Danh y nước Việt và nỗi sợ hãi của vua Càn Long



Ai là người được coi như là một Tuệ Tĩnh bị lãng quên? Ai sau khi chết vẫn khiến cho vua Càn Long nhà Thanh phải làm đại lễ tạ ơn ? Đó là Lương y Hoàng Đôn Hoà, người đã dùng y đạo của mình khiến cho mỗi người dân Việt tin rằng cỏ cây này, mảnh đất này thộc về họ mãi mãi vì tất cả những căn bệnh hiểm nghèo đều có thể tìm thấy lá thuốc ngay ngoài vườn nhà mình bằng chính bàn tay mình.

Ai là người được coi như là một Tuệ Tĩnh bị lãng quên? Ai sau khi chết vẫn khiến cho vua Càn Long nhà Thanh phải làm đại lễ tạ ơn ? Đó là Lương y Hoàng Đôn Hoà, người đã dùng y đạo của mình khiến cho mỗi người dân Việt tin rằng cỏ cây này, mảnh đất này thộc về họ mãi mãi vì tất cả những căn bệnh hiểm nghèo đều có thể tìm thấy lá thuốc ngay ngoài vườn nhà mình bằng chính bàn tay mình.

CỎ NƯỚC NAM LÀ MA

Năm Nguyên Hoà thứ nhất ( 1533), thời Hoàng đế Lê Trang Tông, bệnh dịch lan tràn khắp nơi. Nhiều người bị mọc những đốm đỏ kỳ quái ở bắp chân, toàn thân đau nhức cho đến chết. Những thầy lang bấy giờ không thể đoán được bệnh gì. Gia súc chết hàng loạt. Bấy giờ, để giữ hoà khí với triều đình phong kiến Trung Quốc, nhà Lê vẫn cho các thầy bói, thầy pháp từ Trung Quốc sang hành nghề. Nhân dịp có bệnh dịch sảy ra, các thầy pháp vừa kiếm lợi vừa phao tin rằng, do nước Việt không chịu thuần phục, cống nạp cho triều đình Trung Quốc nên mới bị bệnh dịch này.

Thực ra đây là một dịch bệnh bình thường, chủ yếu do khí hậu năm đó thay đổi đột ngột, những người bệnh do sống ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Cộng với cách chữa bệnh bằng phương thức độc hại mà các thầy lang không biết gì cho uống, cách chữa bằng uống tro than của thầy cúng, cùng tâm lý hoang mang khiến cơ thể không chống lại được bệnh tật. Đúng lúc ấy người ta lan truyền một bài thuốc rất hiệu nghiệm là người bệnh có thể được cứu sống bằng chính những lá cỏ dại mọc trong vườn nhà mình.

Ban đầu, nhiều người không tin, nhưng bài thuốc quá đơn giản và cũng đã hết cách cứu chữa, nên cũng dùng thử. Nào ngờ, chỉ cần vài bát nước sắc mấy loài cỏ dại mọc đầy ở vườn nhà mình. Người ốm đã hồi phục. bài thuốc lan truyền thật nhanh và bệnh dịch được đẩy lùi. Người tìm ra bài thuốc ấy là Đại danh y Hoàng Đôn Hoà. Ông người làng Đa Sĩ, Hà Đông ( nay là thôn Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Ông từng thi đậu Giám sinh nhưng từ chối ra làm quan với ý nguyện dùng y đạo của mình để cứu giúp dân chúng.

Ông không chỉ tìm ra những phương thuốc mới, mà những phương thuốc ấy phải luôn theo một điều kiện là thật dễ kiếm để ai có bệnh cũng có thể tự trở thành thầy thuốc của mình. Ông cho rằng, khi mắc bệnh , các bệnh nhân thường lo lắng, không kiếm đâu ra thuốc hoặc bi quan về bệnh tình của mình. Những cây cỏ dại, thân thuộc mọc trong vườn nhà mình không những có giá trị cứu chữa bệnh mà còn có giá trị “ cứu chữa” về tâm lý rất cao. Năm 1574, vua Lê Thế Tông cất quân đánh nhà Mạc, ông được cử làm Điền bộ lục quân (Quân y ) để chữa bệnh cho quân sĩ.

Trong trận chiến với quân Mạc, những con ngựa thồ lương thực do không chịu nổi chướng khí của vùng rừng Thái Nguyên đã lăn ra ốm, quân sĩ náo loạn vì mất voi, mất ngựa thì coi như cầm chắc thất bại. Hoàng Đôn Hoà đã tìm ra những bài thuốc hết sức đơn giản để chữa trị thành công cho đàn voi, ngựa chiến đó.

Phục tài, đức của vị lương y, vua Lê Thế Tông đã gả Công chúa Phương Anh cho ông. Trở thành phò mã, ông đã rời bỏ cung cấm để dùng y đức của mình cứu giúp dân gian. Công chúa Phương Anh theo chồng về chốn lều tranh. Bà cùng chồng ra sức tìm kiếm những loại cây thuốc mới và phổ biến cho mọi người biết. Trong kho của Viện Hán Nôm còn lưu giữ rất nhiều bài thuốc của Hoàng Đôn Hoà, tiếc rằng ngoài một bản dịch mỏng của Nhà xuất bản Y học, nhiều bài thuốc vẫn chưa có ai dịch.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tá Nhi cho rằng Hoàng Đôn Hoà là một Tuệ Tĩnh thứ hai mà chúng ta đã lãng quên. Những bài thuốc quen thuộc với những cây cỏ như lá chỉ thiên, vỏ dưa chuột chữa phạm phòng, lá huyết dụ chữa bạch đới, lậu, gỗ vang chữa táo bón…Trong cuốn: Hoạt nhân toát yếu có hơn 300 bài thuốc. Bài “ dưỡng sinh” bằng cách điều hoà hơi thở và tiết dục, những điều mà các nhà sư bấy giờ “giữ” lấy làm của riêng.

CÀN LONG VÀ CÁCH CÁCH “ TÂM PHỤC KHẨU PHỤC”

Gần 200 năm sau, thiên hạ mới nhận rõ về vị lương y kỳ tài của mình qua một người học trò của ông : lương y Trịnh Đôn Phác. Thời ấy vua Càn Long nhà Thanh bị mắc căn bệnh nan y. Thầy thuốc giỏi khắp Trung Hoa được vời về triều nhưng tất cả đều bó tay. Càn Long ra lệnh chém đầu tất cả các thầy thuốc đó thì một vị bốc sư- người chuyên bói mai rùa để xem điều hung, điều cát cho cung vua can rằng: ông xem thiên văn thấy khí lành tụ cả ở phương Nam, ở bên đó chắc có Danh y.

Càn Long sai người nước ta tìm và biết đến danh y Hoàng Đôn Hoà, nhưng Danh y đã khuất từ lâu. Một tin báo lại, Càn Long ra lệnh tìm bằng được một học trò giỏi của Hoàng Đôn Hoà, vì thầy thuốc giỏi chắc chắn phải có học trò giỏi. ( Vua Càn Long sinh măm 1711, lên ngôi năm 1736 khi 25 tuổi; ở ngôi 60 năm; mất năm 1796, thọ 88 tuổi).

Sứ thần tìm được lương y Trịnh Đôn Phác, người thừa kế những bí quyết trong “ Hoạt nhân toát yếu”. Trịnh Đôn Phác vào cung nhà Thanh. Càn Long thử tài của ông trước khi chữa bệnh. Đầu tiên, một sợi dây tơ bắt mạch được buộc vào một cây cột bên cạnh. Trịnh Đôn Phác xem mạch và kêu lên : Nhà vua băng hà rồi. Bọn nịnh thần xúm lại định bắt và trị tội thầy thuốc ngạo mạn, càn rỡ. Nhưng Càn Long ngăn lại. Lần sau, sợi chỉ tơ thăm mạch được buộc vào cổ tay một cung nữ nhưng không giấu được vị lương y nước Việt. Vua Càn Long tiếp tục thử, sợi chỉ thăm bệnh được buộc vào cổ tay một vị tướng quân. Trịnh Đôn Phác thăm mạch rồi nói : Mạch rất cường tráng nhưng tàn bạo. Ta vì mến đức của nhà vua mới nhận lời sang đây thăm bệnh. Nếu không tin ta thì thôi sao nhà vua nỡ làm cho y đức tổn hại như vậy. Vua Càn Long giật mình vội vàng để cho ông chữa bệnh.

Càn Long là một ông vua háo sắc nhưng rất thông minh. Khi bị bệnh, các danh y không có ai chỉ được rõ ràng các triệu chứng gây bệnh. Riêng Trịnh Đôn Phác đã mô tả rất rõ căn bệnh phức tạp. Muốn chữa, đầu tiên phải bằng liệu pháp tâm lý. với phương châm: “ Lửa cháy nhỏ thì sẽ cháy mãi. Nếu không dập được lửa thì phải thuận theo lửa”. Càn Long bàng hoàng tỉnh ngộ, quần thần xung quanh không hiểu ra sao.

Lương y tránh không nói ra căn bệnh xấu hổ của nhà vua. Càn Long tạ ơn và nhờ Trịnh Đôn Phác chữa bệnh cho Cách Cách thứ hai. Vị Cách Cách này hễ cứ ra ngoài không khí là bị ốm nên quanh năm phải nhốt mình trong phòng, thân người xanh sao, ốm yếu. Đặc biệt là Cách Cách không cho các cung nữ chăm sóc mà chỉ cho các hoạn quan trẻ tuổi đứng hầu bên cạnh. Trịnh Đôn Phác bắt mạch, và ông phán : “ Có mặt trời mới có mặt trăng. muốn mặt trăng sáng thì mặt trăng phải gần mặt trời”. Càn Long là ông vua thông minh hiểu ra ngay ý của vị lương y nước Nam là nên gả chồng ngay cho Cách Cách.

Trịnh Đôn Phác được thưởng rất nhiều vàng bạc, của cải và được mời ở lại làm quan trong triều đình nhà Thanh, nhưng ông từ chối. Ông phải về để giữ lấy “ tinh thần” của danh y Hoàng Đôn Hoà. Vua Càn Long đã làm lễ lớn tế danh y Hoàng Đôn Hoà đất Việt. nhà vua đã tặng Trịnh Đôn Phác một cái choé, một áo gấm tím ( mầu áo các Chúa Trịnh hay mặc ), một cây đèn lễ, một đôi hài bằng đồng. Trịnh Đôn Phác nói là công lao này là của thầy tôi, nên tặng phẩm này, người xứng đáng được nhận là người thầy của tôi là Hoàng Đôn Hoà. Cử chỉ của Danh y Trịnh Đôn Phác đầy tính nhân văn, đạo lý của một tâm hồn Việt cao cả. Hiện các hiện vật này vẫn đang được lưu giữ ở miếu thờ thần hoàng làng Đa Sĩ, Hà Đông, Hà Nội.

Hoàng Đôn Hoà, Trịnh Đôn Phác là những Đại danh y làm rạng danh nền y học Việt Nam

Tuấn Sinh

There are no comments yet

Tin khác đã đăng