Chuyện về một nhân chứng lịch sử



Sáu mươi tư mùa thu kể từ những ngày Tháng Tám, nhà báo Xuân Ba đã tìm đến nhà cụ quả phụ Trịnh Văn Bô - một nhân chứng lịch sử.

Ông bà Trịnh Văn Bô

… Bây giờ trong ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, thư thả truớc chúng tôi đây là bà quả phụ Trịnh Văn Bô tức Hoàng Thị Minh Hồ, thân hình đã hơi đẫy với những sải chân chậm chạp nhưng thần thái vẫn hết sức tinh anh.

Tuổi 96, không nhiều lắm các cụ bà đến độ tuổi ấy mà vẫn mẫn tiệp lạ. Nét cười tuy có móm mém bởi tuổi tác nhưng ánh mắt vẫn long lanh không hề mờ đục, giọng cụ khoe và vang ấy là trời Phật độ cho tôi đấy…

Trong số chúng tôi ngồi đây, có những phóng viên mà cái thời điểm ngày 10-10-2003, khi gia đình bà Bô chuyển về 34 Hoàng Diệu này, người thì được mời, người thì được gọi (mà đều rất gấp?) rằng đang có một vụ nhảy dù nhà trái phép! Tốc táo đến nơi, thấy trên bậc thềm nhà 34 Hoàng Diệu, bà quả phụ Trịnh Văn Bô, cái can chống hờ đỡ một bên người, mái tóc cước rung rinh trong nắng sớm cười hiền hậu giọng sang sảng nào, mời các nhà báo lên nhà uống nước…

Các ký giả có mặt bữa đó đều phát hoảng! Hóa ra người nhảy dù là bà cụ Bô mà bao nhiêu năm mà họ đã quá quen mặt! Họ tíu tít theo chân cụ lên nhà chuyện vãn một hồi rồi ai về nhà nấy… Bởi có việc chi mà phải hỏi han với lại cật vấn? Những tờ giấy có những chữ ký cùng các dấu mộc đầy quyền lực ghi rất rõ cái việc cụ hợp pháp nhà 34 Hoàng Diệu này. Nhà cụ thì cụ cứ việc ở!

Trời Phật độ cho, phải chăng cái quả từ căn tính làm việc thiện? Câu chuyện sớm thu nay lùi tít về một quá vãng. Lời dặn của người cha già từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục với 11 người con “Việc nước cha chưa làm tròn, giờ cha đã già, sau này các con ai có điều kiện thì giúp nước thay cha”. Việc nước nghe sao to tát? Nhưng ngay từ hồi còn trẻ, cụ đã nghĩ việc thiện của từng người từng nhà dường như là cấu thành nên hồn nước?

Thành hôn khi 18 tuổi, gia đình chồng cũng là nhà tư sản, hai vợ chồng Trịnh Văn Bô ngay từ năm 1936 bắt đầu khai mở việc thiện bằng việc cúng 100 chiếc tiểu đại để chôn cất hài cốt khi di dời nghĩa trang Hợp Thiện. Rồi tiếp đó là việc như ủng hộ những người bị bom Mỹ, Nhật ở Đông Khê, Thất Khê , nạn nhân lũ lụt ở Hưng Yên, mua chăn cho trẻ sơ sinh… với số tiền hơn 4 vạn đồng Đông Dương.

Cuối năm 1944, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô bắt mối với Việt Minh qua ông Khuất Duy Tiến, một yếu nhân của Đảng. Ông Tiến bộc bạch quỹ Việt Minh bỏ ra 5 xu để mua báo cũng khó. Ông bà bán ngay 16 hòm tơ bóng và xuất thêm ngân quỹ của nhà.

Đến tháng 7 năm 1945, trước thời điểm Tổng khởi nghĩa gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Việt Minh tám vạn rưởi đồng Đông Dương trị giá 212,5 lạng vàng. Đến ngày tổng khởi nghĩa, ông Khuất Duy Tiến đưa hai ông bà vào Ban vận động Quỹ độc lập. Ông bà ủng hộ quỹ tiếp 20 vạn đồng tương đương với 500 lạng vàng và còn đi vận động cho quỹ này được hơn 1 triệu đồng Đông Dương.

Tôi ngước lên vị trí trang trọng treo tấm ảnh chụp tại Nhà Hát Lớn trong Tuần Lễ vàng lịch sử. Ông bà Trịnh văn Bô cùng thân mẫu của ông Bô, ông Phạm Văn Đồng và nhà tư sản Nguyễn Hữu Tiệp, nhà điền chủ Hà Thành (ông ngoại của GS Nguyễn Lân Dũng).

Trong Tuần lễ vàng, vợ chồng tôi cũng ở trong Ban vận động. Tôi lại đóng góp 117 lạng vàng, trong đó tiền riêng của vợ chồng tôi là 103 lạng, còn tôi đưa cho bà mẹ chồng lúc đó đã 85 tuổi một thoi to nhất (14 lạng) để cụ ủng hộ quỹ. Rồi vợ chồng tôi đi vận động để mọi người ủng hộ thêm trên 1.000 lạng vàng nữa.

Tôi cứ tiếp tục những công việc như thế, như lo đài thọ cho Thường vụ gồm các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng… khoảng 15 người về ở nhà tôi.

Sau đó, ông Trường Chinh đi đón Bác Hồ về vào ngày 24/8/1945 và ở nhà tôi cho đến 27/9. Bác viết bản Tuyên ngôn Độc lập ở nhà tôi, số 48 Hàng Ngang. Suốt thời gian này gia đình tôi đài thọ hết từ ăn uống, tiệc tùng, may mặc, đi lại. Về sau, người Pháp người ta nói rằng “Bà Trịnh Văn Bô là Bộ trưởng Tài chính của Việt Minh”.

Cộng lại, cả tiền và vàng, gia đình nhà tôi ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng. Khi về cướp chính quyền, ngân khố chỉ có 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, toàn giấy 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào. Nhưng số thì rách, số thì nát quá không tiêu được. Gần như ngân khố quốc gia là rỗng.

Tiền ủng hộ nhiều như vậy, thế nhưng cái quý giá nhất tôi nghĩ không phải là số tiền đó mà chính là việc chúng tôi đã bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh trong suốt một tháng ba ngày và cả Thường vụ đi về, làm việc ở nhà tôi mà không xảy ra sự cố nào.

Chính ông Cụ đã gây cho tôi ấn tượng khó quên. Cứ như mình đã gặp một ông Bụt hiện hình… Khoảng 9 giờ tôi thường mang hoa quả, nước trà ngon lên mời cụ xơi.

Một lần, cụ đang đánh máy, thấy tôi lên cụ đứng dậy vươn vai và nói: “Cô chẳng có gì khổ, tuổi đời còn ít, đã có hai con trai, hai con gái, lại có cả cơ ngơi thế này”. Tôi nói: “Thưa Cụ cháu có cái nhục đó là cái nhục mất nước”. Cụ trầm ngâm khẽ khàng “Thế thì kiên trì, nhẫn nại cô nhé”.

Ôi chao chỉ mỗi một câu gọn ghẽ thế mà đang từ ngồi trên nhung lụa, bỏ tất đi với kháng chiến. Ở chiến khu, ngồi chuồng trâu nhai cơm với quả cọ om (muối) nhớ đến lời Cụ kiên trì nhẫn nại… Về sau này trúc trắc trong việc đòi cái nhà này lại gẫm đến câu kiên trì của Ông Cụ hồi nào… Hình như Trời Phật qua ông Cụ nói câu đó Trời Phật sẽ độ cho…

Anh bạn đồng nghiệp cùng đi mê mải với câu chuyện mà cụ từng chia xẻ với giới doanh nhân để góp phần làm ngắn lại khoảng cách về giàu nghèo hiện nay. Làm sao để đời sống nhân quần bớt u ám thêm phần ấm áp… Làm sao căn thiện đủ sức lây lan tỏa rộng trong cộng đồng…

Lại một lúc câu chuyện xôm tụ về những người không quen biết bất ngờ đến thăm cụ, đơn giản cụ là ân nhân của cách mạng. Chuyện một ông ở Yên Bái mới mang xuống tặng cụ lạng cao hổ! Vị khách không quen biết ấy giọng nói lập cập như có pha cả nước mắt bà ơi, nhiều gia đình như nhà ta đã góp của góp tình mà nuôi nên nước Việt mình đấy bà ạ.

Thế hệ chúng con có bổn phận là phải ghi ơn ấy phải nối chí ấy. Nhưng mà thời nay chả được mấy nguời… Lạng cao đó cụ ngâm thành hai chai rượu. Biếu bên thông gia một chai. Cụ cười, chai kia thì tôi uống… Cao hay cái tình, chả biết nhưng thấy khỏe ra nhiều…

… Ngó suốt lượt gian phòng khách với những đồ đạc tuềnh toàng tầm tầm của nhà cụ, tôi để ý đến chiếc tràng kỷ chắc bây giờ có lẽ đã lạc mốt nhưng chắc phải bắt mắt với mọi thời đã lên nước thời gian bóng loáng.

Theo cái nhìn của tôi, cụ ghé tai nói nhỏ… Nghe mà hơi bàng hoàng! Hóa ra chiếc tràng kỷ ấy Ông Cụ đã từng nghỉ lưng hồi ở 48 Hàng Ngang những đêm ngồi miệt mài với Tuyên Ngôn Độc Lập… Rằng ngôi nhà cũng như toàn bộ đồ đạc nội thất 48 Hàng Ngang, gia đình cụ hiến tất để làm di tích lịch sử nhưng cụ đã giữ lại chiếc tràng kỷ này.

Khi giữ nó lại, cụ đã nghĩ đến một cái ngày nhỡ có mệnh hệ nào thì gia đình cũng còn một kỷ vật riêng về Ông Cụ… Hóa ra nghĩ mông lung vậy mà hóa thật… Chao ôi những là tao loạn cùng nhiêu khê của việc vật đổi sao rời…

Cụ chầm chạp đứng lên bước về phía tủ. Cụ lấy ra một lọ chè. Tỷ mẩn dốc ra, cụ gói thành 2 ấm nhỏ. Bất ngờ cụ vẫy tôi lại bảo mang về mà uống. Thứ chè này hằng bao năm cụ vẫn tự tay ướp sen này ông Cụ hồi ấy cũng dùng loại chè này đấy…

Trước lúc rời nhà cụ, ngước sang vệt xanh kế bên của hàng rào chè mạn của nhà 36 Hoàng Diệu, tôi chợt nghĩ lẩn thẩn rằng, biết đâu vào một bữa đẹp trời nào đó, những sải chân chậm chạp của cụ bà Trịnh Văn Bô cùng những bước chân chầm chậm vì tuổi tác của vị đặc đẳng công thần Võ Nguyên Giáp sẽ qua lại thăm nhà nhau?

Hàng xóm bây giờ thì đã đành nhưng có một thời đẹp hơn huyền thoại là anh Văn từ chiến khu cùng cụ Hồ về Hà Nội đã từng lưu lại nhiều ngày tại nhà 48 Hàng Ngang của cô chú Trịnh Văn Bô thân thương trong những ngày thu Hà Thành 64 năm trước!

Ghi chép của Xuân Ba

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2009-08-30-chuyen-ve-mot-nhan-chung-lich-su

There are no comments yet

Tin khác đã đăng