TẤM BIA CỔ QUÝ HIẾM CỦA HỌ TRỊNH



Bên ngoài khu lăng Thao Quang (lăng mộ của dòng cụ Trịnh Khắc Phục, nơi có mộ bà Trịnh Thị Ngọc Thương- mẹ vua Lê Thái tổ) ở xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa có tấm bia hộp (hai tấm đá úp mặt vào nhau, chữ ở mặt trong) được người dân ở đây phát hiện vào năm 1993.

Bia cao 1m20, rộng 0m80, dày 0m20 (mỗi tấm dày 0m10), được đặt trên đế dày, vững chãi, chôn sâu, lấp kín vào trong lòng đất. Giữa hai tấm được kết dính với nhau bằng một loại keo đặc biệt nên khi mở ra, tuy đã hơn 500 năm nhưng chữ bên trong vẫn còn nguyên bụi đá như vừa mới khắc xong. Một tấm khắc 9 chữ Hán, mỗi chữ cao 0m10 : “Đại Việt Thái bảo Bình lạc hầu chi mộ” (mộ của quan Thái bảo Bình lạc hầu nước Đại Việt). Nét chữ bay bướm và chân phương. Một tấm là bài văn do Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn về thân thế, sự nghiệp của người quá cố, cụ Trịnh Duy Hiếu (1451-1484), cháu đích tôn của cụ Trịnh Khắc Phục, cháu gọi vua Lê Thánh Tông là cậu ruột, bạn đồng liêu của Trạng nguyên hiển cung đại phu, Hàn lâm viện thị thư kiêm đồng văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh.

 

TT0002

Xin giới thiệu bản dịch bài văn bia của Hồng Phi và Hương Nao đăng trên báo Văn hóa thông tin số 629, ngày 17 tháng 4 năm 2002.

“Mộ Thái Bảo Bình Lạc Hầu nước Đại Việt !

Ôi ! Mộ Thái Bảo Bình Lạc Hầu !

Hầu người họ Trịnh, húy là Duy Hiếu. Nối nghiệp nhà, quê Thủy Chú, Lôi Dương. Cụ Tằng tổ khảo, húy là Nhữ Lượng. Tặng Phò mã Đô úy. Bà Tằng tổ là Quốc trưởng công chúa người họ Lê, là chị thứ ba của đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế.

Ông Tổ khảo là Khắc Phục, tặng Suy Trung Tá Lý Dương Vũ công thần, Thượng trụ quốc Ngọc Sơn Hầu. Bà Tổ là người họ Nguyễn.

Cha là Bá Nhai, tặng Phò mã Đô úy Sùng Huệ Bá. Mẹ là An Quốc Trưởng Công chúa, là chị thứ hai của đức Kim thượng.

Hầu sinh ngày 8 tháng 11 năm Tân Mùi, niên hiệu Thái Hóa thứ 9.

Tháng 12 năm Giáp Thân, niên hiệu Quang Thuận thứ 5, phong Bình Lạc Bá. Tháng 9 năm Tân Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 2 cải là Sùng tiến Tuyên lộc đại phu Bình Lạc nam. Tháng 12 năm Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6, thăng Sùng tiến Trấn quốc Thượng tướng quân, Nam quân Đô Đốc phủ, Tả Đô đốc, Bình Lạc bá tầm vi Chinh di tướng quân, đi đánh giặc biển Lưu Cầu. Tháng11 năm kỉ Hợi Năm, niên hiệu Hồng Đức thứ 10, theo vua thân chinh Tây tặc, giữ chức Đề đốc Ngự doanh thuỷ bộ quân vụ sự. Tháng 11 năm Canh Tí , Hồng Đức thứ 11, thăng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Nam quân Đô đốc phủ trượng, phủ sự Thái Bảo Bình Lạc bá. Tháng 5 năm Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 12, kiêm Tông Nhân phủ, Tông Nhân lệnh, ngoài ra, còn các chức khác vẫn như cũ. Tháng 11 năm Nhâm Dần niên hiệu Hồng Đức thứ 13, thăng Tuyên lực Vũ thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Nam quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái Bảo Bình Lạc hầu kiêm Tông phủ Tông nhân lệnh Trụ quốc. Tháng 12 năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 15, cải là Trung quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, còn các chức khác vẫn như cũ.

Ngày 20 tháng 5 năm Giáp Thìn mất tại chính tẩm, thọ 34 tuổi. Ngày 20 tháng 11 táng tại quê, phía ngoài lăng Thao Quang.

Nguyên bà chính thất người họ Phạm, ở sách Trấn Man, huyện Lương Giang, là con gái thứ 5 của cố Điện tiền Tư đồng Đô kiểm điểm Văn Hiến, con của em Hoàng thái hậu. Trai gái có 5 người ; Thiện, Bạt, Lương, Lý, Tuy. Nữ. Hầu tính thông minh, mẫn cảm, ôn hòa, lại có ân đức, ham đọc sách, có khả năng về thi phú; sớm được giao trách nhiệm trên vũ đài chính trị, giúp việc ở nơi xa, tham gia xét duyệt việc ngục tụng ở bộ Hình, thường giúp tội nhân được giảm nhẹ tội. Ta thấy trong Quốc sử có nhắc đến chuyện này.

Thật đáng tiếc thay !

Minh rằng:

Đất đẹp rực rỡ
Suối non rì rầm
Khí thiêng chung đúc
Ba mươi bốn năm.

Trạng nguyên khoa Quí Mùi (1463) Hiển cung Đại phu, Hàn lâm viện thị thư kiêm Sùng văn quán, Tú lâm cục tư vấn Lương Thế Vinh.”

Tấm bia mách bảo người đời sau nhiều điều. Trước hết là cụ Trịnh Duy Hiếu với những sự kiện liên quan đến triều Lê Thánh Tông. Sau đó là họ Trịnh dòng Trịnh Khắc Phục, di cảo của vị Trạng nguyên nhiều tài năng Lương Thế Vinh v.v.. Một điều không dễ dàng lý giải là tại sao bia mộ lại chôn lấp kín ? Tại sao mộ cụ Hiếu không được táng trong khu lăng của dòng họ mà lại đặt ngoài lăng ? Điều này có liên quan gì đến vụ oan án của hai đại thần đầu triều thời Lê Nhân Tông là Trịnh Khắc Phục và Trịnh Khả ?

Mộ cụ Hiếu được đặt trên ngọn đồi cách sân bay Sao Vàng chưa đến 1 km theo đường chim bay. Trong thời kỳ giặc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, ngọn đồi này là trận địa cao xạ và tên lửa đất đối không, đã từng bị B52 rải thảm, hố bom chằng chịt thế mà “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. Ngọn đồi này cũng là nơi yên nghỉ của mẹ Lê Lợi, bà Trịnh Thị Ngọc Thương. Hiện nay, bên kia đồi đã được san ủi gần hết. Liệu nửa đồi còn lại, nơi đặt lăng mộ của dòng họ Công thần triều Hậu Lê có bị bể hóa nương dâu ?

Trịnh Duy Tuân

There are no comments yet

Tin khác đã đăng