Đền thờ Bà Chúa Đồn Trang
Đền Bà Chúa Đồn Trang là một di tích lịch sử văn hóa khá đẹp, vinh danh một vương phi tài sắc vẹn toàn của Triết vương Trịnh Tùng, đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc Lê Trung Hưng , giai đoạn đánh tan nhà Mạc, giải phóng Thăng Long, khôi phục nhà Lê tới năm 1604.
Sáng ngày 20/7/2020, ba anh em chúng tôi tới dâng hương ở Đền thờ Bà chúa Đồn Trang. Ngôi đền tọa lạc trên đỉnh đồi ở giữa xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, trông ra Gò Ba Huyện – đoạn sông Mã nằm giữa ba huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc và Yên Định. Ngôi đền 3 gian xinh xắn đứng giữa lùm cây xanh mát, thanh tịnh, đầy vẻ linh thiêng mà thân thiện với môi trường.
Mấy tấm bia lớn cạnh sân đền ghi nhận sự đóng góp của nhân dân địa phương và khách thập phương, đã khởi công tôn tạo đền từ ngày 27/9/2006 và hoàn thành ngày 2/9/2011. Điều đặc biệt ở đây là Ban xây dựng đền do các ông Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch xã Quý Lộc đứng đầu. Đền Bà Chúa Đồn Trang đã được cấp bằng xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh của Thanh Hóa .
Ông Thông, thủ từ cho biết, Đền thờ Bà Chúa Đồn Trang có từ lâu , nổi tiếng linh thiêng. Bà Chúa có công giúp dân làng khai khẩn đất đai, làm ăn sinh sống, nhất là có công giúp chúa Trịnh Tùng tổ chức hậu cần, quản lý hệ thống kho quân lương, quân nhu, voi, ngựa … trong thời kỳ phò Lê diệt Mạc, được dân làng tôn vinh, xây đền thờ cúng sau khi bà qua đời . Có lẽ vì vậy mà ngọn đồi và ngôi đền thờ Bà được đặt tên là Đồn Trang chăng ? Dân làng ở đây, trên một nửa là người họ Trịnh. Khu vực xung quanh Đồn Trang có nhiều hang động , địa danh mang dấu tích gắn với sự nghiệp chinh chiến , khôi phục nhà Hậu Lê của Bình An Vương Trịnh Tùng , như : Thung Voi, Thung Bò, Thung Lợn, hang Bình Giã ( kho chứa lương thực , quân nhu…). Ngôi đền qua nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, nhưng vẫn linh thiêng, dân làng thành tâm cúng bái , được Bà Chúa linh ứng phù hộ. Hàng năm, ngày giỗ bà mồng 5 tháng 3 âm lịch là ngày Hội làng, tổ chức rước kiệu từ Giếng Chúa tới đền Đồn Trang cúng tế, có đông đảo bà con dân thập phương tham dự.
Ông thủ từ đưa chúng tôi tới thăm Giếng Chúa ở chân núi Đại Bàng, Núi Đại Bàng có hình thế tựa như một con đại bàng đang vỗ cánh bay lên; được coi là một vùng địa linh, từng có rừng rậm và đầm lầy bao quanh chân núi. Giếng Chúa, nghe nói nước trong quanh năm, có mối quan hệ với Đền Đồn Trang, được dân làng Quý Lộc trân trọng, thờ cúng.
Ông Nguyễn Xuân Khanh, cán bộ quân đội hưu trí, nhà ở cạnh lối vào Giếng Chúa, tuy đã ở tuổi 85 nhưng còn minh mẫn và rất nhiệt tình hăng hái giới thiệu với chúng tôi những tư liệu về Núi Đại Bàng địa linh mà ông đam mê sưu tập . Ông cho chúng tôi xem cuốn “ Phổ ký họ Nguyễn – ở thôn Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa” ghi chép gia phả của gia tộc Bà chúa Đồn Trang.
Bà Chúa Đồn Trang tên là Nguyễn Thị Ngọc Đô, sinh năm Nhâm Thân ( 1572) tại làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa. Cụ thân sinh ra Bà là Nguyễn Như Giai, từng đỗ Quốc tử giám giám sinh, hiệu Nguyệt Khê tiên sinh, được phong là Quang tiến lộc đại phu, Thuần tiến hầu. Bà là người con gái nổi tiếng đẹp nhất xứ Thanh, thông minh, tài giỏi, là thứ phi của Bình An vương Trịnh Tùng, hiệu là Phù Quang công chúa. Khi về quê mừng thọ cha mẹ, Bà bỏ tiền của tu sửa 2 ngôi chùa Vĩnh Hưng và Phúc Tự ở làng, dựng tượng phật , hiến ruộng, xin quy hậu vào chùa. Bà mất ngày 5 tháng 3 năm Giáp Thìn ( 1604) tại Phủ chúa , hưởng dương 32 tuổi. Tại làng Nguyệt Viên còn bia mộ bà, ghi “ Đoan vương bà chúa Ngọc Đô- Tiên mộ – Bí chí”. Đền thờ Phù Quang công chúa ở Quý Lộc được dân làng gọi là Đền Bà chúa Đồn Trang . Năm 1953, đền Bà chúa Đồn Trang bị phá dỡ , chỉ còn lại bát hương cổ bằng đá có khắc 4 chữ “ Nhất Mẫu Tự Sơn”. Đền Bà Chúa Đồn Trang được phục dựng , tôn tạo năm 2006 – 2011.
Những tài liệu trên đây căn cứ trên bản “ Phổ ký họ Nguyễn ở làng Nguyệt Viên, Hoằng Hóa, Thanh Hóa” và truyền thuyết ở địa phương. Trong Đền Bà chúa Đồn Trang chưa thấy bản thần tích. Trong “ Trịnh gia chính phả” cũng không thấy đề cập tên bà, có thể là do Phù Quang công chúa là thứ phi của Bình An vương Trịnh Tùng và không có con.
Đền Bà Chúa Đồn Trang là một di tích lịch sử văn hóa khá đẹp, vinh danh một vương phi tài sắc vẹn toàn của Triết vương Trịnh Tùng, đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc Lê Trung Hưng , giai đoạn đánh tan nhà Mạc, giải phóng Thăng Long, khôi phục nhà Lê tới năm 1604.
Đền Bà Chúa Đồn Trang
.
Bài và ảnh : Bỳ Văn Tứ
Tin khác đã đăng
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
- Đại hội đại biểu Hội đồng họ Trịnh huyện Thiệu Hóa 18/06/2024
There are no comments yet