Cụ bà Trịnh Văn Bô: Vẻ đẹp đàn bà Hà Nội xưa



Đã ngoài 90 tuổi, cụ bà Trịnh Văn Bô (tên thật là Hoàng Thị Minh Hồ) vẫn trả lời nhiều phỏng vấn báo chí với các câu chuyện hay về một giai đoạn Cánh mạng huy hoàng của dân tộc, về đời sống Hà Nội một thời…

LTS: Gặp gỡ và Đối thoại thứ Năm tuần này, chúng tôi xin giới thiệu lại cuộc trò chuyện của Nhà văn, Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải với cụ Hoàng Thị Minh Hồ, phu nhân của nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Gia đình đã ủng hộ Nhà nước Cách mạng hơn 5.000 lượng vàng và một số ngôi nhà lớn ở Hà Nội, trong đó có di tích lịch sử 48 Hàng Ngang nơi Hồ Chủ tịch viết Tuyên ngôn độc lập.

Chuyện kể 1945

Thưa bà, câu chuyện Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập tại ngôi nhà của gia đình bà ở 48 Hàng Ngang đã đi vào lịch sử. Riêng bà có những chứng kiến nào ạ?

Cụ bà Trịnh Văn Bô: Sau khi được báo là có một số cán bộ ở chiến khu sẽ về, tôi chuẩn bị đầy đủ, thì 6 giờ chiều, một xe ô tô 10 người đến, trong đó có các ông Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt… Ngày 24-8-1945 Bác Hồ về. Cụ Hồ lúc ấy mới ốm dậy, gầy còm. Cụ giản dị lắm, ngủ luôn ở cái giường vải tầng 2. Sau này mới nằm ở chiếc giường tôi đóng từ 1942, nay còn đây. Tháng 7 ta còn nóng, cụ đi chân đất, vì sàn gỗ đánh xi, mặc áo may ô ngồi đánh máy ở ban công. Khi cụ hỏi thăm, tôi nói là tuy sống đầy đủ nhưng có nỗi khổ là nhục mất nước. Thường 9 giờ sáng tôi đem lên hoa quả và ấm nước chè ngon lên pha.

Gia đình có được cụ Hồ tặng một cái ngà voi quý làm giải thưởng, câu chuyện thế nào ạ?

Sau Tuần lễ Vàng, Việt Minh sai ông Vũ Đình Huỳnh đi mua 60 đồng một cái ngà, bảo người ta gắn thêm một đàn voi con, to bằng ngón chân cái. Buổi sáng 8 giờ, anh phục vụ mời vợ chồng tôi lên. Tôi hồi hộp, gọi điện báo cho ông Bô đang làm việc thường vụ Ủy ban Hành chính lâm thời Hà Nội. Lúc đó có Bác, ông Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, độ 6-7 ông. Ngà voi để ở bàn. Bác mỉm cười nói tặng ngà voi cho gia đình đã giúp đỡ Cách mạng nhiều.

Rồi trong chiến tranh gia đình có giữ được kỷ vật đó không ạ?

Đi đâu đem theo đấy. Tôi đem về quê – Toàn quốc kháng chiến không đem đi được, yên lại đem về Hà Nội bày ở phòng khách. Rồi chiến sự bùng nổ. Tôi lên Cao Bằng chạy Tây, ở nhà cơ khí của cụ Đặng Văn Cát. Ở Hà Nội, có anh chiến sĩ Vệ quốc quân đội tự vệ Lương Văn Can bê cái ngà voi chạy được ra cửa sau Hàng Cân. Pháp bắn từ hoàng thành sang, anh bị thương nặng. Mất cái ngà voi. Thế thôi.

Thật tiếc quá. Thế còn hai huân chương Độc lập cao quý Nhà nước tặng hai ông bà?

Thì còn bày ở nhà tôi đây.

Xin bà kể cho thế hệ sau biết không khí của Tuần lễ Vàng, người Hà Nội ủng hộ Cách mạng?

Chúng tôi ở Ban vận động. Riêng Tuần lễ Vàng này gia đình tôi ủng hộ 117 lạng trong đó có của mẹ tôi 1 thoi 14 lạng. Nhiều người ủng hộ lắm, lúc đó chỉ có tha thiết đất nước độc lập. Hiệu Lợi Quyền bỏ 49 lạng vào hòm ở Hội trường Trí Tri. Bà Vương Thị Lai 109 lạng, rồi ông Mậu bà Trình phố Hàng Ngang, tư trang cũng trút hết, cho vào cái lư hương. Tổ chức rất sôi nổi ở Nhà hát lớn, bày hai con hạc hai bên… Không riêng Tuần lễ Vàng, mà trước đó, phong trào từ thiện rất nhiều. Chúng tôi coi việc đó là nghĩa lớn.

Ngày xưa gia đình bà làm từ thiện thế nào?

Gia đình tôi các cụ là nhà nho yêu nước cùng cụ Lương Văn Can. Mẹ tôi bảo kinh doanh phải có lời. Con kiếm 1 đồng, cho con cháu 7 hào, còn 3 làm từ thiện. Thời Pháp dọn nghĩa trang Hợp Thiện, tôi cho 100 cái tiểu, 1đồng 2 một cái. Năm 1937 bom Mỹ Nhật ném Đông Khê, Thất Khê tôi cũng giúp 20 lạng. Năm 1939 lụt ở Hưng Yên 2 huyện đói, chúng tôi đi xuống tận nơi phát cho người ta, chính quyền chỉ làm công việc tiếp đón.

Nhà tư sản Hà Nội

Xin bà nói một chút về cuộc đời nhà tư sản Trịnh Văn Bô?

Gia đình chúng tôi xuất thân từ nhà nho yêu nước. Tôi ở 21 Hàng Đào, ông Bô ở số 7 Hàng Ngang. Đời tôi là tứ đại ở Thăng Long. Xưa cha tôi bảo mẹ tôi: chỉ gả chồng học trò. Rể làm nên, có công con gái mình. Chín chị em gái tôi có hai người lấy chồng Hàng Đường. Tôi và một chị nữa lấy chồng Hàng Ngang.

Ông Bô đỗ tú tài toàn phần, lẽ ra năm 1933 đi Pháp học, sau tôi bảo bố mẹ có hai anh em thì ông Bính đã đi nước ngoài rồi. Lúc đó tôi 21 tuổi kế thừa cửa hàng lớn, sợ lo một mình không nổi. Học cao đi làm thì cũng là làm cho Pháp. Tôi muốn ông ở nhà giúp tôi giao dịch thông ngôn. Ông có hai thứ tiếng Pháp, Anh. Vậy là ông ở lại. Ông là Đảng viên từ 1945.

Thưa bà, gia đình Trịnh Văn Bô có phải một nhà tư sản giàu nhất Hà Nội thời đó không?

Nhất thì không biết nói thế nào, nhưng vào loại giàu. Giàu thì nhiều người giàu, nhưng chúng tôi có cái tâm. Xưa cụ tôi dặn con: cha già chưa làm tròn việc nước, sau này con nào có điều kiện giúp nước thay cha. Lời đó thấm vào tim tôi.

Gia đình tôi cả nội ngoại các cụ ông là nhà giáo trong Đông Kinh nghĩa thục, các cụ bà là kinh doanh. Hàng Đào xưa họ Hoàng ở gần hết 4, 5, 6 đời. Đầu phố là nhà cụ Lương Văn Can. Cha tôi là cụ Hoàng Đạo Phương. Cụ Hoàng Đạo Thúy là em, là trò.

Họ Hoàng nhà tôi sinh quán Kim Giang, Kim Lũ – nghèo nhưng chữ thì vô vàn. Chúng tôi có một xưởng dệt, bốn cái nhà và một cửa hàng. Tư sản ngày ấy có bốn nhà thương gia lớn được Nhà nước tặng thưởng là Bạch Thái Bưởi, Sơn Hà, Lương Văn Can và Trịnh Văn Bô.

Gia đình đã kinh doanh như thế nào thời đó?

Chúng tôi buôn bán và sản xuất tơ lụa, bán cả sang Lao, Miên, Thái, có uy tín lắm. Có giao dịch buôn bán với Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tôi giao dịch, ông Bô thông ngôn. Tơ của ta đẹp lắm. Tơ La Cả rộng 55 phân, La Khê rộng 70 phân. Cứ 1 áo là 1 tấm. Tơ lụa nước ngoài cũng có.

Đàn bà Hà Nội

Tuy là cửa hàng của nhà chồng giao, nhưng vai trò của bà, người phụ nữ Hà Nội đảm đang, là rất quyết định, phải không ạ?

Chúng tôi kế nghiệp, phải làm việc chăm chỉ. Có ông Bô nữa, chứ mình tôi sao nổi. Tôi quay tít quanh năm ngày tháng, làm chủ vất vả lắm. Một tháng Tết tới 30 người làm. Có lúc bán hàng cả nước từ Yên Bái, Lào Cai… Lúc khởi nghiệp có mấy vốn đâu. Gia đình chúng tôi bên nội tứ đại do nữ cầm trịch hết. Bà chồng, mẹ chồng, bà nội tôi, rồi mẹ, đến tôi đời thứ tư, toàn phụ nữ kinh doanh.

Vậy con gái ngày xưa được dạy dỗ ra sao mà giỏi thế ạ?

Bố tôi dạy con sống có đức, ông cụ dặn con chớ trọng phú quý, con chớ khinh bần hàn. Thương người như thể thương thân. Suốt từ năm 1932 kinh doanh, rồi mốc năm 1936 đến nay đã gần 80 năm, tôi luôn thương người lao động. Những người giúp việc ngày xưa cũng vậy.

Ngày xưa gia đình thương gia thường có những người làm rất trung tín, hết lòng với chủ. Những lão bộc, quản gia xưa sống chết với chủ bây giờ không có nữa?

Mình đối xử thế nào để người ta tận tụy. Họ có đám cưới, có việc nhà, tôi giúp đàng hoàng. Tôi đi vắng, có ông giữ cái nhà bốn tầng, tôi đi kháng chiến, ông vẫn trông nom. Có người nấu bếp ở với tôi suốt 36 năm. Lúc tôi đi kháng chiến cũng có 4 người giúp việc. Hai u em, hai bà vừa trông cụ, vừa cơm nước. Tôi lao động từ trẻ đến già, mới biết thương người lao động. Lúc 80 tuổi tôi còn xách nước. Mình hay cho đi thì lại có lộc. Mình ăn lộc trời.

Bà thấy con gái Hà Nội xưa có nét gì đẹp nhất?

Con gái được các cụ dạy phải nhu mì, đảm đang. Đi đâu đều mặc áo dài, vấn tóc trần. Ít tiếp xúc nam. Bạn không có bạn nam. Mặc dù hôn nhân là do cha mẹ chơi với nhau rồi gả con cho nhau, vậy mà chúng tôi 11 anh chị em, 9 gái 2 trai, ai cũng sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

Thưa bà, lấy nhau thế lỡ có gì không hợp thì sao ạ?

Tôi sống với ông Bô từ năm 1932 đến năm 1988 ông mất, chả bao giờ to tiếng. Có gì sẽ bảo nhau. Tính tôi giận thì chiến tranh lạnh, vài giờ mà tôi không nói gì, ông sợ lắm. Ông hay chơi cá ngựa, mạt chược. Gia phong nền nếp, con cái không trai gái bồ bịch. Họ nội ngoại nhà tôi không có một ai vợ nọ con kia, Bảy đứa con tôi thành 14, 18 nội ngoại dâu rể, 10 chắt, con chắt nhớn 25 tuổi lập gia đình rồi. Sang năm nữa có chút. Cả tôi nữa là 43 người, thương yêu gắn bó.

Cuộc sống hiện nay của bà?

Tôi là một trong những người đầu thời kỳ thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ. Đảng Xã hội thành lập năm 1948 ở Hàng Ngang tôi có tham gia. 10 năm là cán bộ Phụ nữ Trung ương, 20 năm trong Chấp hành phụ nữ thành phố Hà Nội. Đến 1974 về hưu. Bạn bè thì hết rồi. Tuổi như tôi cũng hết. Cháu gọi cô dì thím mợ ruột cũng đã tuổi 80. Nhiều người bảo tiếng tôi vẫn sang sảng, còn thọ lắm. Chỉ có cái tai bên này không nghe được.

Hà Nội xưa thế nào ạ?

Bấy giờ nhà Hà Nội ít lắm. Phố Phan Đình Phùng, Hùng Vương… nhà của dân, thương gia, đốc tờ, dược sĩ. Xưa Pháp nó ở lẫn với dân không phân biệt. Hà Nội xưa nhỏ thôi, nay mở rộng khang trang ra nhiều. Thời đó nghiêm lắm. Không bao giờ công chức đến cửa hàng giao dịch. Tôi đi kháng chiến chín năm khóa cửa nhà để đấy không ai đụng đến.

Bà có suy nghĩ đúc kết gì về cuộc đời để dạy cho con cháu và đời sau?

Nghe có người bảo Tổng thống Pháp nói bà Bô là Bộ trưởng tài chính của Việt Minh. Còn tôi nghĩ: Đời tôi nhớ lời bố dạy. Giúp nước, lúc ấy cốt độc lập tự do. Là nhời bố dạy – Sống phải có đức, đức làm đầu. Có tâm có đức có hết, mặc sức mà ăn. Trời có mắt. Độ cho tôi mới được thế này. Lao động và thương người…

Theo Người Đô Thị số

There are no comments yet

Tin khác đã đăng