Một cuốn sách quí “Trang phục triều LÊ – TRỊNH”
Bạn Trịnh Quốc Huy vừa tặng BBT cuốn sách: TRANG PHỤC THỜI LÊ TRỊNH của tác giả: Trịnh Quang Vũ, nhà nghiên cứu Văn hóa - Lịch Sử, cuốn sách phục vụ Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa trang phục cổ của bạn đọc,Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa cho xuất bản cuốn sách “Trang phục triều Lê – Trịnh “ do nhà nghiên cứu,họa sĩ Trịnh Quang Vũ biên soạn.
Trong những năm gần đây,ông đã viết nhiều bài chuyên khảo mỹ thuật cổ có giá trị và một số cuốn sách nghiên cứu đã được bạn đọc trân trọng đón nhận và đánh giá cao.Ông đã từng được nhiều giải thưởng về nghiên cứu và phê bình của Hội Mỹ thuật Việt Nam (Mỹ thuật cổ năm 2011,Lược sử mỹ thuật Việt Nam ;Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam năm 2007).Những bài viết của ông về các di sản mỹ thuật đình chùa,điêu khắc,trang phục thời phong kiến rất được giới nghiên cứu và nghệ sĩ tạo hình đón nhận,vận dụng trong sáng tác tranh tượng về đề tài lịch sử.
Công trình nghiên cứu văn hóa trang phục cổ của nhà nghiên cứu là sự tích tụ lại một quá trình lịch sử về văn hóa ăn mặc,có thể giúp ích một cách đắc lực trong việc thể hiện đề tài lịch sử của các sáng tác mỹ thuật điện ảnh sân khấu .Đó chính là đóng góp mới,quý giá của cuốn sách.Chúng ta ngày nay và con cháu chúng ta,hậu thế mai sau hiểu rõ tiến trình lịch sử văn hóa của cha ông như thế nào ,ăn mặc như thế nào,sự đối đãi,giao lưu ở cấp độ nào ,để thấy rõ vai trò của chính chúng ta ,vai trò của dân tộc chúng ta ở cấp độ nào.
Cuốn sách giúp bạn đọc có thêm những kiến thức về lễ nghi,phẩm phục,của các triều đại phong kiến Việt Nam.Trang phục triều Lê –Trịnh được nghiên cứu nhiều năm,sưu tầm và sử dụng nhiều tài liệu có hình vẽ,tranh ảnh,trang phục được bảo tồn,được kiểm chứng ở trong và ngoài nước.Đồng thời tác giả là họa sĩ vận dụng sự hiểu biết của mình về mỹ thuật đã phục hồi lại các họa tiết hoa văn,rồng phượng của từng triều đại,các kiểu dáng trang phục tỉ mỉ,công phu “đồ mặc” bằng đồ họa của trang phục cổ xưa trước đây bị hủy hoại không còn nữa.Đó là những tài liệu quý giá rất cần thiếu cho thế hệ ngày nay.Trang phục cổ trong cung đình Việt Nam còn nhiều ẩn số,song “Trang phục triều Lê – Trịnh” đã khắc họa hình ảnh tổng quát,rõ nét về một giai đoạn lịch sử huy hoàng,nhiều biến động của trang phục suốt hơn 3 thế kỉ,từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18.
Sách Trang phục triều Lê- Trịnh có tác dụng nâng cao truyền thống văn hóa quý báu xưa,một thời rực rỡ,xán lạn để chúng ta sử dụng,phát triển và tự hào.
Rất mong bạn đọc gần xa góp ý kiến để cuốn sách được hoàn thiên hơn.
Lời nói đầu.
Lịch sử phát triển lễ nghi,phẩm phục các triều đại phong kiến Việt Nam là một ẩn số lớn,có nhiều góc khuất rất khó khăn khi khảo cứu.Các vua chúa Việt Nam đều rất chú trọng đến triều nghi phẩm phục và thường chịu ảnh hưởng theo Chu Lễ.Trải qua các Triều Đinh,Tiền Lê,Lý,Trần,qua thư tịch hiện rõ nét một phong cách truyền thống của dân tộc và giao thoa văn hoá Hán được biến cải .Tuy nhiên ,đất nước trải qua nhiều cuộc xâm lược của ngoại bang,với âm mưu đồng hóa và nội chiến.Ngoài ra ,còn do sự hủy hoại của các triều đại tiếp nối,rồi khí hậu nóng ẩm,nên đã không để lại nhiều hình ảnh,vật thể tư liệu thư tịch.Đề tài Trang phục triều Lê – Trịnh được nghiên cứu nhiều năm ,sử dụng nhiều tài liệu được kiểm chứng trong nước và ngoài nước,hệ thống quy chiếu ,đồng thời có vận dụng hiểu biết về mỹ thuật,để thiết kế phục hồi.
Trang phục triều Lê – Trịnh được trình bày khái quát một giai đoạn lịch sử dài,phản ánh quá trình phát triển về tổ chức,triều nghi,phẩm phục từ Thế kỷ 15 đến 18.
Khi người anh hùng áo vải đất Lam Sơn khởi nghĩa,đã có nhiều văn thần,võ tướng thời Trần đến tụ nghĩa.Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Bấy giờ vẫn theo danh hiệu cũ thời Trần gọi là Hành khiển,thượng hạ sảnh và môn hạ sảnh là tả hữu hỏa “ (1).Đến năm Thuận Thiên thứ II (1429) “Vua Thái Tổ ra lệnh cho các quan văn võ:quan võ từ Thượng tướng tước trí tự,phục hồi trở lên đều cho mặc áo đỏ tía ;quan văn từ Nhập nội đại hành khiển ,quan phục hầu trở lên cũng cho mặc áo đỏ tía”(2).Sau đó vua Thái Tổ giao cho quan Hành khiển Nguyễn Trãi định quy chế áo mũ,công việc chưa hoàn thành,nhà vua đã băng hà.Đến vua Thái Tông nối ngôi theo lời bàn của Lương Đăng : “Những khi tế trời,tế tôn miếu,lễ khánh tiết ,tết Nguyên Đán,vua mặc áo Long Cổn,đội mũ miện,lên ngự bảo tọa;còn thường triều ngày rằm và mồng một hàng tháng thì mặc áo hoàng bào đội mũ xung thiên,lên ngự kim tọa” (3).Theo Phan Huy Chú trong Lễ nghi chí,năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) triều Lê dùng loại mũ Cao sơn,đến năm 1437 quan võ trước đội mũ Chiết xung,đến đây cho đội mũ Cao sơn như quan văn.Sử gia họ Phan đã nhận xét :ba loại mũ này đều là mũ thời Trần đến thời Lê cũng thế.Những thư tịch tài liệu trên cho ta thấy triều Lê Sơ nửa đầu thế kỉ 15 vẫn theo triều nghi,phẩm phục triều Trần về đại thể.Những thay đổi lớn về phẩm phục là từ triều vua Lê Thánh Tông.
Nước Đại Việt lúc này đang hưng thịnh,đất đai mở rộng về phía nam,nho giáo phát triển,tập trung vương quyền.Vua Thánh Tông rất chú trọng về triều nghi,phẩm phục có dụ rằng : “Triều đình là chỗ lễ nhạc ,y phục để phô trương vẻ đẹp,danh phận rõ ràng ,không thể sai vượt được” (4).Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) ban mẫu đồ họa về các hoa dạng của bổ tử phẩm hàm (những hình đồ họa này tôi đã tìm được tư liệu do Pháp công bố năm 1905).Đến năm 1486 nhà vua lại cho thay đổi kiểu mũ chầu của các quan văn võ thống nhất đều đội mũ ô sa,hai cánh chuồn phải hướng ra phía trước,cấm không được ngang và lệch.Những thể chế này được kéo dài đến hết thời Lê sơ và đầu thời Lê – Trịnh.
Cuối thế kỉ 16 Trịnh Tùng tiêu diệt xong nhà Mạc,nhà Lê trở lại vương vị ở Thăng Long .Năm Kỉ Hợi (1599) Trịnh Tùng được gia phong Đô nguyên soái tổng quốc chính.Thượng phụ bình An Vương,ban cho sách vàng ấn báu (Bình An vương tỷ).Từ đó trở đi Trịnh Vương để được thế tập vương vị,nước ta xuất hiện thể chế lưỡng đầu,vua Lê –chúa Trịnh,hình thành triều đình và phủ đình.Vua Lê giữ uy phúc,chúa Trịnh giữ quyền binh,thiết lập các cơ quan bộ máy hành chính trong nước nắm thực quyền.Trong bối cảnh lịch sử này,về phẩn phục được phân định như sau: Phẩm phục các quan khi chầu vua Lê ở Hoàng Thành trong triều đình có trang phục đại triều rực rỡ,mũ mão cân đai phẩm tước.Khi các quan đến hầu chúa,làm việc tại phủ đình trang phục thường triều có bổ tử,đội mũ ô sa chỉ đen đột nổi,mặc áo thanh cát có lá phủ tay thụng,thắt dây thao,đeo ngọc,đi tất hia.Đến đời chúa Trịnh Tạc,năm Tân Sửu (1661) niên hiệu Vĩnh Thọ thứ tư có sự thay đổi lớn về phẩm phục,nghi vệ đi đường.
Sang đầu thế kỷ 18,đời chúa Trịnh Cương định lại quy chế phẩm phục vào năm Bảo Thái (1720) là hoàn thiện nhất.Sử gia Phan Huy Chú viết : “Quy chế phẩm phục triều Lê từ năm Bảo Thái định rõ trở về sau,hơn 80 năm cho đến khi nhà Lê mất vẫn không thay đổi.Chính,gián màu sắc văn vẻ khác nhau là để tỏ rõ thứ bậc ,phân biệt trên dưới thực là quy chế văn minh không thể vượt qua được” (5).Đó là lời nhận xét đánh giá cao về phẩm phục triều Lê Trịnh.Phan Huy Chú viết tiếp: “Cuộc đời đã biến chuyển,quy chế cũng thay đổi thì y phục đời trước đã thành ra thứ cũ rách bỏ,không thể dùng được nữa.Văn mỗi thời một khác,có người nổi lên tất một phen châm chước mới được”(6).
Kể từ khi triều Lê-Trịnh mất ,Tây Sơn ra Bắc,kinh đô Thăng Long trở thành Bắc Thành,13 năm sau chúa Nguyễn Ánh diệt xong nhà Tây Sơn,năm 1802 lên ngôi,lấy niên hiệu Gia Long.Năm 1806 vua Gia Long quy định phẩm phục ,quy định thứ dân đội khăn Phong Cân (khăn chit đầu,áo dài cổ chéo màu đen) trong toàn cõi Việt Nam.Sau đó vua Minh Mạng bắt Đàng Ngoài từ Hà Tĩnh trở về Bắc,phải thay đổi y phục ,theo trang phục Đàng Trong,phục nữ Bắc phải bỏ mặc váy,mặc quần (hạ y).Bỏ dần trang phục thời Lê-Trịnh,đẩy lùi về quá khứ.
Thời gian đã qua nhanh hai thế kỷ,những trang phục thời Lê-Trịnh cũ nát mọi hình ảnh đều biến mất,chỉ còn được ghi lại chút ít trong thư tịch cổ.Những lời tả trong trong thư tịch như Lê triều chiếu lệnh thiện chính,Lịch triều hiến chương loại chí,Lê triều hội điển,Đại Việt sử ký toàn thư,Đại Việt sử ký tục biên…không giúp chúng ta hiểu cụ thể về các trang phục ,phẩm phục,các kiểu mũ bài,đai hia về hình dáng,màu sắc,họa tiết hoa văn…
Ngày nay việc tìm hiểu trang phục các triều đại xa xưa là rất cần thiết nhằm giáo dục văn hóa truyền thống,làm phim lịch sử,sân khấu …Để hiểu rõ trang phục giai đoạn lịch sử này ,tác giả cuốn “Trang phục triều Lê –Trịnh” đã tập hợp được nguồn tài liệu phong phú trong nước và nước ngoài có nhiều hình vẽ rất cụ thể nhưng quá hiếm hoi .Trong quá trình đi thu thập điền dã cũng chỉ gặp được vài ba bộ trong nhân dân,là các hậu duệ còn giữ lại được trang phục thời Lê –Trịnh ,trong bảo tàng Hà Nội do người Pháp thu thập lại.Trong những tư liệu văn bản có bộ Quốc triều thiện chí hay Quốc triều hội điển mang ký hiệu A257 của trường Viễn Đông Bác Cổ gồm các chiếu lệnh từ lúc nhà Lê Trịnh trung hưng cho đến năm 1734(7).Ngày nay,bộ Quốc triều thiện chí tập chỉ còn một phần nói về các Bộ Hộ,Bộ Binh và Bộ Lễ,mất hẳn các phần Bộ Lại,Bộ Hình,Bộ Công.
Rất may là bộ Quốc Triều ,quyển thứ ba có viết về phẩm phục từ thời chúa Trịnh Tạc,Trịnh Cương tới khi suy vong,năm 1789.Nội dung sách rất cụ thể,phong phú có nhiều lời tả về các vật liệu gấm vóc,trang phục đồ Nam (Việt),đồ Bắc (Trung Quốc) được xem như một quyển hội điển.Ở phần trang phục dân gian,áo mặc đều dùng the,lượt,vải lụa,không cài khuy (buộc vạt),hòm chap sơn tía sơn đen.Khi ở trong làng ,xã có lễ tế thần ,cầu phúc hay các tiệc vui mừng,hát xướng,đều được dùng mũ thanh cát,áo lam,không cài khuy.
Các vẽ màu sắc về quý vật cấm.Những người yếu đuối,được dùng cáng võng đòn tre.Đặc biệt là các thợ phải biết về các luật cấm các màu sắc rồng phượng là đồ vua chúa,không được làm để bán dấu ,hoặc bán cho nước ngoài .Các thứ đồ quan chế,phẩm phục phải làm theo cách thức không được tiếm dụng…Chính từ những quy định chặt chẽ này,một số hình ảnh tranh,tượng chân dung của các vương công quý tộc ở thế kỷ 17 và 18 là những tài liệu vật thể hiện tồn,đã đóng góp rất nhiều cho các kiểu cách phẩm phục về áo ,mũ,đai,hia rất phong phú ở thời kỳ này.
Hình ảnh tranh tượng cổ về những nhân vật lịch sử được kết hợp với các bộ gia phả,ngọc phả cung cấp rõ tên tuổi,chức tước của họ lúc họa sĩ vẽ tranh,khi làm tượng có tên tuổi rõ ràng.Những pho tượng này đã được giới mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao trong nghệ thuật tạo hình của nước ta.Sách mỹ thuật châu Á viết như sau: “Nghệ thuật nhà Trịnh (1533-1789) được đánh dấu là từ cuối thế kỷ 16 bằng sự phát triển các công trình tưởng nhớ tổ tiên và các anh hùng dân tộc…phục hưng các công trình nghệ thuật cổ : Xu hướng “dân tộc” đã dẫn đến trong lĩnh vực trang trí và điêu khắc,từ bỏ các đề tài chịu ảnh hưởng của Trung Hoa,thay thế bằng một phong cách và quan niệm thẩm mỹ độc đáo hơn với các hình dạng phức tạp hơn …Nghề làm tượng (nhất là gỗ sơn nhiều màu) có chất lượng cao và gồm các tác phẩm đầy hiện thực và biểu hiện tính độc đáo.(8)
Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã liên tục phát hiện ra hàng loạt ngôi mộ cổ từ vua,quan,vương phi,quận chúa,quý tộc hé lộ nhiều hình ảnh phẩm phục quý giá để có thể hình dung tổng quát và nhiều hình ảnh,cứ liệu đồ dùng cá nhân đủ mọi tầng lớp trong giai đoạn lịch sử này.Nhiều loại áo long bào đầy đủ họa tiết rồng mây,áo quận chúa ,phu nhân có hoa văn rồng phượng,hoa sen,hoa hồng,hoa mẫu đơn,biểu tượng hạ tiết Phật giáo,chim cá…hiện lên trên nhiều loại gấm vóc,sa đoạn đầy sức thuyết phục.Những hiện vật trang phục cụ thể trong các ngôi mộ là những hình ảnh thực minh chứng cho lời tả trong các thư tịch cổ.Trang phục vương triều Lê-Trịnh đã hiện rõ bằng văn hóa trang phục vật thể của một thời kỳ phát triển rực rỡ vàng son,được nhiều người phương Tây đến đây chứng kiến ca ngợi và buôn bán tơ lụa của nước ta mang về châu Âu.
Những tư liệu trang phục cổ trong cuốn sách này còn được vẽ ra đồ họa các kiểu dáng hoa văn để từ đó ta có thể phục dựng lại được các trang phục cổ ,phẩm phục từ thế kỷ 18 trở về trước.
Trong sách trang phục này còn có những tài liệu được thu thập của Jean-Baptiste Tavernier từ sách gốc năm 1679 Paris,có nhiều hình ảnh của S.Baron mà những hình vẽ rất hiện thực của người Việt Nam đương thời vẽ (lời kể của S.Baron) của giáo sĩ người Italia Marini…Những hình ảnh và tư liệu,tranh vẽ,ảnh chụp trang phục cổ ,phục chế lại.
Từ những nghiên cứu lịch sử trong Trang phục triều Lê-Trịnh cho ta thấy một hình ảnh tổng quát diễn biến qua từng giai đoạn ,giúp cho nhiều nhà nghiên cứu tham khảo và sử dụng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khi cần đến trang phục thời kỳ này.
Trang phục triều Lê – Trịnh đã có nhiều cố gắng để đưa ra những tư liệu bằng hình ảnh và tổng quan về một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động của trang phục ,không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót.Tác giả mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp cho cuốn sách ngày càng hoàn thiện hơn
Cuốn sách được hoàn thành với sự đóng góp của nhà khoa học Trịnh Quang Dũng đã có nhiều tài liệu lưu trữ,sưu tầm trong và ngoài nước quý hiếm.Cám ơn Tiến sĩ Trịnh Tất Đạt,Nhà xuất bản Từ điển bách khoa,họa sĩ Trần Khánh Chương đã giúp đỡ cho cuốn sách Trang phục triều Lê –Trịnh sớm ra mắt bạn đọc
Đây là cuốn sách quí, cần thiết cho việc nghiên cứu các trang phục , lễ nghi thời Lê- Trịnh thế kỷ 16, 17, 18 với những minh họa, ảnh miêu tả thực và độc đáo trên các sự kiện khai quật các mộ cổ và đang hiện diện ở các chùa, đền nhiều vùng của Việt Nam.
Tham khảo video :
Lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam được ghi nhận không chỉ qua các câu chuyện huyền thoại hay trong các trang sách sử, mà nó còn hiển hiện rõ nét trên các di tích , di chỉ, các tác phẩm mỹ thuật tạo hình dân gian. Cùng với những cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học ngày càng chứng minh cho chúng ta thấy, Việt Nam từ ngàn đời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang đến nay đã hình thành nên những nền tảng cơ bản của văn hóa, trong đó trang phục có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt.
Bộ phim là một thiên ký sự mà mỗi tập là một chặng đường với câu chuyện riêng, thì thầm nói với chúng ta, trên cái đất Việt điện U linh này sông Hồng và Cửu Long vẫn chảy, người Việt vẫn sinh tồn, dù còn gian khó nhưng luôn lưu giữ một nền văn hóa tinh tế, rực rỡ ẩn chứa trong từng tấm áo, mảnh bào. Đi tìm trang phục Việt là một thiên ký sự sinh động về nền mỹ thuật cổ đặc sắc của dân tộc Việt
Trang phục vương triều Lê- Trịnh
Trang phục triều Lê sơ- Mạc, Lê Trịnh
Trang phục dân gian thời Trịnh Nguyễn
Địa chỉ bạn Trịnh Quốc Huy: Thôn Bồng Trung, xã Vĩnh Minh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa
ĐT: 0933.013.666;
Email: Huytg.ktv@gmail.com
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet