Hội thảo nhân 385 năm ngày mất của Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng



Có lẽ ứng với ngày 20 tháng 6 Âm lịch năm 1623, ngày 22/7/2008, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng họ Trịnh Việt Nam sẽ tổ chức lễ kỷ niệm và Hội thảo nhân 385 năm ngày mất của Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng (1550-1623) vị chúa đầu tiên trong các chúa Trịnh

Xét theo thế thứ, ông là đời thứ hai của họ Trịnh kế tục việc “phù Lê” suốt 249 năm dằng dặc trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, vì cha của Trịnh Tùng là Trịnh Kiểm chỉ mới được phong tước công, còn tên thụy Thái vương của Chúa tiên khởi Trịnh Kiểm là do đời sau đặt.

Phải từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước vương khi còn tại vị, được gọi là chúa và lập thế tử, nên ông được xem là vị chúa Trịnh chính thức đầu tiên.”…Dưới một người trên muôn người và na ná như một Tào Tháo của… Việt Nam!”.
Có chi đó hơi bất ngờ và thú vị khi tôi được nghe Tiến sĩ sử học người Nga Vladimir Ivanovitch Antoshchenko từng bỏ rất nhiều thời gian công sức và tâm huyết để nghiên cứu giai đoạn lịch sử Việt Vua Lê Chúa Trịnh, trong giờ nghỉ giải lao tại một hội thảo quốc tế về Nho giáo ở Hà Nội năm ngoái đã tóm lược đại loại thế về nhân vật độc đáo trong lịch sử Việt: Trịnh Tùng!

Chính từ bên lề cuộc hội thảo ấy, từ sự khái quát hơi ngồ ngộ ấy của vị TS sử học người Nga nọ, tôi đã có dịp gặp gỡ nhiều vị làm sử danh tiếng thấy bừng ra nhiều điều mà trước đây còn mờ nhòe.

Trên một người dưới muôn người hẳn đã rõ. Có thể nói ngày 20 tháng 8 năm Canh Ngọ (1570) sau thời điểm thân phụ là Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm mất ít tháng, vua Lê Anh Tông (Lê Duy Bang) sắc phong Trịnh Tùng làm Trưởng quận công tiết chế các dinh thủy bộ cầm quân đánh giặc là thời điểm ứng với những lời nhận xét trong “Đại Việt sử ký Toàn thư” (Toàn thư): “Ngọc Bảo sinh con là Trịnh Tùng, tài đức hơn người anh hùng nhất đời có thể nối được chí cha giúp nên nghiệp đế. Công trung hưng của Triều Lê thực dựng nền từ đấy”. (Toàn thư, tr.139. T. III. NXBKHXH 1993).

Các tướng dưới trướng và mưu sĩ khi ấy đều tinh những hào kiệt như Vinh quận công Hoàng Đình Ái, Trịnh Mô, Lê Cập Đệ, Trịnh Bách, Trịnh Vĩnh Thiệu, Đặng Huấn, Phan Công Tích, Hà Thọ Lộc… 12 ngưòi cả thảy đều tận tâm phò rập. Chẳng cần tham khảo thêm các cuốn chính sử khác làm gì, nội “Toàn thư” thôi mà sứ thần Ngô Sĩ Liên trong việc miêu tả hàng trăm trận đánh nhỏ, hàng chục trận đánh lớn trong hơn 20 năm trận mạc của vị tướng Trịnh Tùng đã phải dùng đến 21 lần cụm từ “quân Mạc sợ vỡ mật” để nói lên tài thao lược đánh dẹp nội loạn của vị Tổng chỉ huy quân đội này.

Để đến mùa xuân năm 1593 giải phóng thành Thăng Long, Quốc công Tiết chế Trịnh Tùng sai thợ xây dựng cung điện, làm hành cung ở phía Tây Nam thành Thăng Long, phía Bắc Ô Cầu Dừa một tháng thì xong.

Rồi Trịnh Tùng sai các đại thần và các quan văn võ sắm bày cờ xí chỉnh đốn binh tượng để chuẩn bị đón thánh giá. Vua từ hành cung Vạn Lại Thanh Hoa qua thành Tây Đô qua các huyện Mỹ Lương, Chương Đức đi một tháng đến huyện Thanh Oai thì đóng quân.
Tiết chế Trịnh Tùng lại thân đem các quan đến huyện Thanh Oai đón rước thánh giá cử nhã nhạc cùng về kinh! Trong lời chiếu ngày 16 tháng 4 năm ấy, từ chính điện, vua Lê Kính Tông, có lẽ trong những biểu chiếu tôn vinh tướng sĩ của các triều đại phong kiến Việt Nam chưa có ai dám hào phóng buông những lời này “việc dực phù nhật nguyệt, chỉnh đốn càn khôn thì nhờ ở công đức của Minh Khang Thái Vương cùng Tổng quốc chính thượng phụ Trịnh Tùng”.

Ngày mồng 7 tháng 4 năm 1599, vua tấn phong Trịnh Tùng làm Đô Nguyên suý Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương. Trong kim sách có câu “bày mưu đặt kế giữ yên xã tắc công lao tỏ sáng giữa trời. Giữ tín giảng hoà láng giềng sách giỏi giữ êm ngàn cõi. Công đã ngất cao vũ trụ, vị đứng đầu khắp thần liêu!”.
Đánh dẹp thắng lợi nhà Mạc. Giải phóng Thăng Long. Mặc dầu đây đó còn dư đảng và tàn quân Mạc nhưng có thể nói, thời điểm đó đất nước ta đã tạm yên hàn sau hàng chục năm dân tình khốn đốn binh đao khói lửa vì nội loạn.

Nói là thống nhất xã tắc sơn hà thì còn phải bàn xét nhưng đất nước mình khi đó, mạn Bắc lẫn mạn Nam đều bặt vắng nạn binh đao. Binh đao trận mạc lẫn chia cắt thì phải mãi sau này nhưng khi đó, mạn Nam thì Thái phó Đoan Quận công Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa đích thân đem tướng sĩ voi ngựa thuyền ghe về Kinh lạy chào.
Đem sổ sách về binh lương tiền lụa vàng bạc châu báu kho tàng của hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam dâng nộp. Có một chi tiết khá thú vị chép trong “Toàn thư” là Thái phó Đoan quận công Nguyễn Hoàng, vốn là người đa tài qua bao năm trấn thủ vùng Thuận Quảng đã thiết kế mẫu rồi tự tay đóng tặng cho cháu ruột là Trịnh Tùng (Nguyễn Thị Ngọc Bảo vợ Trịnh Kiểm là chị ruột Nguyễn Hoàng) một cái xe “hai bánh trang sức bằng ngọc ngà.

Trên xe bắc mui sơn hai bên xe khắc lan can bằng ngà bốn vách sơn son thếp vàng. Lại làm thang nhỏ để lên xuống. Trước xe đặt một đòn ngang sai bốn lực sĩ đẩy”. Lại còn mấy năm liền tả phù hữu bật giúp cháu ruột tiễu trừ dư đảng nhà Mạc đến năm 1600 mới chịu về “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” ở đất Đàng Trong!
Chao ôi, biên ra những chi tiết hòa bình hữu nghị như thế mới thấy quý giá lẫn hẫng hụt làm sao khi gẫm thêm sau này hai nhân vật cậu cháu ấy đã khởi đầu cho thảm họa binh đao dằng dặc hơn 200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh?

There are no comments yet

Tin khác đã đăng