BÀI THƠ NÚI ĐÔI- HÌNH ẢNH NGƯỜI LIỆT NỮ VÀ CHÀNG TRAI HỌ TRỊNH
Bài thơ: Núi Đôi được nhà thơ Vũ Cao sáng tác cuối năm 1956 từ một chuyện tình có thật về con người, cảnh vật…Khi Vũ Cao đóng quân ở huyện Sóc Sơn, ngay cạnh núi Đôi. ( Vũ Cao, 1922-2007, quê Liên Ninh,Vụ Bản, Nam Định)
Theo nhân dân trong vùng kể lại một chuyện tình của một cô gái du kích trong làng yêu một anh trai làng, rồi chàng trai đi bộ đội, khi trở về thì cô gái đã hy sinh. Vũ Cao đã đến thăm ngôi mộ người nữ Liệt sỹ đó ở xóm Chùa, thôn Xuân Đoài ( Xuân Dục- Đoài Đông ) xã Phù Linh, Sóc Sơn. Nghe người dân ở đây kể lại chuyện tình giữa anh bộ đội và cô du kích, cảm hứng đã cho ông làm nên bài thơ Núi Đôi để đời. Không ít các bạn thanh niên và người yêu thơ có bài thơ này trong sổ tay sưu tập thơ của mình. Tất cả các địa danh, con người, tên làng, tên chợ, quang cảnh đều có thật. Hiện phần mộ cô du kích ( trong bài thơ ): Trần Thị Bắc vẫn được chăm sóc, chỉ có anh bộ đội là người yêu của cô thì Vũ Cao không gặp, không rõ còn sống hay đã mất?
Sự đồng cảm kỳ lạ giữa nhà thơ và hình mẫu: Hai ngọn núi Đôi hiện vẫn là một niềm kiêu hãnh của người dân địa phương; Người dân xã Phù Linh đều biết câu chuyện trong bài thơ cùng tên 2 ngọn núi. Hỏi ai cũng đều nhận được câu trả lời: Cô ấy chính là người làng này.
Ngày 21/3/1954, khi dẫn một đoàn cán bộ đi công tác qua Núi Đôi thì cô giao liên Trần Thị Bắc gặp ổ phục kích của địch, cô bị bắt, bịt miệng nhưng vẫn kịp la lớn để đoàn cán bộ biết và chạy thoát. Giặc Pháp tức tối, tra hỏi nhưng không nhận được bất kỳ thông tin nào của người du kích giao liên nên đã xử bắn ngay tại chỗ. Sau đó, đồng đội đã chôn cất cô ở khu vực cầu Cốn, Vệ Sơn xã Tân Minh. Và người ta cũng xác định được nhân vật: “ Anh đi bộ đội sao trên mũ” là người có thật: ông Trịnh Khanh, người cùng xã Phù Linh. Theo lời ông Khanh, ông và cô Bắc quen nhau trong thời gian cô theo học một lớp y tá, cứu thương và đơn vị ông đóng quân gần đó. Là đồng hương nên có nhiều điểm quí mến nhau, đôi trai gái đã hẹn ước, trước khi cô học xong khoá học và quay về Phù Linh.
Năm 1953, hai người gặp nhau và quyết định tổ chức đám cưới ngay tại đơn vị của chú rể. Đám cưới đơn sơ, đại diện họ nhà trai là đơn vị; đại diện họ nhà gái là mẹ của cô Bắc. Vợ chồng sống với nhau được 2 ngày thì chia tay, ông Khanh theo đơn vị lên đường…và cô Bắc ở lại Phù Linh. “ Tôi không ngờ đó là cuộc chia tay vĩnh viễn”. Ông Khanh nhớ lại.
Ba tháng sau ngày cưới, ông Khanh nhận được tin vợ mình đã hy sinh. Đau đớn nhưng biết làm sao, ông tiếp tục theo đơn vị vào những trận đánh mới…
Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết ( 21/7/1954). Một buổi chiều cuối năm 1954, người dân địa phương thấy một anh bộ đội , vai khoác ba lô bước về, không vào làng ngay mà ngồi thẫn thờ bên ngôi mộ chị Bắc ven gò cầu Cốn. Ông Khanh nghẹn ngào: “ Anh ngước nhìn lên hai dốc núi./ Hàng cây, bờ cỏ, con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em”.
Không hiểu vì sao nhà thơ Vũ Cao lại có thể đồng cảm, hiểu tâm trạng của người trong cuộc đến như thế. Ông Khanh nói. Năm 1975, khi đất nước đã thống nhất, ông Khanh mới có dịp tìm, gặp nhà thơ Vũ cao, lúc đó nhà thơ mới bàng hoàng: “ Thế Bắc Có chồng rồi à ?”
Hàng chục năm, sau khi bài thơ ra đời, nhiều bạn đọc lầm tưởng bối cảnh và tình huống trong bài thơ là của chính tác giả. Trong một lần, Vũ Cao nói chuyện ở Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, một cô nữ sinh nước mắt lưng tròng: “ Cháu thương bác quá!!!”./
( Bạn đọc có thể tham khảo bài thơ Núi Đôi để đối chứng)
Tuấn Anh, thực hiện
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet