Bút tích của chúa Trịnh Sâm ở Ninh Bình



Trịnh Sâm (Tĩnh Đô Vương) (1767-1782) là con trưởng của Trịnh Doanh, sinh năm 1740. Khi mới 5 tuổi đã là Thế tử, ông được hai Tiến sĩ danh tiếng là Dương Công Chú và Nguyễn Hoàn làm tư giảng. Khi lên ngôi chúa, ông là người thông minh, quyết đoán, giỏi thơ văn.

Ông đi nhiều nơi, đến đâu cũng để lại bút tích. Riêng Ninh Bình ông đến nhiều lần và đến nơi nào là đều có thơ hoặc bút tích để lại.

Đến thăm chùa Bàn Long ở thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, Trịnh Sâm đề ba chữ lớn trên vách đá cửa động: “Bàn Long tự”. “Bàn Long” là bệ rồng – bệ đá rồng ngồi. Ông thấy trong động có nhũ đá dáng hình như con rồng ngồi nên gọi là “Bàn Long”. Từ đó chùa có tên là “Bàn Long” do Trịnh Sâm đặt.

Khoảng năm Giáp Ngọ (1774), Trịnh Sâm đã đến thăm chùa Bích Động thuộc thôn Đam Khê Trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Khi đến đây có lẽ nhìn toàn cảnh núi, động, sông nước, đồng ruộng, cây cối đều xanh tươi, chùa như hội tụ nền xanh đó nên ông đặt tên cho chùa là Bích Động (Động Xanh) – cái tên rất đẹp và mộng mơ. Chuyến đi này là tuần hành ở biên giới trở về, qua Ninh Bình, có cả Nguyễn Nghiễm (thân sinh ra đại thi hào Nguyễn Du) đi theo. Trịnh Sâm đã giao cho Nguyễn Nghiễm viết hai chữ Hán “Bích Động” chạm khắc trên vách núi chùa Trung.

Hiện nay, hai chữ Hán “Bích Động” viết theo lối đại tự chân phương, khuôn chữ dài 1,5 m vẫn còn trên sườn núi Bích Động. Biết được điều đó, vì bên chữ “Bích Động” có một dòng chữ nhỏ ghi “Nhật Nam Nguyên chủ đặc bút” (Bút tích của người đứng đầu nước Nhật Nam). Người đứng đầu khi đó là Trịnh Sâm. Lại có chữ “Nguyễn Nghiễm phụng đề” (Nguyễn Nghiễm viết). Được biết, để khắc các chữ này ở trên vách núi cao, những nghệ nhân phải làm ròng rã trong 8 tháng trời mới xong.

Chùa Địch Lộng nằm trong động núi, thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn cũng được chúa Trịnh Sâm đến thăm. Trong động có nhiều nhũ đá đẹp, thay đổi màu theo ánh sáng mặt trời. Nó hồng lúc rạng đông, lấp lánh sáng như pha lê lúc trưa hè và lại đỏ thẫm khi hoàng hôn buông xuống. Chính vì thế, Trịnh Sâm đã vịnh cảnh và cho khắc bài thơ đó vào vách đá:

“Nham sơn bán khải thanh thành mục,

Thạch nhũ toàn nhu bích túc cầu.

Triều thuỷ thiên nhiên thường thướng hạ,

Khê hoa chung cổ tự xuân thu”.

(Cửa núi hé ra xanh xanh như cảnh màn che rủ,

Nhũ đá mềm mại biêng biếc như quả cầu tròn.

Nước thuỷ triều ngàn năm lên xuống,

Hoa trong khe núi đá trải bao thuở xuân thu).

Chúa Trịnh Sâm còn đến thăm Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, đi thuyền qua hang Luồn (Xuyên Thuỷ Động). Khi đến đây, ông đã đặt tên cho hang là “Động Xuyên Sơn”. Đó là vào mùa đông năm Canh Dần (1770), sau khi đi tuần thú cõi Tây (vùng Thanh Hoá trở vào) lúc quay thuyền trở về. Ông còn làm một bài thơ, cho khắc trên vách núi hang Luồn. Hiện nay tấm bia khắc thơ vẫn còn. Bia cao 1,55 m, rộng 2,42 m, cách mặt nước lúc bình thường khoảng 4 m. Tất cả có 13 dòng chữ Hán viết từ phải sang trái, từ trên xuống dưới với tổng 142 chữ, được dịch nghĩa như sau:

“Mùa đông năm Canh Dần (1770) ta đi tuần thú cõi Tây, lúc quay thuyền trở về, đi tắt tới đất Tràng An thăm cảnh Hoa Lư. Ngoảnh nhìn bốn phía núi xanh, một dòng nước biếc, cửa khoá mấy lần, từng bước đều là thành vàng và hào nước nóng. Non sông của ta hùng tráng, hình thắng to lớn này thật là do trời đất tạo nên vậy. Xem dấu vết của triều Đinh thì tường đổ miếu hoang lạnh lùng xơ xác… khiến ta cảm khái làm một bài thơ để tả nỗi lòng:

“Quay thuyền về tới bến Trường Yên,

Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền.

Như tấm lụa chăng, hang giội nước,

Có từng núi mọc, cửa chồng then.

Cố đô đã mấy hồi thay đổi,

Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền.

Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ

Lòng dân đáng sợ chớ nên quên.”

Nhật Nam Nguyên chủ đề

Bề tôi là Cao Đàm vâng mệnh viết chữ

(Thi Nham Đinh Gia Thuyết dịch thơ).

Có thể nói, ở thời đó, những cảnh đẹp nổi tiếng của Ninh Bình, chúa Trịnh Sâm đều đã đến thăm và có bút tích để lại. Các bài thơ khắc trên vách đá của ông vẫn còn, dù trải qua bao độ phong sương, mưa nắng của đất trời, góp phần làm cho cảnh trí ở Ninh Bình thêm phần cổ kính, trang nghiêm, trí tuệ và đẹp hơn bội phần.

There are no comments yet

Tin khác đã đăng