Hiểu thêm về nhân vật TRỊNH DUY SẢN cuối thời Lê sơ
Cần nhìn nhận lại một số nhân vật giai đoạn này như nhân vật Trịnh Duy Sản với cái nhìn theo quan điểm lịch sử hiện đại.
Tóm tắt: Từ khi Lê Uy Mục lên ngôi (1505), nhà Lê Sơ rơi vào tình trạng khủng hoảng để rồi dẫn đến sự kiện Mạc Đăng Dung giết vua (1527), thay nhà Lê trị vì thiên hạ. Trong hai thập niên này, uy lực của triều đình phong kiến giảm sút trầm trọng. Tôn thất nhà Lê sát hại lẫn nhau ; Công thần chia bè sẻ cánh. Kẻ ưu thời, người mẫn thế. Trắng đen lẫn lộn khó bề suy xét. Công ít, tội nhiều hoặc tội ít, công nhiều ngay trong một công thần. Dẫn đến tình trạng đánh giá chưa chính xác một số nhân vật lịch sử thời nhiễu nhương. Cần nhìn nhận lại một số nhân vật giai đoạn này như nhân vật Trịnh Duy Sản với cái nhìn theo quan điểm lịch sử hiện đại.
Sau khi Lê Thánh Tông mất, hai hoàng thân tiếp tục sự nghiệp của nhà Lê là Lê Tranh (Lê Hiến Tông) và Lê Thuần (Lê Túc Tông) thay nhau kế vị. Về tư chất, đây cũng là những vị tài giỏi [2, tr 7 và 53), có thể làm nên sự nghiệp lớn nhưng tiếc rằng cả hai đều yểu mệnh. Sau khi Túc Tông mất, qua một số thủ đoạn của cung nhân, Lê Tuấn (Lê Uy Mục, anh của Túc Tông) lên nắm quyền bính. Từ đây, lịch sử nhà Lê Sơ rơi vào thời kỳ khủng hoảng vì sự man rợ của vị hoàng đế này.
Khi nắm quyền trong tay, Uy Mục cho người giết chết bà nội vì việc bà không chịu lập ông lên ngôi. Đồng thời giết luôn một số đại thần [2, tr 57]. Man rợ hơn, Uy Mục còn ra lệnh cho giết hết những người Chiêm Thành bị bắt làm gia nô trong điền trang của các thế gia, công thần [2, tr 70]; đêm nào cũng cùng với cung nhân uống rượu. Đến khi say thì giết chết hết sức tàn bạo [2, tr 59]. Sứ thần nhà Minh gọi Uy Mục là Quỷ vương [2, tr 57]. Năm 1509, Lê Oanh (Lê Tương Dực) giết Uy Mục để soán ngôi vua.
Những năm đầu trị vì thiên hạ, Tương Dực cũng có vài đóng góp thể hiện sự cố gắng vực dậy đất nước đang suy tàn [2, tr 81]. Được vài năm, Tương Dực bỏ bê việc nước, ăn chơi sa đọa, nghĩ ra nhiều trò tiêu khiển quái đản, không nghe lời phải, đánh đập đại thần khiến triều đình chia nhiều phe phái, thiên hạ loạn ly. Người xưa gọi Tương Dực là vua Lợn [2, tr 120]. Một số đại thần trong triều đã hợp sức giết Tương Dực [2, tr 118]. Chính quyền nhà Lê đi vào con đường tàn vong để rồi không bao lâu sau, triều chính rơi vào nhà Mạc.
Tính từ khi Uy Mục lên ngôi (1505) đến khi Mạc Đăng Dung nắm quyền bính vương triều (1527) khoảng hơn 20 năm. Trong hơn hai mươi năm ấy có rất nhiều biến loạn. Vua Chiêu Tông thì nghe lời dèm pha giết công thần. Bề tôi Nguyễn Kính thì đem quân về kinh đô đánh đuổi vua. Nội bộ công thần lục đục dẫn đến tình trạng đem quân đánh nhau như Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy. Vua không sai bảo được quần thần Nguyễn Hoằng Dụ khi gặp nạn. Nhân cơ hội triều đình rối loạn, nhiều vị quan lại đứng lên chống vua như Trần Cảo, Trần Tuân v.v.. [1, 238, 239, 240]. Mạc Đăng Dung, quan to trong triều, nảy sinh mưu đồ để cướp ngôi…[1, tr 257, 258].
Vào cái thời loạn lạc này, việc nhìn nhận, đánh giá các nhân vật lịch sử thật không hề dễ dàng. Bản thân họ cũng đầy mâu thuẫn. Công và tội rất khó minh định. Sử cũ gọi Mạc Đăng Dung là nghịch thần, gọi triều Mạc là ngụy triều. Những người giết ông vua lợn Lê Tương Dực cũng bị gọi là nghịch thần. Ông Trịnh Duy Sản là một trong số đó. Thiết nghĩ, việc định công luận tội, gỡ oan cho một số nhân vật lịch sử bấy giờ là việc làm cần thiết, mang tinh thần nhân văn của chúng ta ngày nay.
Trịnh Duy Sản là cháu nội của Bình Ngô khai quốc Công thần, Thái uý An quốc công Trịnh Khắc Phục (trong Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn ghi nhầm Trịnh Khắc Phục là Trịnh Khả), ngoại thích của Lê Thái Tổ [3]. Ông tham gia chính sự triều Lê từ khi Lê Tương Dực chưa lên ngôi. Suốt thời kì tham gia triều chính, ông luôn luôn giữ chức vụ trọng yếu, được các vua Lê tin dùng.
Năm Hồng Thuận thứ 2 (1510), ông được vua Lê Tương Dực phong làm Mỹ Huệ hầu. Nhờ lập được công lớn trong dẹp loạn Trần Tuân ở Sơn Tây, ông được thăng tước Nguyên Quận công, giao cho trông coi vệ Cẩm y. Tiếp đó, ông lại dẹp được loạn Lê Hi, Lê Minh Triệt ở Nghệ An (1512) và loạn Phùng Chương ở núi Tam Đảo (1515) [1, tr 229]
Buổi đầu lên ngôi, Lê Tương Dực ban hành giáo hoá, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp. Về sau, vua chuyên làm điều thất đức. Sử sách còn ghi chép rất nhiều.
Trịnh Duy Sản và mẹ vua Lê Tương Dực là anh em thúc bá [3]. Ngoài là việc nước, trong là tình nhà, ông nhiều lần can gián nhưng trái với ý nhà vua, bị phạt trượng (như vậy là cháu đánh cậu). Tương Dực ngày một ăn chơi truỵ lạc, gian dâm với cung nhân thời trước (cho nên sử sách mới gọi Lê Tương Dực là “vua lợn”) ; giết hại 15 vương công ; cho xây Cửu trùng đài hoang phí nhiều đến tiền của và sức lực, … Nhân dân cực khổ trăm bề, triều chính lục đục, các thế lực phong kiến địa phương nổi loạn … Những hành động của Lê Tương Dực làm cho nhà Lê suy vong, tạo điều kiện cho Mạc đăng Dung cướp ngôi sau này. Can gián vua nhiều lần không được, vì lợi ích của Lê triều và sự hưng thịnh của xã tắc, Trịnh Duy Sản đã cùng với Thái sư Lê Quảng Độ, Thượng thư Trình Chí Sâm … giết Lê Tương Dực [1, tr 230]. Lê Chiêu Tông lên ngôi, ông lại tiếp tục giúp vua Lê kinh bang tế thế.
Trần Cảo trộm chiếm kinh thành, vua Lê Chiêu Tông sai ông thống lĩnh quân thuỷ bộ tiến đánh. Trong triều, một số công thần gây biến loạn. Đang đánh giặc ở Chí Linh, ông đành phái một bộ phận binh tướng về trấn an. Đạo quân dẹp loạn của ông bị phân tán lực lượng nên ông thua trận và hi sinh. Bấy giờ là vào khoảng cuối năm 1516 [1, tr 237]. Trong suốt thời kì làm quan, Trịnh Duy Sản luôn hết lòng vì dân vì nước. Trong một bài Hán văn ông viết để uý lạo tướng sĩ khi dẹp loạn Trần Cảo, được nhà bác học Lê Quí Đôn khen “Lời lẽ rất thống thiết, bậc thức giả cho là lạ”, có câu :
Dưới là mong : cứu dân đen thoát khỏi tai ương
Trên là muốn : đặt xã tắc vững như bàn thạch. [1, tr 233]
Câu này đã thể hiện nghĩa vụ “trí quân trạch dân”(vừa giúp vua vừa làm cho dân được nhờ) của ông. Phải chăng, với quan điểm cũ, với chữ trung thời phong kiến và còn nhiều điều tế nhị khác, nhà Sử học Lê Quý Đôn khi viết Đại Việt thông sử, đã xếp Trịnh Duy Sản vào hàng nghịch thần (bề tôi phản nghịch), ngang với Trần Tuân, Trần Cảo và Lương Nhữ Hốt (kẻ theo giặc Minh chống lại cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi)… Tuy nhiên, nhìn vào câu chữ, ta lại thấy Lê Quí Đôn đã ngầm chứa nhiều lời ngợi ca, thán phục Trịnh Duy Sản [1, tr 230, 231, 232]. Đấy là cách viết sử của nhà Sử học đủ tài năng, đầy bản lĩnh và xem trọng sự thực, khách quan.
Trung với Lê Tương Dực, một ông vua hại dân sẽ nối dáo cho hành động hại dân của vua. Kiểu trung ấy người xưa gọi là ngu trung. Phế Lê Tương Dực là một hành động sáng suốt, hành động vì nước, vì dân. Truất Lê Tương Dực, Trịnh Duy Sản để tôn thất nhà Lê lên làm vua chứ ông không hề tiếm đoạt ngai vàng. Vì vậy, không nên xem ông là kẻ phản nghịch.
Cần có cái nhìn theo một quan điểm mới của lịch sử. Mong các nhà viết sử hiện nay khi tiếp thu các tài liệu cũ cần tra cứu và nhìn theo cách nhìn của người hiện đại.
———————————-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Quý Đôn toàn tập, Đại Việt thông sử tập 3. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1978.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư tập 3. Nxb Văn hóa-Thông tin. Hà Nội, năm 2000.
[3] Gia phả họ Trịnh, dòng Trịnh Khắc Phục (bản Hán văn và Việt văn) ở thôn Vân Đô, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Trịnh Duy Tuân
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet