Di tích Phủ Thông Khê nơi phụng thờ Thái phi Trần Thị Ngọc Đài và Lịch sử Hội hoa trượng trong Lễ hội Phủ Dầy



Di tích Phủ Thông Khê được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng theo Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 04/02/2010. Đây là di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, là nơi phụng thờ và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Thái phi Trần Thị Ngọc Đài, một trong sáu nhân vật huyền thoại của mảnh đất Thiên Bản xưa, Vụ Bản ngày nay, được dân gian truyền tụng là (Thiên Bản lục kỳ).

Thân thế sự nghiệp của Thái phi Trần Thị Ngọc Đài được các tài liệu như: Đạo Mẫu (1)Thiên Bản lục kỳ huyền thoại đất Sơn Nam(2) ghi chép như sau: Trần Thị Ngọc Đài sinh năm Đinh Sửu (1577) trong một gia đình nghèo thuộc làng Thông Khê, xã Đồng Đội, huyện Thiên Bản. Thân phụ của bà là Trần Khải Tường, thân mẫu là người họ Phùng. Ngay từ nhỏ, Trần Thị Ngọc Đài đã nổi tiếng là người hát hay, đàn giỏi. Đến tuổi trưởng thành, Ngọc Đài kết duyên với một Kép hát người làng Bảo Ngũ (xã Trung Thành) tên là Lê Văn Hiển. Cuộc sống gia đình đang êm ấm, không may người chồng mắc bệnh trọng qua đời.

Sau khi người chồng đầu tiên qua đời, Ngọc Đài tái giá với Tráng Quận công Ngô Đình Nga, người làng Bảo Ngũ (xã Trung Thành), một vị tướng thời vua Lê – chúa Trịnh. Ông bà sinh được một con trai đặt tên là Ngô Đình Nguyên. Khi Tráng Quận công Ngô Đình Nga qua đời, Ngọc Đài cùng với con trai về sinh sống tại quê nhà Thông Khê. Tương truyền, một hôm, chúa Trịnh Tráng trên đường tuần du qua vùng đất Thiên Bản, chợt nghe tiếng hát thấy làm lạ, bèn cho người gọi Ngọc Đài đến diện kiến. Chúa Trịnh thấy đây là cô gái xinh đẹp, môi thắm tựa son, nên ngỏ ý đưa nàng về dinh. Trước khi lên kinh thành, Ngọc Đài đến cầu xin Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dầy để được chúa Trịnh yêu thương, sủng ái.

Vào phủ Chúa, Ngọc Đài luôn được chúa Trịnh sủng ái và lập làm Thứ phi. Năm Bính Ngọ (1606), Ngọc Đài sinh được con trai, đặt tên là Trịnh Tạc. Tại Phủ Thông Khê còn lưu giữ đạo sắc phong niên hiệu Vạn Khánh nguyên niên (1662) có nội dung đề cập về sự tích này như sau: “Sắc cho xã Đồng Đội, huyện Thiên Bản ….yên phận làm nhiều việc công đức, nhân nghĩa khôn cùng. Nay Thứ phi sinh ra bậc thân vương phò giúp nền chính trị, tiếp nối thừa hưởng truyền thống của nhà vua, làm cho vương nghiệp vững bền, xã tắc yên ổn, có thể phong tặng Khánh Quận công(3).

Trong phủ chúa, Ngọc Đài là người giỏi giang, quán xuyến mọi việc chu đáo, rất hợp với ý chúa Trịnh Tráng. Năm Giáp Thìn (1614), khi Trịnh Tạc lên 9 tuổi, được nhà vua phong làm Vinh Quận công. Năm 1623, Chúa Trịnh Tùng qua đời, Bình Quận công Trịnh Tráng được tấn phong làm Tiết chế Thái úy Thanh Quốc công thay cha điều hành phủ Chúa. Vua Lê phong Trịnh Tráng làm Nguyên soái, Thống Quốc chính Thanh đô vương. Trần Thị Ngọc Đài là thiếp yêu của chúa Trịnh Tráng cũng được phong làm Vương phi.

Trong khoảng thời gian từ năm Canh Ngọ (1630) đến năm Nhâm Thân (1632), đất nước thường xuyên bị lũ lụt, nước tràn vào Kinh thành Thăng Long. Chúa Trịnh đã điều dân phu các nơi đi đắp đê chống lụt, trong đó có nhân dân vùng Thiên Bản. Dân làng biết được Vương phi Ngọc Đài ở trong phủ Chúa là người nhân đức nên đã tìm vào xin cấp phát thêm tiền, gạo để tiếp tục làm việc. Ngọc Đài thấy nhân dân quê nhà đều lâm vào cảnh túng đói nên đã cấp thêm tiền và bày cho học cách thoát khỏi cảnh phu phen, tạp dịch.

Theo kế hoạch, vào giờ Thìn hôm sau, Chúa Trịnh và Vương phi đi kiểm tra công việc đắp đê, dân làng phải nấu cháo loãng đổ vào lọ và ăn mặc rách rưới để khơi gợi lòng thương của Chúa. Hôm sau, Ngọc Đài và Chúa Trịnh đi kiểm tra công việc đắp đê, thấy nhân dân Thiên Bản đổ cháo ra ăn, Vương phi cho gọi họ đến hỏi thăm công việc. Khi biết đây là những người nông dân cùng quê hương với mình, do gặp cảnh lụt lội, mùa màng thất bát bà liền ôm mặt khóc. Chúa Trịnh Tráng động lòng thương liền ban lệnh miễn phu phen tạp dịch cho nhân dân vùng đất Thiên Bản. Nhân dân vui mừng khôn xiết, ai nấy đều mang mai, cuốc đến trước mặt Vương phi Trần Thị Ngọc Đài bái lậy. Vương phi dặn dân làng hàng năm đến ngày giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, mọi người ăn mặc rách rưới, mang mai, cuốc đến để tạ ơn Mẫu cho ta.

Năm Đinh Dậu (1657), Thanh Đô Vương Trịnh Tráng mất, Tây Vương Trịnh Tạc được tôn lên ngôi Chúa. Vương phi Trần Thị Ngọc Đài được phong làm Thái phi. Từ khi được phong làm Thái phi, Ngọc Đài càng dốc lòng chăm lo công việc. Đối với quê hương Thiên Bản, bà đã cho khơi con ngòi nối sông Sắt (Ba Sát) vào tới đầu làng Thông Khê để thuận tiện cho việc tưới tiêu cho nhân dân. Bà còn khuyến khích nhân dân trong làng mở mang nghề truyền thống như nghề rèn, trồng bông dệt vải, thếp vàng, giấy trang kim, bà còn góp sức để nhân dân địa phương mở mang chợ Dần. Ngoài những đóng góp cho quê hương như: mở chợ, phát triển sản xuất nông nghiệp và các nghề thủ công truyền thống, Thái phi Trần Thị Ngọc Đài còn quan tâm đến xây dựng các công trình tâm linh phục vụ nhân dân trong vùng. Từ năm Nhâm Ngọ (1642) đến năm Định Dậu (1657), Thái phi đã cho người chuyển gỗ lim về xây dựng chùa Thông. Đương thời đây là ngôi chùa có quy mô bề thế nhất trong khu vực.

Ngày 14 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1669), Thái phi Trần Thị Ngọc Đài qua đời hưởng thọ 93 tuổi. Lĩnh cữu của bà được chúa Trịnh Tạc và Luân Quận công Vũ Công Chấn đưa về an táng tại huyện Thiệu Sơn, Thanh Hóa, quê hương của các Chúa Trịnh.

Những đóng góp của Thái phi Trần Thị Ngọc Đài với chúa Trịnh và quê hương Thiên Bản đã được nhân dân và các triều đại phong kiến ghi nhận công ơn. Tại phủ Thông Khê còn giữ được ba đạo sắc phong, đạo sắc có niên đại sớm nhất được ban tặng dưới triều vua Lê Thần Tông niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất (1658), đạo sắc muộn nhất được ban tặng dưới triều vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783). Nội dung các đạo sắc đều đề cập tới công đức của Thái phi Trần Thị Ngọc Đài.

2. Quần thể di tích lịch sử – văn hoá Phủ Dầy và Lễ hội Phủ Dầy qua thời gian ngày càng khẳng định được vị thế và trở thành điểm đến của du lịch tâm linh đối với du khách trong nước và quốc tế. Đến nay, Lễ hội Phủ Dầy vẫn giữ được quy mô hoành tráng, xứng đáng là một lễ hội tiêu biểu của quốc gia. Nét đặc sắc trong Lễ hội Phủ Dầy là các hoạt động nghi lễ tâm linh như: Rước Mẫu lên chùa thỉnh kinh, Hội hoa trượng, Hát văn hầu đồng và các hoạt động văn hoá khác gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu.

Lịch sử của Hội hoa trượng trong Lễ hội Phủ Dầy được văn bia niên hiệu Khải Định 6 (1921) hiện đặt tại Phủ Vân Cát do Đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Tân Sửu, Đốc học Hải Phòng Nguyễn Văn Tính chép (dịch) như sau: “Tục “Hội gậy hoa” có từ việc vị Thái phi thời chúa Trịnh, là vì thời Lê Trung Hưng cầu ở đền Tiên Thánh, sau có ứng nghiệm như điều ước, nên tâu lên trên miễn cho dân huyện việc đắp đê khơi nước Hà Thành, dân huyện nhớ công ơn ấy bèn đổi mai, quốc thành gậy kéo chữ, hằng năm cứ đến ngày kỵ thì kính cẩn làm lễ, hội hợp chụm đầu, lâu ngày thành lệ” (4) và văn bia ghi việc ruộng thờ tự tại đền phủ Vân Cát niên hiệu Khải Định 10 (1925) do Tri huyện Vụ Bản là Đặng Huy Hoan chép (dịch) như sau: “Cúi trông: Thánh Mẫu Vân Cát là vị nữ thần rất thiêng vậy! Lòng người nước ta sùng bái, nhà kính, miếu thờ nơi nào cũng có rất là tốt đẹp. Đất Thiên Bản ta có nhà cũ nơi sinh ra Tiên Chúatại thời Lê có Trịnh Thái phi đặt ra “Hội gậy hoa”để tạ ơn Mẫu, hằng năm cứ đến tháng 3 người cả huyện tổ chức diễn lại để kỷ niệm việc xưa” (5).

Hội hoa trượng còn gọi là xếp chữ, là hoạt động quan trọng trong ngày hội tháng Ba ở Phủ Dầy. Hàng năm, để tổ chức ngày hội xếp chữ địa phương đã chuẩn bị chu đáo các công việc từ việc chọn chữ, chọn người và trang phục cho người xếp chữ. Trang phục cho người xếp chữ thường mặc áo cánh vàng, quần trắng, lưng thắt vải đỏ, đầu buộc khăn, chân quấn xà cạp đỏ. Gậy xếp chữ dài khoảng 4m, được quấn giấy nhiều màu, đầu trang trí “ngù” bằng lông gà, gọi là “Hoa trượng”. Chữ được xếp trong lễ hội được thay đổi theo từng năm, song phổ biến là các chữ: “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an” …Việc chọn chữ xếp được dân làng làm bằng cách xin “âm dương” tại phủ hoặc khấn tại Phủ Thông nơi thờ Mẫu Liễu và Thái phi Trần Thị Ngọc Đài. Tổng cờ thường là người làng Thông Khê hay Bảo Ngũ, với trang phục đội khăn xếp, mặc áo the, chân đi giày điều khiển các phu cờ xếp chữ.

Để bắt đầu xếp chữ, theo cờ hiệu của Tổng cờ, các phu cờ chạy hàng một xung quanh hồ, đứng vào vị trí đã quy định theo nét chữ. Sau khi đã hình thành chữ, các phu cờ ngồi xuống, ngả gậy hoa tạo thành các nét chữ. Tổng cờ trình với Lão trượng đi xem và duyệt chữ. Sau khi đã xếp xong chữ thứ nhất, Tổng cờ hướng dẫn phu cờ xếp các chữ tiếp theo. Khi xếp xong các chữ, phu cờ chạy một vòng hồ rồi vào sân phủ vái tạ Thánh Mẫu.

Kết thúc Hội hoa trượng, nhân dân tham dự vào sân xin “ngù” hoa trên các gậy hội đem về nhà xem như lộc Thánh Mẫu ban.

Từ năm 1995 trở lại đây, sau khi Lễ hội Phủ Dầy được phép mở thử nghiệm và mở chính thức, Hội hoa trượng được Ban tổ chức Lễ hội Phủ Dầy quy định, ngày mùng 7 tổ chức tại Phủ Vân Cát, ngày mùng 8 tại Phủ Tiên Hương. Tham dự Hội hoa trượng là các trai tráng thuộc thôn Vân Cát và Tiên Hương. Vào buổi sáng ngày kéo chữ, hàng trăm phu cờ mặc áo cánh vàng, quần trắng, thắt lưng vải đỏ thắt múi đầu rìu, đầu buộc khăn lụa, xếp hàng đôi tiến vào sân rộng trước Phương du các Phủ Vân Cát và Tiên Hương. Các hàng, còn gọi là dây, mỗi hàng có khoảng từ 40 – 50 quân, do các Tổng cờ chỉ huy. Để xếp chữ, trên tay phu cờ cầm một “Hoa trượng”. Khi các dây cờ đã ổn định vị trí, một hồi trống hội nổi lên, tất cả các dây cờ nhất loạt quỳ xuống, cờ và gậy để bên cạnh theo hàng dọc, tay chắp phía trước, đồng thanh hô to “Thánh cung vạn tuế”, cúi mình bái lạy. Sau ba tiếng trống, tất cả các phu cờ đều đứng dậy, tay cầm gậy chống cán xuống đất, im lặng và trang nghiêm. Sau đó, các dây cờ nhịp nhàng tiến bước sang phải, sang trái, cờ lệnh phấp phới, gậy hoa ngả đều tăm tắp. Cả tám hàng quân theo hiệu lệnh của các Tổng cờ di chuyển vào vị trí đã định, ngồi xuống, hạ gậy để tạo thành các nét chữ.

Khi đã duyệt các nét chữ xong, Tổng cờ dẫn phu cờ đi theo chỉ dẫn, vòng qua giếng rồi lại tụ hợp về sân như lúc ban đầu. Cứ như thế, theo nhịp trống, các Tổng cờ điều khiển các phu cờ xếp các chữ tiếp theo. Các chữ Hán thường xếp là: Mẫu nghi thiên hạ (   ), Quốc thái dân an(   ), Thiên hạ thái bình (   )… Khi đã xếp xong các chữ, phu cờ chạy một vòng quanh hồ rồi vào sân phủ lễ tạ Thánh Mẫu.

Như vậy, cùng với những thực hành nghi lễ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Hội hoa trượng trong Lễ hội Phủ Dầy từ lâu đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, vừa mang đậm nghi lễ tâm linh vừa là trò chơi mang sắc thái thể thao đẹp mắt thu hút đông đảo người dân về tham dự trong ngày lễ hội “giỗ Mẹ tháng Ba”.

Từ vị thế là một Trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu, với sự độc đáo về công trình kiến trúc và những sinh hoạt văn hoá dân gian tiêu biểu trong Lễ hội Phủ Dầy đã tạo cho nơi đây có được những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.

Vũ Hồng Phong

https://sovhttdl.namdinh.gov.vn/news/931

 

Chú thích

1.Đạo Mẫu, Ngô Đức Thịnh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

2.Thiên Bản lục kỳ huyền thoại đất Sơn Nam, Bùi Văn Tam, Nxb Văn hoá dân tộc, 2000.

3. Tư liệu Hán Nôm di tích Phủ Thông Khê, xã Cộng Hoà, tài liệu lưu tại Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nam Định, 2010.

4, 5. Tư liệu Hán Nôm Khu di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, tài liệu lưu tại Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nam Định, 1996.

There are no comments yet

Tin khác đã đăng