Đình Thái Kiều



Đình Thái Kiều có từ giữa thế kỷ XIX. Thờ: Thái Quốc Công Trịnh Kiểm. Vị trí: số 84 ngõ 218 Chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, 2R8P+8J, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách BĐX Bờ Hồ: 3 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Đối diện 60 Khâm Thiên (xe 01, 09B, 09BCT, 30, 41, 49), 242 Xã Đàn (25, 28)

LƯỢC SỬ

Đình Thái Kiều được dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX, nay còn di tích ở cổng trường THCS Trung Phụng, ngõ 218 Chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa. Ngoài ra địa danh này, còn gọi là đình Thái Hiệu, có thể đại diện cho một kiểu kiến trúc “đình phủ” tồn tại trên đất Thăng Long trong khoảng 1593-1786.

Đình-Thái-Kiều

Đình Thái Kiều là một trong vài nơi có thờ Thái Quốc Công Trịnh Kiểm 鄭 檢 (1503-1570), người được nhiều sử gia xem như công thần thứ hai của triều đại Lê trung hưng. Ngài xuất thân từ một gia đình thường dân tại Thanh Hóa nhưng đã đi theo cựu thần của nhà Lê sơ là Nguyễn Kim 阮 淦 (1468-1545) rất sớm trong cuộc dựng lập vua Lê Trang Tông chống lại nhà Mạc.

Trở thành con rể của Nguyễn Kim, ngài là tổng chỉ huy lực lượng từ sau khi cha vợ chết. Cho tới khi mất, ngài đã kiên trì phò 3 đời vua Lê và làm suy yếu căn bản quân đội chính quy của nhà Mạc. Ngài được vua Lê phong Thái sư Thái Quốc Công, đời sau truy tôn làm Thế Tổ Minh Khang Thái Vương và coi như vị chúa đầu tiên của gia tộc họ Trịnh nắm thực quyền cai trị Đàng Ngoài hơn 200 năm.

Theo các cụ già ở phường Trung Phụng, tại giáp Thái Kiều cũng từng có một cung điện gọi là Tả Phụng Thánh, cung này về sau bị đốt cháy trong vụ “Loạn kiêu binh” trước khi nhà Tây Sơn ra Bắc tiêu diệt nhà Trịnh vào cuối thế kỷ XVIII, sau có để lại dấu vết ở tên chùa Phụng Thánh. Chùa Phúc Long tại làng Trung Tự bên cạnh cũng do một bà quận chúa họ Trịnh cúng dàng xây nên.

KIẾN TRÚC VÀ DI SẢN

Đến cuối thời Nguyễn, đình Thái Kiều đã được sửa sang tu tạo vài lần. Trải qua loạn lạc và nhiều biến động lịch sử, diện tích đình bị thu hẹp so với trước đây nhưng bên trong hiện còn bảo lưu được 02 tấm bia đá thời Nguyễn cùng một số đồ thờ mang phong cách nghệ thuật đương đại. Qui mô ngôi đình hiện nay là kết quả của lần trùng tu được khởi công vào ngày 3-6-2011 với sự đóng góp của các thành viên gia tộc họ Trịnh tại Hà Nội.

Cổng đình bằng gạch xây vòm cuốn, hai bên có hai trụ biểu nhỏ, đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu, thân trụ đắp câu đối chữ Hán. Nhà đại bái gồm 01 gian, nền lát gạch men, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri. Sát bức tường hậu có 01 bục cao trên đặt ba chiếc khám thờ nhỏ. Khám giữa đặt long ngai bài vị, hai khám còn lại đặt hai pho tượng ngồi trên ngai. Hai bên ban thờ có treo câu đối, bài trí cặp hạc đồng và bộ chấp kích. Phía trên ban thờ treo một bức hoành phi đề 4 chữ “Thánh thần văn võ”, phía dưới là bộ cửa võng chạm thủng hình rồng chầu mặt trời, hoa cúc mãn khai, chim phượng.

There are no comments yet

Tin khác đã đăng