Bút tích của Chúa Trịnh trên danh thắng Thăng Long



Hữu xạ tự nhiên hương! Người xưa đã chiêm nghiệm và đúc kết, ở đâu có cản bất kể là núi cao hay biển rộng khắc có người tìm đến chiêm ngưỡng. Quanh thành Hà Nội xưa cũng vậy, nơi đâu có cảnh đẹp là nơi đó in dấu ấn của tao nhân mặc khách, như núi Tử Trầm nằm khiêm tốn giữa bãi đồng bằng đã được vua Lê chúa Trịnh lựa chọn để xây dựng hành cung. Hay như Nam Thiên đệ nhất động, tiếng tăm vang khắp trời Nam thì chắc hẳn ai mới nghe cũng muốn một lần đặt chân tới.

Chúa Trịnh Căn (1682 – 1709), một vị chúa được coi là có nhiều công lao trong thời gian trị vì, trong buổi thanh bình thong thả dạo chơi miền thôn dã, trải xem các danh lam thắng tích, thấy nơi nào đẹp đều nhập vào ngọn bút phẩm đề. Khi đến chùa Phật Tích (tức chùa Thầy) ở xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội đã thốt lên rằng: Nay thấy chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích, như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi ở cả bốn mùa.

Động tiên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn mây ráng, ao rồng thông sang bến siêu độ, trên cầu đôi vầng nhật nguyệt, núi tựa bình phong, sông như dải lụa, đá in dấu lạ, mãi mãi ghi điều thần diệu, vàng gieo sắc sáng, đường đường đầy rẫy quang minh. Trong khi ngoạn thưởng, cảnh hợp lòng người, trời đất mênh mang, ý thơ lai láng, liền làm bài thơ quốc âm, cho khắc vào đá để ghi việc thực.

Thơ rằng:

Càn khôn vẹn thiểu một bầu đông
Nảy nảy siêu nhiên chỉn lạ lùng.
Hương vũ trăng thiền soi vặc vặc
Vân song tiếng ngọc nện boong boong.
Trì thanh lẻo lẻo ngư long hội
Non nhiễu trùng trùng cẩm tú phong.
Lọn thế giới này giai cảnh ấy
Có bề quảng đại có linh thông.

Sau này, khi chơi núi Phật Tích, Quốc Tử Giám Tế tửu Phạm Đình Hổ đã viết: “Giờ Tỵ qua cầu Nguyệt Tiêu, lần bậc lên núi. Trên lưng núi có bia, khắc bài thơ ngự chế của chúa Định Vương (Trịnh Căn)”. Cũng trong quần thể đó, cảnh đẹp hang Cắc Cớ cũng làm thi nhân xao lòng mà ghi lại thành thơ.

Rộng xem núi đá nhấp nhô, trời nhân sáng sủa, bao quát phong quang rạng rỡ. Vừa gặp buổi xuân sang tốt đẹp, nhân dịp may mà đến thăm lại cảnh này. Lòng vui thẳng bước, xem ngắm nơi nơi, vần thơ hay đã nảy, bèn sai khắc vào đá.

Lạ thay hồng tạo khéo điêu thành
Danh ấy rong treo xứng thửa danh.
Ngọc trục hương nhuần mùi bát ngát
Quân giai nguyệt tỏ bóng rành rành.
Xanh thu hoa thụ khoe xuân đượm
Tiếng nhặt huân kinh diễn đạo lành.
Trần giới hơi hơi chăng điểm bá
Chốn sao thanh tịnh nữa thiền quanh.

Hay ở Chùa Pháp Vũ (tức chùa Đậu) ở làng Gia Phúc, huyện Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội, khi chúa Trịnh Căn tới vãn cảnh, cũng phải sửng sốt thốt lên rằng: Giữa chốn bình nguyên mặt đất, cảnh không mây ráng, thú chẳng đá chồng, mà lại mọc lên một thế giới lưu ly, đó là cái kỳ diệu của chùa Pháp Vũ ở huyện Thượng Phúc vậy. Đất sinh sen biếc, đài mở gương vàng. Rườm rà cây việt, dâm mát một góc trời; Tha thướt cành dương, tưới nhuần cho muôn vật. Hiu hiu gió huệ hòa lá bối, rực rỡ trăng trời dọi hoa đàm. Chợt bàn danh thắng, đặt bút thành thơ.

Thanh quang mẽ mẽ chốn dao quang
Gấp mấy trần gian mấy thế thường.
Cả mở tượng đồ đồ tuệ chiếu
Vẹn gồm khoa lục lục kim cương.
Duyềnh thâu bích hải duyềnh oanh quất
Sắc ánh từ vân sắc rỡ ràng.
Đức thịnh càng ngày càng hiển ứng
Đành hay rành rạnh dấu thư hương.

Vào đầu xuân đi trảy hội chùa Hương, hẳn ai cũng nhìn thấy trên vách núi chùa Tuyết Sơn vẫn còn dấu tích bài thơ Nôm của chúa Trịnh Sâm ở đó. Cảnh đẹp của Tuyết Sơn khác với đường vào động Hương Tích, trầm lắng hơn, thanh vắng hơn, dễ khiến lòng người rung động như lạc vào nơi tiên cảnh. Bài thơ này Trịnh Sâm đề ở vách núi chùa Tuyết Sơn (xã Hương Sơn huyện Mĩ Đức, Hà Nội) nhân chuyến đi thăm chùa Tuyết Sơn đầu năm Canh Dần (1780).

ĐĂNG TUYẾT SƠN HỮU HỨNG

(Lên ngọn núi Tuyết Sơn cảm hứng)

Lẻo lẻo trần ai chẳng chút reo
Thú này nhân trí đủ trăm chiều.
Dòng oanh nổi nhuỵ xôn chèo khách
Lối tắt len mây bận cánh tiều.
Sương bá sườn non cây điểm phấn
Nước cầm mặt bể đá mòn rêu.
Am thông trước ấu ba xa tá
Đồng vọng bên tai lọt tiếng reo.

Nơi thắng cảnh chùa Hương ngày nay vẫn còn bút tích của hai bài thơ do Trịnh Sâm ngự đề.

Trời vừa hé sáng bước lên thuyền
Khoan khoái chèo lan, ghé bến tiên.
Phong nguyệt thờ ơ bầu ngọc đúc
Giang sơn bỡ ngỡ bức tranh in.
Kìa kìa qui phượng ngong kinh bối
Nọ nọ lân long lắng giáo thiền.
Cảnh lạ thú mầu khôn xiết kể
Thanh kỳ đệ nhất chốn Nam thiên.

Theo sách Trịnh thị gia phả, Trịnh Sâm là con trưởng của Trịnh Doanh. Năm 1767 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28), Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm lên làm chúa, thích thơ văn, hay đi đây đó, đi đến đâu thường làm thơ đề vịnh. Ngày nay người ta tìm thấy rất nhiều tác phẩm thơ văn của Trịnh Sâm, trong đó có những bài thơ đề vịnh bằng chữ Nôm rất nổi tiếng.

Người đời thường nói: Cái đẹp nằm trong con mắt của kẻ si tình. Nhưng cũng phải thừa nhận một điều, khi đứng trước cảnh đẹp của non sông đất nước, tâm hồn ai chẳng cảm thấy rung động, thấy thoát trần, và để rồi ai có tâm hồn thi sĩ mà chẳng thành “thi nhân” trong chốc lát. Nhờ các thi nhân đời trước dẫn đường để rồi ta được đặt chân đến, để rồi ta được sửng sốt trước cảnh đẹp bao la hùng vĩ của đất nước và cũng từ đó mà thêm yêu đất nước mình hơn.

There are no comments yet

Tin khác đã đăng