Phục dựng “đại cảnh” Thăng Long
Gần 80 bức tranh dựng lại những góc nhìn khác nhau về một kinh thành Thăng Long cổ - đó là gia tài của họa sĩ Trịnh Quang Vũ sau 10 năm lao động khoa học và nghiêm túc
1. Là họa sĩ chuyên về trang phục cổ trong điện ảnh, ông Vũ từ những năm đầu thế kỷ 21 đã có ý thức sưu tầm các tư liệu lịch sử văn hóa về Thăng Long – Hà Nội cổ. Lý do rất đơn giản: ngoài sự say mê riêng, ông muốn một người “ngoại đạo” như mình được trang bị đầy đủ và bài bản về lịch sử, chứ không tìm hiểu một cách bị động theo công việc.
Có 3 năm làm nghiên cứu sinh tại Đức lại có vốn tiếng Pháp tốt, nguồn tài liệu để Trịnh Quang Vũ “tấn công” vào kiến trúc, trang phục cổ chính là các sử liệu về Việt Nam xưa từ nước ngoài. Việc sưu tầm các nguồn tài liệu này cũng khá công phu. Phần lớn trong số đó, ông Vũ phải nhờ bạn bè mua bản in hoặc chụp lại từ bản lưu tại thư viện của một số nước như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan…
Thế kỷ 16, 17, rất nhiều giáo sĩ và thương khách phương Tây đặt chân tới Thăng Long – kinh thành của “vương quốc Đàng Ngoài”. Ghi chép và những bức tranh vẽ của họ giới thiệu rất tỉ mỉ, từ thuyền bè, ăn mặc, nhà cửa, cung điện lâu đài… tới những cảnh sinh hoạt nơi đây – ông Vũ kể. Đó cũng là giai đoạn hoàng kim của nền kinh tế thời Lê Trung Hưng, dưới sự điều hành của chúa Trịnh. Các tài liệu này đều coi Thăng Long là một trong những kinh đô đẹp nhất châu Á. Thậm chí, trong cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của S. Baron (Pháp) in năm 1732 còn tấm tắc rằng Thăng Long chẳng khác gì Venice của Italia…
2. Việc phục dựng lại những bức tranh về Thăng Long cổ được ông Vũ triển khai từ những nguồn sử liệu ấy. Gọi là “phục dựng”, bởi qua những bản sách in, lại được photo lại tới vài lần, các bức tranh này đều mờ nhạt và mất nhiều nét. Nhiều trường hợp, theo thời gian, ngay bức tranh gốc cũng đã ố vàng, hoặc chỉ gồm từng đoạn tranh bị cắt ra cho hợp với khổ sách.
Nguyên tắc của tôi là không hiểu thì mày mò tìm đọc và đối chiếu nhiều nguồn sử liệu khác nhau chứ không thể “bịa” ra. Chẳng hạn, nếu trang phục không rõ màu gì, thì mình phải giữ nguyên tông màu đen trắng hoặc đỏ nâu cũ, chứ không thể phết bừa màu sắc. Nếu muốn dựng lại một bức tranh lớn, tôi có khi mất tới vài tháng để tìm hiểu tư liệu và nghiên cứu về từng chi tiết nhỏ trong tranh qua những bức tranh đặc tả khác.
Trò chuyện, họa sĩ Trịnh Quang Vũ rất say mê nói về văn hóa và khung cảnh Thăng Long trong giai đoạn này. “ Thăng Long khi ấy mang đậm màu sắc giao hòa văn hóa Đông – Tây và có hướng ngoại khá nhiều, chứ không phải rập khuôn của kiến trúc và văn hóa Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng”.
Từ cảnh sinh hoạt đời thường và bình dân cho tới sinh hoạt cung đình, từ những kiến trúc về cung vua, phủ chúa cho tới cảnh sầm uất trên bến dưới thuyền tại Thăng Long cổ… những bức tranh phục dựng của ông Vũ đã được triển lãm tại điện Kính Thiên trong Hoàng thành cách đây vài năm và được giới sử học đánh giá cao. Còn bây giờ, đã gần nửa năm nay, ông lại đang mày mò dựng lại bức tranh chúa Trịnh Sâm thưởng trà từ những nguồn tư liệu cổ.
TT&VH xin giới thiệu một số bức tranh về Thăng Long cổ của họa sĩ Trịnh Quang Vũ.
Minh Châu
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet