Phục hồi di tích lịch sử Phủ Trịnh tại Vĩnh Lộc
Ngày 27/6/2014, tại UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị về: Phương án Bảo quản, Tu bổ, và Phục hồi Di tích Phủ Trịnh tại thôn Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương: Văn hóa- Thể thao- Du lịch; Kế hoạch- Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên- Môi trường; Văn phòng UBND tỉnh; UBND huyện Vĩnh Lộc; cùng Đại diện Hội đồng họ Trịnh Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa. Ông Vương Văn Việt, phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Phủ Trịnh thuộc thôn Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 được coi là Hành dinh thứ 2 của nhà Trịnh sau Phủ Liêu ở Thăng Long, đồng thời cũng là công trình kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ Lê- Trịnh trên vùng đất xứ Thanh. Lúc đó, Phủ Trịnh rộng khoảng 10 hecta, Phủ có nhiều công trình, là nơi các Chúa Trịnh ở, thờ phụng và làm việc. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của Lịch sử, Phủ Trịnh chỉ còn lại một khu đất nhỏ có diện tích 2.614 m2. Công trình duy nhất còn lại là một tòa nhà thờ cúng gồm 7 gian, hình chữ Nhất với lối kiến trúc giản đơn, đang xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo và phục hồi lại Di tích Phủ Trịnh là việc làm cần thiết, góp phần bảo tồn vững chắc và tôn vinh giá trị nổi bật của Di tích lịch sử cấp Quốc gia này.
Theo phương án kiến trúc do Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan ( Đơn vị tư vấn ) trình bày, Dự án có mặt bằng tổng thể là: 3,09 ha và 7 hạng mục công trình: Bãi đỗ xe- dịch vụ; Hồ nước; Miếu Tống Thần vương; Phủ từ; Nội cung; Nội phủ và vườn danh nhân họ Trịnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Việt nhấn mạnh: Việc phục hồi khu Di tích lịch sử Phủ Trịnh là việc làm cần thiết. Việc phục hồi phải gắn liền với việc nêu bật và khảng định công lao, vị trí vai trò của nhà Trịnh trong dòng chảy Lịch sử của Dân tộc, tương xứng với tầm vóc của một Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ông Việt cũng khảng định: Việc tôn tạo hay phục dựng Di tích cần phải dựa trên Luật Di sản và các cơ sở khoa học, chứng cứ dữ liệu lịch sử. Nếu căn cứ vào các tư liệu của dòng họ Trịnh thì chưa đủ sức thuyết phục các cơ quan chuyên môn cũng như Cục Di sản thuộc Bộ Văn Hóa- Thể thao- Du lịch, là nơi cấp phép, phê duyệt Dự án. Ông Việt cũng đề nghị Công ty Cổ phần tu bổ Di tích và Kiến trúc cảnh quan tiếp tục nghiên cứu, khai thác lược đồ, bổ sung dữ liệu lịch sử để Dự án đủ sức thuyết phục các nhà Quản lý Di tích. Khi tôn tạo lại Di tích, cần chứng minh được công năng sử dụng từng hạng mục công trình. Vườn Danh nhân họ Trịnh trong Di tích là không cần thiết, phía Công ty cần lược bỏ hạng mục này để phù hợp với tính lịch sử của khu Di tích lịch sử Phủ Trịnh /.
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet