Di tích bãi đá Từ Vũ, Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên



Nằm giữa các khu công nghiệp, nhà xưởng đồ sộ, hiện đại, vẫn tồn tại một bãi đá cổ, một di sản văn hoá quí hiếm được xây dựng 300 năm trước, đó là bãi đá cổ Từ Vũ, Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trên một mảnh đất nằm giữa cánh đồng Ghênh, cách Quốc lộ 5 vài trăm mét còn 2 con chó đá cao 1,2 mét, nặng trên 1 tấn, ngực đeo 4 chuông nhạc, loại của Hoàng tộc ...

Nằm giữa các khu công nghiệp, nhà xưởng đồ sộ, hiện đại, vẫn tồn tại một bãi đá cổ, một di sản văn hoá quí hiếm được xây dựng 300 năm trước, đó là bãi đá cổ Từ Vũ, Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trên một mảnh đất nằm giữa cánh đồng Ghênh, cách Quốc lộ 5 vài trăm mét còn 2 con chó đá cao 1,2 mét, nặng trên 1 tấn, ngực đeo 4 chuông nhạc, loại của Hoàng tộc. Sau 2 con chó đá gác cổng là 2 con rồng đá uy nghi như đang bay trên cánh đồng yên tĩnh. Phía trong xếp từng hàng đôi cách nhau vài mét là những án thư đá bày đặt như ở các cung đình. Các án thư này cao 1,2 mét. Đáng kể có 2 bia đá cao 1,6 mét, rộng 1,1 mét. Bài trí xung quanh bia và án thư là những hoa văn được khắc tinh xảo.

Bãi đá cổ Từ Vũ quí hiếm này là dấu ấn của ngôi Đền được xây dựng cách đây 300 năm . Ngôi Đền thờ vị quan thanh liêm Trương Dự, Phụ thân của Trương thị Ngọc Chử, Vương phi của Tấn quang vương Trịnh Bính. ( Trịnh Bính là con cả của Trịnh Vịnh; Trịnh Vịnh là con trưởng của Chúa Trịnh Căn, do 2 người mất sớm nên Đinh vương Trịnh Căn đã chọn Trịnh Cương nối nghiệp Chúa). Tấn quang vương Trịnh Bính đã được chọn là thế tử nối nghiệp, ngài mất năm 1702. Sau khi nhà Lê- Trịnh mất, Nguyễn Huệ về Phú Xuân, Nguyễn Hữu Chỉnh được giao nhiệm vụ ở lại đã huỷ diệt các dấu tích liên quan đến nhà Trịnh. Ngôi Đền Từ Vũ cũng là mục tiêu tàn phá của Chỉnh. Ngôi Đền bị đốt cháy ròng rã 7 ngày đêm. Những khúc gỗ còn sót lại, dân làng Gạo ven sông Ghênh đã xin về đủ dựng một ngôi đình làng. Ngày nay dấu tích ngôi Đền chỉ còn lại một bãi đá.

Chính nơi này dưới triều nhà Lý( 1010-1225), thời vua Lý Thánh Tông( 1054-1072), trong một lần đi kinh lý, nhà vua đã gặp Lê Thị Khích – cô gái làng Siêu Loại ( tên cũ của làng Ghênh, đi hái dâu về, đang nghỉ dưới gốc cây Hoàng lan. Cô gái quê mùa nơi thôn dã có tâm hồn trinh nguyên, hương hoa đồng nội. nhan sắc không cần phấn son, nhung lụa đã làm cho đấng Quân vương cảm xúc mãnh liệt. Vua Lý Thánh Tông đã cho vời Lê Thị Khích vào Hoàng cung, phong làm Vương phi và đổi tên là Ỷ Lan ( ngồi dưới gốc lan ). Sau này Vương phi Ỷ Lan trở thành Hoàng hậu Ỷ Lan- người đàn bà nhiếp chính có một không hai trong lịch sử Việt Nam, bà đã góp phần giữ yên bờ cõi, yên lòng dân khi vua Lý Thánh Tông cầm quân chinh phạt nước Chiêm Thành…

Và 500 năm sau cũng ở mảnh đất làng Ghênh có một mối duyên kỳ ngộ giữa Thế tử Trịnh Bính ( 1664-1702), sau được gia phong là Tấn Quang vương, khi Trịnh Bính 18 tuổi đã cầm quân dẹp loạn. Trong một lần, ca khúc khải hoàn trở về kinh thành, đoàn thuyền chiến của Trịnh Bính ngự lại bên bờ sông Ghênh, và như một định mệnh và duyên số, Trịnh Bính đã gặp cô thôn nữ làng Ghênh, Ngọc Chử, cô hơn Trịnh Bính 2 tuổi, không khuynh quốc, khuynh thành nhưng có giọng hát và khẩu khí hơn người đã “ hớp hồn” Tấn quang vương. Về kinh thành, . Trịnh Bính đã nhờ người mai mối rồi cưới Trương Thị Ngọc Chử làm Vương phi. Khi về già, Ngọc Chử đã ngỏ ý với cháu là Chúa Trịnh Cương muốn xây Đền Từ Vũ để thờ cụ thân sinh, và 2 anh trai mình.

Trịnh Cương vốn hiếu thảo, đã chuyên tâm xây ngôi ĐềnTừ Vũ ở chính cánh đồng , nơi Trịnh Bính gặp Trương Thị Ngọc Chử, dựng cả nhà thờ họ Trương ở làng Lê Xá. Hai bia đá ở Đền đã ghi công tích của Trương Dự- phụ thân của bà Ngọc Chử ở bia bên phải, bia bên trái ghi công tích của 2 anh trai bà Ngọc Chử: Trương Nhưng- Trương Nhượng.

Năm 1990, nhà nước đã công nhận Di tích lịch sử, văn hoá bãi đá cổ Từ Vũ, nơi đã chứng kiến 2 cuộc kỳ ngộ của bậc Quân vương với những thôn nữ tài sắc vẹn toàn. Điều đáng chú ý nữa là bãi đá cổ Từ Vũ cùng với các ngôi mộ cổ ở Dương Xá và di tích Thời chúa Trịnh Cương ở Bình Minh, Trâu Quì, Gia Lâm là một quần thể di tích gắn liền với thời kỳ sau chúa Trịnh Căn tới chúa Trịnh Cương (1709-1729), cần được nghiên cứu và bảo tồn.


Minh Hợi- Tuấn Dũng

There are no comments yet

Tin khác đã đăng