Ði tìm mộ chúa Tĩnh vương Trịnh Sâm (1737-1782)



Trong khi xuống các huyện, xã để sưu tầm, phát hiện và phiên dịch một số tư liệu Hán Nôm còn nằm rải rác trong tỉnh Thanh Hóa thì một điều thú vị là chúng tôi đã phát hiện thấy có một sự kiện lịch sử mới. Ở đây, chúng tôi chỉ xin trình bày riêng mấy phát hiện về nhân vật Trịnh Sâm, một vị chúa Việt Nam mà sử sách đánh giá, chê, khen rất khác nhau đối với ông.

Trong khi xuống các huyện, xã để sưu tầm, phát hiện và phiên dịch một số tư liệu Hán Nôm còn nằm rải rác trong tỉnh Thanh Hóa thì một điều thú vị là chúng tôi đã phát hiện thấy có một sự kiện lịch sử mới.

Ở đây, chúng tôi chỉ xin trình bày riêng mấy phát hiện về nhân vật Trịnh Sâm, một vị chúa Việt Nam mà sử sách đánh giá, chê, khen rất khác nhau đối với ông. Bút tích thơ, văn của Trịnh Sâm để trong các hang động, vách đá, riêng ở xứ Thanh cũng đã rất nhiều, nhưng ít được nhắc đến, thậm chí một số bài bị đục mất tên, chữ, hoăc gán cho người khác là tác giả.

Trước hết, động Hồ Công, thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta và có lẽ là động còn giữ được bút tích Hán Nôm nhiều nhất trong cả nước (khoảng 20 bài thơ). Trên đường lên động, có 4 chữ Hán cỡ lớn Thanh kỳ khả ái khắc trên một phiến đá. Các sách xưa có nói đến những từ này, nhưng người thì bảo đây là bút tích của Chúa Trịnh Tùng, kẻ thì nói là chữ của Vua Lê Thánh Tông! Mãi gần đây, khi chúng tôi tìm được thang dài đưa lên núi, bắc xem bút tích đề trước cửa động, thì mới hay người sai khắc 4 đại tự trên là “Nhật Nam nguyên chủ”.

Thế rồi, môt lần khác, đến động Diêu Sơn, ở xã Cẩm Vân, huyện miền núi Cẩm Thủy, thì chúng tôi lạl bắt gặp một bài thơ Ðường luật khác trên vách đá, mà tác giả cũng thấy ghi là “Nhật Nam nguyên chủ”. May thay, nội dung bài thơ ở động Diêu Sơn này được nhiều tác giả các sách xưa như Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú, Thanh Hóa kỷ thắng của Hoàng Mậu… ghi chép và đều nhất trí khẳng định tác giả là Tĩnh vương Trịnh Sâm.

Như vậy, “Nhật Nam nguyên chủ” là bút danh của Chúa Trịnh Sâm. Nhờ sự phát hiện này, chúng tôi lần lượt biết thêm vài bài thơ chữ Hán khá hay, khắc trước cửa động Từ Thức, mà bấy lâu nay người ta né tránh, không giới thiệu hoặc nói lấp lửng có lẽ tác giả là vua Lê Thánh Tông, vì thấy đề mục ghi là Ngự chế đề Từ Thức động (Thơ vua đề động Từ Thức)…, cũng chính là của Nhật Nam nguyên chủ, tức Chúa Trịnh Sâm!

Tiếp đó, qua mấy lần đi khảo sát địa danh lịch sử Thần Phù, thuộc huyện Nga Sơn, chúng tôi lại khám phá ra Chúa Trịnh Sâm còn là tác giả chữ Thần rất lớn khắc ở vách núi Bia Thần, mà sách Ðại Nam nhất thống chí chép rằng: “… Tương truyền là bút tích của Vua Lê Thánh Tông”. Còn dân gian thì cho là đại tự này xuất hiện từ thời nhà Lý! Mặc dù nhiều chữ nhỏ xung quanh đã bị ai đó đục mất nét, như cố tình không cho người khác đọc được. Song việc tìm tòi, so sánh, dựng lại được một số chữ bị đục phá, nên đã cải chính được một nhầm lẫn nữa trong suốt hơn hai thế kỷ qua.

Vừa qua, trong hai lần đến khảo sát ngọn núi Chích Trợ, ở xã Nga Phú, huyện Nga Sơn thì thấy. Ngoài bài thơ của Vua Lê Hiến Tông đề năm 1501, chúng tôi còn phát hiện thấy bài thơ của Chúa Trịnh Sâm, mà các sách xưa như Hoàng Việt địa dư chí, Trịnh gia chính phả…, chỉ thấy chép có 6 câu, mất hẳn 2 câu cuối. Song bút tích khắc trên vách núi vẫn còn đủ cả 8 câu. Phiên âm 2 câu cuối như sau:

Hiệp siêu tự thị anh hùng chí
Tiền tịch hà tu cánh tá trù

Chúng tôi đang nghiên cứu, để mong một dịp gần đây sẽ giới thiệu được trọn vẹn bài thơ này.

Thơ Chúa Trịnh Sâm mà chúng tôi được trực tiếp đọc trong các hang, động, vách đá ở xứ Thanh, phần nhiều là ca ngợi cảnh non sông gấm vóc của nước ta và toát lên niềm tự hào dân tộc. Chẳng hạn 2 câu kết của bài thơ đề ở động Hồ Công, Chúa Trịnh Sâm đã viết:

… Ðất phúc xưa nay nhiều thắng tích
Cần chi tô điểm “Võng Xuyên đồ”
(là bức tranh vẽ con suối Võng Xuyên, một cảnh đẹp của Trung Quốc)

Hoặc 2 câu cuối của bài thơ đề ở núi Bằng Trình (nay đã bị phá mất), nhà Chúa cũng viết:
… Ðất lành cảnh đẹp níu chân
Theo sau già trẻ ca ngâm thái bình

Cũng bởi chưa hiểu đầy đủ về tình cảm của Chúa Trịnh Sâm đối với non sông, đất nước, nên có người dịch 4 đại tự “Thanh kỳ khả ái” là “Màu xanh lạ đáng yêu” mà đúng ra phải dịch là “Xứ Thanh kỳ lạ đáng yêu” như ở bút tích nơi động Hồ Công trong phần đề từ, Chúa Trịnh Sâm cũng đã viết: ” Châu Ái ta là đất hưng vương, núi sông nhiều cái lạ đáng yêu…”

Từ những phát hiện về một vị chúa giỏi chữ nghĩa, yêu đất nước quê hương, yêu thiên nhiên, cái đẹp… nhưng sử sách phê phán chê bai cũng không ít, chúng tôi bỗng nảy sinh tình cảm, muốn đến viếng mộ vị chúa hào hoa này. Tìm hiểu trong sử sách, thì được biết sau khi mất (1782), Chúa Trịnh Sâm được mai táng tại làng Thịnh Phúc, huyện An Ðịnh, tức là xã Yên Phú, huyện Yên Ðịnh bây giờ. Hiện ở xã Yên Phú, đang còn một cồn đất cao trên cánh đồng, giữa có hai dãy tượng đá, gồm hơn 20 pho khá đẹp. Ông Chủ tịch xã dẫn tôi đến chỗ có ngôi mộ Tuyên phi Ðặng Thị Huệ, người vợ yêu của Chúa Trịnh Sâm, mà trước khi bộ đội đào ao giúp dân đã tình cờ phát hiện thấy, hiện ở phía sau trụ sở UBND xã.

Còn mộ Chúa Trịnh Sâm, thì theo các tài liệu: Trịnh vương ngọc phả, Kim giám tục biên do cụ Trịnh Ðình Ðản, thuộc dòng họ Trịnh đang giữ, có vẽ sơ đồ mộ Chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Ðặng Thị Huệ, nhưng cho biết thêm, do sau khi Chúa mất có nhiều biến động xã hội, nên người con gái đầu là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Loan đã bí mật cho dời mộ bố đến táng ở một địa điểm khác. Và có lẽ để đánh lạc hướng, gia phả đã chép thi hài nhà Chúa được đưa về mai táng tại quê tổ họ Trịnh, ở làng Bồng Thượng, nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc bây giờ.

Ðến khoảng năm 1985, 1986, một số hộ dân thuộc xã Quý Lộc, cách xã Yên Phú chừng 10 km, được chia đất làm nhà và gia đình anh Nguyễn Chí Sơn, khi đào móng đã phát hiện thấy một ngôi mộ, trong quan, ngoài quách khá kiên cố, liền báo cho Bảo tàng tỉnh biết. Theo những người chứng kiến hiện còn sống cho biết, khi khai quật ngôi mộ này, họ đã phát hiện một cuốn sách chữ Hán đặt trên ngực thi hài người chết, cùng với 6 lá cờ đuôi nheo, môt thanh kiếm bằng đồng và chiếc quan tài sơn son thếp vàng, dài khoảng 2,7m, rộng 1,2m, dày 0,1m… Nhờ có cuốn sách, nên người ta mới biết đây là ngôi mộ Chúa Trịnh Sâm. Nhưng hồi đó, do quan niệm vị chúa này không có công lao gì với nhân dân, đất nước, nên giao cho địa phương đem chôn dưới chân ngọn núi có tên là: “Quả cà đùm cơm” cách địa điểm khai quật chừng 500 m.

Chúng tôi đã đến tận nơi quan sát cái mà nhân dân địa phương gọi là “Mộ Chúa Trịnh Sâm”, thì chỉ thấy một vùng đất trũng, có diện tích khoảng 4m, mọc đầy cỏ dại. Còn ngọn núi “Quả cà đùm cơm” thì nghe nói hòn đá giống hình quả cà đã bị sét đánh tan. Trên đỉnh núi chỉ thấy một tảng đá tự nhiên rất lớn. Toàn bộ ngọn đồi này cao chừng vài chục mét và nếu quan sát kỹ, thì dường như các khối đá được chồng xếp lên nhau bởi bàn tay của con người.

Ông Chánh văn phòng UBND xã Quý Lộc có đưa cho chúng tôi xem một văn bản của xã, đề nghị cấp trên xin công nhận cái gọi là “Mộ Chúa Trịnh Sâm” là một di tích lịch sử.

Thiết nghĩ, sách sử ghi chép lời dặn của Chúa Trịnh Sâm với viên cận thần bảo vệ trước khi mất rằng: “… Ðừng để Chánh cung (tức Ðặng Thị Huệ – tác giả chú thích) liều thân hoại thể, sau khi ta mất. Ví bằng Chánh cung cứ nhất mực, không ngăn được, thì nên sắm sanh chở cùng một thuyền về táng bên mộ ta” (Lịch triều tạp kỷ). Nay mộ Tuyên phi Ðặng Thị Huệ vẫn còn ở Yên Phủ. Mặc dù theo một số người địa phương cho biết, thì trước đây đã có kẻ đào lén để tìm của, nhưng không hiểu sao tất cả bọn họ kẻ thì ốm, người thì chết, nên phải bỏ dở. Vì thế ngôi mộ được xã lấp đất lại…

Cạnh đó cách khoảng 500m, còn 2 dãy tượng bằng đá xanh, gồm tượng các quan văn, quan võ, voi, ngựa… chạm trổ khá kỳ công, là một trong 4 dãy tượng đẹp còn tương đối nguyên vẹn ở xứ Thanh. Vì vậy nên cho dời mộ Chúa Trịnh Sâm dưới chân núi “Quả cà đùm cơm”, thuộc đội 4, xã Quý Lộc (không chắc phía dưới còn hòm đựng hài cốt nữa không), đem về quy tập lại nơi xã Yên Phú là hợp lý nhất! Vừa để tôn tạo thành khu di tích đối với một nhà thơ, còn để lại nhiều thơ hay khắc trên đá (Thạch thi), đồng thời còn làm nơi lưu niệm một vị Chúa nước Nam…

There are no comments yet

Tin khác đã đăng