Khảo sát di tích và tư liệu Hán Nôm ở Trà Lâm
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hợp (trái) cùng đại diện họ Trịnh ở Trà Lâm bên bia đá cổ ở nhà trưởng họ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hợp (trái) cùng đại diện họ Trịnh ở Trà Lâm bên bia đá cổ ở nhà trưởng họ.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Trịnh Quang Dê, nguyên Chủ tịch UBND huyện, ở thôn Trà Lâm, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành. Ông Dê cũng biết Hán Nôm, trong họ còn có ông Trịnh Quang Câu giỏi Hán Nôm. Hai ông và một số vị trong họ đưa chúng tôi đi thăm các di vật Hán Nôm dòng họ còn giữ được.
Trước hết là hệ thống bia đá, gồm 3 bia ở nhà trưởng họ, và một bia đặt ở nhà thứ. Hai nhà thờ này làm bằng gỗ lim ở gần nhau nhưng đều hư hỏng hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp không thể khôi phục lại được. Hai bia to hình tứ giác cao bằng nhau, chữ viết bốn mặt, một mặt ghi Phụng sự hậu phật bi kí, một mặt ghi Bản xã phụng sự ước văn. Một bia chữ rõ nét dễ đọc, một bia bị mờ khó đọc. Bia rõ có thác bản lưu trữ ở Thư viện Hán Nôm số 3594-87, khoảng 2600 chữ, dựng năm Chính Hoà thứ hai mươi (1699). Bia nhỏ chữ cũng khó đọc là bia gia phả ghi chép 6 đời từ cụ thuỷ tổ Trịnh Tông. Bia nhỡ chữ viết hai mặt đề Phụng sự hậu thần bi kí và Bản xã phụng sự ước văn, bia dựng năm Nhâm Thân Cảnh Hưng thứ 13 (1752). Bia có thác bản ở Thư viện Hán Nôm chưa có bản dịch, mà chỉ tóm tắt nội dung như sau: Bia để ở đền thờ họ Trịnh xã Trà Lâm, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh. Ông Nguyễn Sĩ Trạc, thị nội thư tả viết, các ông Nhuệ Nghĩa, Tín Nghĩa ở Thạch ngọc cục khắc bia, dựng năm Chính Hoà thứ 20 đời Lê, bia 4 mặt khổ 46 x 47 cm.
Thị nội cung tần chúa Trịnh Tạc là bà Nguyễn Quý Thị hiệu Đoan Trang có tài sắc nết na được tuyển vào cung cấm từ thời trẻ, được chúa rất sủng ái. Bà sinh 2 con là Hoa quận chúa Trịnh Thị Ngọc Tú và Điều Thọ hầu Trịnh Tông. Các con bà đều rất hiển đạt và giàu sang phú quý. Nay con cháu bà muốn đền ơn đáp nghĩa công ơn của bà đã bỏ ra 200 quan tiền và một số ruộng tốt giúp dân làng Trà Lâm do vậy làng Trà Lâm cảm công đức lớn lao ấy tôn bà Đoan Trang là hậu phật thờ cúng ở chùa và nhà thờ họ có đặt nghi thức cúng tế hàng năm.
Ngoài bia đá là hệ thống văn bản gỗ gồm: hoành phi, câu đối, bài vị, gia phả khá phong phú. Riêng các văn bản bằng giấy thì đã bị cháy hỏng từ khi nhà thờ trúng bom Pháp từ lâu. Hiện nay di tích về ngôi nhà thờ này chỉ là những tấm đá lớn và một số chân cột lớn mà thôi, nhưng điều đó cũng chứng tỏ ngôi nhà thờ rất khang trang, thể hiện một dòng họ thành đạt, có danh vọng.
Dòng họ còn 3 ngôi mộ cổ xây kiểu hợp chất ướp xác gồm mộ cụ Đoan Trang, mộ cụ Trịnh Cung Phi và mộ cụ làm quan chức Cai tri lục sở. Về cụ Trịnh Cung Phi có ghi chép trong sách Bắc Ninh địa dư chí mấy dòng: Cung phi nhà Lê họ Trịnh người xã Trà Lâm huyện Siêu Loại, dòng dõi Trịnh Kiểm.
Theo thế phả họ Trịnh thì Tây vương Trịnh Tạc là đời chúa thứ 4, cụ Điều Thọ hầu Trịnh Tông là con thứ 7 của chúa Trịnh Tạc. Cụ Trịnh Tông theo mẹ về ở Trà Lâm khoảng cuối thế kỉ 17, truyền đến nay được 12 đời. Như vậy họ Trịnh ở Trà Lâm cư ngụ vào thời bình yên chứ không phải do loạn lạc thời Tây Sơn sau này.
Hiện không có tư liệu gia phả để xác định cụ Đoan Trang có phải là hậu duệ các vị tiến sĩ họ Nguyễn ở Trà Lâm không.
Qua chuyến khảo sát tư liệu Hán Nôm này chúng tôi được biết chính xác thêm về dòng họ Trịnh nhà chúa có một chi trực hệ đã về sinh sống ở Thuận Thành. Từ đây lại phát hiện ra ở Thuận Thành còn một chi họ Trịnh nữa hiện cư trú ở thôn Thuỵ Mão, mà cụ tổ là chú cụ Điều Thọ hầu Trịnh Tông ở Trà Lâm. Chi họ Trịnh ở Thụy Mão hiện có nhiều người hoạt động văn hóa, như cụ Trịnh Triều là nghệ nhân nặn tượng, nhà thơ Trịnh Văn, tác giả tập thơ Trước lăng Kinh Dương Vương; đại tá Trịnh Ngữ; nhà giáo Trịnh Khôi…
Chúng tôi còn thu hoạch thêm một chi tiết thú vị nữa là xác định được tên Nôm làng Trà Lâm mà lâu nay ít người còn nhớ đến, kể cả người làng, đó là tên Chã, làng Chã, kẻ Chã, chuyển sang tự là Trà, thêm chữ Lâm cho rõ nghĩa đẹp của tên làng thành Trà Lâm. Khác hẳn cách giải nghĩa của nhiều người cho rằng vùng này trước đây là rừng cây hoa Trà nên có tên là Trà Lâm
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet