, do một phần chiến tranh và nhận thức nên đền thờ bị phá bỏ, vật liệu được sử dụng làm cửa hàng mua bán tại chợ Vước xã Thiệu Công. Đến năm 1993, cửa hàng làm ăn thua lỗ, do đó đã bị dỡ bỏ, lấy lại một phần gỗ làm bàn ghế cho học sinh. Người đóng bàn ghế là thợ làng Oanh Kiều: Vũ Văn Vượng.

Đất Đền Thờ được cấp cho 6 hộ làm nhà: Trịnh Đình Ninh (Xâm): 250m2, Trịnh Đình Can: 500m2, Trịnh Đình Mợi: 250m2, Trịnh Thị Hợi (anh Công): 250m2, Nguyễn Văn Chiến (Thanh): 300m2, Trịnh Văn Chiến: 250m2.

Nhiều năm qua, con cháu dòng Họ Trịnh nói riêng và bà con xã Thiệu Công, Thiệu Hoá luôn hoài niệm, nuối tiếc cho một công trình văn hoá, Đền Thờ của làng Oanh Kiều bị phá bỏ. Bà con đau đáu và quyết tâm khôi phục, dựng lại ngôi Đền xưa nhằm thờ phụng, tri ân các bậc tổ tiên, các Võ Tướng đã một thời oanh liệt làm rạng danh cho làng, cho quê hương đất nước. Đặc biệt con cháu dòng Họ Trịnh xã Thiệu Công, Cự Đà (Hà Nội) đã sưu tầm nhiều cổ vật của Đền, người người, nhà nhà sẵn sàng cung tiến tiền của, công sức để xây dựng Đền.

Đầu năm 2013, Hội đồng lâm thời Họ Trịnh xã Thiệu Công, Cự Đà (Hà Nội) đã có cuộc họp cùng với đại diện chính quyền địa phương, đại diện Hội Cựu Chiến Binh, phụ nữ, thanh niên, nông dân, hội Thanh Niên Xung Phong thôn nhằm xác nhận rõ Di tích Lịch sử Đền thờ làng Oanh Kiều đã tồn tại và xảy ra việc phá dỡ.

Nay con cháu dòng Họ Trịnh nói riêng và bà con xã Thiệu Công nhất tâm đề nghị các cấp chính quyền thôn, xã và huyện cấp đất để xây dựng, trùng tu lại đền thờ với tất cả tâm nguyện từ đáy lòng.

Hội Đồng lâm thời Họ Trịnh đã dành nhiều công sức nghiên cứu và đã phác thảo hoàn chỉnh sơ đồ kiến trúc Đền mang đầy đủ giáng vóc đền xưa đầy cổ kính uy nghiêm.
Hết thảy người dân ở đây và con cháu Họ Trịnh Cự Đà (Hà Nội) mong muốn được các cấp chính quyền cấp lại đất. Vị trí khu đất Đồng sau làng Oanh Kiều với tổng diện tích 700m2.

Phía Bắc giáp máy bơm nước số 3.
Phía Nam giáp thổ cư Anh Trịnh Đình Tuyên.
Phía Đông giáp đường giao thông (ngã ba đi từ Ông Hiền đến trạm bơm nước số 3).
Phía Tây giáp Sông Mậu Khê.

Đơn xin cấp đất và quy hoạch thiết kế Đền thờ làng Oanh Kiều của Hội Đồng lâm thời Họ Trịnh xã Thiệu Công, Cự Đà (Hà Nội) hiện nay đã được các vị đại diện gửi xã Thiệu Công và huyện Thiệu Hoá.

Mong các cấp, các ngành quan tâm ủng hộ tâm nguyện của bà con dòng họ và đông đảo nhân dân xã Thiệu Công, Cự Đà (Hà Nội) sớm được cấp đất để xây dựng, trùng tu Đền Thờ – Di tích Lịch sử Văn Hoá của quê hương.

Trịnh Tuấn – Trịnh Cường

There are no comments yet

Tin khác đã đăng