Trịnh Thị Ngọc Phả ký – Gia phả của Trịnh Đình Trinh
Chúa Trịnh có công hay không có công đối với dân tộc, hãy để cho thời gian và các sử gia đánh giá. Chỉ biết rằng họ Trịnh là một dòng tộc lớn, chẳng những có 11 vị Chúa mà còn có nhiều người đỗ đạt, nhiều người làm quan to và đặc biệt có nhiều người là nhà thơ nổi tiếng, cả về Hán lẫn Nôm. Vì thế việc nghiên cứu dòng họ Trịnh thời Trung Hưng là một việc làm cần thiết.
Khi nghiên cứu về các Chúa Trịnh, chúng tôi quan tâm nhiều đến gia phả, vì ở đây giúp chúng tôi biết nhiều sự thực lịch sử, con người và dân tộc, mà không thể tìm thấy được trong các tài liệu chính thống.
Mùa xuân năm 1994, tôi cùng phó tiến sĩ sử học người Nga V.I An – Tô – Xen – Cô. Dưới sự giúp đỡ của tộc trưởng họ Trịnh ở làng Hưng Giáo, Thanh Oai, Hà Tây là ông Trịnh Hải (Lê Hợp Hải) cử nhân vật lý đã về Đôn thư, Thanh Oai, Hà Tây để sưu tầm gia phả. Tại đây, ở nhà ông Trịnh Đình Vượng chúng tôi đã tìm thấy cuốn gia phả tuy đã cũ, nhưng được cất giữ cẩn thận, chữ viết chân phương, thẳng, đẹp, dễ đọc. Có nhan đề “Trịnh Thị Ngọc phả ký” và bên phải ghi dòng chữ Hà Thanh – Phương Trung – Đôn Thư. Tờ thứ ba ghi rõ : Đôn Thư thôn, Trịnh Đình Trinh gia phả chi – nghĩa là gia phả của Trịnh Đình Trinh thôn Đôn Thư. Tiếp đến là chuyện về thần Quản Gia Đô Bác Đại Vương. Đây là một thần tích về nguồn gốc họ Trịnh mà mở đầu là Trịnh Ra, người Thiên vực Vĩnh Ninh – Thanh Hoá (ứng với đời Đường ).
Chuyện viết hay, hấp dẫn. Sau chuyện Quản Gia Đô Bác Đại Vương có 4 chữ “Kim Toả Thực Lục”. Đây mới là nội dung chính của cuốn gia phả. Tên sách “Kim Toả Thực Lục” chỉ ra rằng, người viết tuân thủ phương pháp – Ghi chép đúng sự thực “Thực lục” và đặc biệt viết về những điều “Thâm cung bí sử” của dòng họ, phải “khoá” lại không để người ngoài biết. Kim toả – chiếc khoá vàng. Chẳng hạn chuyện về cái chết của Trịnh Toàn, con thứ 15 của Văn Tổ Nghị Vương Trịnh Tráng. Gia phả cho biết “Thái uý Ninh quốc công Trịnh Toàn là người trong chuyện quốc nhữ (Truyện Nôm) gọi là Ông Ninh. Khi phụng mệnh Nam chinh Ngài được phong làm tiết chế, mở phủ Dương Oai … được lòng tướng sĩ. Khi Nghị Vương mất (1657) các thủ hạ khuyến khích Ngài làm phản, nhưng Ngài không nghe. Khi đem đội quân chiến thắng về kinh chịu tang cha, bị an trí trong ngục …. Ngài làm tờ xin ban được chết ….”
Rồi các việc khác như con, cháu chúa Trịnh làm phản chẳng hạn Trịnh Nhạc, Trịnh Sầm…bị phế làm thứ dân, chuyện ái nữ Chúa Trịnh tái giá lấy Vua Lê như Trịnh Thị Ngọc Trúc, con của Nghị Vương Trịnh Tráng “trước đã lấy người Hoàng tộc Cường quận công tức là Lê Trụ đã sinh được 4 con. Sau vì Trụ bị hạ ngục, Vương (Trịnh Tráng ) lại đem gả cho Vua Lê Thần Tông (sinh ra Vua Lê Huy Tông) các triều thần nhà Lê là Nguyễn Thực, Nguyễn Danh Thế …. nhiều lần dâng sớ can, nhưng nhà Vua không nghe, lại còn nói : Sự nghiệp đã thành công phải lấy nó làm vợ …. Năm 1654 được lập làm Hoàng Hậu … ”
Nói tóm lại, đây là tập gia phả chứa đựng nhiều tư liệu quí, không chỉ đối với gia tộc họ Trịnh mà còn đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học …. rất cần được dịch và nghiên cứu.
Nhân gia tộc họ Trịnh yêu cầu dịch cuốn gia phả này. Tôi viết đôi lời có tính chất giới thiệu để người đọc lưu tâm và dòng họ lấy làm tư liệu xây dựng phả hệ.
Quí vị có thể xem hoặc download bản file tại đây : PDF hoặc WORD
Hà Nội, Xuân Tân Tị 2001
Tiến sĩ văn học: Nguyễn Đăng Na
Tin khác đã đăng
- Sự nghiệp của các Chúa Trịnh 02/04/2015
- Một số tư liệu lịch sử, gia phả 02/04/2015
- Thời Mạc và Lê Trịnh – gọi chung là thời Lê Trung Hưng (1527-1788) 02/04/2015
- Họ Trịnh và Thăng Long 02/04/2015
- Bút tích của Chúa Trịnh trên danh thắng Thăng Long 02/04/2015
There are no comments yet