Hướng tới ngày giỗ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm 18/2



Thời gian tới, Họ Trịnh Việt Nam sẽ có nhiều công việc lớn phải làm như : Tổ chức ngày giỗ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm; khởi động các công việc xây dựng lăng mộ chúa Trịnh Tùng, củng cố công tác tổ chức... Trinhtoc.com giới thiệu nội dung cuộc hội thảo khoa học về vai trò, vị trí các chúa Trịnh trong 3 thế kỷ 16, 17, 18 mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị

VỊ TRÍ VÀ VAI TRÒ CÁC CHÚA TRỊNH TRONG CÔNG CUỘC
KHÔI PHỤC QUỐC THỐNG NHÀ LÊ ( 1533-1788 )

Nhà Trịnh tuy không phải là một vương triều chính thức như các vương triều ; Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, nhưng sự hiện diện suốt cả một thời kỳ dài trong lịch sử Trung đại Việt Nam ( thời kỳ vua Lê chúa Trịnh ) đã khảng định vai trò to lớn và quyết định của nhà Trịnh đối với sự nghiệp Trung Hưng của nhà Lê, kể từ nửa đầu thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 18. Vương triều Lê- Trịnh tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử đất nước ta, có vua và có chúa cùng cầm quyền, điều hành đất nước theo thể thức : “ Vua trị vì- Chúa chấp chính”. Tuy có phủ Liêu của Chúa và triều đình của vua nhưng là một cơ chế quyền lực thống nhất, để thích hợp với lòng dân và tình thế đất nước. Vì vậy đã có những cống hiến to lớn cho dân tộc ta về cả 2 mặt : Bảo vệ và Xây dựng đất nước.

Nhiều di sản lịch sử về Văn hóa, Kinh tế, Xã hội, Chính trị, Ngoại giao, Quân sự… có công lao, tài đức nhằm đưa đất nước thoát khỏi sự bế tắc, thúc đẩy sự phát triển của xã hội Việt Nam trong thời kỳ này. Nhiều vị Chúa đã được sử gia Phan Huy Chú đánh giá rất cao, đó là : Trịnh Kiểm cùng với Nguyễn Kim khôi phục nhà Lê;, Là Triết Vương Trịnh Tùng- người có tính khoan hậu, yêu người, khéo vỗ về tướng sỹ, đoán tình thế của giặc không sai, dùng binh như thần… công trùm thiên hạ, oai lừng khắp nơi. Đó là Văn tổ Nghị vương Trịnh Tráng “ tín trọng nho thần, kính cẩn, cần kiệm, khiêm tốn, nhún nhường, giữ phép tắc”. Đó là Khang vương Trịnh Căn “ thưởng phạt rõ ràng, mối giường chỉnh đốn, cất dùng anh tài”. Là Trịnh Cương “ nhà cải cách lớn” và có những người rất giỏi thơ văn như : Trịnh Doanh; Trịnh Sâm…

Các Chúa Trịnh là những người thực sự gánh vác, chăm lo và chịu trách nhiệm nặng nề về mọi công việc xây dựng, mở mang và bảo vệ vững chắc đất đất nước Đại Việt. Giữa một giai đoạn lịch sử đất nước đầy những biến động sôi động và cực kỳ phức tạp ở trong cũng như ngoài nước, tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân Đại Việt.

Để đánh giá và ghi nhận công lao, vị trí và vai trò các Chúa Trịnh trong công cuộc đấu tranh, giành lại Quốc thống nhà Lê, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày 12 và 13 tháng 1 năm 1995, tại Thanh Hóa, Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Viện Sử học Việt Nam và huyện Vĩnh Lộc đã tổ chức Hội thảo khoa học về “ Các Chúa Trịnh- vị trí và vai trò lịch sử”. Nội dung Hội thảo được tổng hợp như sau :

Trích báo cáo tổng kết Hội thảo khoa học về
“ Các Chúa Trịnh – Vị trí – Vai trò lịch sử”

( Do Giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng viện sử học Việt Nam tổng kết trong hội thảo khoa học : “ Các Chúa Trịnh- vị trí – vai trò lịch sử” do Ban nghiên cứu và biên soạn Lịch sử Thanh Hóa phối hợp với Viện sử học Việt Nam; Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Thanh Hóa tháng 1 năm 1995).

Các Chúa Trịnh tồn tại trong lịch sử dân tộc hơn 200 năm vào các thế kỷ : 16, 17, 18, cho đến nay, ba bốn trăm năm đã trôi qua nhưng nhận thức về các Chúa Trịnh- Vai trò lịch sử còn nhiều điểm vẫn chưa rõ ràng, thậm chí còn sai lệch. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, nhờ không khí đổi mới của đất nước, chúng ta có điều kiện nhìn nhận, đánh giá lại vai trò, vị trí các Chúa Trịnh trong lịch sử Việt Nam một cách khách quan, khoa học. Vì vậy, cuộc “ Hội thảo khoa học về các Chúa Trịnh của chúng ta hiện nay thật cần thiết, lý thú và bổ ích”. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng: Đây là cuộc Hội thảo đầu tiên về các Chúa Trịnh chứ không phải là duy nhất, vì cũng như bất cứ cuộc Hội thảo lịch sử nào, cũng không cho phép tự coi mình như là tiếng nói cuối cùng.

Gần 100 đại biểu với hơn 50 bản tham luận và hơn 30 lượt người phát biểu, tranh luận với tinh thần thực sự khách quan, khoa học và đầy trách nhiệm trước lịch sử.

Hội thảo thống nhất đánh giá các nội dung lớn như sau :

1. Việc các Chúa Trịnh, như lâu nay vẫn thường gọi là : “ Tiếm quyền”; “ Lấn át”….Vua Lê, là cần thiết hay không cần thiết ?

Hội thảo đã thảo luận sôi nổi và đi đến nhất trí rằng : Trong bối cảnh lịch sử – xã hội Việt Nam lúc đó, khi mà con cháu vua Lê không còn đủ sức để cai quản đất nước, khủng khoảng kinh tế- xã hội diễn ra có lúc trầm trọng, nông dân khởi nghĩa liên miên, bọn ngoại xâm cũng không từ bỏ âm mưu xâm lược… cả dân tộc đang cần có một chính quyền đủ sức bảo vệ độc lập dân tộc và phát triển đất nước, nhưng không muốn đụng chạm đến ngai vàng bởi âm hưởng đức độ của các vua Lê tiền bối; cộng với tư tưởng “ Trung Quân- Ái Quốc” đã thấm vào máu thịt các nhà nho, các tầng lớp nhân dân. Đó là một mâu thuẫn lớn không dễ giải quyết.

Trong điều kiện xã hội Việt Nam như vậy thì việc các Chúa Trịnh từng bước “lấn át” vua Lê là tất yếu khách quan. Thực tế lịch sử đặt ra yêu cầu các Chúa Trịnh phải nắm thực quyền để điều hành đất nước; và để phần nào giải quyết mâu thuẫn trên, bên cạnh “ Lục bộ” của vua lê, các Chúa Trịnh đã khôn khéo đặt ra “ Lục phiên” của Phủ Chúa để thực sự nắm quyền hành động.
Thực tế lịch sử cho thấy, nếu chính quyền của Chúa Trịnh không hợp lòng dân, không đảm đương nổi nhiệm vụ quản lý và điều hành đất nước, ổn định đời sống xã hội ( tất nhiên có mức độ ) thì không thể tồn tại tới hơn 200 năm./

2. Những công lao đóng góp của các Chúa Trịnh với lịch sử Việt Nam thế kỷ 16-17-18

– Về đối ngoại : Đã giữ được kỷ cương, phép nước để xã hội phong kiến Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển. Giữ gìn được độc lập dân tộc, không những không bị Trung Quốc xâm lược mà còn bảo vệ được lãnh thổ quốc gia ( Như đòi lại được khu mỏ đồng Tụ Long ( Hà Giang ) mà Trung Quốc đã chiếm đóng ).

– Phát triển đất nước: Đã tiến hành được một số cải tiến, đổi mới mà tiêu biểu là Chúa Trịnh Cương; đã cải tiến quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến bộ máy quản lý hành chính, cải tiến chế độ giáo dục, thi cử, nâng cao chất lượng tuyển chọn nhân tài. Cải tiến ít nhiều tổ chức quân sự; tăng thêm tiềm lực quốc phòng./

– Phố Hiến – Kinh kỳ thời này được mở mang và phát triển sầm uất là biểu hiện của những chính sách tiến bộ về kinh tế của các chúa Trịnh. Tuy nhiên, những tiến bộ đổi mới ấy đều có cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao, chỉ là những giải pháp tình thế, nhất thời; chưa đến tầm của một cải cách đổi mới toàn diện.

3. Những gương mặt nổi bật trong dòng dõi các Chúa Trịnh.

Buổi đầu Hội thảo thừ nhận một số nhân vật trong dòng dõi các Chúa Trịnh đã có những cống hiến trong nhiều lĩnh vực cho đất nước :
– Trịnh Sâm; Trịnh Cương là nhà quản lý vừa là nhà thơ nổi tiếng.
– Trịnh Thị ngọc Trúc với “ Chi nam ngọc âm giải nghĩa” vừa có tính văn học, vừa có tính từ điển học và “ Phật thuyết bảo phục mẫu âm” của Trịnh Quán cũng có những cống hiến nhất định về văn hóa. Đó là những phát hiện mới mẻ trong cuộc hội thảo này.
– Về quân sự, họ Trịnh có những cải tiến về tổ chức nhưng nhìn chung, cũng chưa mạnh. Trịnh Tùng nổi lên như là một nhà quân sự tài ba thì Hội thảo đã nhất trí đánh giá.

4. Sau khi làm rõ thêm một bước công lao đóng góp của các Chúa Trịnh, Hội thảo kiến nghị :

a, Đây là hội thảo khoa học đầu tiên đánh giá lại vị trí , vai trò các Chúa Trịnh, đã giải quyết được một số vấn đề cơ bản về những đóng góp của các Chúa Trịnh đối với lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ 16-17-18. Vì vậy việc biên soạn các giáo trình lịch sử, sách giáo khoa lịch sử về các Chúa Trịnh cần phải có sự sửa chữa lại cho đúng mức hơn. Trong Nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy lịch sử chúng ta đã bỏ dùng từ “ Ngụy, Nhuận” đối với nhà Hồ, nhà Mạc, nhà Tây Sơn. Đối với các Chúa Trịnh, cũng cần phải sửa chữa lại cho đúng với thực tế lịch sử.
b. Ghi công lao họ Trịnh bằng lấy tên một số danh nhân họ Trịnh đặt tên cho các đường phố.

c. Những di tích lịch sử của các Chúa Trịnh để lại như : Nghè Vẹt; Đền thờ Thái tể Hoàng Đình Ái; Phủ Trịnh đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, cần phải nhanh chóng được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia và có sự đầu tư thích đáng, khẩn cấp để bảo vệ và tôn tạo. Đồng thời cần phải qui hoạch lại và công nhận cụm di tích lịch sử có liên quan tới nhà Trịnh ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
d. Tổ chức, sưu tầm và giới thiệu các tác phẩm văn học, điêu khắc thời lê- Trịnh./

Tuấn Anh ( thực hiện)

There are no comments yet

Tin khác đã đăng