TỘC ƯỚC CHI HỌ TRỊNH LÀNG VĂN HÓA CÁT TIÊN (HẢI PHÒNG)



Tại từ đường tôn nghiêm, các thế hệ con cháu hậu duệ nhiều đời chi họ Trịnh Cát Tiên, cùng sinh tồn, phát triển, họp mặt đông dủ, cùng nhau bàn bạc, thống nhất xây dựng tộc ước.

Theo sử sách ghi lại, được biết họ Trịnh Việt Nam phát tích ở vùng Kẻ Nưa, Yên Định, Thanh Hóa. Tại thôn Biện Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, cùng tỉnh Thanh Hóa, nơi có phủ thờ 12 đời Chúa Trịnh; là di tích lịch sử văn hóa đã được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, đánh dấu sự cống hiến, xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc Việt Nam của họ Trịnh gần 250 năm tham chính. Đây là niềm tự hào, kiêu hãnh của các thế hệ cháu con dòng họ Trịnh Việt Nam.

Có một số giai đoạn trong lịch sử đất nước do loạn lạc, nạn binh đao xảy ra ở khắp mọi nơi, người họ Trịnh vì vậy mà lưu lạc, lan tỏa khắp mọi miền đất nước, trong đó có Cụ khởi tổ Trịnh Đăng Tiên từ Thiên Bản, tỉnh Nam Định đã đến sinh cơ lập nghiệp tại Cát Tiên, con cháu phát triển cho tới nay đã thành một dòng họ lớn trong làng.

Từ khi đất nước hòa bình, đời sống vật chất ổn định, nhu cầu văn hóa tâm linh của con người đều hướng về cội nguồn, mong muốn xây cất từ đường, quy tập lăng mộ, báo đáp công ơn tiên tổ.

Từ nhiều việc làm hướng thiện là tiền đề cho cả chi họ ta động viên nhau góp công, góp của xây dựng nhà thờ để từ nay các thế hệ con cháu có nơi tụ họp, phụng thờ tổ tiên. Sau 6 tháng thi công, bằng ý chí, quyết tâm cao và nỗ lực đóng góp của con cháu nội ngoại xa gần, ngôi từ đường đã được xây dựng; cả chi họ ta tổ chức khánh thành vào ngày 19 tháng 11 năm Đinh Hợi (2007).

Với mong muốn không ngừng củng cố, xây dựng và phát triển chi họ, cần thiết phải có một qui định chuẩn mực để cho các thế hệ con cháu thực hiện – đó là TỘC ƯỚC.

I- MỤC ĐÍCH XÂY DỰNG TỘC ƯỚC

1/. Vì sự tồn tại thăng hoa và phát triển của chi họ hiện tại và các thế hệ tương lai.
2/. Kế thừa và phát huy truyền thống Trung, Hiếu, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín (rèn đức – luyện tài) mà tổ tiên, ông cha ta đã dày công vun đắp.
3/. Duy trì sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng và hành động, chung sức, chung lòng tạo nên sức mạnh của chi họ để tham gia và tổ chức thành công mọi việc mà Hội đồng chi họ đề xướng và quyết định..

II- NỘI DUNG TỘC ƯỚC

Điều 1- Gia lễ
Phải thường xuyên trang hoàng Từ đường, nơi tâm linh của cả họ ngày càng tôn nghiêm; đảm bảo thờ cúng tổ tiên và hương khói ngày tuần rằm, lễ tiết được chu đáo.

Ngày 20 tháng Chạp âm lịch hàng năm, kỷ niệm ngày cụ khởi tổ Trịnh Đăng Tiên tạ thế, phải duy trì cúng lễ nghiêm trang, tập trung con cháu nội, ngoại cả dòng họ về từ đường làm lễ dâng hương, ôn lại thân thế sự nghiệp của các bậc tiền bối; kiểm điểm việc thực hiện tộc ước của năm qua, đề ra những việc cần làm trong năm tới.

Việc tế tổ: tùy điều kiện 2 hoặc 5 năm tổ chức một lần do Hội đồng chi họ bàn bạc quyết định.

Sau đại lễ giỗ tổ Ông (20 / 12), việc giỗ Cụ khởi tổ Bà ngày 6 tháng 9, giỗ các thứ tổ và tổ ngành, tổ chi… Hội đồng chi họ tùy liệu sắp xếp đại biểu tham gia cúng lễ, hoặc tổ chức dâng hương kỷ niệm ngày mất cho phù hợp và trọng thể.

Hội đồng chi họ biên soạn bài văn khấn chung cho cả họ (in làm nhiều bản). Mỗi lần giỗ cụ nào ghi tên và ngày tháng mất của cụ vào văn khấn, cử người đọc trang trọng, đọc xong hóa cùng kim ngân như văn tế ngày trước các cụ thường làm.

Hàng năm Hội đồng chi họ có kế hoạch tu bổ, sửa sang nhà thờ hoặc mộ phần (nếu có).

Điều 2- Việc đời, việc họ

Việc đời: Động viên con cháu, các gia đình thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào xây dựng quê hương, làng xóm, làm giàu chính đáng, phấn đấu để mọi gia đình đều no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Việc họ: Họ hàng là quan hệ huyết thống, là máu thịt của Trịnh gia Tiên tổ. Hai chữ “đạo hiếu” là mối quan hệ cha trên – con dưới, là đạo nghĩa con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ, tổ tiên. Vì vậy, trong quan hệ họ hàng, bậc cha, chú bề trên phải luôn là tấm gương sáng cho con cháu soi mình; con cháu phải khiêm tốn, lễ phép, tôn kính cha ông, trên kính dưới nhường; có họ phải có hàng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, lệch kê, hở đậy, phải yêu thương gắn bó tình thân tộc, luôn giúp đỡ lẫn nhau. Trong cuộc sống phải có tấm lòng nhân ái, vị tha bao dung, độ lượng, bảo vệ sự đoàn kết, nhất trí… Anh chị em (kể cả trong nhà, trong họ) phải như tay với chân, xóa bỏ mọi hiềm khích, xích mích, gần gũi, giúp đỡ nhau, tất cả vì ngày mai tươi sáng.

Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Khi có những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, dòng họ, Hội đồng chi họ trực tiếp làm công tác hòa giải trên quan điểm thẳng thắn, vô tư, có lý có tình, phân định đúng sai, phải trái rõ ràng, giúp người có lỗi nhận ra lỗi mà sửa chữa. Các thành viên phải nghiêm khắc với chính mình và tôn trọng quyết định của Hội đồng chi họ.

Điều 3- Việc mừng thọ, việc hiếu, việc hỷ

Việc mừng thọ: Họ quyết định tổ chức mừng thọ cho các cụ cao niên ở tuổi 70, 80, 90 và 100 trở lên tại nhà thờ vào chiều ngày 10 tháng Giêng âm lịch, họ sẽ có giấy mừng thọ, quà và ảnh lưu niệm.

Việc hiếu: Khi trong họ có người qua đời, Hội đồng chi họ phân công người phối hợp với ban tang lễ địa phương để điều hành và thực nghi lễ theo Hương ước làng.

Mỗi gia đình ít nhất phải có một người đến tham gia cùng nhà hiếu lo việc tang lễ và tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tiếp tục duy trì đóng góp gạo hiếu và tổ chức phúng viếng trang nghiêm. Các gia đình có con em ra ở riêng đều tham gia đóng góp, thể hiện trách nhiệm giúp đỡ nhau trong lúc vận nạn.

Việc hỷ: Con cháu trong họ (cả nam, nữ) trước khi tổ chức thành hôn, đến nhà thờ dâng hương, yết kiến tổ đường, ghi tên vào sổ bạ của họ. Tổ chức đám cưới phải phù hợp với nếp sống văn hóa, với qui định của Hương ước làng.

Việc thăm hỏi người ốm đau: Tổ chức thăm hỏi người ốm nặng phải đi bệnh viện mỗi năm một lần.

Điều 4- Lập sổ bạ, bổ sung tộc phả

Lập sổ bạ: Tiến hành lập sổ bạ của dòng họ, ghi chép đầy đủ họ, tên, ngày tháng năm sinh của từng người, từng gia đình. Đối với người qua đời cũng ghi ngày tháng năm mất vào sổ bạ.

Bản gia phả in năm 2006 đã ghi chép đầy đủ và trình tự từng thế hệ (đến tháng 6 năm 2006), phải được giữ gìn cẩn thận, lưu truyền cho đời sau. Tại nhà thờ vẽ phả đồ diễn giải sự phát triển của dòng họ qua các đời để mọi người dễ nhận biết, tìm hiểu về sự phát triển của gia tộc.

Điều 5- Khuyến học

Vì sự hưng thịnh của mỗi gia đình và dòng họ, tiếp tục chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác khuyến học bằng giá trị vật chất và tinh thần đích thực để nâng cao chất lượng và kiến thức học tập của các cháu.

Phát huy kết quả hơn 10 năm xây dựng quĩ khuyến học, từ nay về sau cứ vào ngày chủ nhật trung tuần tháng 8 dương lịch sẽ tổ chức dâng hương báo công với tổ tiên về thành tích học tập và phát phần thưởng cho các cháu học giỏi, thi đỗ vào cao đẳng, đại học tại nhà thờ để các cháu có khí thế bước vào năm học mới.

Điều 6- Việc đối ngoại

Giữ vững mối liên hệ với Hội đồng họ Trịnh toàn quốc, Hội đồng họ Trịnh thành phố, các quận huyện và các chi họ trong ngoài tỉnh.

Kinh phí đối ngoại: tùy từng trường hợp, Hội đồng chi họ bàn bạc quyết định.

Điều 7- Vệ sinh môi trường

Mọi gia đình phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; không vứt bỏ các chất phế thải một cách tùy tiện, không được làm ảnh hưởng đến vệ sinh, cảnh quan trong làng và khu vực thờ tự; trong sinh hoạt gia đình phải vệ sinh, ngăn nắp.

Điều 8- Xây dựng quĩ

Hội đồng chi họ có kế hoạch vận động đóng góp bổ sung quĩ họ để có kinh phí sử dụng cho những việc sau:

– Khen thưởng con cháu đạt thành tích trong học tập; học sinh nghèo vượt khó.
– Dâng hương ngày lễ tiết.
– Sửa sang nhà thờ, tu bổ mộ chí.
– Quan hệ đối ngoại.
– Thăm hỏi và mừng thọ.
– Giúp đỡ những gia đình trong chi họ gặp hoạn nạn bất thường..

Quản lý thu chi quĩ minh bạch, công khai vào ngày giỗ tổ để cả họ đều biết.

Điều 9- Những việc không được làm

Gây bè cánh, chia rẽ làm mất đoàn kết trong gia đình, nội tộc và làng xóm.

Có những cử chỉ, hành động, việc làm vô lương tâm, mất nhân phẩm, trái đạo đức, đi ngược dòng đạo lý, đồi phong, bại tục.

Tự mình bôi nhọ, làm mất danh dự của bản thân, gia đình, chi họ, ảnh hưởng đến uy danh của tổ tiên.

Đặt tên con cháu trùng với tên các bậc tiền bối.

Ai vi phạm ngững điều không được làm trên, tùy theo mức độ tác hại nặng hay nhẹ, Hội đồng chi họ sẽ có biện pháp đấu tranh và giáo dục để khắc phục.

Điều 10- Tổ chức thực hiện

Để thực hiện được mục đích trên và tổ chức thành công xuyên suốt mọi công việc, chuyển ban lãnh đạo xây dựng họ trước đây thành Hội đồng chi họ Trịnh Cát Tiên (gọi tắt là Hội đồng chi họ), thành phần gồm:

– Các bậc cao niên.
– Các bậc huynh trưởng của các ngành, các nhánh và một số thành viên khác.
– Hội đồng chi họ hoạt động dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, nghĩa là: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Có trưởng, phó ban và các tiểu ban để điều hành công việc xây dựng họ và quản lý kinh tế dòng họ.
– Đề ra kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện việc họ trên tất cả các viêc như: gia lễ, gia phong, gia huấn; kế thừa gia phả đã biên soạn năm 2006 (sau khi sưu tầm thêm tài liệu mới sẽ bổ sung hoặc chỉnh lý tiếp) để lưu truyền cho đời sau.
– Soạn thảo những qui định cụ thể, sát với thực tế, phù hợp với thuần phong mỹ tục; cắt bỏ những quan điểm phong kiến lạc hậu, chắt lọc tinh hoa của đạo hiếu, hoàn thiện nội dung Tộc ước.

III- PHẦN KẾT

Trên đây là những điều qui định của Tộc ước, không trái với pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục và nếp sống văn hóa mới, đã được toàn thể chi họ nhất trí thông qua, coi đó là định hướng cho ý chí, tư tưởng và hành động. Mọi người, mọi nhà phải có ý thức giữ gìn và nghiêm chỉnh chấp hành.

Các cụ cao niên, các ông bà, cha mẹ phải gương mẫu, hướng dẫn và chỉ bảo cho con cháu cùng tự giác thực hiện.

Nếu có sự thay đổi hoặc bổ sung bất cứ điều nào trong những điều Tộc ước nêu trên phải có sự đồng ý của hội nghị toàn chi họ.

“Trịnh gia tiên tổ” mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh của đời đời cháu con !

HỘI ĐỒNG CHI HỌ TRỊNH CÁT TIÊN

There are no comments yet

Tin khác đã đăng