Nhà nhiếp ảnh bất đắc dĩ và kho tư liệu độc đáo



Là hậu duệ đời thứ 10 của chúa Trịnh Căn và là con trai của "Ông hoàng thủy tinh" xứ Đông Dương Trịnh Đình Kính, nhưng cuộc đời Trịnh Đình Tiến (khi đưa in tác phẩm trên báo, ông ký là Trịnh Tiến) lại chẳng hề... trải hoa hồng. Một ước mơ bé nhỏ là trở thành nhà quay phim chuyên nghiệp ông cũng không sao thực hiện được.

Là hậu duệ đời thứ 10 của chúa Trịnh Căn và là con trai của “Ông hoàng thủy tinh” xứ Đông Dương Trịnh Đình Kính, nhưng cuộc đời Trịnh Đình Tiến (khi đưa in tác phẩm trên báo, ông ký là Trịnh Tiến) lại chẳng hề… trải hoa hồng. Một ước mơ bé nhỏ là trở thành nhà quay phim chuyên nghiệp ông cũng không sao thực hiện được.

Đành từ bỏ ước mơ còn dang dở, ông quay sang chụp ảnh làm kế sinh nhai. Nhưng có lẽ chính bước ngoặt không có chủ ý ấy đã vô tình khiến ông trở thành một người giàu có, khi giờ đây ông đang sở hữu một kho tư liệu ảnh vô giá. Trong đó có những bức ảnh do ông tự chụp, có những bức do ông sưu tầm được. Và trong kho tư liệu ảnh quý ấy, có những bức được xem như… độc nhất vô nhị…

Có đến nhà ông Trịnh Đình Tiến thì mới thấy hết được “tầm cỡ” của cái kho tư liệu ấy. Khắp nơi trong gian phòng ông ở, đâu đâu cũng có ảnh. Tủ lớn, tủ nhỏ vẫn không xuể, thế là ông nghĩ ra một nơi chứa ảnh rất tốt mà lại không ảnh hưởng tới diện tích căn phòng, đó là: gầm giường. Phải dùng cả gầm giường để làm nơi chứa ảnh thì quả thật từ xưa tới nay tôi chưa từng thấy ai làm như thế bao giờ. Ngổn ngang những valy lớn, valy nhỏ.

Ông bảo: “Bất kỳ ai cũng có thể hiểu được lịch sử qua kho tư liệu ảnh của tôi”. Câu châm ngôn của ông là: “Nói có sách, mách có ảnh”. Những ảnh mà ông tự tay chụp hoặc sưu tầm đều được chia ra theo từng chủ đề rất cụ thể. Chẳng hạn là lịch sử từ các quảng trường xưa đến các quảng trường nay, từ các ngã tư đường phố xưa đến các ngã tư đường phố nay; người Hà Nội xưa và nay; phong cảnh, y phục, xe cộ qua từng thời kỳ của đất nước.

Đến lúc này thì ông mới thực sự ý thức rằng mình sẽ không bao giờ trở thành một nhà quay phim được nữa. Vì trong lịch sử chưa từng có một nhà quay phim nào mắt kém cả. Sau này, ông đã rất cố gắng để được vào học lớp phóng viên chiến tranh, nhưng học xong rồi lại không được phân công công tác.Khi tôi hỏi nguyên cớ gì khiến ông phải từ bỏ ước mơ trở thành một nhà quay phim để làm một nhiếp ảnh gia, ông kể: “Hồi ấy, tôi tham gia phụ quay cho bộ phim “Vợ chồng A Phủ”, đang quay thì hết phim, tôi phải đi lấy bản nối phim cho đoàn. Phương tiện đi bằng ngựa nhưng chẳng may gặp phải con ngựa bất kham, nó đã hất tôi xuống và đá vào mắt. Sau tai nạn ấy, tôi đã phải mất 2 năm trời chữa chạy mới khỏi nhưng con mắt đó hiện nay cũng chỉ nhìn thấy lờ mờ”.

Vì kế sinh nhai nên ông đã phải vác máy ảnh lang thang ở bờ hồ và công viên. Và ông cũng chính là một trong số rất ít những người đầu tiên chụp ảnh lưu niệm ở Công viên Thống Nhất. Còn nhớ khi ấy ông phải sát hạch ghê lắm vì nghề chụp ảnh lúc đó được coi như một nghề đặc doanh (kinh doanh đặc biệt).

Từ bé ông Tiến đã có sở thích chụp cổng chào Hà Nội. Vì thế nên ông đã chụp được một xêri cổng chào của các phố phường Hà Nội. Phố Hàng Thiếc thì làm cổng chào bằng tôn múi, phố hàng Bông thì làm cổng chào bằng bông, phố hàng Nón thì làm cổng chào bằng lá nón, phố hàng Đào thì lại làm cổng chào bằng vải điều đỏ…

Điều đó làm nên nét rất riêng của mỗi phố phường Hà Nội. Trong cuộc triển lãm “ống kính người Hà Nội chụp giải phóng thủ đô” nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thủ đô thì ông là nhà nhiếp ảnh trẻ nhất trong số 8 nhiếp ảnh gia góp mặt tại triển lãm bằng những bức ảnh chụp cổng chào Hà Nội.

Giờ đây, trong kho tư liệu ảnh của ông có vô vàn bức ảnh về cuộc sống của người Hà Nội xưa. Tôi được xem bức ảnh ông chụp cảnh uống bia ở Vườn hoa Cổ Tân (hay vẫn gọi là Bia Chuồng cọp). Cảnh người xếp hàng một dãy dài dằng dặc để được vào mua bia, hai bên là hàng rào dây thép gai, trên đó là một sợi dây xâu vào đồng xèng.

Đến lượt ai, người đó sẽ chạy theo đồng xèng vào tới chỗ của cô mậu dịch viên, rồi cô này sẽ đưa bia cho. Nhìn cảnh đó tôi mới thấy thấm thía về thời bao cấp xa xưa, đôi khi có tiền cũng chưa chắc đã mua được thứ mình muốn. Một bức ảnh khác nữa cũng khiến tôi rất xúc động.

Đó là bức ảnh các văn nghệ sĩ đang uống cà phê gánh Lâm “khói” (tên một người bán cà phê rất nổi tiếng ở phố Nguyễn Hữu Huân). Hai bên là 2 thùng gỗ, người bán cà phê ngồi giữa, còn các văn nghệ sĩ ngồi xung quanh. Trong bức ảnh đó có họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Nguyễn Sáng.

Là một người quen thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái nên nhà nhiếp ảnh Trịnh Đình Tiến không mấy khó khăn để chụp được những khoảnh khắc rất đời thường của người họa sĩ này: khi thì Bùi Xuân Phái ngồi uống rượu vui vẻ bên bạn bè, khi lại một mình ngất ngây nhả khói bên chiếc điếu cày…Hồi đó các họa sĩ thường xuyên thiếu tiền uống cà phê nên đã nghĩ ra một cách là: đổi tranh lấy cà phê. Mỗi cốc cà phê là một dấu X trên tường, và khoảng vài cái dấu X ấy người bán cà phê sẽ đổi lại được một bức tranh. Trong cuộc triển lãm tranh đầu tiên của mình, vị khách mời đầu tiên và đặc biệt của họa sĩ Bùi Xuân Phái không ai khác lại chính là ông chủ cà phê gánh Lâm “khói”. Và một điều bất ngờ là, giờ đây ông Lâm “khói” lại là người vô tình sưu tập được rất nhiều tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái, những bức tranh chưa từng được công bố.

Trịnh Đình Tiến khoe với tôi, ông có rất nhiều bức ảnh hiếm và độc về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vì ông là người đã không dời gót Trịnh Công Sơn khi lần đầu tiên người nhạc sĩ tài hoa này ra Hà Nội biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Có một bức ảnh mà ông chưa từng công bố bao giờ, đó là hình ảnh cố nhạc sĩ họ Trịnh đứng trước gương ngoài hành lang Nhà hát Lớn chỉn chu lại đầu tóc và trang phục trước khi lên sân khấu biểu diễn.

Rồi ông lại hào hứng chỉ cho tôi xem bức ảnh chụp một đứa bé theo bố đi uống bia, khi ấy nó ngồi khép nép bên cái bàn bia. Tôi hỏi đứa bé ấy giờ ra sao thì ông trả lời: “Giờ nó đã trở thành một nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng sau khi đã tốt nghiệp ở Mỹ về”.

Trịnh Đình Tiến tâm sự: “Chụp ảnh chính là niềm vui trong cuộc sống của tôi. Sở thích ấy không chỉ để thỏa mãn bản thân mà còn giúp ghi lại những khoảnh khắc đẹp cho con người và cho cuộc đời”.

Những bức ảnh mà ông chụp giờ trở thành nhân chứng của lịch sử. Thế hệ của chúng tôi nếu không nhìn vào những bức ảnh của ông thì làm sao có thể biết được chợ Đồng Xuân như thế nào trước khi bị cháy hay tàu điện chưa rỡ bỏ ở Hà Nội. Giờ đây, dù tuổi đã ngoài 70 nhưng ông vẫn là một cộng tác viên đắc lực của tạp chí Xưa và Nay.

Có những bức ảnh hiếm, không kiếm được ở đâu, người ta lại gọi đến ông. Không chỉ thích chụp ảnh, thích sưu tầm ảnh mà ông còn có một sở thích khác nữa là sưu tầm và lưu giữ tất cả những kỷ vật từ đời ông cha để lại.

Hiện trong kho tư liệu gia đình ông còn lưu giữ được không ít các trước tác của các đời chúa Trịnh cùng nhiều thư tịch cổ như: “Ngự bút thiên hòa danh bách vịnh” của Trịnh Cán, “Đại Nam văn uyển” của chúa Trịnh Sâm… Vào đầu thế kỷ thứ XX, cụ thân sinh ra ông là “Ông hoàng thủy tinh” Trịnh Đình Kính đã về quê dựng lên ngôi miếu thờ Trịnh Gia với tư cách là hậu duệ thứ 9 của chúa Trịnh Căn.

Nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến tâm sự: “Được chia sẻ những bức ảnh đẹp và quý với nhiều người cũng chính là mong muốn cháy bỏng của tôi. Hy vọng vào một ngày không xa tôi có thể chính thức công bố kho tài sản vô giá của mình để mọi người cùng thưởng thức. Vì đối với một nghệ sĩ nhiếp ảnh, khi chụp được những bức ảnh đẹp cũng giống như một nhà văn viết được một câu văn hay. Sướng vô cùng…”

Ngọc Anh –  Theo CAND

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 Download ProShow Producer 9.0 Full Crack Vĩnh Viễn