Cảm nhận về bộ phim – DƯỚI CỜ PHỤC QUỐC
Một bộ phim được ra mắt trong sự mong đợi và kỳ vọng bấy nay của người dân Thái Nguyên, trong sự háo hức đón xem và dõi theo đến từng chi tiết, từng nhân vật của những người xem truyền hình chúng tôi...
I – Những điều tâm đắc
DƯỚI CỜ PHỤC QUỐC – Một bộ phim được ra mắt trong sự mong đợi và kỳ vọng bấy nay của người dân Thái Nguyên, trong sự háo hức đón xem và dõi theo đến từng chi tiết, từng nhân vật của những người xem truyền hình chúng tôi. Bởi đây là bộ phim tái hiện về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra năm 1917; tái hiện một sự kiện quan trọng trong lịch sử cận đại Việt Nam – Đó là cuộc khởi nghĩa mà theo như cố giáo sư viện sĩ Trần Huy Liệu “ là cuộc khởi nghĩa lớn nhất, chiến đấu dẻo dai nhất trong thời kỳ đại chiến lần thứ nhất ở nước ta (1914-1918)”. Bởi đây là bộ phim đã nhận được sự quan tâm về tinh thần và vật chất của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh; bộ phim có sự nỗ lực vượt bậc của các đồng chí lãnh đạo và tập thể anh chị em Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thái Nguyên với quyết tâm làm bộ phim truyện đầu tay, nhất là phim về một đề tài mà đến nay chưa có cuốn phim truyện nào thể hiện.
Bộ phim đã mang đến cho người xem những hình ảnh quả cảm, lẫm liệt và bi tráng của lực lượng khởi nghĩa thời kỳ ấy gồm binh lính trại Khố xanh, tù quốc sự phạm, dư binh cuộc khởi nghĩa Yên Thế và người dân Thái Nguyên. Bên cạnh đó phim cũng làm nổi bật được vai trò lãnh đạo của Đại đô đốc Trịnh Văn Cấn, của Quân sư Lương Ngọc Quyến, đồng thời còn khắc hoạ đậm nét nhiều tình tiết về tình đồng đội, tình cảm yêu mến của nhân dân với nghiã binh.
Trong phim còn nêu lên nhiều thủ đoạn thâm độc, thói ăn chơi đàng điếm, sa đoạ của quan thày Pháp và bọn chó săn tay sai…
Bằng nhiều tình tiết, bộ phim đã làm sáng tỏ tính chất của cuộc khởi nghiã, đó thực sự là cuộc nổi dậy để đánh đuổi bọn thực dân Pháp, khôi phục nền độc lập cho tổ quốc điều đó thể hiện trong lời hịch của Đại đô đốc Trịnh Văn Cấn đọc trước nghĩa quân, giữa đêm Khởi nghĩa và chính kiến cùng tư tưởng chỉ đạo của Quân sư Lương Ngọc Quyến và trên lá cờ “phục quốc”.
Mặc dầu cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 chưa phải và chưa thể là một phong trào cách mạng của quảng đại quần chúng nhân dân. Nhưng trong phim cũng thể hiện được tính nhân dân của cuộc khởi nghĩa qua những hình ảnh tham gia của nhiều lực lượng quần chúng yêu nước, ngay tại thị xã Thái nguyên cũng như ở các vùng xa hơn.
Lần lượt qua 4 tập, bộ phim đã dựng được những cảnh đầy ấn tượng đối với người xem:
Cảnh tên Phó Quản Lạp bắt Cai Mánh bò chui dưới háng mình, trước sự chứng kiến của một số lính Khố xanh trong trại và sự có mặt của tên giám binh No-en với dáng vẻ đầy ngạo mạn.
Cảnh Đội Trường nén nỗi đau, thắp nén nhang lên bàn thờ Bố, nghiến răng căm giận nghĩ đến tên Đội Hành, làm tay sai cho Pháp, đã giết cha mình.
Cảnh tên Phó Quản Lạp bàn với vợ, lập danh sách những người mà hắn nghi là có thể “làm phản” và y đã không ngần ngại, nghiến răng rồi nói với vợ “ Thà ta giết nhầm còn hơn bỏ sót”!.
Cảnh các lãnh đạo nghĩa quân cắt máu ăn thề, đồng lòng quyết chiến diệt lũ “Phú Lang Sa”.
Cảnh những nghĩa quân, tuy vũ khí thô sơ, nhưng vẫn băng qua lửa đạn, quyết chiến đấu xả thân vì nước.
Hình ảnh lá cờ nền vàng với 5 NGÔI SAO ĐỎ và bốn chữ lớn NAM BINH PHỤC QUỐC phất phới bay trên toà nhà viên công sứ đã làm nức lòng người xem.
II. Những điều mong được trao đổi.
Bên cạnh những chi tiết tái tạo về cuộc khởi nghĩa và những điểm nhấn gây được ấn tượng nêu trên, sau khi trao đổi với một số bạn xem phim, chúng tôi mong được trao đổi về mấy điểm sau đây:
1- Phim có bỏ qua một số tình tiết cần khai thác?
– Người xem lấy làm tiếc bởi trong phim vẫn không nêu được những cảnh nói về tội ác của chính tên công sứ Dac-Lơ (kẻ đại diện cao nhất của chính quyền Pháp ở Thái Nguyên), một trong “tứ hung” mà Nguyễn Ái Quốc đã từng tố cáo trong “Bản án chế độ thực dân”(1) như:
Đối với công nhân làm đường
“ Cứ mỗi khi ông ta đi xét các con đường có dân phu làm việc thì số người bị đánh què bằng lưỡi xẻng, cán quốc phải tính bằng đơn vị nửa tá”…
Đối với tù nhân
“ Khi hỏi cung phạm nhân quan công xứ thường lấy thanh gươm đâm vào đùi họ..”
Đối với binh lính khố xanh
“ Có ba người lính khố xanh để xổng một người tù đã bị ông Đac- Lơ đánh đập một cách tàn nhẫn, nắm tóc họ kéo lê dưới đất và đập đầu họ vào tường toà xứ. Lại một lần có mấy người lính khố xanh làm trái ý ông ta, ông ta bèn đem chôn họ đến tận cổ, mãi đến khi họ ngắc ngoải mới cho moi lên”.
“ Người ta đã trông thấy quan công sứ dùng gậy đánh một viên đội lòi mắt” Chúng tôi đã được đọc và nhận thấy: Ngay trong kịch bản, tác giả Hồ Thuỷ Giang cũng có đề cập đến một số tội ác của Dac- Lơ như sau:
“ Dac lấy thước sắt đập nát tay một thư ký bản sứ đã đứng tuổi. Viên thư ký từ từ gục xuống”
“ Mấy cái đầu thò lên từ mấy cái hố chôn người. Dác ngửa mặt lên trời cười sảng khoái”
“Dac rút súng bắn chết nhiều người rồi cho chôn chung vào một hố to”
– Trong phim “Dưới cờ phục quốc” cũng chưa có những chi tiết khai thác sâu hơn về hình ảnh đấu tranh, tham gia khởi nghĩa của lực lượng công nhân mỏ than Phấn mễ và mỏ kẽm Làng Hích.
Trong khi đó chính kịch bản cũng ghi cả tình tiết về một bộ phận công nhân mỏ Phấn Mễ và Làng Hích kéo về thị xã Thái Nguyên để ra nhập với nghĩa quân và người chỉ huy đã kính cẩn nói với Đội Cấn “ Tôi là Huynh được anh em Phấn Mễ, Làng Hích nhất tề tôn lên làm chỉ huy. Nay đội quân chúng tôi xin được nhập vào cuộc khởi nghĩa long trời lở đất này. Mong nhận được sự chấp nhân của Đại Đô đốc”
Những sử liệu quí cũng như những chi tiết trên ghi trong kịch bản đã không được thể hiện, đó là điều mà những người xem phim chúng tôi lấy làm tiếc.
2. Tình tiết quan trọng trong phim có thể khác sự kiện lịch sử?
Trong khi ý đồ của những người làm phim mong muốn tái tạo chân thực và sáng rõ bản chất của cuộc khởi nghĩa, thì trong phim lại nêu lên những tình tiết khác với sự kiện lịch sử và cũng không đúng cả với kịch bản. Xin viện dẫn ra 2 dẫn chứng cụ thể như sau:
– Trong phim diễn ra cảnh tên Phó Quản Lạp tại nhà vợ hai của hắn ở Đu, đã bị một nữ nghĩa quân bịp mặt đột nhập vào nhà và nổ súng ám sát, việc này hoàn toàn khác với sử liệu đã ghi:
“ Việc giết Nô- en và Phó Quản Lạp được xem là hành động mở đầu cuộc khởi nghĩa, Ban chỉ huy yêu cầu không được nổ súng. Gần đến giờ qui định đội Trừơng và một lính thân tín nhận nhiệm vụ giết No en, Chu Văn Chén nhận nhiệm vụ giết Phó Quản Lạp.”(2)
Cũng cần nói thêm là về tình tiết giết Phó Quản Lạp mà phim đã dựng cũng lại không phải như kịch bản đã viết:
“ Phó Quản Lạp giơ súng lên, chưa kịp bóp cò đã bị Chu Văn Chén thọc một mũi lê xuyên suốt bộ ngực lép kẹp.”
Việc giết tên Nô-en mà phim diễn tả cũng lại không giống như kịch bản và không đúng cả với sử liệu đã ghi lại là:
“ Đội Trường đến phòng ngủ của Nô -en gõ cửa báo tin có điện khẩn từ Hà Nội gửi lên. Nô -en chỉ hé cửa thò tay ra nhận điện. Người lính thân tín của Đội Trường cầm dao xông vào chém Mô-En. Nhưng Nô-En tung cửa chạy ra. Đội Trường lúc đó buộc phải bắn chết Nô-En.”(3)
3. Những hình ảnh có mang lại sự phản cảm?
Về việc tái hiện cảnh cũ, xin được trao đổi qua 3 đoạn phim sau:
– Bộ phim được mở đầu bằng hình ảnh ngôi đền Đội Cấn rất hoành tráng (cảnh đền mới đưxây dựng lại ) với lời thuyết minh nhập đề rất trang nghiêm -“Từ thờì Pháp thuộc, người dân Thái Nguyên đã xây dựng ngôi đền này, trước của đền có tấm bia đá ghi lời tuyên bố của cuộc khởi nghĩa…”. Người xem nhận thấy ngay hình ảnh và lời dẫn đều không đúng với thực tế vì “ từ thời Pháp thuộc” người dân Thái Nguyên với lòng yêu nước, mới chỉ lập một túp lều nhỏ trên ngọn đồi lau lách để thờ thủ lĩnh nghĩa quân Độị Cấn, như vậy thì đã làm gì có “ngôi đền này” và làm gì lại đã dựng cả “ tấm bia đá”!
– Cảnh Pi tơ Ngọc và Maria, con gái của công sứ Dac-Lơ đi ôtô qua một vùng quê. Trong phim hiện lên cảnh vùng đồi chè bát ngát xanh tươi và Pi tơ đã chỉ tay giới thiệu với người yêu – “đây là đồi chè Tân Cương…” Thực ra năm 1917 vùng đất Tân Cương này chưa có vùng đồi chè như trong phim; vì mãi đến năm 1921 mới thành lập xã Tân cương và ông Đội Năm là tiên chỉ đầu tiên của xã Tân Cương mới cùng một số trai tráng lặn lội sang tận Phú Thọ để xin giống chè về trồng và phải mấy năm sau Tân Cương mới có một số vườn chè xanh tốt…
– Cảnh Pi te Ngọc và Ma ria lên lễ chùa Phù Liễn, mà trong phim lại đưa lên hình ảnh ngôi chùa mà ai cũng nhận ra ngay đó là chùa Phù Liễn đã được xây dựng mới, với hai tầng lầu và có đôi rồng đá hai bên bậc thang lên… Lại nữa, trong phim, nhà sư đang gõ mõ tụng kinh sao lại khoác áo choàng mầu vàng của một Đại đức? được biết trước đây chùa Phủ Liễn cũng chỉ có nhà sư trụ trì (khoác áo nâu) và chỉ mươi năm trở lại đây, chùa mới được Đại đức Thích Nguyên Thành về trụ trì mà thôi.
Những đoạn phim trên đã mang lại sự phản cảm đối với người dân Thái Nguyên chúng tôi khi tường tận về mảnh đất quê mình.
4. Có phải đã có quá nhiều giản đơn và dễ dãi ?
Trong phim cũng có những điểm thuộc về trang phục, hoá trang, chọn cảnh, như sau:
– Hình ảnh những người lính trong trại lính Khố xanh của tỉnh lị mà quân phục thật lộn xộn, không thống nhất và cũng chẳng đúng kiểu. Thực ra quân phục của lính Khố xanh thì ngang lưng phải thắt đai xanh phía trong áo, chỉ để lòi ra một mảnh, quần áo đều là mầu vàng úa, ống chân có quấn xà cạp, đầu đội mũ vải mềm trùm cả xuống tai và gáy.
– Hình ảnh Đội Cấn đã được tài liệu lịch sử mô tả ăn mặc như sau: “Đội Cấn thường chỉ mặc bộ quần áo vàng, đội mũ nâu. Trong chiến đấu một tay cầm ống nhòm, một tay súng lục, vai khoác một khẩu muosqueton luôn nạp đạn” (4) chứ đâu có chuyện Đội Cấn lại đội khăn xếp! và quân phục khi làm việc ở trong trại lính lại chẳng ra kiểu một ông Đội !
– Đội Cấn sinh năm 1881, hơn 4 tuổi so với Lương Ngọc Quyến (sinh năm 1885), nhưng trong phim mọi người dễ nhận thấy nhân vật Lương Ngọc Quyến lại có vẻ nhiều tuổi hơn Đội Cấn ! nhất là khi hoá trang, khăn quấn trên đầu Lương Ngọc Quyến vẫn còn để lộ mái tóc bạc trên đỉnh đầu!
– Lại nữa, theo sử liệu, Lương Ngọc Quyến bị nhốt trong nhà lao và bị cùm cả hai chân, nhưng trong phim đạo diễn không tạo ra đạo cụ “cùm sắt”, mà lại tìm cách lấy mảnh vải xanh phủ che đôi bàn chân của ông! Sao dựng phim lại có thể làm đơn giản như vậy? và như thế sẽ làm giảm mất hình ảnh đầy khí tiết của một nhà yêu nước – Trong nhà lao, chân bị cùm mà vẫn ung dung ngâm Bình Ngô đại cáo…
– Cảnh bài trí trong phim lại có nhiều đồ đạc nội thất kiểu dáng khác xa với kiểu cổ ngày xưa. Thời đó làm gì những chiếc ghế kiểu hiện đại, có cả bàn tròn 2 tầng xoay vòng được như bàn ăn ở trong các khách sạn sang trọng thời nay !
– Cũng cần nói thêm về cách xưng hô của các nhân vật. Là phim Việt và sự kiện lại diễn ra vào năm 1917, khi đó văn hoá tây phương đã thâm nhập vào nước ta tới 30 năm rồi, mà tại sao các nhân vật trong phim không xưng hô “bác”, “tôi”, “em”, mà lại tuỳ tiện chắp vái và xưng hô với nhau: “đại ca”, “tiểu đệ”, “huynh”, “ muội”, “tiểu thư”, cứ y như là ở trong các phim dã sử Trung Hoa!
III. Lời kết
Điều không thể phủ nhận được là: Bộ phim “Dưới cờ phục quốc” đã làm cho chúng ta cảm nhận được: -Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã góp phần tô thắm thêm cho tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên. Đạt được sự cảm nhận trên của người xem là hiệu quả nhất định mà bộ phim mang lại, là hiệu quả của sự nỗ lực vượt bậc mà các đồng chí lãnh đạo cùng nhiều anh chị em trong Đài Phát thanh Truyền hình Thái Nguyên lần đầu tiên tham gia làm bộ phim truyện về lịch sử và là một đóng góp quan trọng của tác giả kịch bản – Nhà văn Hồ Thuỷ Giang.
Người xem thông cảm với việc tái hiện lịch sử khi làm phim, như NSND Trần Phương đã bộc lộ: “Làm phim về đề tài lịch sử có nhiều khó khăn”. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không cùng nhau trao đổi ý kiến về những điểm được và chưa được của bộ phim, nhất là với một bộ phim truyện đề cập về – Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 rất đáng tự hào.
————————————————–
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2- NXB chính trị quốc gia- Hà nội. tr 49,50
(2) ( 3) Khởi nghĩa Thái Nguyên nguyên nhân và diễn biến – GS,TS Cao Văn Biền viện sử học- Khởi nghĩa Thái Nguyên 80 năm nhìn lại- Sở VHTT Thái Nguyên. tr 73,74
(4) – Đội Cấn con người cà sự nghiệp- Giáo sư Vũ Huy Phúc – sách Khởi nghĩa Thái Nguyên 80 năm nhìn lại- tr 121
NGND Trịnh Trúc Lâm
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet