Triết vương Trịnh Tùng – Vị Chúa đầu tiên



Trịnh Tùng (1550-1623) là con trai của Minh khang thái vương Trịnh Kiểm với phu nhân Ngọc Bảo, con gái Thái Sư Nguyễn Kim, người dựng cờ “ Phù Lê- diệt Mạc” ở nửa đầu thế kỷ 16. Trịnh Tùng sớm bộc lộ thiên tài quân sự bẩm sinh, thần cơ diệu toán, bách chiến bách thắng

Trịnh Tùng (1550-1623) là con trai của Minh khang thái vương Trịnh Kiểm với phu nhân Ngọc Bảo, con gái Thái Sư Nguyễn Kim, người dựng cờ “ Phù Lê- diệt Mạc” ở nửa đầu thế kỷ 16.

Trịnh Tùng sớm bộc lộ thiên tài quân sự bẩm sinh, thần cơ diệu toán, bách chiến bách thắng. Ông phải gánh vác một trọng trách của Quốc gia đang ngàn cân treo ngọn cỏ khi tuổi tròn 20 tuổi. Sử sách đã ghi chép, nếu sự nghiệp Trung Hưng nhà Lê, được Thái Sư Nguyễn Kim khởi xướng năm 1533 và Thái Vương Trịnh Kiểm đứng mũi chịu sào, chèo chống con thuyền suốt 25 năm (1545-1570) và Nam triều cũng có thể gây dựng làm chủ được hai trấn từ Thanh Hóa trở vào, thì chỉ trong già nửa thời gian ấy, Trịnh Tùng đã đưa công nghiệp phò Lê đang dở dang của cha về đến đích vinh quang, oanh liệt. Ông đã kết thúc mĩ mãn sự nghiệp Trung hưng đầy gian khó, ca khúc khải hoàn, đưa vua lê trở lại ngai vàng và ngự tại Thăng Long. Là người mở nền thái bình cho trăm họ, an dân, dựng lại nguyên khí Đại Việt sau gần 100 năm lầm than, suy kiệt.

Uy danh của Bình an vương Trịnh Tùng không những lừng lẫy trong nước, mà còn vang dội đến Trung Quốc. Vua nhà Minh cử sứ thần Vương Kiến sang Đại Việt tặng Bình An Vương Trịnh Tùng 8 chữ vàng : Quang hưng tiền liệt, Định quốc nguyên huân ( Công đứng đầu làm rạng rỡ công đức tổ tiên, làm cho nước yên ổn, thái bình) và ban đai ngọc, mũ xung thiên, ngựa tốt, ca ngợi Trịnh Tùng là chân Anh hùng và tặng tôn hiệu Đại nguyên soái.

Trong : Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú viết về Trịnh Tùng : “ Ông tính khoan hòa, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, dùng binh như thần…Ông thực sự làm Chúa, cầm quyền chính, công lao sự nghiệp lưng lẫy…”

Xếp theo thứ tự, ông là đời thứ 2 của họ Trịnh kế tục việc Phù Lê suốt 249 năm dằng dặc trong lịch sử Việt Nam. Từ Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới được nhận tước Vương khi còn tại vị, được gọi là Chúa và lập Thế tử, nên ông được xem là vị Chúa Trịnh chính thức đầu tiên./

Thanh Tùng

 

There are no comments yet

Tin khác đã đăng